Bả phồn hoa của không rõ, do Nhượng Tống dịch
Hồi thứ mười bẩy

HỒI THỨ MƯỜI BẨY

La trinh-thám bỏ tiền nhờ việc
Hanh luật-sư cãi án cứu người

Khi chàng đến sở Cảnh-sát, xem mặt các người bị bắt thì thấy vừa trai vừa gái, ai nấy đều áo quần bảnh-bao, hình dong chải-chuốt, thì ra một nhà chứa thổ lậu, chứ chẳng có ai là Quan-đoàn cả. Chàng đứng ngẩn người ra, chú mắt nhìn vào một mụ già trong bọn thì thấy quen mặt lắm. Trong lòng bỗng nẩy ra một kế, sẽ bảo thầm người trong sở Cảnh-sát đem lấy cung riêng từng người một, rồi quay lại hỏi mụ già rằng:

— Mụ có biết ta là ai không? Mụ già đáp:

— Thưa có! Ông ngày trước vẫn thấy đi với ông Doãn-Giác-Chi đến nhà tôi, tôi vẫn còn nhớ. La nói;

— Phải! Bấy giờ mụ làm nghề chứa thổ lậu. Bây giờ vẫn chưa bỏ à? Sao lại dọn nhà đến đây? Mụ già toan chối, song biết chối không xong, liền khóc lóc xin La tha tội. La mỉm cười mà nói:

— Cái ấy hãy khoan đã. Cái nhà mụ ở bây giờ đó, có phải người đứng bao cho mụ là Tạ-Thiếu-My không? Ta trông thấy ngoài có đề mấy chữ « Chỗ ở của họ Tạ » mà? Có thế nào cứ nói thật! Mụ già nói:

— Thưa không! Tôi không biết Tạ-Thiếu-My là ai cả. Cái nhà ấy là của ông Doãn-Giác-Chi đứng bao cho tôi để thuỷnh thoảng giắt gái đến đấy, còn họ Tạ là họ chồng tôi. Tôi ở đâu cũng treo cái biển ấy, ông không nhớ ngày trước cũng vẫn có hay sao? La nghe nói đến đấy, mới biết mình nhận nhầm. Nhưng lại nghĩ: Giác-Chi đã chịu bỏ tiền thuê nhà cho bọn nhà thổ ở không, để tiện chỗ đưa gái đến, thì có lẽ đứa tình-nhân của nó chính là con Quan Đoàn nên mới chịu tốn kém như thế. Được! Để ta xem cho con mụ này. Nghĩ thế rồi liền gật đầu mà rằng:

— Mụ nói ta cũng tin. Thế nhưng mụ muốn ta cứu cho thì phải đem tấm lòng ăn ở với Giác-Chi trước kia, ăn ở lại với ta mới được Nếu được thế sau này ta còn giúp cho mụ mấy món-tiêu! Mụ già nói:

— Thưa vâng! Nếu ông rón tay làm phúc cho thì sau này ông bảo thế nào tôi xin vâng thế. La gật đầu, bấm bụng biết tội chứa thổ-lậu chẳng qua phạt tiền, liền thu xếp ít tiền, nói với sở Cảnh-sát nộp phạt hộ cho mụ già ra. Còn các người khác cũng nộp phạt rồi ra tất cả. Khi ra khỏi sở Cảnh-sát rồi, La đưa mụ-già về chỗ trọ, đem lời nói ngọt yên ủi, rồi nói rõ cái án Lý-Hoa mất vợ cho nghe, dặn dò hỏi hộ xem sao? Mụ-già đoan xin sẽ hết sức để đền ơn. La lại đưa cho ít tiền và dặn-dò những mánh-khóe trong án. Mụ-già mừng cuống quít, tự nghĩ xưa nay chưa bao giờ có việc kỳ-ngộ như thế, vội vàng cảm-tạ rồi từ biệt ra về.

Từ khi Lý-Hoa vào ngục, chàng chạy xuôi chạy ngược mãi mà vẫn chưa sao cứu được ra, liền đến nhà một người Luật-sư là Hanh-Kiều, thuê cãi hộ cho Lý. Bấy giờ Lương-Tâm-Vân ở xa đã về, thu xếp việc riêng xong liền đến thăm La. Đôi bên gặp nhau, vừa mừng vừa tủi. Hàn huyên một lúc, La liền hỏi Tâm-Vân rằng:

— Hôm nọ trong thư ông có nói mới nghe được một tin lạ, chẳng hay tin ấy là tin gì? Lương nói:

— Cái tin thằng Úy-Nùng phát điên, ông đã biết chưa? Tôi có người bạn là Trần-Thúc-Bằng, lúc đi có dặn hắn hễ có tin tức gì về Úy-Nùng, Giác-Chi và Thiếu-My thì viết giấy cho tôi biết ngay. Mới rồi hắn có viết thư, báo tin Úy-Nùng đã vào nhà thương-điên đến non một tháng. Ai ngờ ông ở liền ngay đây mà lại không biết. La nghe nói ngạc-nhiên, đương tính hỏi lại thì bỗng có tiếng chuông giây-nói gọi. Chàng đứng lên nghe thì ra người ở tòa án báo tin cho chàng biết rằng: Đêm hôm qua Lý-Hoa tự tử, may có người biết nên cứu được khỏi chết. Vì cớ ấy, quan tòa định đem việc Lý xử ngay vào buổi sáng hôm sau. Chàng nghe xong, thuật lại cho Tâm-Vân hay. Hai người cùng nhìn nhau thở-dài, một lúc lâu không nói câu gì cả

Sáng hôm sau, đã đến ngày xử án. Trước tòa án, người đông như đám hội. La-Lăng cùng Tâm-Vân chen mãi mới tìm được một chỗ ngồi. Giờ đã đến, mọi người đều đứng im. Quan tòa vào ngồi, cảnh-sát dẫn Lý-Hoa đến bên ghế bị-cáo. Trước hết quan tòa hỏi tên họ, quê-quán, niên-canh và nghề-nghiệp. Lý đứng rậy đáp lại hết cả.

Quan-tòa lại hỏi:

— Có người cung cho anh chứa chấp bọn giặc bể, thông đồng với nó làm việc phi-pháp, anh có nhận không? Lý chưa kịp đáp thì thày-cãi là Hanh-Kiều đã đứng lên nói rằng:

— Phạm-tội phải có địa-điểm, cung-khai phải có chủ-danh thông đồng phải có nhiều người. Trước khi hỏi xin quan lớn cho biết rõ ba điều đó đã. Quan-tòa nói:

— Chủ-danh cung khai việc đó là Ngao-Bưu, các quan ở đường trong bấy lâu vẫn treo giải bắt nó. Mới đây nó đánh cướp một cái tầu buôn, đương-đường bị bắt. Cứ lời nó cung thì nó cùng Lý-Hoa quen biết đã lâu, vẫn họp bọn để đi ăn cướp. Vì Lý-Hoa yếu ớt, nên chỉ nhận có việc chủ-chứa để cùng chia tang-vật mà thôi. Trước sau có đồng mưu làm nhiều việc hại trị an, trái pháp luật. Bản-chức tuy chưa chắc Lý-Hoa đã có tội, song cứ lời nó cung khai như thế tất phải bắt giam để xét hỏi xem sao. Thầy cãi nói:

— Vậy xin đem Ngao-Bưu ra đây để cùng nhau đối-chất. Quan-Tòa mỉm cười mà nói:

— Việc ấy hãy khoan đã. Tôi muốn thày hãy đem những chỗ cãi-bênh cho kẻ bị cáo thuật qua một lượt cho tôi nghe. Thày-cãi liền đứng lên cãi trong một tiếng đồng-hồ, kết luận Lý-Hoa là vô-tội, mà tên Ngao-Bưu tất là hoặc vì thù riêng, hoặc vì có người chỉ-sử nên cung liều ra như thế. Quan-tòa bẻ bác lại mấy câu rồi cùng các viên bồi-thẩm vào buồng riêng để bàn định. Đến lúc ra, sẽ bảo cảnh-sát giải Ngao-Bưu ra để đối chất; lại sai hơn mười người lính đều ăn mặc giả như Lý-Hoa tất cả, để xem Ngao-Bưu nhận diện có đúng không. Một lúc, hơn chục tên ngục tốt đã giải Ngao-Bưu ra, mọi người chú mắt nhìn xem thì thấy nó đầu to râu rậm, mắt nghịch tóc bù, cánh tay còn đeo cái vòng-ngọc, bước chân vào trong tòa mà vênh váo như không trông thấy ai vậy. Vào đến nơi, quan-tòa chỉ cho nhận diện, thì không biết vì sao, nó lại nắm ngay tay Lý-Hoa « chính-hiệu », vừa cười vừa nói:

— Ấy kìa anh cả Lý! Bấy lâu vẫn mạnh khỏe đấy chứ! Mọi người thấy vậy, đều giật mình cho Lý, còn Lý thì hai mắt đỏ ngầu, vừa khóc vừa nói:

— Thằng giặc già kia? Tao với mày có quen biết bao giờ, có thù oán gì nhau mà mày lại hãm hại tao như thế? Ngao-Bưu cười ha-hả mà nói:

— Thôi đi bác! Đừng vờ-vẫn nữa! Nói thế rồi vanh vách kể một hồi những là đánh cướp chuyến kia, quân tang ngày nọ, nói rất là minh bạch rõ ràng. Thày-cãi không đợi cho nói hết, vội gạt đi mà rằng:

— Đó toàn là những chuyện hư-không đặt-đỗi nên nhời. Đã nói là cùng họp bọn với nhau trong hai năm trời, thì hoặc tang vật, hoặc tự-tích, hoặc kẻ chứng kiến, thiếu gì cái có thể làm bằng-cớ được. Còn như nói mà không có bằng-cớ thì có ai tin. Mọi người nghe câu ấy đã mừng thầm cho Lý-Hoa. Ai ngờ Ngao-Bưu nghe xong, lại nhìn vào mặt thày cãi rồi cười khẩy mà đáp:

— Tang vật, chúng tôi là bọn giang-hồ, tiền đến tiêu trắng tay ngay, còn gì là tang vật? Kẻ chứng kiến, bấy giờ tụ tập với nhau cùng đi kiếm chác, được tiền rồi mỗi người mỗi ngả, biết họ đâu mà tìm kiếm bây giờ? Còn như tự-tích thì... Vừa nói vừa móc túi lấy ra một mảnh giấy đã cũ và nói tiếp:

— ... Thì đây!... Thày cãi vội cầm lấy đưa cho Lý-Hoa. Lý-Hoa trước vẫn điềm-nhiên, ai ngờ vừa trông vào thì nét mặt tái hẳn như người chết. Thày-cãi thấy vậy, quay lại mà nói:

— Đừng sợ! Muôn việc đã có tôi-đây liệu. Cứ nói thật, mảnh giấy ấy có phải tự tay ông viết không? Lý bàng hoàng mà rằng:

— Chữ thì chữ tôi, nhưng viết thì không phải viết cho nó. Thày cãi gật đầu, cầm lấy mảnh giấy đưa cho quan-tòa. Quan-tòa cầm lấy xem, thì trong thư đại-khái nói rằng:

« Chuyến này có được việc gì không? Mong mỏi mãi mà sao không viết thư cho biết, hay là có cớ khác chăng? Các anh em vẫn bình yên như thường. Tôi nghĩ việc dù kín đáo, song tai vách mạch rừng, giắt nhau xuống giếng, cũng là sự có thể có được. Trong ba ngày mà không trả lời thì tôi sẽ đi đấy. Ta lại gặp nhau ở chỗ hẹn cũ.

Nay kính: Danh-Tại-Tâm »

Quan-toà xem xong, gấp mảnh giấy cất đi để làm bằng cớ rồi lại hỏi Lý-Hoa về lai lịch mảnh giấy ấy. Lý-Hoa nói mảnh giấy ấy là viết gửi cho một người anh họ. Song hỏi sao lại viết như thế thì chỉ khóc chứ không chịu nói. Thày cãi liền đứng lên xin hoãn cái án ấy mà cho cùng xét với cái án « mất vợ », vì rằng án tình còn nhiều chỗ khả-nghi lắm, hoặc giả đem xét thông cả hai án làm một thì mới có thể rõ được chăng. Quan-toà lại vào phòng riêng bàn bạc với các viên bồi thẩm, rồi chuẩn cho lời thày-cãi xin. Thế là xong phiên tòa. Cảnh-sát lại giải Ngao-Bưu cùng Lý-Hoa vào ngục. Mọi người đều tan tác ra về cả. Lúc lên xe, người thày cãi ngảnh lại La-Lăng mà nói:

— Việc trong toà, tôi xin nhận. Còn việc ngoài tòa, ông cố lo liệu. Cái nghĩa vụ đối với bạn, chúng ta chia nhau ra mà làm...