Vạn Quyển Thư Lâu
BẢ PHỒN HOA

DỊCH GIẢ: Nhượng Tống



Quyển thứ tư
Giá 0$10
 

HỒI THỨ XVI

Oan thêm oan, Lý-Hoa vào ngục
Nhầm càng nhầm, cảnh sát bắt người

Lý-Hoa về nhà ít lâu, thì tiếp được thư của Thiếu-My nói đã mượn người khác giúp việc chứ không dùng chàng nữa Nhà nghèo mất việc làm, chàng nghĩ đương buồn cả ruột. Trong lúc ấy thì tiếp được thư của La-Lăng. Vội vàng đi giật tạm các ông chú, bà bác, được mấy trăm đồng, rồi thưa với mẹ xin phép lại ra Hương-cảng. Đến nơi, tìm được chỗ trọ rồi, liền đến thăm La-Lăng. Hai người gặp nhau, trong lòng tưởng có muôn nghìn câu muốn nói mà thành thử ra ngồi nhìn nhau không nói câu gì cả. Hồi lâu La mới thuật lại những công-việc sau khi cách mặt cho Lý nghe. Lý tức giận vô-cùng, vội hỏi đến việc dò Doãn-Giác-chi. La kể lại cặn kẽ rồi lắc đầu mà rằng:

Tôi tưởng sắm mồi-vàng để rử cá-ngao, ai ngờ lại vớ được con lươn chết! Nay ông đã không làm với Thiếu-Mỵ nữa, thì đã định tìm việc ở đâu chưa? Sao không bàn với Tâm-Vân? Sự đó cũng là sự cần. Lý-Hoa nói:

— Tâm-vân ấy ư? Độ trước vẫn thấy viết thư cho tôi, song ít lâu nay thì thấy vắng hẳn. Hôm qua tôi có gặp một người làm ở Đào-hoa-quán, hỏi thăm thì họ nói Tâm-vân phải đi thu tiền ở các nơi khác, chưa biết bao giờ về. Hai người lại nói chuyện với nhau một hồi lâu, bấy giờ mới từ biệt.

Hôm sau, Doãn-Giác-chi đã được tòa xử cho trắng án. Việc đó phần thì nhờ thày-cãi giỏi, phần thì nhờ La-Lăng là nguyên cáo, quyết tình bỏ lảng, Ai ngờ cái cửa ngục vô tình kia, Giác-chi vừa bước ra thì Lý-Hoa đã lại bước vào.

Một hôm sáng sớm, La-Lăng còn nằm trong chăn, thì bỗng nghe có tiếng đập cửa rất rữ. Vội vàng chạy ra thì tiếp được một cái giây thép, trong chỉ có mấy chữ: « Tôi bị bắt: Lý-Hoa ». Chàng được tin rụng rời đổ đốt, vội vàng rửa mặt rồi thuê xe ra ngay tòa-án, hỏi thăm một người thư-ký chàng vẫn quen để hỏi xem Lý-Hoa bị bắt vì việc gì....

Người thư-ký ngẫm nghĩ một chút, rồi đứng rậy lấy ra một tập giấy, viết bằng chữ Anh, vừa đọc vừa dịch ra rằng:

— « Lý-Hoa quê ở Tăng-thành, làm thuê ở cửa hàng Đào-hoa-quán, song cái mục đích kiếm lợi thì chưa chắc đã ở sự làm thuê. Gần đây sở mật-thám có bắt được tên Ngao-Bưu là một tên giặc-bể có tiếng ở miền Dương-giang. Tên này can án đã nhiều lần, quan trên tra tấn mấy chục thứ nó mới cung ra Lý-Hoa. Cứ lời nó thì hồi năm ngoái và đầu năm, những việc cướp nhà buôn nọ, giết viên quan kia, đều là do Lý-Hoa chủ sử cả. Lý lại còn làm chủ chứa cho những bọn giặc cỏ ở gần miền Tăng-giang. Còn miền Dương-giang thì do Ngao làm tướng mà nhờ Lý giúp đỡ cho mặt khí-giới tiền-lương. Hai người đối với nhau, chẳng khác gì hai nhà buôn hợp cổ để cùng buôn bán. Từ khi Ngao bị bắt, vốn không muốn xưng ra các bạn đồng-chí. Chỉ vì mấy lần viết thư mượn tiền mà Lý không thèm trả lời cho nên mới xưng ra cho bõ ghét, và mong nhân đó mình cũng được nhẹ tội đi chăng?... » La-Lăng ngồi lẳng lặng, nghe người thư-ký đọc xong, trong lòng tức uất lên, không nói được câu gì, cất mũ chào rồi ra cửa lên xe đi thẳng. Chàng vừa đi vừa tự nghĩ; Thiên-hạ lại có việc oan ức đến thế! Một thằng trói con gà không nổi mà chúng cũng vu cho cái tiếng ăn cướp làm giặc! Việc này tất là có đứa xuýt cho nó cung bậy. Ta lại phải dò xét cho bằng được mới nghe. Nghĩ đến đấy thì đã thoáng trông thấy mụ Hai-Trương ở bên đường, vội vàng bảo xe đỗ xuống bên cạnh rồi sẽ cất tiếng mà hỏi:

— Lâu nay không thấy lại, có dò được tin gì lạ không? Mụ già cười gằn mà rằng:

— Tôi đương tính đi tìm ông. Hôm qua đi ăn xin, thấy cặp trai gái ấy giắt tay nhau đi ở ngoài phố. Vừa đi vừa thuỷnh thoảng nhìn lại đàng sau, hình như sợ có người đi theo Tôi liền đi theo tót ngay. Được mấy phố thì hình như nó hơi biết, liền lẩn vào trong một cái ngõ vắng. Ngõ ấy không có mấy nhà ở. Tôi tuy không trông rõ nó vào nhà nào, nhưng có thể hỏi dò ra được. Ông có đi tôi xin chỉ đường. Chàng gật đầu, móc túi trả tiền xe rồi đưa mụ già đến một cái hàng nước, sẽ bảo rằng:

— Tôi nhiều người biết mặt lắm, đi với mụ không tiện. Vậy ngồi đợi đây, mụ ra chỗ ấy dò lại, có thế nào thì lại bảo ngay. Mụ già gật đầu ra đi. Đi độ nửa tiếng đồng hồ thì đã thấy về, lên tiếng đằng hắng ra hiệu cho chàng biết. La trả tiền nước rồi bước ra, thì thấy mụ già bồ hôi, bồ kê nhễ nhại, vừa thở vừa nói:

— Ông đi ngay với tôi! Chàng gật đầu theo đi. Đường gần, đi độ mươi phút đã đến. Chàng trông ra thì là ngõ Lan-Quế. Trước mặt có một cái biển sơn đen thiếp vàng đề mấy chữ rằng: « Chỗ trọ của họ Tạ » Mụ già sẽ ghé tai chàng mà bảo:

— Tôi vâng lời ông, vừa sang đến nơi, đương tính bỏ cái thúng khâu xuống thì thấy có hai cái kiệu chạy vùn vụt đỗ xuống trước cửa. Cặp trai gái ấy ăn mặc thật chững, ở trong kiệu vén mành bước ra là bước thẳng ngay lên trên gác. Tôi vội vàng về tìm ông. Thật là « Dịp đâu may mắn lạ nhường »... Ông nên hạ-thủ ngay đi thôi. La điềm-nhiên, không muốn làm hấp tấp, nhân chạy sang các nhà ở bên để dò hỏi tin tức. Họ nói: nhà ấy đến ở mới độ một tuần lễ. Vợ chồng trẻ ăn ở với nhau tử-tế lắm; chủ nhà đầy tớ tất cả có bốn người Thế nhưng ham mê khoái lạc quá, xem hát, xem chớp-bóng, vợ chồng thường lấy ngày làm đêm, cho nên tôi tớ thường vẫn oán thán. La nhớ lấy những lời ấy rồi thuê xe về ngay nhà, gọi giây nói đến sở cảnh-sát, bảo anh em đồng sự phái hai người đến canh suốt ngày đêm cái nhà mới làm ở ngõ Lan-Quế. Xong đó đến cửa hàng của người em Lương-Tâm-Vân ở để hỏi thăm tin tức Tâm-Vân. Người nhà hàng đưa ra một bức thư của Tâm-Vân nhờ chuyển-giao cho chàng. Chàng bóc ra xem. Trong thư đại ý nói: « Nay mai sẽ về đến nơi, có nghe được tin hơi lạ để khi gặp mặt sẽ thuật lại ». Chàng cám ơn rồi về nhà. Cách đó hai hôm, chàng vừa ngủ rậy thì đã thấy giây nói ở sở cảnh-sát gọi. Chàng chạy ra nghe, vừa nghe vừa dậm chân ra dáng tức tối lắm. Thì ra hai người cảnh-sát canh cái nhà ở ngõ Lan-Quế, đêm thứ nhất không thấy chi hết, đêm thứ hai thấy có nhiều người hội họp, vội vàng đi gọi các đồng-bạn, túm vào bắt được một xâu dài vừa trai vừa gái Hiện còn giam cả ở sở Cảnh-sát, đợi La đến lấy chứng-cớ để làm tội. La nghe xong, hậm-hực mà nói:

— Thế mới biết việc gì không phải tay mình làm lấy là chẳng ra gì cả. Ta chỉ cốt có một đôi trai gái lạ mặt, sao họ lại bắt ra những một xâu-dài? Nói thế thì nói song lòng chàng thì đinh ninh còn mong rằng trong số đó có được con « Hồ-tinh-mặt-ngọc ».