Ðứa con đầu lòng
của Thạch Lam

Tân nhớ lại một cách rõ ràng những giờ chàng chờ đợi trong căn phòng ở hộ sinh viện. Thì giờ lúc ấy sao hình như đi chậm thế! Tân tưởng cái buổi ấy kéo dài r a mãi không bao giờ hết. Chàng nóng ruột như lửa đốt, đi đi lại lại trong phòng, ngồi xuống chiếc ghế ở bên tường một lát rồi lại đứng dậy. Chàng đưa mắt nhìn qua những bàn ghế giản dị và sơn trắng, xếp đặt một cách gọn ghẽ. Rồi chàng chăm chú nhìn cái cánh cửa đóng ở góc phòng. Bên kia cánh cửa, vợ chàng đang chờ đợi cái bí mật lạ lùng của sự sinh nở. Thỉnh thỏang cửa phòng hé mở, một cô đỡ mặc áo trắng rón rén bước ra. Tân thoáng nghe thấy những tiếng kêu khẽ và đau đớn. Chàng để ý dò xét nét mặt của cô đỡ nhưng vẫn thấy cô ta bình tĩnh như thường, nhẹ nhàng đi ra ngoài lấy chai nước hay cái khăn mặt.

Rồi cuộc chờ đợi khó chịu ấy hết. Tân nghe thấy mấy tiếng kêu thét trong phòng bên đưa sang, tiếp đến tiếng trẻ con khóc. Một lát, cánh cửa phòng mở rộng, một cô đỡ ghé đầu ra ngoài mỉm cười:

- Mời ông vào. Xong cả rồi.

Tân theo cô ta bước vào trong phòng. Chàng thấy mấy cô đỡ xúm xít chung quanh cái nôi mây và thoáng nhìn thấy giữa đống vải trắng một vật gì đỏ nõn đang động đậy. Tân đến gần bên giường. Vợ chàng nằm ngả đầu trên gối trắng, nét mặt xanh xao và mệt nhọc. Nhưng hai con mắt sáng lên như vui mừng nhận thấy chàng.

Trong gian phòng yên lặng vẫn phảng phất cái không khí của một sự bí mật gì quan trọng. Các cô đỡ nói với nhau khe khẽ. Tân ngồi xuống cái ghế đầu giường, cầm lấy tay vợ. Chàng thấy bàn tay lạnh và ướt đẫm mồ hôi.

Bà đỡ chính đã lót xong tã cho đứa bé, đưa đến trước mặt Tân, vui vẻ nói :

- Ông xem cô bé có khỏe không? Được hơn ba cân rưỡi đấy.

Trong khi vợ chàng giơ tay ra đón lấy đứa con một cách âu yếm và nâng niu, Tân tò mò ngắm nhìn cái đầu bé phủ tóc đen và mượt. Chàng thấy một cảm tưởng lạ, không rõ rệt, nẩy nở trong lòng. Nhưng cái rúm thịt động đậy, cái mầm sống nhỏ mọn và yếu ớt kia hình như không có một chút liên lạc gì với chàng cả. Tân không thấy cảm động như chàng tưởng, và cũng không thấy có một cảm tình gì đối với đứa con mới đẻ.

Một tuần lễ sau ở nhà, Tân thấy vợ và vú em bận rộn rối rít như mỗi khi sắp đến ngày giỗ. Hai người suốt cả buổi chỉ ngồi cắt và khâu những cái áo con con, đan những đôi tất xinh xinh và sửa soạn cái nôi mây. Những công việc đó, Tân thấy hay hay, nhưng chàng không để tâm đến. Thỉnh thỏang chàng mới thoáng chú ý một chút đến đứa bé mà chàng thấy lúc nào cũng quấn kín trong miếng vải trắng và nhắm mắt ngủ kỹ.

Một buổi sáng, khi sắp sửa đi làm, Tân thấy vợ gọi:

- Này cậu, lại mà xem, hay quá.

Tân cúi xuống giường vợ chàng đương ngồi, và hai tay giữ chân đứa bé đặt nằm trước mặt. Hai bàn tay nhỏ nhắn của đứa bé đang cọ quậy, giơ lên giơ xuống, hai con mắt bé lờ đờ, như hơi gạc nhiên nhìn.

Vợ chàng sung sướng hỏi:

- Có phải nó nhớn hơn hôm nọ nhiều không?

Nàng giơ ngón tay cho đứa bé nắm rồi tiếp:

- Này, cậu xem nó nắm chặt chưa này!

Tân cũng cầm lấy tay đứa bé, đáp:

- Ừ...Nhưng sao cái đầu nó dài thế nhỉ. Tôi trông nó thế nào ấy.

- Nó còn bé thì nó thế chứ sao.

- Mà hình như một mắt to, một mắt nhỏ.

Vợ Tân ra ý không bằng lòng, cãi lại:

- Không, hai mắt nó bằng nhau đấy chứ. Cậu chỉ hay chê nó thôi.

Rồi nàng bế đứa con lên lòng, âu yếm cho bú.

Dần dần Tân cũng quen với đứa trẻ lặng lẽ sống bên mình. Mỗi lần đi về, Tân lại đến cạnh cái nôi, vén tấm màn trắng lên và nhìn một lát đứa bé nằm trong đó vẫn hai tay cọ quậy và con mắt lờ đờ nhìn mọi vật. Tuy vậy, Tân không nhận thấy rõ rệt cái liên lạc gì với đứa trẻ. Vả lại chàng cũng không nghĩ sâu xa gì về sự đó, chỉ thoáng qua trong trí mà thôi.

Một lần, chàng đang ngồi làm việc ở bàn giấy thì nghe tiếng vợ tắm cho đứa bé ở trong buồng. Vợ chàng gọi:

- Cậu vào đây hộ tôi một tý.

Tân quay mặt vào phía buồng, đáp:

- Con sen đâu, sao không gọi nó?

- Nó còn bận giặt ngoài kia. Thì cậu vào hộ tôi một tí có làm sao. Giữ hộ tôi cái đầu để tôi tắm cho nó thôi mà.

Tân ngần ngại bỏ dở công việc:

- Nào thì vào!

Rồi chàng vào trong buồng ngồi xuống bên cái chậu, hai tay giữ lấy đầu đứa bé. Vợ chàng nói lấy lòng:

- Cậu chỉ cầm một tý thôi. Tôi tắm cho nó xong ngay bây giờ đây.

Tân nhìn đứa bé, không thích một chút nào. Cái thân hình ngắn ngủi và chân tay khẳng khiu của nó làm chàng khó chịu không muốn để ý đến. Chàng càu nhàu mắng đứa bé:

- Nằm im! Mày cứ cọ quậy bắn cả nước lên tao đây này.

Cái đầu đứa bé đầy xà phòng nên càng trơn khó giữ. Tân đã thấy mỏi tay. Chàng bảo vợ:

- Thôi, giữ lấy nó, tôi mỏi tay lắm rồi.

Vợ chàng hơi gắt:

- Hãy giữ một chút nữa. Mới có một tí thế đã kêu mỏi!

Cái giọng nói ấy làm cho Tân không bằng lòng. Chàng buông đứa trẻ, đứng dậy trả lời xaÜng:

- Không phải công việc của tôi. Với lại tôi trông nó khó chịu lắm.

Tân không nhận thấy nét mặt ngạc nhiên và buồn rầu của vợ, bước ra ngoài. Một chút hối hận, đến cửa, làm chàng quay mặt lại: vợ chàng đang ôm đầu đứa bé trong lòng khóc nức nở.

Ra ngoài, Tân mới nhận thấy cái cử chỉ vô lý của mình. Một tình thương nảy nở trong lòng chàng. Tân muốn trở vào an ủi vợ, xin lỗi nàng vì đã làm nàng phải buồn rầu. Chàng đứng lại, định quay vào, nhưng không biết cái gì vẫn giữ chàng lại. Tân đến ngồi bên bàn, nghĩ ngợi.

Từ khi hai vợ chồng lấy nhau, những cuộc cãi cọ nhỏ mọn, không có nghĩa lý gì, vẫn thường xảy ra luôn. Vì một câu nói, vì một cớ không đâu, hai vợ chồng lại giận nhau. Mà cũng như lần này, Tân cảm thấy chàng chỉ nói một lời dịu ngọt, êm ái, là đủ cho hai bên hòa hợp lại như cũ. Nhưng những câu ấy tan đi trên miệng trước khi nói ra lời. Một ý xấu khiến chàng yên lặng, và xui chàng giận dữ thêm lên để lấy phần phải về mình.

Khi Tân trở lại phòng, chàng thấy vợ đang ngồi cho con bú. Đứa bé tắm rửa sạch sẽ trông hồng hào như đánh phấn. Cái bàn tay mập mạp xinh xắn của nó nắm chặt lấy tay mẹ như để cầu sự âu yếm và che chở. Thỉnh thỏang nó ầm ừ trong miệng có vẻ rất bằng lòng.

Tân lại gần cúi nhìn đứa bé. Chàng thấy trong lòng một mối cảm động êm đềm và phiền phức. Nhìn đứa trẻ ngây thơ nằm trong lòng mẹ, Tân cảm thấy lần đầu cái thiêng liêng sâu xa của sự sống, và nhận thấy chính cái bé nhỏ, hèn mọn hàng ngày phá hoại cuộc đời.

Từ đấy, đứa con như cái dây giữ sự hòa hợp trong hai vợ chồng. Tân và vợ chàng không cãi nhau nữa. Mà nếu có xảy ra cuộc hờn giận, hai người chỉ cùng trông đứa trẻ mũm mỉm là lại hòa hợp như cũ.

Thỉnh thỏang vợ chồng bồng con đưa đến trước mặt Tân, chỉ cho chàng biết những cái thay đổi trong đứa bé.

- Này cậu trông, cái thóp bây giờ đã nhỏ đi rồi đấy.

Tân cũng chăm chú xem, rồi nói chuyện với con. Lúc chàng ngẩng lên nhìn, chàng thấy vợ ngượng nghịu muốn giấu sự vui mừng làm ửng hồng đôi gò má. Tân cũng thấy trong tâm can một sự vui vẻ khác thường.

Buổi sáng nay, vừa bước chân vào trong nhà, Tân đã hỏi vợ:

- Em đâu?

- Nó ngủ, cái gì thế?

- Tôi có cái này hay lắm.

Tân giơ lên cho vợ xem một đôi bít tất len trắng xinh đẹp. Chàng bước lại bên cạnh cái nôi rủ màn trắng sạch sẽ.

Vợ chàng vội nói:

- Ấy, khẽ chứ cậu, để nó ngủ. Tôi vừa mới đặt xong.

Tân rón rén, khe khẽ giở tấm màn tuyn, nhìn thấy đứa trẻ nằm gọn trong vải trắng. Chàng cúi mình xuống, yên lặng đợi trên cặp môi nhỏ bé một nụ cười.

Và Tân thấy trong lòng rung động khẽ như cánh bướm non, một tình cảm sâu xa và mới mẻ chàng chưa từng thấy.

   




Chú thích

 

Tác phẩm này thuộc phạm vi công cộng vì thời hạn bảo hộ bản quyền của nó đã hết ở Việt Nam. Nếu là tác phẩm khuyết danh, nó đã được công bố lần đầu tiên trước năm 1960. Đối với các loại tác phẩm khác, tác giả (hoặc đồng tác giả cuối cùng) của nó đã mất trước năm 1974. (Theo Điều 27, Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam sửa đổi, bổ sung 2009 bắt đầu có hiệu lực từ năm 2010 và điều khoản kéo dài bản quyền đối với tác phẩm khuyết danh từ 50 thành 75 năm nhưng không hồi tố)


Ngoài ra, một tác phẩm của Việt Nam thuộc phạm vi công cộng tại Việt Nam theo quy định này cũng thuộc phạm vi công cộng tại Hoa Kỳ chỉ nếu nó thuộc phạm vi công cộng tại Việt Nam vào ngày 23 tháng 12 năm 1998, tức là: tác phẩm khuyết danh đã được công bố lần đầu tiên trước năm 1948; đối với các loại tác phẩm khác, tác giả (hoặc đồng tác giả cuối cùng) của nó đã mất trước năm 1948 tác phẩm chưa bao giờ được xuất bản tại Hoa Kỳ trước ngày 23 tháng 12 năm 1998. (Theo Tuyên cáo 7161 của Tổng thống Bill Clinton áp dụng Đạo luật Thỏa thuận Vòng đàm phán Uruguay (URAA) đối với các tác phẩm được xuất bản lần đầu tiên tại Việt Nam)