Đại Việt sử ký toàn thư/Tập I/Ngoại kỷ/Cuốn thứ hai/Triều họ Triệu/Văn Vương
VĂN-VƯƠNG
Ở ngôi mười hai năm, thọ 52 tuổi.
Nhà-vua lấy nghĩa cảm nước láng-giềng, lui được quân địch, yên được cõi-bờ, cũng kể là ông vua thịnh-trị vậy.
Húy là Hồ. Con Trọng-Thủy, cháu Vũ-Đế.
Bính-Ngọ, năm thứ hai, — năm thứ sáu, hiệu Kiến-Nguyên bên Hán (135 tr. T. L.), — mùa Thu, tháng Tám, có sao Chổi ở phương Đông, dài suốt trời. Mân-Việt-vương là Sính lấn biên-ấp của ta. Nhà-vua giữ lời hẹn với bên Hán, không thiện-tiện cất quân. Sai người đem thư nói việc ấy với vua Hán. Vua Hán cho là người có nghĩa, vì nhà-vua cử đại-binh, sai Vương-Khôi ra Dự-Chương, Hàn-An-Quốc ra Cối-Kê, cùng đánh Mân-Việt. Hoài-Nam vương là An dâng thư can vua Hán rằng:
« Việt là đất ngoài phép tắc. Những dân cắt tóc, vẽ mình, không thể trị bằng pháp-độ của nước thắt đai, đội mũ! Từ khi Ba Đời đương thịnh, dân Hồ (Hung-Nô), dân Việt không chịu chính-sóc (không theo phép lịch của Trung-Quốc). Không phải là mạnh không đủ chinh-phục, oai không đủ cai-trị. Nhưng cho là đất không ở đến, dân không chăn đến, chẳng đáng để phiền đến Trung-Quốc. Nay họ tự đánh phá lẫn nhau.[1] Vậy mà Bệ-hạ đem quân cứu họ. Thế là lại đem Trung-Quốc mà khó-nhọc vì bọn mọi-rợ! Vả chăng nguời Việt khinh-bạc, giảo-giở, chẳng theo khuôn phép, chẳng phải mới đâu một ngày! Nếu mỗi khi không vâng theo lời chiếu, lại cất quân đánh giết, tôi e sau này việc binh-cách không còn lúc nào được nghỉ nữa! Gần đây mùa màng không được, sự sống của dân chưa lại. Nay cất quân lương-thực chở đi hàng vài nghìn dậm. Chen vào đám rừng sâu, tre bụi, nhiều giống rắn độc, muông dữ... Tháng hè, mùa nắng, những bệnh thổ, tả, hoắc-loạn theo liền với nhau! Chưa từng ra quân, giáp trận, mà kẻ bị thương, bị chết, chắc đã đông rồi! Tôi nghe: « Sau việc chiến-trận, tất có năm mất mùa ». Ý nói: đem cái khí sầu-khổ, làm hỏng lẽ điều-hòa của Âm, Dương, cảm-động phần tinh-hoa của Trời, Đất, mà tai-biến sinh ra vì thế! Bệ-hạ đức sánh Trời, Đất; ơn tới cỏ, cây... Dân có một kẻ đói, rét không hưởng trọn tuổi Trời mà chết, cũng vì nó chua-xót trong lòng... Nay trong cõi chó cắn không phải giật mình mà khiến cho bọn lính mặc giáp nằm phơi ở giữa đồng, dầm ướt ở hang núi... Những dân miền Sở đóng cổng sớm, mở cửa muộn, sáng chẳng biết chiều... An tôi trộm lấy thế làm hệ trọng thay cho Bệ-hạ. Vả chăng người Việt sức yếu, tài hèn, không biết đánh bộ. Lại không biết dùng xe, ngựa, cung, nỏ... Vậy mà không thể vào được, là vì họ giữ thế hiểm-trở mà người Trung-quốc không quen đất nước của họ. Tôi nghe đường xá đồn ngôn: « Em vua Mân-Việt là Giáp đã giết chết anh. Giáp lại cũng mắc mưu mà chết. Dân nó chưa thuộc về đâu... » Bệ hạ nếu sai một viên trọng-thần sang thăm; gia ơn, treo thưởng, để chiêu dụ chúng... Thì dân ấy tất bồng trẻ, giắt già, để theo về đức thánh... Nếu không dùng chúng làm gì, thì kén dựng các Vương, Hầu, để còn nước đã mất, nối dòng đã dứt... Chúng tất sẽ trao con tin xin làm tôi-tớ, đời đời nộp đồ cống-hiến. Thế là Bệ-hạ dùng trái ấn vuông tấc, giải thao trượng hai, mà vỗ yên được ngoài cõi! Không phiền một tên lính, không cùn một ngọn giáo, mà ân, oai đều đã thi-hành! Nay đem quân vào đất chúng thì e chúng tất khiếp sợ, trốn vào núi rừng. Bỏ đó mà về thì chúng lại nhóm họp. Ở đó mà giữ thì qua năm này, sang năm khác, quân lính sẽ mỏi mệt; lương thực sẽ thiếu thốn; một phương nguy cấp, bốn mặt đều núng! Tôi e biến cố sinh ra, gian tà nổi lên, là bắt đầu từ đó! Tôi nghe quân của Thiên-Tử, chinh chứ không chiến, nghĩa là không ai dám đối-chọi. Ví phỏng người Việt liều lĩnh, chống lại với các quan coi việc. Đám quân theo xe-ngựa, lỡ khi không kịp đề-phòng, phải kéo trở về... Thì dù có lấy được đầu chúa Việt, tôi còn nghĩ mà xấu hổ! Bệ-hạ lấy chín châu làm nhà; sinh dân đều là thần thiếp... Những đất mọi-rợ, sao đủ để một ngày bận nghĩ mà phiền đàn ngựa chiến phải đổ bồ hôi? Kinh Thi có câu: « Đạo vua thực đáng: Dân từ đã tới... » Ý nói đạo Vương rất lớn mà phương xa đem lòng mến. An tôi e các quan các tướng đem mười vạn quân mà chỉ là làm việc của một viên sứ-giả đó thôi! »
Khi ấy quân Hán chưa qua Ngũ-Lĩnh. Chúa Mân-Việt đem quân chống giữ các nơi hiểm yếu. Người em là Dư-Thiện bèn bàn với họ hàng rằng: « Chúa ta vì thiện tiện đem quân đánh Nam-Việt, không xin với Hán, cho nên Hán đem quân đến đánh. Quân Hán đông và mạnh. Dù may mà được nữa, sau này chúng càng đến đông, rút lại đến mất nước mới thôi. Không bằng giết chúa để xin lỗi Hán, cầu họ rút quân về! » Bèn giết Sính! Sai sứ đem đầu Sính dâng Vương-Khôi. Khôi bèn tính cho gọn việc, đóng quân lại, bảo với Hàn-An-Quốc. Và sai sứ đem đầu Sính ruổi về tâu. Vua Hán liền sai Trang-Trợ sang bảo cho Nhà vua hay. Nhà vua dập đầu mà rằng: « Thiên-tử vì Quả-nhân cất quân giết chúa Mân-Việt, dù chết cũng không sao đền được ơn!.. » Liền sai Thái-tử là Anh-Tề sang làm con tin. Và bảo Trợ rằng: « Nước mới bị giặc... Sứ-giả hãy về... Quả-nhân sẽ ngày, đêm sắp hành-trang để vào ra mắt Thiên-Tử ». Trợ về rồi, các quan đều can nhà vua rằng:
— Hán đem quân giết Sính, muốn là để rung động nước Việt ta. Vả chăng Tiên-đế có nói: « Thờ Hán miễn là đừng trái lễ... » Tóm lại, không nên vì lời nói khéo mà vào chầu. Vào chầu thì không về được nữa, thế là mất nước! » Nhà-vua bèn cáo bệnh, rút lại không vào chầu.
Đinh-Vị, năm thứ ba, — Năm đầu hiệu Nguyên Quang bên Hán, — mùa Thu, tháng Bẩy, ngày Ba mươi, nhật-thực.
Giáp-Dần, năm thứ mười, — năm thứ 2 hiệu Nguyên-Sóc bên Hán, — mùa Xuân, tháng Ba, ngày Ba mươi, nhật-thực.
Ất-Mão, năm thứ mười một, — năm thứ 3 hiệu N. S. bên H., — Nhà-vua yếu nặng. Thái-tử Anh-Tề ở bên Hán về.
Bính-Thìn, năm thứ mười hai, — năm thứ 4 hiệu N. S. bên H. (125 tr. T. L.), — Nhà-vua mất, thụy là Văn-vương, con là Anh-Tề lên ngôi.
Sử thần Ngô-Sĩ-Liên bàn rằng:
Văn-Vương biết đạo giao thiệp với các láng giềng. Triều Hán cho là có nghĩa, đến nỗi rấy quân đánh giúp hộ kẻ thù! Lại biết nghe lời can, cáo ốm không sang chầu Hán... Theo giữ phép nhà, « để mưu cho cháu »,.., có thể kể là không thẹn với ông!...
Phụ-chú
- ▲ Theo bức thư này thì hồi ấy dân Bách-Việt ở Mân (Mân-Việt tức Phúc-Kiến ngày nay) còn chưa đồng-hóa với người Tầu. Vả trong dân tộc ta khi ấy ít ra đã thành lập bốn quốc-gia: Đông-Mân, Mân-Việt, (Phúc-Kiến), Tây-Âu (Bắc-Kỳ) và Nam-Việt (Quảng-Đông, Quảng-Tây). Trong bốn quốc-gia ấy thì ba nước đã đồng-hóa với Tầu trong ít lâu sau. Chỉ có Tây-Âu qua hơn nghìn năm Bắc thuộc, lại tách ra mà lập lại thành nước ta ngày nay vậy.