Đại Việt sử ký toàn thư/Tập I/Ngoại kỷ/Cuốn thứ hai/Triều họ Triệu/Vũ đế

VŨ-ĐẾ

Ở ngôi bẩy mươi mốt năm, thọ một trăm hai mươi mốt tuổi.

Họ Triệu nhân nhà Tần suy-loạn, giết các trưởng lại (các quan đầu huyện) nhà Tần; chiếm cứ đất Lĩnh-Nam; (phía Nam Ngũ-Lĩnh) xưng đế; chống chọi với nhà Hán; hưởng nước, truyền ngôi trăm năm rồi mới mất. Cũng là một vua anh-hùng.

Họ Triệu, húy Đà; người ở Chân-Định bên Hán; đóng đô ở Phiên-Ngu[1]Nay ở Quảng Đông.

Giáp-Ngọ, năm đầu, — Năm thứ 3 đời vua Tần-Nhị-Thế (207 tr. T. L.) — Nhà-vua gồm có đất Lâm-Ấp, Tượng-quận, tự lập làm Nam-Việt-vương.

Ất-Vị, năm thứ hai, — Năm đầu đời Tây-Sở Bá-Vương Hạng-Tịch và Hán-Vương Lưu Bang (206 tr. T. L.), — năm ấy nhà Tần mất.

Đinh-Dậu, năm thứ tư — Năm thứ ba đời Sở-Hạng-Tịch và Hán-Lưu-Bang (204 trước T. L.) — Mùa Đông, tháng Mười, ngày Ba-mươi, nhật thực.

Tháng Mười-một, ngày Ba-mươi nhật-thực[2].

Mậu Tuất, năm thứ năm — Năm thứ tư đời Sở Hạng-Tịch và Hán Lưu-Bang (203 trước T. L.),— mùa Thu, tháng Bẩy, có sao-chổi ở khoảng sao Đại-Giác.[2]

Kỷ-Hợi, năm thứ sáu, — năm thứ 5 đời Hán Cao-Đế (202 tr. T. L.) — mùa xuân, tháng Hai, Hán-vương lên ngôi hoàng-đế. Năm ấy, nước Tây-Sở mất.

Quý-Mão năm thứ mười,— năm thứ 9 đời H. C. Đ. (198 tr. T. L.)— Nhà vua sai quan Sứ, chủ trương trông coi hai quận Giao-Chỉ và Cửu-Chân.[3]

Ất-Tỵ, năm thứ mười hai,— năm thứ 11 đời H. C. Đ. (196 tr. T. L.) Nhà Hán đã định Thiên hạ, nghe nhà vua cũng đã làm chúa đất Việt, nhân sai Lục-Giả sang, phong nhà vua làm Nam-Việt-Vương; trao ấn, thao; tách giấu[4] thông sứ; khiến phải hòa họp trăm giống Việt, chớ cướp bóc làm hại. Sứ-giả đến, Nhà vua ngồi xổm mà tiếp Giả. Giá nói: « Vương vốn người bên Hán. Thân-thích, mồ-mả đều ở bên Hán. Nay trái với tục gốc[5], toan giữ đất này làm địch quốc chống-chọi với Hán, há chẳng lầm sao? Vả chăng nhà Tần bỏ mất con hươu, hào-kiệt trong đời cùng đua đuổi. Chỉ có vua Hán khoan-nhân, thương người, dân đều vui lòng theo. Nổi lên từ Phong, Bái, vào trước cửa Ải; giữ đất Hàm Dương, trừ giệt kẻ đầu tội.[6] Trong khoảng năm năm, dẹp đời loạn đưa lại đường chính, bình định bốn biển. Đó chẳng phải là sức người mà có lẽ là Trời cho! Vua Hán nghe Vương làm chúa đất này, vẫn toan quyết một trận được thua[7]. Nhưng vì thương trăm họ vừa mới khó nhọc, cực khổ, nên thôi việc ấy. Sai sứ đem ấn, thao đưa sang cho Vương. Vương nên đón tự ngoài thành, lậy tiếp để tỏ lòng tôn-kính. Nay đã không thế, sắp đủ lễ mà ra mắt sứ-giả, cũng còn là được! Cớ chi lại cậy mình có đám dân Bách-Việt, khinh-nhờn sứ-giả của Thiên-Tử. Thiên-tử nghe tin,[8] cất quân hỏi tội, thì Vương sẽ làm ra thế nào? » Nhà-vua sửng-sốt đứng dậy mà rằng: « Ở đây đã lâu ngày, hồ bỏ mất cả lễ-nghĩa! » Nhân hỏi Giả rằng: « Ta với Tiêu-Hà, Tào-Tham[9], ai giỏi hơn? » Giả nói: « Vương chừng như giỏi hơn! » Lại hỏi: « Ta với vua Hán, ai giỏi hơn? » Giả nói: « Vua Hán nối nghiệp của năm đời Đế, ba đời Vương, thống trị Trung-Quốc. Người Hán kể có ức vạn! Đất vuông muôn dậm! Của đông; dân giầu, Chính-quyền do tay một nhà... Từ hồi mở Trời, dựng Đất đến giờ, chưa có đời nào được thế! Nay Vương dân chẳng qua mười vạn, ở lộn-xộn trên non, dưới biển. Ví cũng như một quận của Hán, sao lại đem đọ với Hán? » Nhà-vua cười và nói: « Ta giận thân không nổi lên ở bên ấy! Đâu đã chịu không bằng Hán! » Giả nín lặng tiu-nghỉu! Bèn giữ Giả ở lại vài tháng. Nói rằng: « Trong đất Việt không ai đáng nói chuyện! Từ khi chàng đến, khiến ta hằng ngày được nghe những chuyện chưa nghe! » Cho Giả của bỏ đẫy[10] đáng nghìn vàng! Kịp khi Giả về, lại cho nghìn vàng nữa!

Bính-Ngọ, năm thứ mười ba — năm thứ 12 đời H. C. Đ. (195 tr, T. L.) — mủa Hè, tháng Tư, vua Hán mất.

Canh-Tuất, năm thứ mười bẩy, — Năm thứ 4 đời Hán Huệ-đế Doanh (191 tr. T. L.) — Mùa Hè, Hán lập miếu thờ Tổ ở phía Bắc sông Vị

Quý-Sửu, năm thứ hai mươi, — Năm thứ 7 đời H. H. Đ. (188 tr. T. L.) — Mùa Xuân, tháng Giêng, mồng một, nhật-thực.

Mùa Hè, tháng Năm, mặt Trời bị ăn hết.

Mùa Thu tháng Tám, vua Hán mất.

Ất-Mão, năm thứ hai mươi hai, — Năm thứ 2 đời Hán-Cao-hậu Lã-Trĩ (186 tr. T. L.) — Mùa Hè, tháng Sáu, ngày Ba-mươi, nhật-thực.

Đinh-Tỵ năm thứ hai mươi bốn — Năm thứ 4 đời H. C. H. (184 tr T. L.) Hán cấm Nam-Việt không được qua ải buôn bán cùng mua đồ sắt. Nhà-vua nói: « Khi Cao-đế lên ngôi, ta thông sứ, cùng nhau mua bán chung các đồ vật. Nay Cao-hậu nghe bọn nịnh-thần dèm-pha, phân-biệt Hán, Việt, ngăn cấm các đồ-vật. Đây tất là kế của Trường-Sa vương, muốn dựa vào oai-đức nhà Hán, toan lấy nước ta mà làm chúa tất cả và tự lấy làm công... »

Mậu-Ngọ, năm thứ hai murơi lăm, — năm thứ 5 đời H. C. H. (183 tr. T. L.) Mùa Xuân, nhà vua lên ngôi Hoàng-Đế. Ra quân đánh Tràng-Sa: đánh được vài quận rồi trở về.

Canh-Thân năm thứ hai mươi bẩy, — năm thứ 7 đời H C. H (181 tr. T. L.), Hán sai Lâm-Lư-hầu là Chu-Táo, đánh Nam-Việt, để báo thù việc đánh Tràng-Sa. Gặp mùa nắng-bức, ẩm-ướt, sinh ra bệnh dịch dữ-dội,[11] bèn bãi-binh. Nhà vua nhân đó lấy binh-oai cùng của-cải chiêu dụ các dân Mân-Việt cùng Tây-Âu-lạc, — tức là Giao-Chỉ, Cửu-Chân. — Họ đều ứng theo: Đông Tây kể rộng hơn muôn dậm. Nhà vua cưỡi xe mui vàng, cắm cờ đạo phía trái, xưng-chế cũng như nhà Hán.

Tân-Dậu, năm thứ hai mươi tám, — năm thứ 8 đời H. C. H. — Mùa Thu, tháng Bẩy, Cao-hậu mất. Các đại thần đón Đại-vương Hằng lập làm vua, ấy Văn-đế.

Nhâm Tuất, năm thứ hai mươi chín, — năm đầu đời Hán-Văn đế (179 tr. T. L.), Vua Hán vì mồ-mả cha, mẹ Nhà-vua ở Chân-định đặt viên thủ-ấp, tuần-tiết phụng-thờ. Vời các anh, em ngài cho làm quan-sang, ban thưởng khá hậu. Bảo Tể-Tướng là Trần-Bình cử lấy người có thể sang sứ Việt. Bình nói: « Trong đời Tiên-đế, Lục-Giả đã từng sang sứ-Việt... » Vua Hán bèn vời Giả cho làm Thái-Trung-đại-phu, cùng một viên Yết-Giả làm phó-sứ, sang đưa cho Nhà-vua bức thư rằng:

« Kính thăm Nam-Việt-vương rất nỗi khổ lòng mệt ý... Trẫm là con vợ lẽ đức Cao-đế. Bị bỏ ở ngoài đất Đại, vâng làm phên-dậu phía Bắc. Đường-lối xa xăm, che lấp quê-kệch, chưa từng có gửi thư sang. Cao-hoàng-đế bỏ bầy-tôi... Hiếu-Huệ hoàng-đế lìa đời... Cao-hậu tự coi việc,. chẳng may có bệnh. Các người họ Lã chuyên quyền làm loạn. Chẳng có thể một mình chống chế, bèn lấy đứa con họ khác làm kế-tự cho vua Hiếu-Huệ. Nhà anh-linh của Tông-miếu, tài sức của các công-thần, đã giết được hết bọn chúng. Trẫm vì cớ các Vương, Hầu, các quan không chịu buông-tha, không lên ngôi không được! Nay đã lên ngôi, mới nghe tin Vương đưa thư cho Tướng-quân là Lâm-Lư-hầu nhờ tìm các anh, em ruột, cùng xin bãi hai viên Tướng-quân ở Tràng-Sa. Trẫm vì thư của Vương, bãi chức Tướng-quân của Bác-Dương-hầu; các anh, em ruột ở Chân-định đã sai người thăm hỏi; lại sửa trị mồ-mả các đấng tiên-nhân. Hôm trước nghe tin Vương đem quân vào biên cương, cướp-phá chẳng ngớt! Tràng-Sa khổ về chuyện đó. Nam-Quận lại càng quá! Dù bên nước của Vương nữa, há riêng có lợi sao? Tất phải giết nhiều quân-lính; làm hại các tướng lại tài giỏi; để vợ người ta phải góa! Con người ta phải côi! cha, mẹ người ta phải cô-độc! Được một, mất mười, Trẫm không nỡ làm thế... Trẫm muốn định lại đất cát, những chỗ chen vào nhau như răng chó. Đem hỏi các quan. Các quan thưa: « Ấy là những chỗ Cao-hoàng-đế dùng để phân giới Trường-Sa với đất của Vương... » Tìm không được phép thiện-tiện thay đổi. Nay được đất của Vương, chẳng đủ để thêm lớn; được của của Vương, chẳng đủ để làm giầu... Vậy từ Ngũ-Lĩnh trở sang Nam, Vương tự trị lấy! Tuy vậy, Vương lại tự xưng là « hoàng-đế »! Hai « hoàng-đế » đứng đôi không có lấy một viên sứ cưỡi xe để mở đường đi lại, thế tức là ganh nhau. Ganh nhau mà chẳng nhường nhau, kẻ có nhân không thèm làm! Vậy xin cùng vương chia nhau mà bỏ lỗi trước. Từ nay về sau, lại thông sứ như cũ. Cho nên sai Lục-Giả chạy sang, đem bản-ý của Trẫm bảo cho Vương rõ. Vương cũng nên nhận lời, chớ cướp phá nữa! Nhân đem năm chục bộ áo bông hạng thượng, ba chục bộ áo bông hạng trung, hai chục bộ áo bông hạng ba, làm quà cho Vương. Mong Vương nghe nhạc khuây lo, thăm hỏi đến các nước láng-giềng... »

Giả tới, Nhà-vua xin lỗi mà rằng: « Xin kính vâng lời chiếu, làm chức Vương ở phên-dậu, nộp đồ cống-hiến mãi mãi! Thế rồi xuống chiếu ở trong nước rằng:

« Trẫm nghe: Hai tay hùng chẳng cùng đứng; hai người hiền chẳng cùng đời... Hoàng-đế nhà Hán là một vì thiên-tử khôn ngoan. Từ nay ta bỏ xe mui vàng, cờ đạo phía tả, cùng các nghi-vệ hoàng-đế »!

Nhân viết thư rằng:

« Trùm lớn dân Mường-rợ, lão tôi là Đà mạo muội đáng chết, hai lậy dâng thư dưới Hoàng-đế: Lão vốn là quan đất Việt. May Cao-đế ban cho ấn, thao, cất làm Nam-Việt vương. Hiếu Huệ hoàng-đế lên ngôi, nghĩa không nỡ dứt, ban cho lão rất hậu. Cao-hậu lên cầm quyền, phân biệt ra Trung-hoa với Mường mọi! Ra lệnh rằng: « Chớ cho Nam-Việt các đồ làm ruộng bằng gang, sắt. Và các giống Ngựa, trâu, dê, dù có cho thì cho con đực đừng cho con cái! Lão ở nơi hẻo-lánh. Tuổi ngựa, trâu, dê đã già... Tự nghĩ không sắm-sửa được việc tế-tự, thực đáng tội chết. Sai Nội-Sử là Phan, Trung-Úy là Cao, Ngự-Sử là Bình, tất cả ba bọn dâng thư tạ lỗi, đều không trở về! Lại nghe đồn: Mồ-mả cha, mẹ lão đã phá hỏng! Anh, em họ hàng đã bị chu-diệt! Cho nên bàn nhau với các quan rằng: « Nay, trong đã không được hãnh-diện với Hán; ngoài lại không lấy gì để tự làm cho cao-lạ với đời..., vậy đổi hiệu là « đế »... ấy chỉ là tự làm « đế » ở nước mình, nào phải dám có lòng làm hại Thiên-hạ! Cao-hoàng-hậu nghe tin cả giận! Xóa bỏ tên Nam-Việt ở trong sổ, không cho sứ đi lại nữa! Lão trộm ngờ Tràng-Sa vương dèm-pha sinh chuyện, cho nên cất quân đánh biên-giới của hắn![12] Lão ở Việt bốn mươi chín năm, tới nay đã ẵm cháu rồi! Vậy mà dậy sớm, thức khuya, nằm chẳng yên chiếu; ăn chẳng ngon mùi; mắt không trông mầu loẹt-lòe; tai không nghe tiếng chuông, trống... Ấy chỉ vì không được làm tôi Hán... Nay may được Bệ-hạ thương xót, phục lại tước cũ, cho sứ sang như xưa, Lão xương chết không mục, đổi hiệu chả dám làm đế nữa! Kinh nhờ sứ giả, dâng một đôi ngọc bích trắng, nghìn bộ lông trả, mười tòa sừng tê, năm trăm trai tía, một bình cà-cuống, bốn chục đôi trả sống, hai đôi công... Mạo-muội tội chết, hai lậy tâu dưới bệ Hoàng-đế ».[13]

Lục-Giả được thư về thưa lại. Vua Hán rất vừa lòng. Từ đó Nam, Bắc giao hiếu, thôi việc dùng binh. Dân được yên nghỉ.

Quý-Hợi, năm thứ ba mươi, — năm thứ 2 đời Hán Văn-đế (178 tr. T. L.) — mùa Đông, tháng Mười, ngày ba mươi, nhật-thực.

Giáp-Tý, năm thứ ba mươi mốt, — năm thứ 3 đời H. V. Đ. — mùa Đông, tháng mười, ngày ba mươi, nhật-thực.

Tháng Mười-một, ngày Ba-mươi, nhật-thực.

Tân-Tỵ năm thứ bốn mươi tám,— năm thứ 4, hiệu Hậu-Nguyên đời H. V. Đ. (160 tr. T. L.) — mùa Hè, tháng Tư, ngày Ba-mươi, nhật-thực.

Giáp-Thân, năm thứ năm mươi mốt, — năm thứ 7 hiệu H. N. đời H. V. Đ., (157 tr. T. L.)— mùa Hè, tháng sáu, vua Hán mất, chiếu cho rút ngắn kỳ tang.

Mùa Thu, tháng chín, có sao chổi ở phương Tây.

Ất-Dậu, năm thứ năm mươi hai, — năm đầu đời Hán Cảnh-đế Khải (156 tr. T. L.) — Nhà Hán chiếu cho các quận, các thuộc-quốc lập miếu vua Thái-Tông (Văn-đế).

Bính-Tuất, năm thứ năm mươi ba — năm thứ 2 đời H. C. Ð.— mùa Đông, tháng Mười-Một, có sao chổi ở phương Tây.

Đinh-Hợi, năm thứ năm mươi tư — năm thứ 3 đời H. C. Đ. — mùa Xuân, tháng Giêng, sao-Dài mọc ở phương Tây. Ngày Ba-mươi tháng ấy, nhật-thực.

Mậu-Tý, năm thứ năm mươi lăm, — năm thứ 4 đời H. C. Đ. — mùa Đông, tháng Mười, ngày Ba-mươi, nhật-thực.

Quý-Tỵ năm thứ sáu mươi, — năm thứ 2 hiệu Trung-Nguyên đời H. C. Đ. — mùa Hè, tháng Tư, có sao chổi ở phương Tây-Bắc.

Mùa Thu, tháng Chín, ngày Ba-mươi, nhật-thực.

Giáp-Ngọ, năm thứ sáu mươi mốt, — năm thứ 3 hiệu T. N. đời H. C. Đ. — mùa Thu, tháng Chín, có sao chổi ở Tây-Bắc. Ngày Ba-mươi tháng ấy, nhật-thực.

At-Vị, năm thứ sáu mươi hai, — năm thứ 4 hiệu T. N đời H. C. Đ. — mùa Đông, tháng Mười, ngày Ba-mươi, nhật-thực.

Đinh-Dậu, năm thứ sáu mươi tư — năm thứ 6 hiệu T. N. đời H. C. Đ. (144 tr. T. L.) — mùa Thu, tháng Bẩy, ngày Ba mươi, nhật-thực. Khi ấy Nhà-vua phàm sai sứ sang Hán thì xưng « Vương », nào chầu, nào thăm, cũng ngang với Chư-hầu. Nhưng ở trong nước vẫn theo hiệu cũ.

Mậu-Tuất, năm thứ sáu mười lăm,— năm đầu hiệu Hậu-Nguyên đời H. C. Đ. — Mùa Thu, tháng Bẩy, ngày ba mươi, nhật-thực.

Canh-Tý, năm thứ sáu mươi bẩy, — năm thứ 2 hiệu H. N. đời H. C. Đ.— Mùa Đông, tháng mười, mặt Trời, mặt Trăng đều đỏ thẫm.

Tháng Mười-một, mặt Trời như mầu tím; Năm-Sao đi ngược, đóng vào cung Thái-Vi; mặt trăng suốt giữa Thiên-Đình — Thiên-đình tức là Mười-Sao ở ngôi cung Thái-Vi, góc Hữu Long-Tinh; ở khoảng sao Dực, sao Chẩn. Ấy là cung của Thiên-Tử, ngôi của Ngũ-Đế.[14]

Mùa Xuân, tháng Giêng, vua Hán mất.[15]

Nhâm-Dần, năm thứ sáu mươi chín, — năm thứ 2 hiệu Kiến-Nguyên đời Hán Vũ-đế Triệt — mùa Xuân, tháng giêng, ngày Ba mươi, nhật-thực.

Mùa Hè, tháng Tư, có sao như mặt Trời, mọc về ban đêm.

Quý-Mão, năm thứ bầy mươi, — năm thứ 3 hiệu Kiến-Nguyên bên Hán. — mùa Thu tháng Bẩy, có sao Chổi ở phương Tây-Bắc.

Tháng chín, ngày ba mươi nhật-thực.

Giáp-Thìn, năm thứ bẩy mươi mốt, — năm thứ 4 hiệu K. N. bên Hán, (137 tr. T. L.), Nhà-vua mất, đặt tên thụy là Vũ-Đế[16]. Đích-tôn là Hồ lên nối ngôi. — Sau đời Trần phong Nhà-vua là Khai-Thiên — Thể-đạo — Thanh-vũ — Thần-triết — Hoàng-đế.

Lê-văn-Hưu bàn rằng:

Liêu-Đông (Cao-Ly ngày nay) không có Cơ-Tử, không gây nên được tục áo-xiêm! Ngô-Cối chẳng nhờ Thái-Bá, chẳng nổi được nghiệp Vương-bá[17]! Đại-Thuấn là người rợ Đông, làm chúa sáng-láng trong năm đời Đế! Văn-vương là người rợ Tây, làm vua hiền-đức trong ba đời Vương[18]! Cho hay kẻ khéo trị nước, chẳng cứ đâu ở đất rộng hay hẹp, dân mán hay kinh, chỉ có đạo-đức là chỗ nên nhìn đến! Triệu Vũ-đế mở mang được nước Việt ta, mà tự làm Hoàng-đế nước mình, để cùng nhà Hán chống-chọi... Chép là « đế » là vì mở đầu ra cơ-nghiệp đế-vương ở ta. Công ấy kể thật là lớn! Những người làm vua nuớc Việt sau này, nêu bắt chước được Triệu-Vũ; giữ vững cõi bờ; đặt ra quân-quốc; có đạo để giao-thiệp với lân-bang; đem nhân để giữ-gìn lấy ngôi cả; thì sẽ bảo-toàn mãi được đất nước, người Tầu chả có thể lại tráo trưng nhòm-ngó được nữa!

Sử thần Ngô-sĩ-Liên bàn rằng:

Truyện dậy rằng: « Có đức lớn tất có được ngôi, tất có được danh, tất có được thọ ». Nhà vua tu cách gì mà được thế? Cũng là tu đức đó thôi! Xem lời đối đáp với Lục-Giả thì cái oai anh võ, há nhường chi Hán-Cao? Kịp khi nghe Văn-Đế vì mồ mả cha, mẹ đặt viên thủ ấp, tuần tiết phụng thờ, cùng hậu đãi các anh, em, thì lại chịu khuất với Hán. Vì thế mà Tông-miếu thờ cúng, con cháu giữ gìn..., chẳng phải là vì có đức sao? Dịch nói rằng: « Đức khiêm nhường, cao thì rực rỡ; thấp thì không ai thể vượt qua... » Nhà vua chừng theo lẽ ấy...

Phụ chú

  1. Phiên ngu, xưa thuộc Nam-Hải, tức đất phủ Quảng-châu, tỉnh Quảng-Đông ngày nay (K. Đ. V. S. cuốn I)
  2. a ă Nhật thực vốn có lệ thường. Chẳng những các nhà thiên-văn ngày nay, dù các nhà làm lịch Tầu từ hai nghìn năm xưa cũng đã có thể tính mà biết trước. Thế nhưng theo đạo Nho, ông vua lấy Trời làm cha, đất làm mẹ... Phàm những hiện tượng bất thường ở trong Trời, Đất, ​như: sao sa, sao chổi, lụt lội, động đất v. v. đều là ông cha Trời, bà mẹ Đất quái gở ra để nhắc bảo cho kẻ làm vua liệu cách mà sửa mình. Bởi vậy, sử của nhà Nho, nhật thực tất phải chép. Thế nhưng họ Ngô xem ý ra sính chép nhật thực quá! Chẳng rõ căn cứ vào đâu mà lại chép luôn hai tháng có nhật thực liền! Rồi dưới đây thì cơ hồ chuyện đó không mấy năm không! Ta cũng chẳng còn hiểu sao nhà chép sử của ta lại thích « vẽ voi vào chỗ giấy thừa » như vậy nữa!
  3. « Nam Việt-Vương đã đánh, diệt được An-Dương-vương, bèn sai hai quan sứ chủ trương, trông coi hai quận Giao-Chỉ, Cửu-Chân.— Giao-Chỉ là đất các bộ Chu-Diên, Phúc-Lộc, Vũ-Ninh, Ninh-Hải, Dương-Tuyền, Lục-Hải, Vũ-Định, Tân-Hưng đời trước. Triệu đặt làm quận, gồm mười huyện. Về sau thay đổi bất nhất, tức là đất các tỉnh Bắc-Kỳ ngày nay. Cửu-chân là ba bộ Cửu-chân, Hoài-Hoan, Việt-Thường đời xưa. Tần cho thuộc vào đất Tượng-quận. Triệu đặt riêng làm quận, gồm mười hai huyện. Trong đời Nguyên-Đỉnh nhà Hán tách ra năm huyện Tỵ-Cảnh, Lô-Dong, Tây-Quyển, Tượng-Lâm, Chu-Ngô, đặt làm quận Nhật-Nam. Ngoài ra, Tư-Phố, Cư-Phong, Đô-Bàng, Dư-Phát, Hàm-Hoan, Vô-Thiết, Vô-Biên, gồm 7 huyện thì vẫn thuộc quận Cửu-Chân. Ngô, Tấn, Tống, Tề vẫn theo thế. Lương đổi làm Ái-châu. Về sau thay đổi bất nhất. Tức là đất Thanh, Nghệ, ​Quảng-Bình, Quảng-Trị, Thừa-Thiên ngày nay ». (K. Đ. V. S.)
  4. Người ngày xưa thường khắc một con giấu (phù) cắt ra làm đôi, mỗi bên giữ một nửa làm tin. Khi cần dùng, sẽ đem nửa nọ khớp với nửa kia, hễ hợp nhau là đúng.
  5. K. Đ. V. S. chép là: « Nay trái tính trời, bỏ đai, mũ, toan cứng-cổ ở đất này, v. v. »
  6. K. Đ. V. S. chép là « Nổi lên ở Ba-Thục, rút lại diệt được họ Hạng ».
  7. K. Đ. V. S. chép là: «... nghe Vương làm chúa ở đây, mà chẳng giúp Thiên-Tử giết kẻ bạo ngược. Các quan tướng Văn, tướng Võ toan dời quân xuống Nam. Nhưng Thiên-Tử thương trăm họ... »
  8. Dưới câu này, K. Đ. V. S. chép thêm hai câu: «... Đào bới mồ-mả! giết-dóc họ-hàng!... »
  9. Các công-thần của vua Hán Cao-đế.
  10. « Các của châu, báu, gói bỏ vào trong đẫy » (K. Đ. V. S.)
  11. K. Đ. V. S. thêm vào câu « Không sao vượt nổi Ngũ-Lĩnh...
  12. Dưới câu này, K. Đ. V. S. còn thêm: «... Vả chăng phương Nam ẩm-thấp, trong đám Mường, Mọi, nào Đông-Mân, nào Tây-Âu đều xưng hiệu là Vương cả! Lão đây xưng đế, để tự làm ​vui một chút! Nào dám để đến tai Thiên-vương đâu!... » Câu này là chép theo trong Sử-Ký của Tư-Mã-Thiên. Và cứ như câu này thì khi ấy nước ta đã thành một quốc-gia. Vì đã có người xưng vương ở Tây-Âu: Tây-Âu, tức là cái tên của xứ Bắc-Kỳ (Giao-Chỉ) về đời Tần.

    Như vậy, chuyện An-Dương-Vương chưa chắc đã hoàn-toàn là chuyện bịa!

  13. Hai bức thư này đều chép trong bộ Sử-Ký của Tư-Mã-Thiên. Cả triều họ Triệu có lẽ Lê-văn-Hưu đã lấy tài-liệu ở các sử Tầu. Cho đến về các đời Bắc-Thuộc sau này cũng vậy. Ngô-sĩ-Liên chỉ là chép theo sử của họ Lê mà thôi.
  14. Muốn rõ nghĩa đoạn này, cần phải hiểu cả khoa Thiên-văn-cổ của người Tầu.
  15. Câu này có lẽ thuộc về năm Tân-Sửu, mà bản-in cổ đã bị mục nát mất chữ.
  16. « Táng ở Ngu-Sơn. — Theo Thái-Bình Hoàn Vũ Ký; Ngu-Sơn cách huyện Nam-Hải một dậm về phía Bắc. Sách Ngô-Lục có chép: Phiên-huyện ở Ngu-Sơn, nơi chôn Úy-Đà. » (K. Đ. V. S.)
  17. Cơ-Tử, Thái-Bá đều người Tầu. Người thì sang làm chúa dân Hàn ở Cao-Ly. Người thì sang làm chúa dân Ngô ở Hồ-Nam. Khi xưa người Tầu còn coi những dân ấy là mọi-rợ. Dân Ngô sau đã đồng hóa với dân Tầu.
  18. Đại-Thuấn, Văn-vương đều là vua, chúa nước Tầu. Theo Mạnh-Tử thì đó là những người mọi-rợ, vào làm chúa dân Tầu, chứ không phải chính giống nguời Tầu. Nhưng theo Sử-ký của Tư-Mã-Thiên, thì hai người ấy lại là dòng-dõi vua Hoàng-đế, một ông vua mà người Tầu coi là Thủy-Tổ, cũng như Hùng-vương ở nước ta vậy!