Đài gương truyện của Tản Đà
25. — Vợ Đáp-tử huyện Đào

妻子答陶

25. — VỢ ĐÁP-TỬ HUYỆN ĐÀO

Đáp-tử là ông quan đại-phu, ngồi huyện Đào ba năm, chính-sự không thấy tiếng khen mà giầu lên gấp ba. Vợ thường can ngăn, không nghe. Năm năm nữa, Đáp-tử về chơi thăm nhà quê, hơn một trăm chiếc xe theo sau. Họ mạc mổ trâu để ăn mừng. Một mình vợ ngồi ẵm con mà khóc. Mẹ chồng giận, bảo rằng:

— Sao làm gở dại đến thế nhỉ?!

Người vợ nói: — Ông huyện tôi, tài kém mà quan to, thế là mang lấy cái lo; không có công mà trong nhà cứ giầu lên, thế là chứa lấy cái vạ. Ngày xưa kia, ông Tử-Văn làm quan tướng-quốc, coi trị một nước Sở, nhà nghèo mà nước giầu, trên vua kính, dưới dân mến, cho nên phúc-trạch dồn lại cho con cháu, tiếng khen để lại đến đời sau. Nay ông huyện tôi chỉ tham giầu chuộng nhớn, không nghĩ đến cái hại về sau. Tôi lại nghe ở núi Nam-sơn có thứ con báo đen, giời mưa phùn bẩy ngày mà nó không ra để kiếm ăn, là sao? Nó cố dành chịu đói cái bụng, muốn giữ cho được mỡ cái lông, cho được có văn-vẻ; cho nên ẩn náu mà phòng xa sự hại thân. Còn như con lợn kia, bạ gì cũng ăn cho béo mình, thời chỉ nằm đấy mà đợi chết. Nay ông huyện tôi làm quan, nhà ngày càng giầu mà nước ngày càng nghèo, vua không trọng mà dân không mến, cái họa-biến đã trông thấy ở trước mắt. Xin cho thiếp cùng đứa con út được thoát thân.

Đáp-tử nghe nói, giận quá. Mẹ chồng cũng càng giận. Liền cho người vợ ấy ẵm con đi.

Hơn một năm, Đáp-tử quả can tội ăn trộm tiền của kho, phát giác, cả nhà bị giết; chỉ một người mẹ lấy rằng già, được khỏi chết. Người vợ khi ấy mới đem đứa con út cùng về, phụng nuôi mẹ chồng được trọn đời

Kẻ dịch có nhời bàn rằng:

Người ta, thường có chung một cái khổ, là trông thấy người thân yêu của mình làm sự dại mà mình không thể giữ được; lại thường có chung một cái oan, là vì người thân yêu của mình có lỗi mà thành ra ở mình cũng có lỗi. Than ôi! người đàn bà như vợ Đáp-tử, ngàn thu cũng ít thấy; tiếc cho con mắt tinh đời mà giời không cho khôn! Nhưng đến sau, may còn có mẹ chồng để về nuôi, cho được vẹn nghĩa với nhà chồng, thời những người hảo-tâm xưa nay, giời nào nỡ quá phụ.