Đài gương truyện của Tản Đà
26. — Nàng Đào-Anh, người hóa chồng ở nước Lỗ

嬰陶寡魯

26. — NÀNG ĐÀO-ANH, NGƯỜI HÓA CHỒNG Ở NƯỚC LỖ

Người huyện Đào-Môn ở nước Lỗ, tên là Anh, hóa chồng còn trẻ tuổi, con côi mọn, anh em không có ai là khá, một mình ươm dệt để lo ăn. Trong nước Lỗ nhiều người chuộng vì nghĩa, muốn đưa nhời dạm hỏi. Anh nghe tin, sợ rằng không giữ khỏi được chăng, nhân làm một bài ca đề lên vách, để tỏ cái lòng mình không lại đi lấy chồng. Các người nghe biết như thế, ai nấy không có ý dám cầu nữa. Đào-Anh giữ tiết được trọn đời,

Bài ca rằng:

« Chim hoàng-hộc, thương thay hóa sớm!
« Bẩy năm giời duyên kiếp lẻ-loi.
« Một mình ngủ chẳng có đôi,
« Chẳng hề đậu lẫn theo đòi các chim.
« Nhớ chim đực, nửa đêm kêu thảm,
« Thôi giời làm, thương cảm mà chi!
« Gái này cũng hóa như my,
« Nghĩ nguồn-cơn lại đầm-đìa lệ sa.
« Giời đất nhẽ, sót-sa vì thế;
« Kẻ[1] chết đi, khôn dễ mà khuây.
« Dẫu lòng quân-tử thương thay,
« Chim kia còn vậy, người này nỡ sao! »

悲黃鵠之早寡兮。 
七年不雙。 
宛頸獨宿兮。 
不與衆同。 
夜半悲鳴兮。 
想其故雄。 
天命早寡兮。 
獨宿何傷。 
寡婦念此兮。 
泣下數行。 
嗚呼悲哉兮。 
死者不可忘。 
飛鳥尚然兮。 
况於貞良。 
雖有賢雄兮。 
終不重行。 

Bi hoàng-hộc chi tảo quả hề, thất niên bất song.
Uyên cảnh độc túc hề, bất dữ chúng đồng.
Dạ bán bi minh hề, tưởng kỳ cố hùng.
Thiên mạnh tảo quả hề, độc túc hà thương.
Quả phụ niệm thử hề, khấp hạ sổ hàng.
Ô hô bi tai hề, tử giả bất khả vương.
Phi điểu thượng nhiên hề, huống ư trinh lương.
Tuy hữu hiền hùng hề, chung bất trụng hành.

  1. Nguyên-văn chữ tử giả 死 者 là nói chung cả chim và người; dịch là chữ “kẻ” thời bỏ mất nghĩa nói chim. Nay chưa tìm được chữ khác, vậy đành phải dùng tạm, nhờ các nhà có tài dịch chữa hộ.