Đài gương truyện/18
姬越昭楚
18. — NÀNG VIỆT-CƠ, VỢ VUA CHIÊU NƯỚC SỞ.
Vua Chiêu-vương nước Sở một khi đi chơi vui, nàng Sái-cơ ngồi một bên xe, nàng Việt-cơ ngồi một bên xe, vua tự cầm lấy cương, đánh ngựa chạy thật nhanh, vượt lên trên cái đài Phụ-Trang, để trông về trong vườn Vân-Mộng, xem các quan đương quần ngựa, ngoảnh lại bảo hai nàng cơ rằng:
— Có vui không?
Sái-cơ thưa rằng: — Vui.
Vua nói: — Ta muốn cùng nhau với Sái-cơ, sống như thế này, chết lại như thế này.
Sái-cơ: — Xin sống cùng vui, chết cùng thì.
Vua lại hỏi Việt-cơ.
Việt-cơ thưa rằng: — Vui thời vui; nhưng vui không được lâu.
Vua nói: — Ta muốn cùng nhau với Việt-cơ, sống như thế này, chết lại như thế này. Có nhẽ không được chăng?
Việt-cơ thưa rằng: — Xin kính thưa nhà vua. Vua Trang nước Sở ta ngày xưa, mê chơi ba năm, không coi nhìn đến việc nước; đến sau biết đổi lỗi mà rồi trùm trưởng trong thiên-hạ. Thiếp nghĩ rằng nhà vua nay bắt-chiếc được như đức Tiên-quân ta, sắp đổi bỏ cái lòng vui chơi này mà vui về việc nước. Nay nhà vua không như thế mà muốn bắt tiện-thiếp phải chết theo. Có nhẽ nào được ru! Vả chi, xưa kia nhà vua đem có mấy cuốn lụa, mấy cỗ xe, sang lấy tiện-thiếp ở nước Việt; vua nước Việt thiếp nhận đồ lễ mà khấn ở tôn-miếu, không có giao hẹn đến sự chết. Thiếp lại nghe ở các bà tôn trưởng nhà thiếp có nói rằng: « Người đàn bà lấy sự chết mà tỏ được cái điều hay của vua. » Chớ chưa từng nghe lấy theo liều sự chết nhảm làm quí. Vậy nay thiếp không dám vâng nhời.
Vua nghe Việt-cơ nói, tỉnh nghĩa và có ý kính phục, nhưng tình vẫn thân yêu Sái-cơ.
Sau 25 năm, vua đi có việc quân, hai nàng lại cùng theo. Giữa đường, vua ốm. Trên giời thấy có đám mây đỏ, giáp liền vào mặt giời, như hình con chim bay. Vua hỏi quan Thái-sử. Thái-sử nói:
— Ấy là điềm xấu của nhà Vua; nhưng có thể dịch sang cho các quan đại-thần.
Các quan nghe nói như thế, đều xin lấy thân nguyện với thần để thay mạng cho vua.
Vua nói: — Các quan đại-thần với ta đây cũng như chân tay. Nay nếu làm như thế, chẳng thà bỏ cái thân này đi xong.
Vua nói vậy, rồi không nghe các quan làm.
Việt-cơ nói: — Nhân đức nhà vua thực nhớn thay! Vì thế mà thiếp nay xin theo vua. Nhớ lúc ngày xưa đi chơi kia là vui xằng, cho nên không dám vâng nhời Vua. Nay Vua giở lại đường chính-lễ, người trong nước còn đều muốn vì Vua mà chết thay, nữa chi là thiếp ru! Xin đi trước để dẹp đường dưới âm-phủ.
Vua nói: — Ngày trước đi chơi vui, là ta nói bỡn đấy. Nếu bằng định chết thật, thời là bêu cái lỗi cho ta.
Việt-cơ: — Ngày xưa kia, thiếp dẫu miệng không nói ra, nhưng thực trong lòng cũng đã vâng. Thiếp nghe: « Là con người có tín, thời không có phụ cái bụng mình; là con người có nghĩa, thời không bày đặt những việc hão. » Thiếp nay chết, là chết vì cái điều nghĩa của Vua, không phải là chết vì chút tình Vua thương yêu.
Nói xong, tự vẫn chết.
Vua Chiêu-vương ốm nặng, nhường ngôi cho ba người em giai là Tử-Lư, Tử-Tây và Tử-Kỳ. Ba người đều không nhận. Vua Chiêu-vương chết. Sái-cơ thành ra không chết được. Ba người em bàn nhau rằng:
— Người mẹ có tín, người con tất có nhân.
Vậy rồi thu quân êm tĩnh, sai đón con giai nàng Việt-cơ là Hùng-Trương, dựng lên làm vua; rồi mới lui quân về để chôn vua Chiêu-vương.
Kẻ dịch có nhời bàn rằng:
Nàng Việt–Cơ chết theo vua Chiêu-vương, kể cũng là quá tình. Nhưng xem một truyện đó mà biết người đời xưa trọng đường tín nghĩa. Điều tín ở trên sự thề ước; điều nghĩa có nơi có chốn. Một cái chết mà tín nghĩa được cả hai, thời chết như Việt-cơ cũng không uổng. Con người ta cũng không nên tiếc cái chết, càng không nên rẻ cái chết. Cùng là một cái chết, có cái trọng như núi Thái-sơn, có cái nhẹ như lông chim hồng.