Đài gương truyện của Tản Đà
12. — Bà Định-Khương, mẹ chồng ở nước Vệ

姜定姑衛

12. — BÀ ĐỊNH-KHƯƠNG, MẸ CHỒNG Ở NƯỚC VỆ

Bà Định-Khương là phu-nhân vua Định-công nước Vệ, sinh được một công-tử (công-tử, sách mất tên). Công-tử lấy vợ rồi mà chết, người vợ không có con. Tang chở ba năm xong, bà Định-Khương cho người dâu ấy về, tự đi tiễn đến một quãng đồng, ngậm-ngùi tiếc nhớ, đòi-đoạn cảm thương, đứng mà trông theo, xùi-xụt gạt nước mắt, có làm nhời thơ rằng:

« Kìa đâu cái én lượn lờ.
« Ai về đường ấy, xa đưa tới đồng.
« Đồng không, đứng lại ta trông;
« Trông theo chẳng thấy, đau lòng tiễn đưa.
« Khóc đầm nước mắt như mưa! »

Yến yến vu phi,
Sĩ chì kỳ vũ.
Chi tử vu qui,
Viễn tống vu dã.
Triêm vọng phất cập,
Khấp thế như vũ.

燕燕于飛。 
差池其羽。 
之子于歸。 
遠送于野。 
瞻望弗及。 
泣涕如雨。 

Kẻ dịch có nhời bàn rằng:

Thiên-hạ không tình cảnh gì buồn rầu bằng một người đàn bà trẻ tuổi mà hóa chồng; huống chi lại là không có con. Những người gặp phải cảnh ấy mà đành lòng đứng hóa, thật là quí; nhưng tự người bên nhà chồng nỡ sao? Không những thế, mà lại còn có sự đáng lo xa. Cho nên như bà Định-Khương sử đãi con dâu hóa như thế, thật là hết tình nghĩa làm mẹ chồng. Ấy lại là một đạo làm mẹ ở trong khi sử biến.