Đài gương kinh của Tản Đà
14. — Hiếu-thuận

14. — HIẾU THUẬN

3• Nói về Lý.

Người con dâu hiếu-thuận với bố mẹ chồng là tình nên thế, nghĩa phải thế; mà ngoài hai đường tình, nghĩa ấy, lại còn có nhẽ riêng.

Trong có ấm, ngoài mới êm, xưa nay là nhẽ thường. Người con dâu kia, nếu đã có sự lăng-loàn đến bố mẹ chồng thời sao giữ khỏi được không có câu động trạm, riếc móc, chửi mắng đến bố mẹ đẻ? Hổ sinh ra phận thơ đào, công cha nghĩa mẹ kiếp nào giả xong! Chín chữ cù-lao đã chưa giả xong được mà nay khôn nhớn đi lấy chồng, nếu lại mang lấy những câu động trạm, riếc móc, chửi mắng ấy để gửi về, thời bụng người đi làm dâu kia nghĩ sao?!

Nêu có ngay, bóng mới thẳng, xưa nay là nhẽ thường. Người con dâu kia, nếu đã tự mình lỗi đạo làm dâu trước thời còn mong gì đạo làm dâu ở dâu con mình về sau? Nay làm dâu, mấy lúc mà lên làm mẹ chồng. Nay làm dâu, nếu đã đem cái đen bạc, cái hư càn, cái tai ác để cắm nêu; mà sau lúc làm mẹ chồng, lại gặp những dâu con cũng đen bạc, hư càn, tai ác như mình cả thời bụng người đương làm dâu kia nghĩ sao?!

Trên nhớ đến bố mẹ đẻ, dưới trông xuống dâu con mình thời hiếu thuận với bố mẹ chồng, thành một đạo ở giữa. Một đạo hiếu thuận đó, không những vẹn hai đường tình nghĩa của trong sự làm dâu, lại mới tròn được cái công-phu trong đạo hiếu ở với bố mẹ đẻ khi trước, gây được cái nền nếp cho đạo hiếu của dâu con mình về sau. Vậy thời một đạo hiếu-thuận đó, một thành ba. Quí thay!

Cho nên trong luân-thường, con dâu có đạo hiếu ở với bố mẹ chồng, mà đó là một phần thuộc về .

Thời-ngữ: Làm một sự càn mà để có câu gì đến bố mẹ thời câu ấy cũng như tự miệng mình.

Người ta không hiếu với bố mẹ thời cũng không nên mong có con.

GIẢI NGHĨA. — Người đàn bà thường hay trách chồng tệ bạc với bố mẹ mình; suy một bụng ấy thời mình tệ-bạc với bố mẹ chồng càng có lỗi. Người đàn bà thường hay kể tội con dâu ở những điều hư ác; suy một bụng ấy thời mình hư ác với bố mẹ chồng thật khó thương. Suy bụng ta, ra bụng người; muốn cho người ở hay với ta, tự ta nên phải ở hay trước.