Đài gương kinh/11
II. — THÌ LÀM DÂU
(LÚC CÓ CHỒNG)11. — NGHĨA CHỮ LÀM DÂU
Người con gái đi lấy chồng thời là làm vợ, mà sao tiếng thường không nói đi làm vợ, vẫn nói “đi làm dâu”? Cớ là: con gái có nghĩa theo chồng, cái thân mình đã hợp với người chồng như một, để cùng gây nối giòng-dõi cho chồng thời lấy cửa nhà chồng làm cửa nhà; lấy tổ tiên, bố mẹ chồng làm tổ tiên, bố mẹ; lấy anh em, họ mạc chồng làm anh em họ mạc. Cho nên từ lúc trong đám cưới, thiên-hạ gọi là “cô dâu”; về nhà chồng, bố mẹ chồng gọi là “con dâu”; anh em, chị em chồng gọi là “chị dâu, em dâu”; họ mạc chồng gọi là “bác”, là “thím”, là “cháu dâu”. Con gái đến lúc ấy, mới chính rõ danh-phận người đàn bà. Cho nên lúc đi lấy chồng ấy, tiếng thường gọi là “đi làm dâu”.
Vậy thời người đã về làm dâu ấy, cái hiếu kính với tổ tiên, bố mẹ ở nhà mình, đem về thờ tổ tiên, bố mẹ chồng; cái hữu-ái với anh em, chị em ở nhà mình, đem về ở với anh em, chị em chồng; cái hòa-mục nhân-nghĩa với họ mạc, người nhà mình, đem về đãi với họ mạc, người nhà chồng; cái siêng-năng khôn khéo, làm ăn các công việc ở nhà mình, đem về làm công việc nhà chồng. Thế là đạo nghĩa sự làm dâu.
Trong thiên-hạ, kìa như ai, theo tắt theo ngang, ở thầm ở dấu, chẳng cũng là lấy chồng mà chi, mà thể-cách có khác. Cho nên người làm dâu, muốn được rõ ra người làm dâu, trước nên biết nghĩa chữ “làm dâu”.
Phương-ngôn: Dâu rữ mất họ.
NÓI RỘNG NGHĨA. — Những người con gái chính-đính mà đi làm dâu thời đã đành; còn như những người giang-hồ mà sau lúc có chồng, giữ đạo làm dâu được hợp thuận thời chính nghĩa nên cho là sao?
Xem các người làm giặc, sau lúc đã ra thú, nếu có trung thành công lao với nhà nước thời phép nước cũng nhận là trung-thần, công-thần. Vậy thời những người giang-hồ mà sau giữ được đạo làm dâu ấy, cũng là người dâu hiền.
Ấy thế cho nên những người chính-đính đi làm dâu, càng nên phải giữ đạo làm dâu.