Ích lợi về sự thông biết
Thuở xưa kia hai người ở một thành cải lẩy với nhau: Một người nghèo, mà giỏi; người kia giàu, mà dốt. Người nhà giàu muốn lấn lướt kẻ nhà nghèo; mới nói rằng người hiền ngỏ nào cũng phải cung kính nó. Ấy là người khờ; vì làm sao mà tôn kính kẻ có của cải không có công nghiệp? Cái lý tôi xem không ra chi. Nó năng nói với người thông thái ấy rằng: “Anh ôi, anh tưởng anh là quí trọng, mà tôi dám hỏi chớ anh có đãi đằng chúng bạn chăng? Ích chi cho kẻ đồng loại cùng ta đọc hoài đọc hủy? Chúng nó ở chỗ hẹp hòi luôn luôn, mặc đồ mùa nóng cũng như mùa lạnh, có một cái bóng làm tôi theo hầu nó mà thôi, nhà nước cần chi đến những kẻ chẳng xài phí chi hết! Tôi tưởng kẻ hay chưng dựng[1], hay rãi của cải thì là người cần kíp mà thôi. Ta biết dùng, trời cũng hay! Sự vui chơi ta làm cho kẻ thợ thầy, người buôn bán, kẻ may xiêm cùng người mặc lấy thảy đều có công việc làm ăn, còn các ngươi, thì kính dưng cho các ông giàu sang những sách tầm vinh[2] đặng họ trả cho nhiều tiền.” Những lời nói ấy xấc quá nên mắc phải những tai hại đáng kíp. Người hay chữ đó làm thinh, nói đã chán rồi. Giặc giã trả thù còn hơn là lời nói bao biếm. Thần coi việc giặc phá tan hoang chỗ hai người ấy ở: hai người đều bỏ chỗ thành đó mà đi. Người dốt không nơi trú ngụ; tới đâu đều bị chê bai đó. Còn người hay chữ thì tới đâu đều được kẻ kính người vì.
Đứa khờ nói quấy kể chi! Hễ người tài trí gặp thì sẽ hay.
Chú thích