CHƯƠNG THỨ BA


Sự vệ-sinh việc phòng bệnh


Cứ bình-tình mà nói thì xứ Bắc-kỳ này, thủy-thổ không được tốt lành. Người bản-xứ hễ đi xa nơi đồng-bằng, hoặc là những miền lưu-vực lớn của nông-dân sinh-nghiệp thì phải bệnh ngay. Dân Thổ mà xuống miền đồng-bằng chốn hạ-du, trong ít ngày cũng sinh bệnh. Dân Mán thì chỉ ở đỉnh núi mới được khỏe mạnh.

Người bản-xứ chen chúc nhau ở miền hạ-du, giả sử bảo đi cầy cấy những nơi phì-nhiêu chi địa ở miền thượng-du, thì đều trả lời rằng: ở đó nước độc.

Tuy rằng ở nơi đồng-bằng là nơi mà người bản-xứ đã quen về thủy-thổ, cũng không thực được khỏe mạnh. Về phần nhiều thì toàn là những người bé nhỏ gầy còm, lại nào là những kẻ mù lòa, nào là những người mắc bệnh phong. Ở nhà-quê thì biết bao nhiêu là người ghẻ lở, nơi thành-thị, những người vào hạng học-thức, thì hầu hết là người yếu còm, mặt mày hốc hác, lắm người đương thuở thiếu-niên mà đã chết non.

Về người Au-châu, khi còn ở nước nhà thì rất khỏe mạnh, sang ở bản-xứ, chỉ trong vài ba năm, đã thấy mệt nhọc, phải giở về mẫu-quốc để tĩnh dưỡng.

Thường đổ cho là thủy-thổ: Bắc-kỳ là một xứ nóng, cho nên khí-tiết độc.

Nói như thế là sai lầm. Tiết-giời nóng bức không độc hơn tiết-giời những xứ khác đâu. Nguyên là những người sinh trưởng ở những xứ lạnh, trong khi ở những xứ nóng mà phải lao-động thì lấy làm khó nhọc, bởi thế trông người bản-xứ như là mỏi mệt, bề ngoài tưởng là lười biếng, nhưng phải biết rằng ở bản-xứ đất thì tốt, hoa-lợi thì rất nhiều, cho nên không cần phải lao động một cách quá-đáng; lại cũng không cần lấy áo-quần là cần lắm: vả người ta nhờ về trí-khôn mà chế ra máy móc để thay vào nhân-công. Thế thì không phải lo nỗi tiết-giời nóng bức làm giảm mất nghị-lực của người ta đâu.

Người ta sở dĩ lắm bệnh-tật, hay yếu mệt, cùng là biếng nhác là vì những nguyên-nhân khác kia.

Những nguyên-nhân này tức là những con vật rất nhỏ, mắt người ta không thể nào trông rõ được: là những loài vi-trùng. Có hai thứ vi-trùng: một thứ, thì bổ cho người ta, một thứ thì rất hại cho tính mệnh người ta. Loài vi-trùng sinh hoạt ở trong máu người ta. Hai thứ vi-trùng ở trong máu người ta thì kỵ lẫn nhau, cùng nhau tương lân tương hại luôn luôn. Nếu những con trùng bổ-dưỡng cho khí-huyết mà bị hại, hoặc là yếu đi thì trong thân-thể người ta, thấy mệt nhọc. Những loài trùng độc thắng được những loài trùng kia thì sinh-sản ra rất mau, rồi thành ra lắm thứ bệnh.

Vậy ta phải trừ những loài trùng độc đi.

Những công-cuộc chế-trừ những bệnh rất nguy-hiểm.
Nhà thương trị bệnh đau-mắt ở Hanoi.

Muốn trừ những loài trùng độc thì phải giữ gìn cẩn thận: nhất là về thân-thể, áo-quần, cùng là những đồ dùng về việc ăn uống.

Chớ nên trực-tiếp với những kẻ mắc phải những bệnh nguy-hiểm. Thảng hoặc mà phải phục thuốc cho những người mắc các bệnh nguy-hiểm thì ngay khi xong việc, phải tắm rửa và tẩy giặt áo-quần ngay tức thì.

Chớ nên ăn những rau sống, những thịt tươi (chưa nấu chín) cùng là những thịt có ruồi đã bậu vào.

Ta chớ nên để muỗi đốt, vậy phải trừ loài muỗi đi. Việc này rất là hệ trọng.

Chớ có uống nước bẩn hoặc là nước hôi hám. Chỉ nên uống nước đã đun sôi, hoặc đã lọc, hay là đã hòa thuốc để trừ trùng. Người bản-xứ rất sợ nước ở trong rừng hay ở miền núi chảy ra, là phải lắm: bởi vì nước chảy như thế, khi thấm qua đá, tất là có những loài kim-khí thôi vào nước, làm cho nước có những chất độc. Nước ở trong rừng chảy ra, thấm qua những cành cây, lá cây rụng, tất cũng thôi những chất độc vào trong nước.

Thế nhưng lại còn một việc tối cần nữa, là những khi có bệnh thời-khí phát khởi ở đâu thì giữ cho cái thế bệnh không bành-trướng lên được. Giả sử trong một thành-phố mà trăm người phải bệnh dịch-tả thì cái việc dĩ nhiên là điều-trị người ta cho đỡ sự đau đớn, mà cứu cho nhiều người được khỏi sự nguy-hiểm. Thế nhưng lại còn một điều hệ-trọng hơn nữa là giữ cho bệnh dịch-tả này không lan ra tới vạn muôn người khác, nếu để như vậy thì không thể nào có đủ thày-thuốc để điều-trị các bệnh-nhân được. Thế nhưng người ta mà chưa phải bệnh thì ai còn biết lo về bệnh hay sao? Bởi vậy khó lòng mà diễn-giải cho những người không phải bệnh hiểu rằng việc đốt việc tẩy nhà và quần áo cùng là việc uống thuốc kỵ-bệnh tức là những cách phòng bệnh vậy.

Về mùa đông thì phải mặc áo cho đủ ấm áp, nhưng khốn thay! người bản-xứ, phần nhiều nghèo khổ, lấy đâu làm áo ấm để vận cho đỡ rét. Người ta phải ăn những món nấu chín, những món bổ khi còn đương nóng. Nhưng, khốn thay! người bản-xứ không biết nấu đồ ăn, lại ăn uống rất ít, và rất cẩu thả!

Ban đêm cứ đúng hạn giờ thì phải đi ngủ, chớ nên thức khuya, đánh bài đánh bạc.

Trại hủi ở hạt Hà-đông. Những gian nhà làm bằng lá.
Mỗi gian hai người ở.

Nhà nước Bảo-hộ vẫn rất săn sóc việc vệ-sinh cho quốc-dân. Hiện đã dựng nên một sở y-tế và một sở vệ-sinh. Những công việc này có ba mục-đích: giữ cho người ta khỏi bệnh-tật; phòng những bệnh truyền nhiễm, cùng là điều-trị những bệnh-nhân.

Việc điều-trị những bệnh-nhân là việc khẩn-cấp, phải thực-hành trước tiên cả. Bởi thế khắp trong nước, quốc-dân đều thâm tạ chính-phủ đã dựng nên những bệnh-viện lớn lao, lại tuyển sang bản-xứ các bậc y-sĩ đại-danh, cùng là các nhà giải-phẫu và các nhà bào-chế. Các nhà cự-phú, những khi lâm sự, giả sử mất bao nhiêu tiền mà gập được những bậc y-sĩ đại-tài, gập thày gập thuốc thì cũng vui lòng.

Còn một việc quan trọng hơn nữa mà người ta không trú ý đến là việc phòng những bệnh không trông thấy, tưởng như là không hề khi nào mắc phải. Những khi có bệnh dịch-tả làm hại dân-chúng thì dù những người khỏe mạnh cũng đành phải tuân hành những lệ-luật phòng bệnh của sở Cảnh-sát. Chẳng qua là chỉ vì khiếp sợ bệnh, mới bỏ bớt những cái thói hủ lậu, đành phải tuân theo lệ-luật vệ-sinh. Giả sử không thấy ai nói đến bệnh truyền nhiễm, không ai lo sợ về bệnh, mà đem những cách phòng-bệnh và trị-bệnh của các nhà y-sĩ đã công-bố là tối cần thì khó lòng mà khích khuyến cho công chúng tuân theo. Ngay ở nước Anh là nước đã tìm ra cách trủng-đậu mà ngày nay cũng vẫn còn có kẻ không chịu giồng đậu. Ở tại xứ Bắc-kỳ này, biết bao nhiêu người không tuân hành những điều-lệ vệ-sinh? Duy có Nam-định thì vẫn treo gương là một thành-phố rất vệ-sinh, bao giờ cũng thi-hành những cách phòng bệnh dịch-tả. Vốn là khi trước, bệnh dịch-tả làm hại thành-phố này nhiều lắm. Quan sở-tại bèn truyền lệnh cho hàng phố rằng nhà nào cũng phải quét vôi mỗi tuần lễ một lần. Từ đó tới nay, thành phố Nam-định vẫn cứ giữ cái lệ mỗi tuần lễ một lần quét vôi như thế.

Cuộc trị bệnh đậu mùa.
Nhà chế thuốc giồng đậu ở Hà-đông.

Sau đây ta giảng về cái mục-đích thứ ba của sở vệ-sinh và y-tế.

Sở Vệ-sinh và Y-tế này có cái nhiệm-vụ: một là cấm người ta không được ở những nhà chật hẹp quá, cùng là ẩm thấp và tối tăm. Ở các thành-phố, trước khi làm nhà, hoặc là chữa nhà mà thay đổi nhiều thì phải đem kiểu nhà trình sở Vệ-sinh, hễ kiểu nhà mà hợp lệ thì mới được phép khởi-công. Cái lệ này là một việc hay cho ta, chứ không phải là phiền nhiễu đâu. — Hai là định cách cho thành-phố có nước trong sạch để ăn uống. Công cuộc này vốn sở tổn nhiều, mà đem thực-hành thì phải lâu năm mới kết-quả được. Tại thành-phố Ha-noi có một nhà máy bơm nước sông để lọc bằng những máy lọc, rồi mới để cho công-chúng dùng. Tại Hai-phong có một nhà máy nước, phải vận nước từ chỗ cách xa những 35 ki-lô-mét đến. Tại thành phố Hà-đông, Nam-định hiện nay cũng đương trù-liệu việc lập nhà máy lọc nước như ở Hanoi và Haiphong. Tại hạt Hà-đông, hiện đã có nhiều làng tự mua máy để lọc nước.

Nhà thương ta ở Hanoï: một phòng các bệnh-nhân.

Ba là đặt lệ bắt các nhà trong thành-phố đều phải giữ gìn sân, thềm, cầu rửa và nhà xí cho sạch sẽ luôn luôn. Về việc vệ-sinh thì sở cảnh-sát rất là nghiêm-khắc, thế nhưng công chúng lại nên yêu cầu sở cảnh-sát phải nghiêm khắc hơn nữa. Ở các nước, các viên cảnh-sát vệ-sinh mà khám nhà nào có mảnh bát vỡ ở trong sân thì cũng phạt. Vì là bát vỡ mà không quẳng đi xa chỗ nhà ở, nước tích trong bát vở, tất sinh ra muỗi.

Bốn là việc trủng đậu. — Bệnh lên đậu rất là nguy hiểm, xưa kia thường hay phát-hiện ở bản-xứ. Bệnh này thường loài bò và trâu hay mắc phải, song trâu bò mắc phải thì không chết. Giả sử ta lấy mủ con trâu non phải bệnh, ta cạo ở cánh tay một người khỏe mạnh cho sây da ra, rồi ta bôi cái mủ trâu kia vào chỗ sây da ở cánh tay người thì người này cũng phải bệnh, nhưng bệnh nhẹ mà thôi. Phần nhiều thì người phải bệnh như thế, không thấy gì cả, như không vậy. Bôi mủ trâu có bệnh như thế một lần rồi thì trong suốt năm năm không mắc phải bệnh lên đậu nữa. Người nào trong đời mình cũng phải trủng đậu mươi lần như thế, mà hễ động thấy bệnh lên đậu thành ra bệnh thời-khí thì phải trủng đậu ngay.

— Năm là xem xét việc hộ-sinh. Giữ cho người ta khi lọt lòng mẹ, được thoát khỏi các trứng bệnh, tức là một cái nhiệm-vụ tối cần đối với nhân-loại. Bởi thế nhà nước lập ra nhà thương nào thì cũng lập kèm thêm nhà hộ-sinh, có các quan thày thuốc thiện-nghệ, cùng là các bà đỡ đã thạo công việc hộ-sinh. Nhà nước lại lập ra một tràng học để luyện đạt các cô-đỡ, lấy sự sạch sẽ trong việc hộ-sinh là quan trọng nhất.

— Sáu là việc phòng bệnh sốt. — Những miền rừng và miền trung-du thường có bệnh sốt, vì rằng: 1∘ — Những hạt này không cấy cầy. Việc nông-phố làm cho các hạt chỉ trong vài năm là hết sự lam-chướng. 2∘ — Vả lại những miền lam-chướng thì nước rất độc, vì không có ánh mặt giời chiếu vào. Những nước này thì trước khi dùng phải đun sôi, hoặc là phải lọc cho sạch. 3∘ — Vả những hạt này có lắm muỗi, tiết giời thì lạnh lẽo, những người ở gần các miền rừng hoặc là đi du-hành ở miền núi thì người nào yếu đuối, ăn uống không được khỏe, hay phải bệnh sốt lắm. Trước khi nổi cơn sốt mà uống thuốc quinine thì giữ được bệnh sốt không lên cơn; nhà nước rất lưu tâm về việc phát cùng là bán thuốc quinine thực tốt cho quốc-dân. Vậy những thợ thuyền, những quân lính mà phải đi đến những xứ lam-chướng thì người chủ hay người đốc-công đều phát thuốc quinine cho để giữ mình.

Sự vệ-sinh của quốc-dân trước phải săn sóc cho trẻ con, nhất là về những nhà nghèo khó; mà thuộc về những nhà giầu thì do những cách dậy bảo học-trò theo cách vệ-sinh. Mới đây hội Khai-Trí-Tiến-Đức thực-hành cái ý-kiến của quan cai-trị Marty cùng là quan tổng-đốc Hoàng-trọng-Phu mà khích-khuyến các làng để lập ra một hội chuyên về việc săn sóc, rửa tắm, nuôi nứng những trẻ con nhà nghèo. Quan Thống-sứ Monguillot cũng hạ cố đến mà đỡ đầu cho hội này, tức là hội tổ-chức những « Ấu-trĩ-viên » ở trong nước. Cái nghĩa-vụ của những hào-mục các làng là phải giúp cho hội này được thành-đạt.

Nhà nước có cử một viên đại-úy Đại-pháp để tổ-chức cái công cuộc tập cho những học-sinh các tràng trung-học và những tràng học các thành-phố được khỏe mạnh cứng cáp. Cái công cuộc này, người đời xưa đều cho là cái trò cười. Xưa kia, ai mà chẳng khen những thày học-sinh suốt ngày cắm cúi về việc sách đèn, quá ư lao khổ đến nỗi người thì gầy còm, má thì lõm, chân tay khẳng khoeo, móng tay thì thực dài.

Ngày nay, người ta thường nói : « cái tinh-thần mạnh mẽ trong cái thân-thể mạnh-mẽ ». Vậy trước hết là cần phải có sức khoẻ. Các tràng học ngày nay đều dậy thể-thao, luyện tập học trò về những cuộc chơi đùa cho khoẻ chân mạnh tay. Người thông-thái mà yếu đuối, thường có tính ác-nghiệt; còn như người thông-thái mà khoẻ-mạnh thì hiếm có người ác-nghiệt.

Những cách tập thể-thao để cho thân-thể khỏe mạnh thì trí-khôn mới tinh-khôn.
Cuộc tập thể-thao tại tràng Thể-dục Hanoi.

Về cái mục-đích thứ hai: là trừ bỏ sự truyền-nhiễm.

Ở Bắc-kỳ này thì ghê gớm nhất là bệnh phong. Ít lâu nay, những người mắc bệnh này mà bệnh còn nhẹ, có thể điều-trị ở nhà được thì nhà nước săn sóc luôn luôn. Nhà nước có lập ra những trại hủi để điều-trị những người giầu hay nghèo có bệnh mà thể bệnh đã nặng rồi. Người nghèo thì nhà nước đem đến trại hủi để phục thuốc; người giầu thì tình-nguyện đến để điều trị.

Trại hủi là một cái làng cách biệt nơi đô-hội, thường là một cái đảo. Các bệnh-nhân thì mỗi người có nhà hay là phòng riêng, nơi ăn chỗ ngồi thì giữ sạch sẽ luôn luôn. Lại có vườn hay ruộng để mọi người đều làm lụng cho tiêu khiển, hoặc là để nhân cuộc lao-động mà sinh lợi. Người nào bệnh nặng thì chẳng những là nhà nước săn sóc cùng là giúp đỡ mà thôi, lại có nhà thuốc để điều-trị nữa. Ở trại hủi thì giữ gìn cho các bệnh-nhân đều sạch sẽ, không phải lo phiền sự gì, cốt để làm cho cuộc sinh hoạt khỏi phải cực khổ.

Hanoï. — Tràng thể-dục.
Mấy nhà võ-cử tương-lai.

Ngày nay không đâu trông thấy những người hủi đi khắp các phố, các làng, các chợ để ăn mày nữa, vậy không phải lo nỗi họ truyền nọc bệnh đi các nơi.

Bệnh dịch-tả và bệnh dịch-hạch thì nay, ngày càng ít thấy có lắm rồi. Khi nào mà chính-phủ có tin báo những xứ láng-giềng có bệnh dịch thì lập tức thi-hành lệ-luật vệ-sinh rất nghiêm-khắc ở các miền giáp-giới: những hành-khách trước khi qua vào địa-hạt bản-xứ thì phải có quan thầy thuốc xét xem có phải là thực không mắc bệnh, thường khi người khoẻ mạnh cũng đem giữ lại trong một nhà thương riêng độ 8 hay 15 ngày. Tại xứ Bắc-kỳ này mà ở hạt nào có bệnh thời-khí thì người có bệnh phải vào một nhà thương riêng để phục thuốc. Trong nhà thương này thì chỉ có những người cùng mắc phải một bệnh thời-khí mà thôi. Lại phải thi hành những cách để giữ cho bệnh không bành-trướng lên được. Vậy người nào phải bệnh mà chết ở nhà thì người nhà hay là thầy thuốc phải lập tức khai trình quan sở-tại. Nếu là bệnh truyền-nhiễm mau lắm thì sở vệ-sinh bắt phải tống táng ngay lập tức, rồi tẩy uế nhà người chết: cửa nhà thì hun thuốc, áo quần thì bỏ vào nồi hấp.

Lắm bệnh thì có thể trừ tiệt ngay từ khi mới phát hiện. Vì cái mục-đích này cho nên ở các thành-phố lớn đều có những sở thăm-bệnh, ra vào tự do, không mất tiền mà cũng có quan thày thuốc của nhà nước xét bệnh cùng là phát thuốc cho. Những sở này gọi là sở thăm các bệnh.

Đây ta lại nên nói về các bệnh tật.

Ít lâu nay, ở Hanoi, Hải-phòng, Nam-định và nhiều nơi tỉnh-lỵ đều có nhà thương, dần dần thì khắp các tỉnh-lỵ cũng đều có nhà thương. Nhà thương thì thuộc quyền một viên thày thuốc hoặc là một hay nhiều thày-thuốc người bản-xứ quản-trị. Ở các nhà thương này thì những người nghèo không phải giả tiền; nhưng người giầu thì phải giả tiền ít mà thôi. Nhà thương nào cũng có phòng thăm bệnh. Hoặc là trị bệnh bằng thuốc, hoặc là trị bệnh bằng cách giải-phẩu. Khoa giải-phẩu là một cách trị-bệnh chóng công-hiệu nhất. Lắm bệnh thì chỉ có cách điều-trị này là công-hiệu mà thôi. Giải-phẩu tức là trích mổ người có bệnh mà lấy cái bộ-phận trong thân-thể mắc bệnh để bỏ đi. Việc giải-phẩu thì phải những tay y-sĩ có giá-trị lắm mới làm được.

Trong mấy năm nay, nhà nước tuyển sang bản-xứ nhũng thày-thuốc chuyên-môn riêng về mỗi bệnh. Lại có những nhà thương riêng về các bệnh. Tại xứ Bắc-kỳ này, nhiều người hay phải bệnh đau mắt. Vậy đã lập ra những nhà thương chữa mắt rất là danh tiếng, vì hằng năm làm cho kể mấy trăm người lòa lại sáng mắt ra, trông rõ được. Những thày thuốc cùng là những người khán-hộ ở những nhà thương này thì đều là những tay chuyên-môn cả. Ngoài việc trị bệnh thì lại truyền bá trong nước những cách chữa mắt, cùng là những cách để tránh khỏi bệnh đau mắt.

Còn một bệnh nữa rất là ghê gớm, là bệnh ung-độc. Mới đây bệnh này không có cách nào trị tiệt hẳn được. Người có bệnh chỉ đành sống ngày nào là để đợi chết mà thôi. Hiện nay ở Hanoi, đương làm một nhà thương riêng để điều-trị những người phải bệnh ung-độc, hi-vọng sau sẽ cứu được thực nhiều người khỏi bệnh. Bệnh này trị bằng chất « quang », là một chất đắt tiền lắm. Chỉ những nước thực là cự phú mới có thể mua được chất « quang » mà thôi.

Bệnh chó dại cũng rất là ghê gớm, thường hay phát hiện ở xứ Bắc-kỳ, vì loài chó ở bản-xứ rất nhiều. Một nhà bác-sĩ đại-danh nước Pháp đã tìm ra được cách trị-bệnh này. Khắp thế-giới đều kính trọng bác-sĩ Pasteur như một ông thần vậy. Tại Hanoi, Saigon và Nha-trang đều có viện Pasteur, hễ ai bị chó dại cắn thì phải đưa đến viện Pasteur đề điều-trị ngay lập tức.