CHƯƠNG THỨ HAI MƯƠI


Về diễn-kịch, về chuyển-ảnh, về âm-nhạc bản xứ


Mới mười năm về trước, nghề diễn-kịch bản-xứ hãy còn hủ-lậu. Rạp hát thì dơ-bẩn, ở sân-khấu thì bọn âm-nhạc ngồi ngổn ngang, không có trật-tự gì cả; lại nào là những trẻ con bán nước, bán quả đi lại tự-do trên sân-khấu. Mũ mãng và những đồ dùng của bạn-hát cũng để hỗn độn ở trên sân-khấu. Về bạn-hát thì toàn là những kẻ ngu-xuẩn, chỉ biết diễn mấy vở tuồng cũ rích mà thôi; phần nhiều miệng hát mà chẳng hiểu gì về câu hát. Duy có các nhà nho tòng-cổ là ưa nghe những vở tuồng cổ mà thôi. Những vở tuồng ấy thì phần nhiều người xem không hiểu gì, và không lấy làm thích. Về âm-nhạc thì vang tai nhức óc. Cách bài-trí thì không bao giờ thay đổi. Thường dùng cái biển buộc ở đầu cái gậy làm cách bài-trí về cảnh rừng. Phường-hát ngày xưa là một hạng người rất khinh bỉ; bọn âm-nhạc thì chẳng hơn gì bọn phu-xe.

Tại rạp chuyển-ảnh thì chớp những việc Âu-châu và Mỹ-châu, phần nhiều là những việc kỳ lạ mà người bản-xứ không hiểu.

Âm-nhạc thì giống như một nghìn năm trước, có khi nay lại kém xưa: há phải sự văn-minh của người ta, lại chỉ đứng yên trong một trình-độ mà thôi hay sao?

Nếu không tiến-bộ, thì tất là thoái bộ, về mỹ-thuật cũng vậy.

Âm-nhạc cũng một lối, song nhạc-khí thì giống như hay là kém hơn một nghìn năm trước.

Ngày nay người Bắc-kỳ cũng am-hiểu cái tư-tưởng Thái-tây đó; là nếu người ta không tiến bộ thì thoái bộ. Vậy cố sức làm cho phương-diện nào cũng tiến bộ.

Về việc diễn-kịch thì ở xứ Bắc-kỳ này có ba điều rất là tiến-bộ. Sân-khấu rộng-rãi; cách bài-trí thì theo với ý-tưởng trong bản-kịch: khi thì bày cảnh trong dinh các quan; khi thì bày cảnh rừng, hoặc là bày cảnh nghĩa-địa; tùy theo trong vở-kịch mà sân-khấu thay đổi cảnh. Những vai diễn-trò, đương khi làm tuồng ở sân-khấu thì không được tự-do, như là tay bưng lấy bát nước mà uống như ngày trước nữa. Áo mũ thì thay đổi trong buồng, ở ngoài Sân-khấu. Khi hát thì không gào thét như lối cũ.

Phường âm-nhạc thì ngồi chỗ kín, không ngồi bầy ra Sân-khấu như trước; người xem chỉ thấy tiếng đàn êm-ái, chứ tiếng đàn tiếng trống không làm lấp câu hát như xưa.

Nay vẫn còn diễn những vở tuồng cổ cùng là những sự-tích hoang-đường; song lại cũng diễn những vở-tuồng mới, người xem đều am hiểu mà lấy làm thú lắm.

Sự tiến-bộ thứ hai. — Các nhà bỉnh-bút trong văn-chương-giới bản-xứ có dịch những bản-tuồng Đại-pháp ra tiếng bản-xứ, nhất là các bản-tuồng tuyệt-tác của các bậc danh-sĩ, miêu-tả những phong-tục chung của khắp các thời-đại và của khắp các dân-tộc trong thế-giới.

Những bản tuồng này dễ hiểu lắm, lại tỏ bầy cho người bản-xứ về những tư-tưởng và những phong-tục của người ngoại-quốc.

Sự tiến-bộ thứ ba. — Ít lâu nay lại có những Hội các nhà tài-tử bản-xứ, khi hội-đám thường tổ-chức cuộc diễn-kịch những bản tuồng duy-tân hay là những bản tuồng tây. Những bản kịch này thì diễn tại rạp hát tây. Vì thế mà phường hát bội ngày nay không đến nỗi bị khinh bỉ như xưa nữa, cho nên con nhà nghề cũng có phần tiến-bộ.

Về cuộc chuyển ảnh thì một nhà chuyển ảnh Đại-pháp là hãng Pathé mới đây có tổ-chức cuộc chụp những phim ảnh ngay ở xứ Bắc-kỳ này. Chính-phủ cũng có chụp những phim ảnh về bản-xứ. Người bản-xứ nay thường được xem chớp trên màn ảnh những phim thuộc về xứ Bắc-kỳ này. Một người Đại-pháp vốn là bạn thân của người bản-xứ, quí-hiệu là Famechon, mới đây lại tổ-chức một cuộc truyền ảnh quan trọng hơn nữa. Là chụp phim ảnh Kim-Vân-Kiều. An-nam, ai mà chẳng biết chuyện Kiều, dù không biết nhiều thì cũng thuộc lòng năm ba câu. Vậy nay thì người bản-xứ chẳng những xem truyện Kiều trong sách mà thôi, lại xem khắp các vai trong sự-tích Kiều hoạt động như thực ở trên màn ảnh nữa.

Cái phim ảnh này tỏ ra rằng người bản-xứ có thể trở-nên những tay diễn-trò riêng về nghề chuyển ảnh. Lại là một dịp để khích-khuyến về cuộc đem những bản-kịch duy-tân mà chớp làm phim ảnh để tỏ bày cho người ngoại-quốc hiểu rõ những phong-tục của bản-xứ. Nghề chuyển ảnh lại là một mối lợi tân-kỳ cho người bản-xứ, vì rằng cuộc tổ-chức để xuất-sản ra một phim ảnh thì tất phải cần dùng đến nhiều các vai trò chính cùng là các vai trò phụ, lại phải mượn đến nhiều các nghề khác giúp về cuộc bài-chí và việc y-phục. Ngày nay ở Mỹ-châu có nhiều thành-phố nhờ về nghề chuyển ảnh mà được phong phú.

Âm-nhạc bản-xứ cũng đã tiến-bộ. Có nhiều nhà tài-tử đã cố-sức khuếch-trương cái nghề âm-nhạc bản-xứ: 1∘ như là học tập lối âm-nhạc Tây; 2∘ biết dùng những nhạc-khí tây; 3∘ sửa sang lại những thứ nhạc-khí lối ta cho tinh-xảo hơn xưa cùng là chế-tạo những thứ nhạc-khí mới.

Quan Tổng-đốc Hoàng-trọng-Phu, là thủ-hiến hạt Hà-đông, vốn ngài rất lưu-tâm về ba sự tiến-bộ trên này, ngài đã tạo-thành được một bọn âm-nhạc ta mà hòa-nhạc bằng những nhạc-khí tây. Khi cuộc Hội-chợ Hanoi cũng có phường-nhạc Huế, hòa các bài nhạc lối tây. Trong vài năm nữa thì các nhà tài-tử bản-xứ sẽ lựa trong lối âm-nhạc tây những cung bậc, cùng là những thứ nhạc-khí có thể bổ khuyết cho lối âm-nhạc ta. Hiện đã có nhiều người Đại-pháp thực-hành cái ý-kiến này rồi: vì trong nghề âm-nhạc của nước Đại-pháp thì có đủ các lối nhạc của các thời-đại và của khắp các nước.

Nghề âm-nhạc ở Hanoi và ở Ha-đông ngày nay đã tiến-bộ thì sẽ có ảnh-hưởng đi khắp xứ Bắc-kỳ, khiến cho người bản-xứ đều được hưởng-thụ những cuộc tiêu-khiển tân-kỳ vậy.

Một cảnh thuộc về phim Kim-Vân-Kiều.