Xứ Bắc kỳ ngày nay/1
CHƯƠNG THỨ NHẤT
Cuộc trị-an của đại-pháp bảo-hộ
Giả sử ta hỏi các cụ già rằng: khi xưa, các cụ đương buổi thiếu-niên, thì cuộc sinh-hoạt ở các làng nhà-quê là thế-nào? Các cụ tất hẳn sẽ tả-chân ra một cuộc sinh-hoạt không được yên-ổn, vui-thú như ngày nay.
Thuộc về cái buổi các cụ ngày xưa đó thì người ta khó lòng mà đi quan-sát các chợ ở cách xa làng nhà; dù có du-quan ở những nơi gần-gụi cũng rất là khó-khăn nguy-hiểm. Giặc cướp luôn luôn. Ngay ở trong các làng, dân-cư cũng không được yên-ổn. Việc tuần-phòng dù cẩn-mật thế nào, những quân trộm cướp cũng kéo lọt vào giữa các làng, mà cướp phá, cùng là bắt đàn bà, con gái đem đi.
Người nào có chút đỉnh tiền bạc thì phải giấu giếm, không dám cho ai trông thấy. Vì thế mà những nhà giầu phải giả làm nghèo-khó, áo quần thì làm ra nhem nhuốc, nhà ở thì rất là tồi tàn để cho thiên-hạ không biết là mình có của. Cái tệ này lại sinh ra cái tệ khác, là kẻ nào kiếm ăn khá giả, có tiền thừa, chỉ những đem vung phá, tiệc đám cho hết đi, không bao giờ có tiền để giành cả.
Mùa màng thì bán rất khó khăn; những đồ dùng thuộc về các nghề mọn trong nước cũng vậy, không thể nào bán được chạy. Bởi thế không ai muốn làm lụng quá cái trình-độ sự nhu-yếu của mình, thành ra cái tệ lười-biếng; thường trong nước hay gặp những cơn đói kém thì khó lòng mà vận tải được những sản-vật nơi xa đến mà dùng. Người bản-xứ sở dĩ ăn uống kham khổ là vì thế; thậm chí ngày nay phần nhiều người An-nam trông rất là yếu còm. Vả lại các bệnh thời-khí thì phát-hiện luôn luôn ở trong nước, những kẻ mắc phải bệnh phong, những người mù lòa khi xưa nhiều gấp mấy mươi bây giờ.
Ngày nay, khắp trong nước đều vui lòng mà làm lụng; thóc gạo mà dư-dật thì lại bán được rất lợi, xứ Bắc-kỳ xuất-cảng gạo và bắp đi ra các nước rất xa xôi. Những đồ thường dùng xuất-sản ở các làng, đem ra các tỉnh-thành thì người ngoại-quốc và những người hào-phú bản-xứ đều mua nhiều lắm, vả lại có nhiều thứ hàng tải đi bán ở xứ Nam-kỳ.
Người buôn bán được nhiều tiền thì đem tậu ruộng, làm nhà gạch sang trọng để ở, cách vận-tải thì bằng xe-lửa, cùng là tàu thủy hay là đi ô-tô, lại mua những đồ dùng thông thường, và khí-cụ, cùng là các máy móc. Đi đường thì không lo nỗi giặc cướp, trong các làng, trộm cướp cũng ngày càng ít đi. Như vậy, người ta há lại chẳng vui lòng mà làm lụng hay sao? Sự ăn uống cũng được sung-túc: ngày nay thì ăn cơm, lại có bánh tây và những thứ bánh ngọt làm bằng bột mỳ, toàn là những thực-phẩm rất bổ; lại nào là cá mắm khô, nước mắm Nam-kỳ và Cao-miên. Người ta thường ăn thịt bò tươi cùng là thịt trâu. Sữa hộp là một thứ vật-thực rất bổ cho trẻ con mà lại không phải là một vật hiếm hoi gì.
Ở các làng đều thắp bằng đèn dầu tây, ban đêm có ngọn đèn sáng sủa, trông thực là vui mắt, làm việc đêm rất tiện, không lo ngại gì cả. Những nông-khí cùng là các máy móc về nghề tơ thì rất tinh xảo; hiện nay nhiều những nhà nghề đều có máy dệt bí-tất. Chợ nào cũng có bán rất nhiều những sợi bông, sợi tơ, chỉ, kim, thắt lưng, v. v.
Người nhà-quê có thể đi xa, lộ-phí không tổn mấy mà đi đường rất là yên ổn, ban đêm mà đi từ trong làng tới ga-xe-lửa, hay từ ga xe-lửa về tới làng nhà, cũng không ngại ngùng gì.
Tại sao người bản xứ ngày xưa lại nghèo khổ, ăn uống kham-khổ; suốt đời lo sợ, không bao giờ đi ra ngoài cái bụi tre làng nhà, mà bây giờ thì cách sinh kế rất dễ dàng, ăn uống thì sung-túc, áo quần được ấm-áp, cùng là đi chợ-búa hoặc là đi từ nhà lên huyện, lên tỉnh, không sợ hãi gì cả, thường khi lại đi thăm bà con chúng bạn ở những xứ rất xa, còn như tin tức ở đâu thì cũng tiếp được luôn luôn, nhỉ?
Số là nhờ vì những sự kết-quả của các thời-đại bình-trị.
Vì rằng khắp trong nước, sự cảnh-sát đều được chỉnh-đốn, các xứ lân-bang đều kính nể. Người khách vốn buôn bán rất khéo, có tới bản-xứ để lập thương-điếm, cũng phải tuân theo phép-luật bản-xứ, chứ không dám gây loạn như xưa. Những hạng người nghèo khổ thì đều kiếm được việc làm ở những sở mỏ, các nhà máy, hoặc là các việc công-chính, không phải đi trộm cướp như xưa mới có miếng ăn nữa?
Vậy cuộc bình-trị là sự hạnh-phúc rất lớn lao cho ta; nhờ vì ai mà trong nước được hưởng cuộc bình-trị nhỉ? Há lại chẳng phải là nhờ về nhà-nước Bảo-hộ hay sao? Nhờ về nhà-nước bảo-hộ, mà người ngoại-quốc không thể nào tới đây quấy nhiễu; lại nhờ về nhà-nước Bảo-hộ thi hành những luật trừng trị để ngăn cấm những kẻ hào-cường không dám áp-chế những kẻ nghèo khổ yếu đuối, không bao giờ lại để những kẻ lười biếng, những quân du-đảng đoạt mất phần công khó nhọc của những kẻ lao-động.
Sự trật-tự cùng là cuộc trị-an, tức là một sự sở-đắc thứ nhất của dân-chúng vậy.