Việt thi/III-39
NGUYỄN CÔNG-TRỨ
32. VINH CẢNH NGHÈO
Chẳng phải rằng ngây, chẳng phải đần,
Bởi vì nhà khó hóa bần-thần.
Mấy đời thầy-kiện mà thua mẹo,
Nghĩ phận thằng nghèo phải biết thân.
Số khá bĩ rồi thời lại thái,
Cơ thường đông hết hẳn sang xuân.
Trời đâu riêng khó cho ta mãi,
Vinh-nhục dù ai cũng một lần.
53. THAN THÂN
Vốn dễ anh-hùng mới có nghèo,
Sao mà ta lại trải trăm chiều.
Trái mùa, nghiệp cũ không nên bỏ,
Ế chợ, nghề nhà cũng phải theo.
Những giữ miệng đà không muốn nói,
Làm cho bụng lại cứ thường khêu.
Suy ra mới biết rằng hay dở,
Kẻ trước như ta dáng cũng nhiều.
54. THẾ TÌNH
No thì ra bụt, đói ra ma,
Chẳng lạ nhân-tình đất kẻ ta.
Khôn-khéo chẳng qua thằng có của.
Yêu-vì đâu đến đứa không nhà.
Ở đời mới biết cùng thời dễ,
Muôn sự cho hay nhịn cũng qua.
Cơ tạo có đi thời có lại,
Vạch vôi lấy đó mãi ru mà.
CHÚ-THÍCH. — Kẻ, có nghĩa là xứ, như nói người kẻ chợ, kẻ ta đây là xứ ta.
55. YÊN PHẬN
Cho hay thiên-hạ khéo xem gương,
Hễ khó thì thôi, mấy kẻ màng.
Miệng nói đã đành mua chuyện ghét,
Tay không chưa dễ ép người thương.
Khéo-khôn ai cũng tranh phần được,
Trong-sạch ta nên giữ mực thường.
Đi lại chẳng qua thời với mệnh,
Cũng đừng thắc-mắc, chớ lo-lường.
56. BỠN CÔ ĐÀO GIÀ
Liếc trông giá đáng mấy mười-mươi,
Đem lạng vàng mua lấy tiếng cười.
Trăng xế nhưng mà cung chẳng khuyết,
Hoa tàn song lại nhị còn tươi.
Chia đôi duyên nọ đà hơn một,
Mà nét xuân kia vẹn cả mười.
Vì chút tình-duyên nên đằm-thắm,
Khéo làm cho bận khách làng chơi.
CHÚ-THÍCH.— Tương-truyền rằng thủa ấy có cô đào tên là Hiệu Thư người đẹp và tính kiêu. Khi ông Trứ còn hàn-vi, muốn gần cô, mới giả làm người kép đi theo cô. Một hôm đi đến chỗ vắng, ông liền trêu-ghẹo, cô không trả lời, chỉ nói một tiếng: Ứ hự! Sau ông làm Tổng-đốc Hải-dương, một hôm có tiệc, cô đến hát, biết ông là người cũ, mới hát rằng:
Giang-sơn một gánh giữa đồng,
Thuyền-quyên ứ-hự, anh-hùng nhớ không?
Ông Trứ nhớ lại và hỏi thì chính là cô Hiệu Thư, ông bèn lấy làm vợ lẻ.
57. TRỜI MƯA ƯỚT ÁO
Thoắt chốc tai nghe một tiếng ồ,
Dần dần ngoài cửa mới đưa vô.
Tưởng rằng gió cuốn màn mây lại,
Ai ngỡ trời tuôn lộc nước cho,
Khi nãy nắng-nôi ra thế ấy,
Bây giờ mát-mẻ biết chừng mô.
Hỡi người ướt áo đừng năn-nỉ,
Có rứa rồi ra mới được mùa.
Chẳng phải sương sa chẳng phải mù,
Ào ào một trận kéo dần vô.
58. ĐI THI TỰ VỊNH
Đi không há lẽ trở về không,
Cái nợ cầm-thư phải trả xong.
Rắp mượn điền-viên vui tuế-nguyệt,
Nỡ đem thân-thế hẹn tang-bồng.
Đã mang tiếng ở trong trời đất,
Phải có danh gì với núi sông.
Trong cuộc trần-ai, ai dễ biết,
Rồi ra mới rõ mặt anh-hùng.
CHÚ-THÍCH — Tang-bồng là do câu: tang-hồ bồng thỉ: cung gỗ dâu, tên cỏ bồng. Nghĩa bóng nói sự dọc-ngang vẫy-vùng của nam-nhi. Bài thơ này có bản chép hai câu khởi như thế này:
Đi không há lại trở về không,
Cái nợ trần-hoàn phải tính xong.
và hai câu kết như thế này:
Đương lúc trần-ai, ai dễ biết,
Xưa nay đâu chẳng có anh-hùng.
59. CẦM KỲ THI TỬU
Trời đất cho ta một cái tài,
Giắt lưng dành để tháng ngày chơi.
Dở duyên với rượu không từ chén,
Trót nợ cùng thơ phải chuốt lời.
Cờ sẵn bàn sơn, xe ngựa đó,
Đàn còn phím trúc, tính tình dây.
Ai say, ai tỉnh, ai thua được,
Ta mặc ta, mà ai mặc ai.
60. CÂY CAU
Ơn chúa vun-trồng kể xiết bao,
Một ngày càng một rấn lên cao.
Lưng đeo đai bạc, sương nào nhuốm,
Đầu đội tàn xanh, nắng chẳng vào.
Buồng chất cháu-con không xiết kể,
Nhà nhiều quan-khách dễ khuyên chào.
Kình thiên một cột dơ tay chống.
Dẫu có lung-lay cũng chẳng nào.
61. TỰ THUẬT
Rằng đây há phải khách tầm-thường,
Theo thế cho nên phải giữ-giàng.
Lúc đạt chẳng qua nhờ vận-mệnh,
Khi cùng chớ cậy có văn-chương.
Theo thời cũng rắp tìm nghề khác,
Bẩm tính đà quen giữ nết ương.
Thời-thế rủi may thời cũng mặc,
Ai dư nước mắt khóc giàu-sang.
62. VINH NHỤC
Đương cơn khổ-nhục lắm người khinh,
Vốn hễ làm người nhục có vinh.
Vận đỏ ghe người cho muối cá,
Hồi đen lắm kẻ xóc xương kình.
Đại-nhân bao quản đường chênh-lệch,
Quân-tử khôn từ chốn đá-đanh.
Thôi, hãy đợi trời bình-trị đã,
Gặp thời vỗ cánh sẽ ra danh.
63. CÁCH Ở ĐỜI
Ăn-ở sao cho trải sự đời,
Vừa lòng cũng khó, há rằng chơi.
Nghe như chọc ruột tai làm điếc,
Giận dẫu căn gan miệng mỉm cười.
Bởi số chạy sao cho khỏi số,
Lụy người nên nỗi phải chiều người.
Mặc ai chớ để điều ân-oán,
Chung cục thì chi cũng tại trời.
61. TRÒ ĐỜI
Một lưng, một vốc, kém chi mô,
Cho biết chanh chua, khế cũng chua.
Đã chắc bữa trưa, chừa bữa tối,
Mà tham con diếc, tiếc con rô.
Trăm điều đổ tội cho nhà oản,
Lắm sãi không ai đóng cửa chùa.
Khó bó cái khôn, còn nói khéo,
Dẫu ai có cái, vậy nên hồ.
CHÚ-THÍCH. — Câu kết có bản chép như thế này:
Bột không có quấy dễ nên hồ.
Cái hay cấy là cái phân đặc, phần cốt trong bát canh hay trong chậu nước.
65. THÓI ĐỜI
Thế-thái nhân-tình gớm chết thay,
Lạt nồng trông chiếc túi vơi đầy.
Hễ không điều lợi, khôn thành dại,
Đã có đồng tiền, dở cũng hay.
Khôn-khéo chẳng qua ba tấc lưỡi,
Hẳn-hoi không hết một bàn tay.
Suy ra cho kỹ chi hơn nữa,
Bạc quá vôi, mà mỏng quá mây.
66. UỐNG RƯỢU TỰ VỊNH
Trót đà khuya sớm với ma men,
Mặc kệ người chê, mặc kệ khen.
Ngó lại hàng rào hương cúc lộn,
Trông ra cửa sổ bóng trăng chen.
Vào vòng cương-tỏa chân không vướng,
Tới cuộc trần-ai, áo chẳng hoen.
Cứ những ai hay tình thú ấy,
Có chăng Bành-trạch với Thanh-liên.
CHÚ-THÍCH.— Bành-trạch là Đào Tiềm đời Tấn, vì trước ông làm huyện-lệnh ở huyện Bành-trạch, cho nên người ta lấy tên huyện ấy mà gọi ông. — Thanh-liên là tên hiệu của Lý Bạch đời Đường.
67. NGƯỜI ĐỜI
Những điều trắc-trở đã xin từng,
Song rút dây kia sợ động rừng,
Người thế những tuồng trông trước mắt,
Ở đời mấy kẻ ngắm sau lưng.
Tính-toan luống đổ mồ-hôi muối,
Thương-xót đà no nước mắt gừng.
Đã thế thì thôi, thôi mặc thế.
Công đâu cho nhọc giận người dưng.
CHÚ-THÍCH.— Mồ-hôi muối là mồ-hôi đã khô thì trắng và mặn như muối. — nước mắt gừng là lấy gừng bôi vào mắt mà giả khóc.
68. SỰ ĐỜI
Những nghĩ xa gần khéo gớm thay.
Sự đời tráo-trở giống bàn tay.
Hãy xem gương trước to tày liếp,
Mà biết lòng người mỏng tựa mây.
Những tiếng bất chi nghe đã chán,
Mấy điều mánh-khoé nói thêm gay.
Ở-ăn cũng tưởng về sau với,
Trời hãy còn cao, đất hãy dày,
CHÚ-THÍCH.— Có bản chép câu đầu như sau này:
Nghĩ-ngợi gần xa khéo nghiệm thay.
69. CẢNH LỮ-THỨ
Nỗi nọ đường kia xiết nói-năng,
Đêm nằm không ngủ biết mần răng.
Đầu cành mấy tiếng chim kêu gió,
Trước điếm năm canh chó sủa trăng.
Phảng-phất lòng quê khôn nén được,
Mơ-màng cuộc thế cũng cầm bằng.
Đêm gà eo-óc trời chưa rạng,
Tình-tứ này ai có biết chăng.
70. HOẠN THỨ CAM TÁC
Tuổi-tác tuy rằng chửa mấy mươi,
Đổi thay mắt đã thấy ba đời.
Ra trường danh-lợi vinh liền nhục,
Vào cuộc trần-ai khóc trước cười.
Chuyện cũ trải qua đà chán mắt,
Việc sau nghĩ lại chẳng thừa hơi.
Đã hay đường cái thời ra thế,
Sạch nợ tang-bồng mới kể người.
71. NGÁN CUỘC ĐỜI
Đù mẹ nhân-tình, đù mẹ đời,
Lạt như nước ốc, bạc như vôi.
Tiền-tài hai chữ son khuyên ngược,
Nhân-nghĩa đôi đường nước chảy xuôi.
Chân có chẹt rồi thì há miệng,
Vòng chưa thoát khỏi đã cong đuôi.
Dám xin các bác phen này nữa,
Nấu xáo xin đừng nấu xáo voi.
72. VỊNH CẢNH GIÀ
Kẻ ghét, song còn có kẻ ưa,
Biết đâu mà uốn được cho vừa.
Khó giàu đã định, xin đừng oán,
Khôn dại dành hay, há dám chừa.
Bể học dò nguồn cho chúng trẻ,
Ngày nhàn vui chuyện với người xưa.
Lâng lâng dũ sạch niềm nhân-ngã,
Ngắm thú phồn-hoa được thế chưa?