Việt thi/I-7
Mấy điều nên nhớ. — Những điều hệ-trọng nên nhớ trong sự gieo vần quốc-ngữ, là bốn điều sau này:
1. —Trong sự gieo vần quốc-ngữ, có ba âm: a, ă â ghép với một phụ-âm c, m, n, p, t thành một âm ghép, như: ac, ăc, âc, — am, ăm, âm — an, ăn, ân — ap, ăp, âp, — at, ăt, ât, những vần ghép ấy chỉ thông được với nhau khi có cùng một phụ-âm đứng trên. Thí-dụ như: Bát thông được với bắt hay bất, mà không thông được với cắt hay cất, mắt hay mất; — lam thông được với lăm hay lâm, mà không thông được với băm hay bâm, trăm hay trâm; — quan thông được với quăn hay quân, mà không thông được với chăn hay chân, nhăn hay nhân v. v... Đó là cách hiệp vận do âm-điệu điều-hòa mà thành lệ.
2. — Khi có vần ghép bằng hai hay ba chữ nguyên-âm với một phụ-âm đứng cuối, như: iên, uyên, uân, uôn, thì người ta lấy hai chữ cuối cùng làm vận-căn mà gieo vần, cho nên en, in vần với yên hay uyên; ân vần với uân; ơn vần với oan; on vần với uôn.
Khi có vần ghép bằng hai chữ nguyên-âm với hai chữ phụ-âm, như ương, thì người ta lấy ba chữ cuối cùng làm vận-căn mà gieo vần, cho nên ang thông với ương. Song phải nhớ rằng uông thông được với ương, mà không thông được với ang, vì a không thông được với ô.
3. — Khi có vần ghép bằng hai hay ba nguyên-âm, thì người ta theo âm-điệu mà lấy một hay hai chữ nguyên-âm làm vận-căn, như: oa, oe, uê, uy, thì vận-căn ở chữ a, e, ê và y, cho nên oa vần với a, oe vần với e, uê vần với ê, uy vần với i. Uây thì vận-căn ở ây, cho nên uây vần với ây. Thí-dụ:
a, oa | Lại càng ủ-dột nét hoa, | |
Sầu tuôn đứt nối châu sa vắn dài. (Kiều) |
è, oè | Dưới trăng quyên đã gọi hè, | |
Đầu tường lửa lựu, lập-loè đâm bông. (id) |
ề, uê | Buồng không để đó, người xa chưa về. | |
Lấy điều du học hỏi thuê... (id) |
uy, ì | Cứ trong mộng-triệu mà suy, | |
Phận con thôi có ra gì mai sau. (id) |
ây, uây | Dễ ai rấp thảm quạt sầu cho khuây. | |
Gần miền nghe có một thầy... (id) |
Những vần ia, uya, ua, ưa, thì vận-căn lại ở chữ i, y, u, và ư mà chữ a đứng ở cuối tiếng không có ảnh-hưởng gì cả. Thí-dụ:
ì, ia | Tiếng Kiều nghe lọt bên kia, | |
Ơn lòng quân-tử sá gì của rơi. (Kiều) |
ê, uya | Cớ sao trằn-trọc canh khuya, | |
Màu hoa-lê hãy dầm-dề giọt mưa. (Kiều) |
ồ, ua | Chạnh niềm nhớ cảnh giang-hồ, | |
Một niềm quan-tải mấy mùa gió trăng. (id) |
ư, ưa | Não người cữ gió tuần mưa, | |
Một ngày nặng gánh tương-tư một ngày. (id) |
4.— Hai tiếng đồng âm và đồng nghĩa thì không vần được với nhau. Song hai tiếng tuy đồng âm mà khác nghĩa, tức là hai tiếng khác nhau, thì vần với nhau được. Thí-dụ:
Lượng xuân dù quyết hẹp-hòi,
Công đeo-đuổi chẳng thiệt-thòi lắm ru!
Lặng nghe lời nói như ru,
Chiều xuân dễ khiến, nét thu ngại-ngùng (Kiều)
Phòng tiêu lạnh ngắt như đồng,
Gương loan bẻ nửa, giải đồng xé đôi. (Cung-oán)
Chữ ru trên là tiếng trợ-ngữ, chữ ru dưới là lời hát êm-ái để làm cho trẻ ngủ, thế là hai chữ ru đồng âm mà khác nghĩa. Hai chữ đồng cũng vậy, chữ đồng trên là loài kim thuộc, chữ đồng dưới là do chữ đồng tâm, nghĩa là cùng một lòng.