VII.— DÂU GIA

Hai nhà có con lấy nhau, gọi là dâu gia, hoặc là thông gia. Dâu gia vì tình con mà có nghĩa liên can với nhau. Khi dâu gia có người mất, ở thành thị thì phúng nhau bằng vàng hương câu đối, ở thôn quê phúng nhau bằng sỏ lợn mâm xôi. Về sau người dâu gia khác mất, thì người ăn thừa tự của người dâu gia trước phải phúng, gọi là phúng trả nợ thay cho cha mẹ.

Nếu người nào lấy con gái mồ côi, không còn cha mẹ nào, thì nhà trai đối với anh em người con gái, cũng gọi là thông gia.

Dâu gia nhiều người rất quí mến nhau. Khi hoạn nạn cũng cứu giúp nhau, mà cũng nhiều người vì nghe lời con mà sinh ra ghét nhau, có khi vì con mà thưa kiện nhau nữa, thế là dâu gia hóa ra oan gia.

Dâu gia không có tình thâm nghĩa trọng với nhau gì mấy, nhưng vì con mà sinh ra tình nghĩa, thì thương yêu con bao nhiêu nên quí trọng đến dâu gia bấy nhiêu. Còn như con cái chẳng ưa nhau, về nhà đặt thêm lời này tiếng khác thì nên cho là kẻ non người trẻ dạ, mắng bảo cho con, chớ đừng nên nghe lời con mà mếch lòng người lớn.

Vả lại dâu gia cũng tất là người đồng thanh đồng khí với mình, xưa nay hẳn cũng đã thân thiết với nhau, mà dẫu chưa biết nhau bao giờ nhưng chắc cũng là xứng đáng với mình, thì mình có lẽ nào vì lời con mà bỏ tình cũ được.

Lạ gì mẹ chồng nàng dâu, có tài nào mà giữ cho khỏi điều này tiếng nọ, mà nghề con gái bù lu bù loa, ít xít ra nhiều, có điều gì mà chẳng về mách với mẹ. Đàn bà lại hay nhẹ dạ thấy con khóc nức nở là thương. Đàn ông lại hay nghe vợ, nghe vợ nói thì cho là thực, rồi nhân thế mà dâu gia oán ghét nhau. Vậy không nên nghe lời con làm gì, thì nghĩa mới trọn thủy chung.