XXXIV.— TÍNH TÌNH

Tính tình nên chia làm hai hạng là tính tình đàn ông và tính tình đàn bà.

1.— Tính tình đàn ông. Bực sĩ phu trọng nhất là luân thường, dẫu nghèo khổ thế nào mặc lòng, nhưng trái luân thường thì ai cũng chê cười. Lại có tính ưa nhàn, lấy cảnh phong nguyệt hoa thảo làm vui thú, lấy cuộc cầm kỳ thi tửu làm phong lưu. Về phần nông công thương cổ thì phần nhiều là người cần kiệm, an phận làm ăn, tuân giữ phép nước, mà nhất là lấy sự quyến luyến ở trong gia đình làm vui, bần cùng mới phải đi làm ăn xa, chớ có thể ở nhà được thì không ai chịu đi đâu cả.

Dân tình rất yêu sự yên ổn; quí hồ làm ăn cho đủ đóng, đủ góp với làng nước; ra đến đình không ai nói động đến mình là mãn nguyện rồi.

Ai ai cũng biết trọng sự học hành; trừ ra nhà nghèo quá thì mới không thể sao cho con đi học được, chớ còn ai có con, độ lên bảy, tám tuổi cũng đã cho con đi học. Nhà thường thường cho con đi học độ năm ba năm thì xoay ra làm nghề, nhà phong lưu phú quí thì cho con đi học thành người mới thôi.

Từ người sang cho chí người hèn; ai cũng lấy !ễ nghĩa làm trọng. Mà nhất là các nơi hương lại hay câu nệ lễ nghĩa từng tí. Ai không có lễ nghĩa thì thiên hạ chê cười là đồ ngạo ngược.

Ngoài các tính trên này, ai có những tính thực thà, cẩn thận, trung hậu, nhún nhường, hòa nhã, công liêm, trầm tĩnh, khảng khái, ngạnh trực, can đảm, quả quyết, kính bậc đạo đức, nhớ người ân nghĩa, trọng đường công nghiệp, giữ cái danh giá, có tư cách, có nghĩa khí, có lượng khoan dung, có lòng nhân đức, có chí nhẫn nại, có khí cương cường, trọng ái tình, yêu nhân loại, yên phận mình, giúp kẻ khốn, ghét sự ác, vui sự thiện, ẩn nhân chi ác, thành chi nhân mỹ, lúc nên xa xỉ cũng xa xỉ, lúc nên hào hoa cũng hào hoa v.v... như thế gọi là tính khí quân tử.

Ai có những tính hồ đồ, ngờ vực, nhút nhát, lười biếng, ghen ghét, khoe khoang, hợm hĩnh, khép nép, câu nệ, sợ đầu sợ đuôi, nghĩ quanh nghĩ quẩn, chẳng ác mà cũng chẳng thiện, chẳng dở mà cũng chẳng hay, ham sự cờ bạc rượu chè, thích sự quây quần ăn uống, chẳng hại gì ai mà cũng chẳng ích gì cho ai, đua đả theo thói đời, gió chiều nào che chiều ấy, người ta xuôi cũng xuôi, người ta ngược cũng ngược, người ta nói cũng nói, người ta cười cũng cười v.v... như thế thì gọi là tính khí thường nhân.

Còn ai có những tính: gian xảo, kiêu ngạo, ương ách, phản trắc, tham lam, thô tục, cục cằn, hay khoe hợm, hay xóc móc, hay kiện cáo, hay tranh giành, hay nịnh hót người quyền thế, hay khinh bỉ người hiền lành, hay nạt dọa kẻ ngu hèn, hay a dua kẻ bạo ác, hay sinh sự hay thù hằn, ăn trộm ăn cướp, xỏ lá ba que, đàng điếm, hoang toàng, ngông nghênh, huỳnh hãm, đài các giả, phong lưu mượn, tinh ranh vặt, lý sự cùn, anh hùng rơm, nhanh nhẩu đoảng, thị phú khinh bần, thị cường lăng nhược, vong ân bội nghĩa, phản bạn lừa thầy, ố nhân thắng kỷ, ích kỷ hại nhân v.v... như thế gọi là tính khí tiểu nhân.

2.— Tính tình đàn bà. Đàn bà nhất là trọng điều liêm sỉ tiết nghĩa. Con gái chưa chồng, phần nhiều là biết giữ mình, con nhà sang không ai dám xâm phạm đã đành, dẫu đứa hèn hạ có người trêu ghẹo cũng biết xấu hổ, có khi văng ra những điều thô tục để cự lại.

Người có chồng rồi, lại nhiều người giữ gìn lắm, chỉ e mang tiếng với chồng. Mà đàn ông ta cũng yên chí rằng người đã có chồng như sản vật gì đã có chủ, không ai tưởng đến sự xâm chiếm nữa. Đàn bà cũng yên chí mình là một người riêng của chồng, dẫu sống chết chỉ biết có chồng mà thôi. Lúc còn con gái, nhỡ nhàng phải một sự xấu thì không tài nào mà gột rửa cho sạch, dù con nhà sang, dù con nhà hèn mặc lòng, ai ai cũng khinh bỉ mà không khi nào lấy được người tử tế nữa.

Trong vợ chồng cũng phải chính đính, những người tử tế không mấy khi nói những tiếng lả lơi nhả nhớt.

Ai bất hạnh góa chồng, thì dù còn trẻ tuổi nhan sắc cũng muốn thủ tiết với chồng, để giữ lấy danh giá. Bất đắc dĩ mà bước đi bước nữa, thì đã lấy làm xấu hổ, mà người ngoài cũng đã hơi khinh. Nếu ở vậy mà lỡ ra khôn ba năm dại một giờ thì phải trốn tránh đi đất khác, kẻo sợ người cười, và e dân làng ngả vạ.

Có chồng mà tư gian với trai, thì nhà chồng phú về ngay, mà cũng không ai lấy nữa.

Đàn bà thành phố, lắm người khéo buôn bán, có khi đàn ông cả đời chỉ trông về vợ mà ăn chơi.

Đàn bà nhà quê hay làm, chăm chú công việc, nào người chợ búa, nào người cày cấy, ai ai cũng lấy đảm đang được công việc nhà chồng là giỏi. Ta thường coi nhà nào có đàn bà giỏi là nhà ấy thịnh vượng.

Ngoài các tính trên này, ai có những tính: khoan hòa, nhân đức, hiếu thuận, hiền từ, khôn ngoan, mực thước, đủ cả tam tòng tứ đức, giữ được trinh tiết thủy chung, ăn nói dịu dàng nết na đứng đắn, biết đường thờ cha kính mẹ, biết nghĩa chiều chồng nuôi con, có thao lược gánh vác việc cửa nhà, có can đảm mở mang việc buôn bán, biết giúp chồng cho nên người vẻ vang, biết dạy con cho nên người tử tế, như thế gọi là bậc hiền phụ.

Ai có những tính: tần tảo, chắt chiu, cơ chỉ, hàn gắn, chín chắn, nhu mì, thật thà, cẩn thận, biết đường ăn ở, biết điều phải chăng, biết quí chồng, biết yêu con, biết lo biết lắng, biết nói biết cười, biết tề gia nội trợ, biết kính trọng anh em nhà chồng, có ghen tuông mà ghen tuông biết điều, có nóng nảy mà nóng nảy vừa mực, tuy không có đức hạnh thao lược bằng bậc hiền phụ, nhưng cũng không đến nỗi hèn mạt như kẻ vô loài, như thế là bực kha khá trung bình, cũng nên gọi là lịnh phụ.

Còn ai có những đức tính: gian dối, chua ngoa, cay độc, bạc bẽo, hoang toàng, lừa lọc, lẳng lơ, tráo trở, giang hồ, trăng gió, khinh chồng như lợn như gà, rủa con có ngành có ngọn, mắt quằm quặm như diều hâu, mồm toang toác như quạ cái, điêu ngoa, hớt lẻo, tức tối ghen tuông, lăng loàn, nghiệt ngã, thì gọi là kẻ ác phụ.

Lại còn hạng ngu si, đần độn, hay ăn, làm biếng, ăn chẳng nên đọi nói chẳng nên lời, buôn bán vụng về, nói năng cẩu nhẩu, vai u, thịt bắp, mặt xỉa mày sưng, mặt tày lệnh, cổ tay cong, tối như đêm, dầy như đất, như thế gọi là bọn xuẩn phụ.

Trong các tính tình đàn ông, đàn bà không mấy người toàn hay cả mà cũng không mấy người dở cả. Đại để trong mười phần được bảy, tám phần dở thì là dở. Người hay thì ai ai cũng trọng, mà người dở thì ai ai cũng khinh.

*

* *

Mỗi nước có một tính tình riêng, có tính tình nước kia cho là dở, mà nước nầy cho là hay; có tính tình nước này cho là hay, mà nước kia cho là dở. Cái hay cái dở đó tùy theo cái trình độ của dân trí mà phân biệt và theo cái thói quen mà thôi.

Nước ta học theo Khổng giáo, cho nên trọng nhất là luân lý cương thường. Bất cứ đàn ông, đàn bà, hễ giữ được luân lý cương thường là hay, mà trái với luân lý cương thường là dở. Mà luân lý của đàn ông, thì lại trọng nhất là trung hiếu, luân lý của đàn bà thì lại trọng nhất là trinh tiết. Cho nên điều khác hay dở thế nào mặc lòng mà hai mối đó thì là mối quan hệ thứ nhất, cái danh giá nhẹ, trước hết phải lấy đó mà cân, rồi mới cân đến điều khác được.

Ấy là cái tính tình riêng của ta, chớ so với lý tưởng các nước văn minh, thì vị tất điều hay của ta đã toàn là hay, điều dở của ta đã toàn là dở.

Thiết tưởng cái trình độ dân trí của ta, mỗi ngày một tấn tới hơn một chút, thì tính tình chắc sao cũng thay đổi ít nhiều. Nhưng trong tính tình đó chắc sao cũng nhiều điều là quốc túy của ta và cũng hợp với lẽ phải chung cả hoàn cầu, như những điều lễ nghĩa liêm sỉ, đạo đức trung thành, v.v... thì dầu đến bao giờ cũng không nên đổi, mà cũng không sao đổi được cái lẽ tự nhiên của tạo hóa ấy.