XXX.— CÁC CÁCH CHIÊM NGHIỆM

Ngoài sự chiêm đoán, ta còn nhiều cách chiêm nghiệm. Chiêm nghiệm là xem các sự xảy qua ở ngoài mà nghiệm việc, việc hay dở của người hoặc việc nắng mưa của trời.

Nghiệm xem thiên thời.

Mặt trời có sắc năm vẻ là tượng thái bình — Mặt trời mặt trăng gấu ăn, có tai biến — Sao chổi mọc, có việc binh đao. — Mày thành hiện, có loạn. — Đêm hôm trừ tịch sáng trời, được mùa đậu trắng; tối trời, được mùa đậu đen.— Mùa xuân, khi đói có sấm, trước khi ăn cơm là sấm đói, sau khi ăn cơm là sấm no. Mặt trăng có vùng (quầng) thì hạn, có tán thì mưa. — Trăng mồng tám đầy thì gạo hơn, vơi thì gạo kém. — Ngày đoan dương có mưa thì cây cối nhiều sâu. — Đêm trung thu, trăng không tỏ, lúa kém; sáng vừa vừa, được vụ chiêm. — Ngày trùng cửu có mưa, sang năm được mùa, không mưa mất mùa. Lúa chín có hoa, gạo rẻ. Cau tốt lúa mất mùa. Nhãn muỗm được mùa, nước to. Khoai lang ngọt, đói kém. Đồng nhiều óc nhồi, nước to. — Rễ cây trắng, cỏ gà trắng, trời sắp mưa. — Cóc cạo miệng, sắp mưa. — Mùa xuân lá tre rụng nhiều, sắp có mưa to. — Xương đùi ếch đen là triệu mưa; đen khúc trên thì mưa về đầu tháng, đen khúc giữa mưa về giữa tháng, đen khúc dưới thì mưa về cuối tháng. — Cá không vẩy đạp đầu không có máu, trời nắng to. — Chuồn chuồn ra từng đàn sắp bão. Kiến tha trứng leo cây, có nước to. — Mỗi cánh bay ra, sắp mưa. — Kiến ở cao leo xuống thì nắng. Mưa mãi quạ bay ra kêu là tạnh. — Nước có bọt đen thì trời còn rét.

Nghiệm xem nhân

Đèn nở hoa, phát tài. — Mồng một Tết có hoa nở tốt. Nhện sa trước mặt, có tin hay. — Chim sẻ làm tổ cây trong sàn, nhà thịnh vượng. — Cò làm tổ bụi tre, hay. — Cây to có đai, hay. — Ong đến sân làm tổ, hay. — Mèo đến nhà thì khó, chó đến nhà thì giàu. — Nhà nhiều mạng nhện thì tàn, nhiều gián thì giàu. — Chuột chù rúc, đắt hàng. — Rắn vào nhà thì quái. — Cú kêu, độc. — Chim lợn kêu, có dịch khí. — Gà mái gáy là gở. — Chim bồ câu kêu, có khách đến nhà. — Mối xông quần áo, độc. — Chuột cắn áo, cũng độc. — Chim bay rớt cứt vào áo, mặc thì độc. — Chim sa cá nhảy, ăn thịt độc. — Ra ngõ gặp trai tốt, gặp gái thì xấu. — Ra ngõ gặp người gánh nước cũng tốt. — Vào rạp hát xem, mới vào thấy cười nói vui mừng, tốt; gặp khóc than buồn rầu, xấu. — Khi cúng cấp lò hương bốc lửa, tốt. — Đun nấu lửa reo, đắt hàng. — Ở nhà điếu đổ nước, dở. — Đèn đổ dầu, dở. — Bình vôi đổ, dở. — Đi đâu hoặc làm việc gì, hắt hơi một tiếng, xấu; hai tiếng trở lên thì được. — Móng chân móng tay bỗng dưng sinh ra hoa đen, xấu. — Máy mắt, có sự. — Giật mình, có tin không hay — Trong nhà bỗng dưng có cây to héo hoặc đổ, tất có thương. — Làng nào cây gạo có hoa trái mùa, hoặc có đai, tất trong làng có người đỗ. — Cây to ở đình chùa tự nhiên đỗ, ứng về thủ chỉ làng ấy chết. — Chủ tướng đi đánh giặc, bỗng nhiên cờ soái đổ, bất tường.

*

* *

Xét cách chiêm nghiệm tại tường của ta, nhiều điều huyền hoặc lắm, không có thể tin cả được. Nhất là những việc xem thiên văn: mặt trời, mặt trăng gấu ăn thì có loạn, sao chổi mọc thì có binh đao v.v... Cứ như ngày xưa phép tính xem thiên độ chưa tinh, thì cho những việc ấy là việc bất kỳ. Chớ như ngày nay người ta tính biết trước được hết, có phải những điều đó là một điều lầm to chăng?

Đó là vì ta tin rằng trong trời đất có một lẽ cảm ứng. Phàm việc một người, một nước, cho đến cả thiên hạ, sắp có việc hay thì tất có điềm hay sinh ra trước, sắp có việc dở thì tất có điềm dở sinh ra trước. Hoặc điềm ra tai mắt chân tay, hoặc điềm ra cây cối súc vật, hoặc điềm ra mưa gió mây mù, trăng sao sương tuyết. Sách ta thường nói rằng: « hòa khí chí tường, quái khí chí dị » nghĩa là khí hòa nhã thì điềm lành đem đến, khi quái lệ thì điềm dữ đưa lại. Cho nên cứ xem những sự bất kỳ xảy ra thì đủ biết việc hay dở của người và của thiên hạ.

Đó thực là một điều ngộ điểm. Cứ như lối tân học ngày nay thì muôn việc hay dở ở đời đều bởi tự người làm ra chớ không có một việc gì là quan hệ đến trời cả. Mà phàm các thứ xảy đến trước mắt như hoa nở, chim kêu, nhện sa, cá nhảy, cũng đều là sự ngẫu nhiên, chớ không phải điềm hay điềm dở gì hết.

Vả lại ta có tin ở sức người, ta mới chịu hết sức mà làm nên các việc hay; chớ nếu tin ở lòng trời, thì cứ ngồi mà há miệng chờ ho hay sao?

Ngày xưa Vương-an-Thạch cho là « thiên nhân bất tương can » là người trời không có can hệ gì với nhau chính là phải lắm.