XVI.— NGHỀ LÀM RUỘNG

Nước ta là một nước Nông quốc, nghĩa là lấy việc làm ruộng làm gốc sinh nhai. Nguyên địa thế nước ta, có hai đại bình nguyên ở rải theo hai dọc sông Cửu-Long-giang và sông Nhĩ-Hà. Đất tốt màu mỡ, lại ở về nhiệt đới, cây cối dễ mọc, mà người thì ít đất thì nhiều, cho nên xưa nay chỉ lấy việc cày cấy làm trọng hơn cả.

Kỳ thủy ta cày cấy theo hai dọc sông ấy, rồi lần lần khai thác đến các nơi rừng xanh núi đỏ, thành ra một nước chỗ nào cũng là đất ruộng nương.

Ruộng chia làm hai vụ; cày cấy tự tháng năm tháng sáu, đến tháng tám tháng chín được gặt gọi là vụ mùa, cày cấy tự tháng một tháng chạp đến tháng tư tháng năm năm sau được gặt, gọi là vụ chiêm. Cũng có nhiều ruộng làm được cả hai vụ, có ruộng chỉ cấy một vụ, còn một vụ thì trồng màu.

Về các nơi sơn cước, phần nhiều là trồng trà, bông, sơn, cau, cà-phê, v.v... Ở về các nơi đất bãi phần nhiều là trồng ngô, khoai, đậu, mía, dâu, vừng, lạc, v.v... Các thứ ấy mỗi năm được lợi cũng nhiều.

Nhà làm ruộng rất là cần khổ. Thoạt tiên cày vỡ, bừa cỏ rồi đến gieo mạ cấy lúa. Cày hôm cuốc sớm, vất vả quanh năm, nào khi làm cỏ, nào khi tát nước; trời nắng chang chang, xém cả da cháy cả thịt cũng phải lọm cọm ở giữa cánh đồng, qua sang đông thì trời rét như cắt ruột, xẻo da mà cũng phải giầm chân xuống nước. Nói rút lại thị nghề nghiệp nước ta, không nghề gì khó nhọc bằng nghề làm ruộng. Mà cách ăn uống lại rất kham khổ, trừ ra mấy nhà phong lưu giàu có, còn phần nhiều thì quanh năm chí tối, cơm tương với cà, bữa nào đổi đồ ăn cho khỏi chán thì đến rau muống luộc chấm tương, hoặc đậu phụng kho nước mắm là cùng, bữa nào canh tôm nấu bầu, hoặc canh cua nấu khoai sọ đã là phong vận, còn thịt cá thì họa chăng ngày giỗ ngày Tết mới có. Cơm cũng chẳng mấy khi ăn cơm gạo trắng gạo thơm, phần nhiều là cơm đỏ gạo xấu.

Nhà làm ruộng chẳng những người lớn vất vả, dẫu đến trẻ con cũng vất vả. Nào khi chăn trâu chăn bò, nào khi mò cua bắt ốc, khố rách áo ôm, coi hình thù rất nên tiều tụy.

Thôi nói cái cảnh nhà làm ruộng của ta, thì chẳng còn nước nào khổ hơn. Song cũng lắm vui thú mà vui thú thật. Xem những lúc cấy gặt, chỗ xúm năm, chỗ tụm ba đua ganh nhau làm ăn, câu truyện pha trò, tiếng cười hể hả làm cho quên sự mệt nhọc mà sinh vui. Lại nhất là đi những quãng đồng thanh vắng thỉnh thoảng được nghe mấy câu hát ví của các cô cấy mạ, tiếng vang lanh lảnh, gió đưa như rót vào tai, khiến cho lòng người bát ngát. Những lúc mùa màng lúa chín, đi hai bên bờ ruộng gió đưa mùi thơm đến mũi, sướng biết là dường nào. Lại những khi chiều hôm gió mát, mấy đứa mục đồng ngồi trên lưng trâu thả cánh diều nhỏ, xem dáng nó ung dung đắc ý thì lại thêm vui cho tai mắt mình hơn nữa. Cho nên lại có câu « Điền gia lạc thú » thì tưởng ra không nghề gì vui bằng nghề làm ruộng.

Duy phải một điều là nghề làm ruộng của ta phần nhiều nhờ ở trời, phần chắc ở sức mình thì ít. Có câu tục ngữ rằng: « Mồng chín tháng chín có mưa, mẹ con đi sớm về trưa mặc lòng »; lại rằng: « Mồng chín tháng chín không mưa, mẹ con bán cả cày bừa mà ăn ». Xem vậy thì biết ta không chịu dùng sức người để tranh quyền tạo hóa, cũng vì nông học của ta chưa mở mang.

Ta lại phải một điều nữa là cách thức làm ruộng từ xưa thế nào, bây giờ vẫn giữ lối ấy, không ai trù nghĩ được cách nào tiện lợi hơn. Mà đất sơn lâm bỏ hoang còn nhiều, chưa khai khẩn được hết.

Ít năm nay nhờ có nhà nước mở mang, đã khai phá được nhiều nơi hoang địa và lại nhờ có cơ khí cày bừa tiện hơn xưa, nhờ có đào kinh xẻ lạch, tiện bề lấy nước và tháo nước. Lại dạy cho ta cách lựa giống, cách bón màu, chẳng bao lâu ta theo được phép canh nông, thì việc làm ruộng của ta, chắc mỗi ngày một phát đạt.

*

* *

Nước ta công nghệ khoáng sản bề nào cũng kém các nước, duy còn nhờ có hòn đất cao du, lắm thóc nhiều gạo, trước là đủ nuôi nhau trong một nước, sau còn thừa bán ra ngoại dương để có tiền mà chi tiêu mọi việc. Xem như mấy năm nay, mỗi năm tải đi các nước hàng vạn tấn vừa ngô, vừa gạo, đủ biết nước ta thóc gạo là nhiều. Người Pháp đã có người nói rằng: « Đông Dương là cái kho vô tận của Đại Pháp », mà ta thì tiền của được là bao, chẳng qua chỉ được thóc gạo mà thôi. Tiếc vì xưa kia ta không có nông học cho nên quanh năm mưa dầu nắng dãi, chân lấm tay bùn mà nghèo khó vẫn hoàn nghèo khó. Năm nào mưa thuận gió hòa, trời cho được mùa được màng thì còn khá, chớ lỡ phải năm tiêu khô bạch lãng thì đã chết đói nhan nhản ra cả rồi.

Than ôi! đất mình chính là đất phì nhiêu, dễ trồng trọt, tính người mình lại rất cần kiệm, đáng lẽ giàu thịnh lắm mới phải, mà té ra vẫn nghèo, là cớ làm sao, chỉ vì không có cảnh tiện diệu như các nước Âu Châu.

Nay nhờ có nhà nước mở ra trường canh nông, dạy cho ta lấy những điều ích lợi. Nếu người có chí chịu khó học lấy phép canh nông hóa học rồi mà truyền đi các chốn dân thôn theo cách mới mà làm hoặc góp sức nhau khai phá những nơi còn hoang phế thì có lẽ nước ta cũng đủ địch phú được với hoàn cầu.