Việt Nam phong tục/III.1
THIÊN THỨ BA
NÓI VỀ PHONG TỤC XÃ HỘI
I.— VUA TÔI
Vua làm chủ tể trong một nước, khắp trong nước từ quan đến dân, ai ai cũng là tôi tớ nhà vua. Có chữ rằng: « Phổ thiên chi hạ, mạc phi vương thổ; suất thổ chi tân, mạc phi vương thần », nghĩa là khắp nơi dưới trời đâu cũng là đất nhà vua; suốt mặt đất, ai cũng là tôi tớ nhà vua.
Vua thay mặt Trời để cai trị muôn dân, cho nên uy quyền của vua rất trọng, vị trí của vua rất tôn. Mà phàm danh hiệu gì cũng có một danh hiệu đặc biệt, cho khỏi lẫn với danh hiệu của người thường.
Chỗ vua ở gọi là Ngự cung, sập vua ngồi gọi là Ngự tọa, đồ vua dùng gọi là Ngự dụng, cơm vua xơi gọi là Ngự thiện, vua đi chơi gọi là Ngự du.
Vua thay quyền Trời, cho nên gọi vua là Thiên tử, vua ban ơn gọi là Thiên ân, vua giận dữ gọi là Thiên uy, vua đánh đâu gọi là Thiên thảo, vua tha tội cho ai gọi là Thiên xá.
Vua quí cũng như Thần long, cho nên phàm đồ dùng của vua, thức gì cũng vẽ rồng. Áo thêu rồng gọi là Long cổn, sập chạm rồng gọi là Long tọa, kiệu vua ngự gọi là Long giá, thuyền vua ngự gọi là Long thuyền, mà sân cùng bệ nhà vua cũng gọi là Sân rồng, bệ rồng.
Duy vua được tự xưng mình là Trẫm, điển ấy do từ Tần-Thủy-Hoàng rồi các vua đời sau đều nói theo tiếng ấy, thành ra một tiếng riêng của vua tự xưng.
Vua lại như cha mẹ của muôn dân, cho nên từ quan đến dân đối với vua đều phải hết dạ trung thành, hết lòng cung kính. Các quan chầu yết tất phải hô vạn tuế, nghĩa là tôn chúc vua muôn tuổi lâu dài. Vua ban ân cho ai một chút gì tất phải bái mạng, (lạy tạ ơn vua). Chiếu sắc, dụ chỉ ban về đâu tất phải rước sách tôn trọng. Ai được mông ơn của vua, dẫu bằng sợi tơ sợi tóc cũng quí, coi như được gội nhuần mưa móc ở chín từng trời.
Vua, trong có phi tần lục cung giúp việc nội trị, ngoài có văn võ bách quan giúp việc ngoại trị. Muôn dân trong nước thì chỉ trông mong về nhân chính của vua mà thôi.
Họ nhà vua gọi là Tôn thất, làng nhà vua gọi là làng Thanh mộc, họ với làng của vua đều được hưởng phần quyền lợi hơn người thường.
Tên húy của nhà vua phải kiêng, không được dùng, mà đặt rồi thì phải cải đi. Phàm tấu sớ văn chương, dùng đến chữ trọng húy thì phải đổi làm chữ khác, dùng chữ khinh húy thì được phép tỉnh hoạch (bỏ bớt một nét); khi đọc đến tên húy phải đọc tránh ra tiếng khác. Học trò thi cử làm văn, cùng là các giấy má việc quan, phạm đến tên húy phải tội.
Vua đã có chiếu dụ mà ai dám sai lời, gọi là vi chế, phải tội; vua có chiếu sắc ban cho ai mà không nghênh bái gọi là bất kính quân lịnh, phải tội; ai dám bàn bạc đến điều lầm lỗi của vua, gọi là dương quân chi ác, cũng phải tội.
Vua băng hà, cả nước phải để tang, gọi là quốc tang. Quốc tang tùy mỗi trào gia giảm một khác. Song từ năm Tự-Đức thứ ba mươi sáu thì lệ định như sau này:
Quan tam-phẩm trở lên, bất câu là chưa bổ hoặc đã hồi hưu, cùng với hàng ấn quan tứ, ngũ phẩm, đều phải mặc đồ trảm thôi ba năm. Lục phẩm trở lên, áo vải trắng để tang đủ một năm. Cửu phẩm trở lên, bất câu chưa bổ hoặc hồi hưu, cũng khăn áo trắng để tang chín tháng; con cả quan nhất phẩm để một năm, con cả quan nhị phẩm để chín tháng, con cả quan tam phẩm để năm tháng, cũng đều khăn áo vải trắng. Tiến sĩ, phó bảng, cử nhân, tú tài, giám sinh, ấm sinh, học sinh cũng để tang trong chín tháng; võ cử anh-danh cũng vậy. Thân phụ các quan từ thất phẩm trở lên, phải để ba tháng. Vợ mệnh phụ của quan tam phẩm trở lên và vợ cả của quan lục phẩm trở lên, để tang theo chồng.
Ở kinh bắt đầu từ ngày phát tang, ở ngoài bắt đầu từ ngày mới đưa tin, hạn trong một trăm ngày, quân dân cấm không được mặc đồ điều, đỏ; trong hai mươi bảy tháng, cấm không được hát xướng đàn địch.
Việc giá thú, tam phẩm trở lên cấm một trăm ngày, tứ phẩm trở xuống cấm hai tháng, quân dân cấm hai mươi bảy ngày.
Quan viên nào mới được thăng hàm hễ trong một trăm ngày thì chiếu theo phẩm hàm mới mà để tang, ngoài một trăm ngày thì cứ theo nguyên phẩm cũ mà để tang. Các quan viên khi thường làm việc phải dùng khăn trắng áo thâm. Gặp khi có việc sai phái việc quân, thì được mặc đồ nhung phục; còn việc thường đều mặc bận khăn trắng áo thâm.
*
* *
Nước ta xưa nay vốn là một nước quân chủ, phận vua tôi rất nghiêm, mà uy quyền thế lực của nhà vua rất lớn. Của trong một nước tức là của nhà vua, đất trong một nước cũng là đất của nhà vua, mà người suốt trong một nước, cũng đều là tôi tớ của nhà vua.
Phận làm thần dân lấy một chữ trung làm gốc, chữ kính làm đầu, tôn mạng vua như thánh, như thần, sợ oai vua như sấm như sét. Gặp được vua hiền minh, nhân từ thì dân được hưởng phúc sung sướng; gặp phải lúc hôn quân, bạo chúa, thì dân phải chịu khổ ải lầm than.
Nước ta là một nước bán khai, dân trí phần nhiều còn ngu đần, chưa có thể bỏ ngay cách chuyên chế mà dùng cách cộng hòa được. Song chuyên chế quá thể, tuy lợi về đường dẹp loạn, dễ cách trị dân, nhưng cũng bởi cách đè nén quá, mà làm cho dân khí yếu ớt, nhụt hết tính tự cường tự lập của loài người.
Và cũng bởi đó mà dân chỉ biết mình là tôi tớ của vua, làm việc gì là giúp đỡ việc nhà vua, chớ không biết rằng mình là một phần người trong nước, làm việc gì là trách nhiệm của mình.
Than ôi! giang sơn như hoa như gấm kia, bao nhiêu mồ hôi nước mắt mở rừng phá núi của tổ tiên nghìn muôn người để lại, có phải riêng của một mình ai? Vua là một người đứng thay mặt muôn dân, để cai quản tài sản tính mệnh cho muôn dân, thì dân phải tôn kính, phải thờ phụng vẫn là cái lẽ đương nhiên. Nhưng cũng nên biết mình là người trong một nước, thì việc nước cũng là việc mình, không nên coi nước là nước riêng của một mình vua, nghĩa là cũng phải đem mình mà lo lắng, gánh vác lấy một vai chung cho xã hội.