XIII.— HƯƠNG ẨM

Những khi kỳ thần bái xã và những khi có công việc gì đồng dân hội tụ ăn uống, gọi là hương ẩm. Hương ẩm có sổ, dân gian con trai từ sáu, bảy tuổi đã vào sổ hương ẩm. Khi mới vào phải kiếm trầu rượu, trước lễ thần, sau trình với làng, làng nhận trầu rượu rồi biên tên vào sổ, từ đó được dự vào chiếu việc làng và đã phải đóng góp. Lớn ít tuổi nữa phải biện thủ lợn, mâm xôi vọng tư văn hoặc vọng hàng giáp hàng xã. Có nơi chiết can lấy một vài đồng bạc, rồi dân làng viết giấy ký kết giao cho người ấy làm bằng. Hai ba mươi tuổi lại phải biện dăm ba đồng bạc vọng lên lình, gọi là hàng lình. Lình là đã đến tuổi được vào chấp lịnh làm đàn anh cho bọn đô tùy việc tang ma.

Các nơi có ruộng, có đầm, có đất trồng cây, thường lại có lệ vụn vặt như vọng tiền thả cá, vọng tiền trồng cây hoặc một vài quan, hoặc một vài tiền kẽm, nghĩa là sắp được ăn theo vào món lợi nào thì trước hết phải vọng lệ ấy.

Đến lượt phải giữ từ cửa đình cửa miếu thì gọi là ông từ hoặc gọi là người thủ từ.

Năm mươi hoặc năm mươi lăm tuối, thì lên lão hạng. Lão hạng phải vọng đến vài ba chục bạc hoặc phải biện lễ con lợn mâm xôi đem ra đình lễ thần, rồi mời làng về nhà uống rượu. Có nơi trọng phong thể thì lên lão hạng cũng giở ra cách ăn mừng, mời khách khứa.

Sáu bảy mươi tuổi, lên đến bực tứ trụ, hoặc bực cụ cả, lại phải vọng lần nữa, cũng phải biện lễ lợn rượu lễ thần mời làng, bấy giờ mới là người hoàn toàn trong làng.

Từ lúc mới vào làng cho đến lúc lên tứ trụ, mỗi người tất phải cắt lần lượt nhau mà chứa trưởng hoặc gọi là chứa đăng cai một lần hoặc nhiều lần. Có nơi mỗi người chứa đăng cai một năm, có nơi mỗi người chứa đăng cai vài tháng. Khi chứa đăng cai, bao nhiêu lễ vật tế tự, và các khoản nhu dụng ăn uống, phải thừa biện cả, có nơi lấy tiền công giao cho đăng cai ứng biện, có nơi đăng cai biện trước, làng sẽ bổ mà thu về sau, có nơi đăng cai phải chịu một mình, có nơi thì có phần thu biện riêng đồ lễ, đăng cai chỉ chịu cái phí tốn dưa tương củi lửa và biện mâm bát, chiếu ngồi mà thôi.

Khi có việc hội tụ ăn uống thì cứ chiếu ngôi hương ẩm mà ngồi. Ai đương ngồi dưới mà có chân chức sắc chức dịch ngồi vượt lên trên thì phải vọng thăng thứ.

Lệ ngồi, hoặc tại đình, hoặc tại tư gia bao giờ cũng hàng chức sắc ngồi gian giữa, làng nào có lệ trọng sĩ thì bốn ông tứ trụ cũng được ngồi cùng với chức sắc. Còn một bên thì hàng lý dịch, một bên thì hàng lão hạng. Hàng phe hàng giáp, phe nào theo hàng dưới phe ấy mà ngồi.

Nhiều nơi trọng chức sắc thì xây riêng một cái bệ cao để ông chức sắc tiên chỉ ngồi một mình một chiếu. Có nơi xây riêng một bệ chỉ để ai đỗ tiến sĩ hoặc làm quan đến tam tứ phẩm mới được ngồi, nếu không có thì chiếu ấy cứ để không.

Đồ tế thần hoặc lễ vật gì, lễ xong cắt ra biếu bán, rồi phá ra làm cỗ, mỗi cỗ bốn người ngồi. Cỗ chia làm nhiều thứ, có cỗ trợ tế, có cỗ quan viên, có cỗ hàng phe hàng giáp, ai dự hạng nào thì có cỗ ấy. Nhiều người vừa có chân nọ, vừa có chân kia thì một mình ăn đến ba, bốn phần.

Người làm tiên chỉ, nào cỗ biếu, thịt biếu, nào phần nọ, phần kia, có khi đến hàng gánh thịt về nhà.

*

* *

Tục ta trọng việc sự thần lại trọng việc ăn uống, động một tí thì nào bò, nào lợn, nào xôi, nào thịt, hết nay tế bái thì mai lại giỗ hậu, hết nay việc công thì mai lại việc tư, quanh năm chỉ những ăn uống. Nhân việc ăn uống mới lại sinh ra nào khao nào vọng nào lình nào lão, hết thứ tiền này đến thứ tiền khác, kể một đời người biết bao nhiêu sự đóng góp với làng. Mà có ra gì đâu, chỉ đến đóng vai theo chân ra ngồi chiếu việc làng, chỉ đến tranh nhau chiếu trên chiếu dưới, phần nhiều phần ít là cùng. Ai lên đến hàng chức sắc, hàng tiên chỉ vắt vẻo ngồi trên một mình một chiếu là vinh hạnh tuyệt phẩm rồi, kẻ dưới thì lấy được miếng phần của dân là quí, cho nên có câu rằng: một miếng giữa làng bằng một sàng xó bếp. Suy cái ý ấy thì cái mục đích chỉ trọng về nắm xôi miếng thịt và lấy hãnh diện với đàn con em mà thôi chứ không có ý tứ cao kỳ gì hết.

Lại một tục hủ nữa là những người chứa đăng cai thường hay ganh nhau làm to, để lấy tiếng với làng nước. Người này biện mâm xôi độ năm, mười đồng bạc, người khác ganh lên làm mâm xôi đến mười lăm, hai mươi đồng, người này biện con lợn độ hai ba chục bạc, người kia ganh lên làm con lợn đến bốn, năm chục đồng. Thậm chí con gà thiến đến bốn, năm đồng bạc, cỗ bánh đến chất cao tầy đình. Người có thì bỏ tiền ra làm, người không có thì đi vay, hoặc là thân thích giúp đỡ. Trong làng thì kẻ khen người này lợn béo xôi to, kẻ chê người nọ gà gầy oản bé. Chỉ những khen chê miếng ăn miếng uống chớ không có ý vị gì nữa.

Nói tóm lại thì một người lo về ngôi hương ẩm trong làng, từ lúc bé đến lúc già chưa hết nợ, nếu thiếu một ít nào thì kẻ chê người trách, có khi không mặt nào mà dám ra đến làng. Mà nào như thế đã xong đâu, còn khi ma chay giỗ tết, lo riêng công việc của nhà, khi phu phen thuế má lo gánh vác việc chung của nước. Thành ra nhất sinh chỉ những lo là lo, vì thế người giàu đến nỗi hao mòn của cải, người nghèo đến nỗi vay công lĩnh nợ, người không sao được nữa thì phải bỏ làng mà đi. Ấy thực là một tục hủ bại, làm cho người ta vất vả quanh năm mà không được lúc nào sung sướng.

Vậy thì tục này nên cải lương làm sao cho tiện? Thiết tưởng nên bỏ hết lệ lảm nhảm, và giảm bớt việc tế tự, việc ăn uống để cho dân làng được chuyên sức về nghề nghiệp làm ăn, mà không phải phiền phí đi đâu, thì dân làng mới có lẽ giàu có được.