Việt Nam phong tục/I.3
III.— THÂN THUỘC
Danh hiệu.— Trên cha mẹ thì có ông bà, gọi là Tổ-Phụ-Mẫu, trên ông bà là Cụ, gọi là Tằng-Tổ Phụ-Mẫu; trên Cụ là Kị, gọi là Cao-Tổ Phụ-Mẫu, còn nữa thì gọi chung là Cao-Cao-Tổ, mãi đến Thủy-Tổ là cùng.
Dưới mình là Con, dưới con là Cháu, dưới cháu là Chắt, gọi là Tằng-Tôn; dưới chắt là Chút, gọi là Huyền-Tôn. Còn ở dưới nữa, tổng chi gọi là Viễn-Tôn. Từ Cao-tổ cho đến Viễn-Tôn, gọi là Cửu-Tộc. Trong Cửu-Tộc chia ra 5 bực để chở, gọi là ngũ-phục. Ngũ-phục là: 1) Chở ba năm, gọi là Đại-tang. 2) chở một năm, gọi là Cơ-niên. 3) chở chín tháng, gọi là Đại-Công. 4) chở năm tháng, gọi là Tiểu-Công. 5) chở ba tháng, gọi là Ti-Ma.
Trong Ngũ-phục tùy theo tình thân sơ bên nội bên ngoại mà gia giảm (kể rõ trong các sách gia-lễ).
Anh em trai với Cha gọi là Bác là Chú, chữ gọi là Bá-phụ, Thúc-phụ. Chị em gái với cha gọi là Cô, chữ gọi là Cô Mẫu. Anh em gái với Mẹ gọi là Cậu (Cửu). Chị em gái với mẹ gọi là Dì (Di). Anh em con chú con Bác, gọi là Tùng huynh đệ. Anh em con cô, con cậu hay là đôi con Dì, tổng chi gọi là Biểu huynh-đệ.
Anh em Thúc bá về đàng Cha là họ Nội. Anh em di cửu về đàng mẹ là họ Ngoại.
Tiếng gọi ông Bà... ở về Nam-kỳ có tiếng gọi thế cho khi vắng mặt. Như Ông gọi là Ổng, Bà gọi là Bả, Cậu gọi là Cẩu, Mợ gọi là Mở, Thầy gọi là Thẩy, Cô gọi là Cổ, Anh gọi là Ảnh, Chị gọi là Chỉ. Tiếng ấy có lẽ tiện hơn là gọi Ông ấy Bà ấy, v.v... Nhưng là một tiếng gọi tình sơ, chớ không phải tiếng gọi quí trọng.
Luân-thường.— Trong cùng một họ Nội không được phép lấy nhau. Nếu lấy nhau là Loạn-luân. Luật có phép cấm, mà tục cũng chê cười. Phép nầy từ Ông Châu-Công đời nhà Chu (bên Tàu) đặt ra, mà ra tuân giữ rất nghiêm cẩn. Duy về đời nhà Trần thì trong Tôn thất thường có lấy nhau, không biết khi đó nước ta đã có luật cấm chưa, hay là vì cớ gì. Nhưng tiên nho vẫn chê về điều ấy.
Họ Ngoại thì con cô con cậu hay là đôi con Dì cũng không được phép lấy nhau. Từ đời cháu trở đi thì được phép lấy. Có câu rằng: « Cháu cậu mà lấy cháu cô, thóc lúa đầy bồ, giống má nhà ta ».
Một người có thể lấy được hai chị em một nhà hay là hai cô cháu một nhà. Tục nầy khác với tục Âu-châu đã lấy một người thì không được phép lấy chị em cô cháu người ấy nữa. Nếu lấy nhau là Loạn luân, coi như như lấy người cùng họ của ta.
Tình thân sơ.— Trong tình thân sơ dưới bậc cha thì là Chú, dưới bậc Mẹ thì là Dì. Có câu rằng: « Sảy cha còn chú, sảy mẹ còn dì ». Thường ở khắc-khe với nhau là mẹ chồng với nàng dâu, và dì ghẻ với con chồng. Cho nên có câu khuyên nàng dâu rằng: « Mẹ chồng già thì mẹ chồng chết, nàng dâu có nết thì nàng dâu chừa » và có câu rằng: « Mấy đời bánh đúc có xương, mấy đời dì ghẻ có thương con chồng ».
Trong thân thuộc là một gia-tộc. Góp nhiều gia-tộc nầy gia tộc khác mới thành ra nước, thành ra xã-hội. Vậy thì hợp lại mà nói thì là một nước, phân ra mà nói thì là từng gia-tộc một. Gia-tộc tức là một đoàn thể nhỏ ở trong đoàn thể lớn vậy. Người ta đối với xã hội có cái nghĩa vụ chung thì đối với gia-tộc cũng phải có cái nghĩa vụ riêng. Nghĩa vụ riêng là gì? là cách cư xử trong gia đình ở trên kính dưới nhường, ở cho trong ấm ngoài êm là đủ. Nghĩa là trong họ hàng chỉ cốt lấy hòa mục làm đầu mà thôi.
Cách dựng gia-tộc của ta cũng là một phong tục hay. Vì có nghĩa gia tộc thì người ta mới biết quí trọng cái thân mình để phụng sự tổ tôn và khiến cho người ta phải lo lắng để di truyền cho con cháu khá thì ai cũng phải tận cái nghĩa vụ mình, đem mồ hôi nước mắt ra mà gầy dựng cho kẻ mai sau; rồi thành ra mở núi phá rừng, sinh công nghiệp cũng bởi đó mà ra cả.
Vậy thì do một đoàn thể nhỏ mà gây ra một đoàn thể lớn, do một gia-tộc bé mà thành một gia-tộc to, thực là một cái gốc của xã hội.
Nhưng có điều là ta thường cho gia-đình quây-quần với nhau là quí thì nghĩa khí đẹp. Người ta phải trọng sự lập thân, dầu kẻ nam người bắc cũng không có hề gì. Nếu quanh năm khư khư bó chân trong nhà, động đi đâu thì sợ xa cha mẹ, xa cửa xa nhà, xa anh xa em, xa vợ xa con thì sao cho mở mang được tai mắt mà thêm khôn ngoan ra được. Ta cũng vì tục ấy mà nhiều người kiến thức hẹp hòi, không bằng được người các nước vậy.
Thời nầy là thời buổi ganh đua, càng đi được nhiều nơi xa thì càng trải biết, càng khôn ngoan. Có khôn ngoan thì mới đứng được với đời. Vậy thì giá có thể đi đâu được cũng nên đi, chớ không nên quản xa xôi gì hết.