Việc người đàn bà bị bỏ đỉa vào tai

Việc người đàn bà bị bỏ đỉa vào tai  (1935) 
của Phan Khôi

Bài đăng trên Tràng An, Huế, số 5 (15 Mars 1935), trang 2 và Tràng An, Huế, số 8 (26 Mars 1935), trang 3.

I

Người ấy hôm nay vẫn còn ở nhà thương.

Ngày 9 Mars, bản báo chủ nhiệm gặp ông đốc-tơ Tribouillet ở vườn của nhà thương, có hỏi về việc ấy. Ông trả lời rằng đêm hôm qua có nghe người gác nói mụ Trần Thị Quyến có mửa ra con đỉa thật, nhưng ông không thấy tận mắt. Đến sáng ông vào thăm mới thấy mụ ấy mửa ra con đỉa trước mặt ông.

Theo ông Tribouillet nói thì đỉa ở trong bụng mụ chứ không phải ở trong đầu.

Nhưng còn chỗ đáng ngờ là nếu không ở trong đầu thì sao lại có khi đỉa ra ở lỗ tai mụ?

Ông đốc-tơ có hứa sẽ cho bản báo biết tin tức về sau. Nhưng mấy hôm nay chưa thấy gì, bản báo chủ nhiệm đã viết thơ hỏi ông.

Ấy thế mà mấy hôm nay ngoại gian lại đồn khác. Họ nói mụ ấy ở nhà thương bốn hôm, không có con đỉa nào ra cả, và ông đốc-tơ Tribouillet cũng chứng nhận như thế.

Chẳng có gì đó thế mà việc này bây giờ thành ra như ở trong màn kín, mới nực cười cho! Để đợi ông đốc-tơ Tribouillet trả lời, bản báo sẽ cho bạn đọc biết.[1]

II

Mụ Trần Thị Quyến vẫn còn ở nhà thương. Từ đó đến nay hơn hai tuần lễ, không có đỉa ra nữa, theo lời người em gái của mụ vô thăm cũng nói như vậy. Hôm chiều thứ bảy 23 Mars, ông đốc-tơ Tribouillet có thân hành đến báo quán chúng tôi nói về việc này rõ hơn cho chúng tôi biết.

Trước hết ông nói, trong cái đoạn ngắn nói về việc này ở số 5 Tràng an, có một câu không được rõ, là câu “Theo lời ông đốc-tơ Tribouillet, đỉa ở trong bụng…” Nói như thế, người ta có thể hiểu rằng đỉa ở trong bụng luôn luôn. Không đâu, nếu có ở thì cũng chỉ ở được tạm thời mà thôi.

Một đôi khi những thợ săn hay quân lính vì khát quá uống phải thứ nước đục có đỉa con. Đỉa ấy dù có vào bụng cũng không ở lâu được, vì lớp da phía trong dạ dày, ruột… không có máu, đỉa không lấy gì mà hút, vả lại các chất nước chua trong bộ phận tiêu hóa không hợp với loài đỉa nên nó phải tìm đường nó ra.

Ông lại nói, trừ con đỉa ông thấy ra hôm đầu, sau mụ Quyến không mửa con nào nữa. Theo ý ông, mụ có bệnh điên, bệnh điên cần phải chữa và có thể chữa được. Hoặc lúc đầu có ai bỏ đỉa vào mình mụ thật cũng nên. Nhưng đỉa vào một vài hôm rồi ra, mà mụ từ đó mang phải bệnh điên, tưởng tượng rằng có đỉa rồi lại tìm cách mửa ra đỉa. Mụ Quyến làm như vậy không phải có ý báo thù ai hay lừa dối ai đâu, chính mình mụ cũng không biết.

Đối với người có bệnh như thế, ông đốc-tơ nói tiếp, phải dùng cách ám thị mà chữa và cần nhất chớ có bảo với người bệnh rằng họ nói dối. Từ trước những kẻ đã bảo thị Quyến nói dối rồi đuổi về, không chịu xét, không chịu chữa, những kẻ ấy đã phạm tội làm cho bệnh thị Quyến nặng thêm. Chúng ta thấy mụ ấy bộ mếu máo, nước mắt ràn rụa nói “Tôi đến đâu cũng không ai chịu tin tôi cả” thì biết mụ thành thực và khổ tâm đến bực nào.

Cho sự đỉa ra đó là một cái hiện tượng của một chứng bệnh, ông đốc-tơ chúng tôi nói rằng ông có thể chữa cho mụ Trần Thị Quyến được, theo những phương pháp y học tối tân.

Lời ông đốc-tơ nói thế nào, chúng tôi dịch đăng thế ấy lên đây cho bạn đọc biết, chứ chính mình chúng tôi không muốn đặt vào một lời phán đoán nào.

Cái câu “rồi lại tìm cách mửa ra đỉa” nghe thật khó hiểu, nhưng ông đốc-tơ nói như là mụ Quyến làm huyễn thuật![1]

   




Chú thích

  1. a ă Cuối bài này không ký tên ai, như vậy đây là lời tường thuật của tòa soạn báo; dựa vào loạt bài đề cập vụ việc liên quan, Lại Nguyên Ân cho rằng bài này do Phan Khôi viết.