Một việc quan hệ vừa với nhân mạng vừa với khoa học: Người đàn bà bị bỏ đỉa vào tai

Một việc quan hệ vừa với nhân mạng vừa với khoa học: Người đàn bà bị bỏ đỉa vào tai  (1935) 
của Phan Khôi

Bài đăng trên Tràng An, Huế, số 4 (12 Mars 1935), trang 1.

Nói cho ráo lẽ thì cái chánh đề[1] này chưa đủ mà thành lập. Vì cái sự bị bỏ đỉa vào tai ấy chính mình chúng tôi cũng còn chưa tin chắc. Nhưng cứ theo lời người đàn bà đó đã tố cáo và cũng theo câu khẩu đầu của công chúng mấy hôm nay, chúng tôi có thể nói tạm như thế được.

Đem chuyện này nói ra trước mặt thức giả nhất là trước mặt các nhà khoa học, như Tràng An trong hai số (1  ̶  2) vừa rồi,[2] thật chúng tôi cũng tự biết là gần như là một trò cười. Nhưng, xin các ngài khoan cười đã. Hoặc giả tại chúng tôi có chỗ sở kiến của chúng tôi, thêm nữa, nói hơi bạo một chút, chúng tôi cũng có cái tinh thần về khoa học riêng của chúng tôi nên chúng tôi không dám bỏ qua chăng.

Cách sáu hôm nay, chúng tôi có kể qua chuyện này cho một người Pháp nghe. Ông ấy bảo rằng: “Ông tin rằng con đỉa mà ở được trong lỗ tai!... Câu chuyện trái với khoa học quá!”...

Thật ra thì ông ấy phán đoán có hơi vội một chút, chứ chúng tôi đâu đã tin? Chẳng những chúng tôi chưa tin sự đỉa ở được trong lỗ tai, nẩy nở được trong đầu người ta, mà cho đến sự người này bỏ đỉa vào tai người khác được, như lời người đàn bà ấy nói, chúng tôi cũng còn hoài nghi nữa.

Ngày thường, ta nếu bị một con vật gì rất nhỏ như bọ hong, con kiến rúc vào lỗ tai thì tức khắc nó lùng đùng trong đó làm cho ta không chịu nổi mà thế nào cũng phải kiếm cách lấy ra cho được. Huống chi con đỉa sánh với cái lỗ tai không phải nhỏ, chẳng phải bỏ một cái là lọt vào ngay. Vả lại trong khi một bên thi hành mà một bên ra sức kháng cự thì sự bỏ vào càng không dễ. Thế mà, theo như lời Trần Thị Quyến (tên người đàn bà ấy), đỉa vào trong tai rồi cho đến “cách ít ngày sau” mới thấy đau đầu. Lại còn, khi lão thợ Khiêm (người toan hiếp thị Quyến) làm việc ấy, thị Quyến chỉ “thấy chín mười con đỉa trên giường” chứ cũng không nói lão nọ có bỏ tai mụ. Sau khi thấy đỉa, mụ có móc tai xem nhưng chẳng có gì. Hết thảy những điều đó làm cho ta khó tin sự bỏ đỉa vào tai là sự thật, chứ chưa nói đến sự nó sanh nở ra trong đầu đến hai năm nay rồi bây giờ thỉnh thoảng lại chui ra.

Đã hoài nghi như thế mà chúng tôi lại đăng hai bài điều tra tiếp luôn trên hai số báo vì, như trên đã nói, chúng tôi có chỗ sở kiến và nhất là chúng tôi có cái tinh thần về khoa học riêng của chúng tôi. Xin lỗi các ngài, nói “riêng”, chúng tôi có ý nói rằng cái tinh thần khoa học ấy hoặc giả chỉ chúng tôi có mà thôi, còn các ngài… các ngài không có.

Theo khoa học, trong mình người ta, không thể có con vật gì ở ngoài vào ở được, trừ ra con giun con sán là giống, có lẽ, nó sinh chính từ trong bụng người. Tức như một ông thầy thuốc tây nói cùng chúng tôi rằng: “Con đỉa không vào ở trong đầu người ta lâu được. Việc ấy không thể có. Mà giả sử có một con đỉa vào trong đầu người nào thì trong 5 phút người ấy phải phát điên”.

Đó là khoa học đó. Nhưng phải biết đó chỉ mới là cái khoa học mà loài người đặt ra. Loài người chỉ mới biết đến thế rồi cho thế là khoa học. Chứ còn chính mình cái khoa học nó khác kia.

Khoa học, nó có cái tinh thần của nó. Cái tinh thần khoa học ở sự hoài nghi, ở sự bất tự túc, ở sự không có thành kiến, ở sự hay khiêm nhường và hay bao dung các thuyết trái nhau. Cho nên những người nào thấy một sự khác thường mà dám mở miệng nói: Ҫa n’est pas scientifique (cái đó không phải khoa học, hay là: câu chuyện trái với khoa học quá), thì chúng tôi cũng dám nói rằng người đó không có một chút mảy may cái tinh thần khoa học trong đầu họ.

Cái tinh thần ấy bắt chúng tôi phải hoài nghi nữa. Trước kia hoài nghi về mặt tiêu cực mà bây giờ thì lại hoài nghi về mặt tích cực.

Lúc mụ Trần Thị Quyến ở trước mặt chúng tôi, tại toà soạn Tràng An, chúng tôi thấy mụ cứ có máu ra đầm đầm từ lỗ mũi, mặt mày mụ tiều tụy khác thường quá, mà mụ lại nói trong đầu và hai màng tang thường đau rêm rêm suốt hai năm nay. Ừ, không có tin sự đỉa ở trong đầu mụ đi nữa thì cái bệnh trạng mụ trước con mắt mình đó phải có tại cớ gì chớ, mình bỏ qua làm sao được?

Huống chi con đỉa trong cái gói giấy ở trên tay mụ đương cầm, có lẽ nào mụ bắt ở nơi khe nơi bàu mà đem tới hay sao? Sự đó dù cho mụ tạo ra đi nữa, thì cũng phải biết mụ tạo ra làm chi mới được chứ.

Huống chi sau khi mụ nói chuyện với chúng tôi về sự đỉa ra từ lỗ mũi mụ, chúng tôi liền phái phóng viên tới tiệm Xuân Phát hỏi thì ba mẹ con bà chủ tiệm đều nhìn nhận là có sự ấy. Nếu ta ngờ cho đám đàn bà hay nói thất thố cũng được, nhưng việc gì xảy ra đêm hôm kia, chứ việc này giữa ban ngày, sờ sờ trước con mắt mà thất thố được ư?

Trước những điều đáng để ý ấy, cái tinh thần khoa học ở trong đầu chúng tôi (chứ không phải đỉa!) nó nhắc chúng tôi rằng: “Khoan đã, đừng vội cho là vô lý. Phải tuyên bố cho người ta biết, hoặc việc này sẽ giúp khoa học phát minh ra chơn lý chưa biết chừng”. Chúng tôi bèn vâng theo lời kêu gọi của cái tinh thần ấy mà làm việc.

Từ ấy đến nay chúng tôi vẫn điều tra thêm mãi. Trừ ra cái kết quả điều tra được ở làng Liêu Biều chúng tôi đã đăng báo rồi, còn mấy điều quan hệ nữa kể nốt ra đây:

Hôm thứ ba, 5 Mars, thị Quyến có mặt tại nhà sách A.I.P.I. nhà của ông Phan Văn Trang, phóng viên bản báo, đương giữa đám đông hàng mấy trăm người đến coi mụ, mụ oẹ và mửa ra một con đỉa bằng ngón tay. Một lúc sau thì một con đỉa mén thình lình chun ra từ lỗ tai bên tả của mụ. Cách nửa giờ nữa, mụ hỉ mũi mấy cái thì một con đỉa bằng cái ngòi bút lông ở trong lỗ mũi mụ văng ra. Trong ba lần đỉa ra ấy, lần nào cũng thấy có máu.

Hồi đó phòng viên của chúng tôi có xin cả mấy trăm người làm chứng nhưng đông quá, chẳng biết ai là ai, sau có ba người ghi tên làm chứng là ba người này:

Ông Giảng con trai ông Cửu Hội ở Hàng Bè;

Cậu Trần Văn Đại, cậu Nguyễn Thọ Toàn, học trò trường Phú Xuân.

Sau khi đó có ba bốn ông thầy thuốc An-nam vào thăm mụ, đều có bày ít nhiều phương thuốc. Có một phương dễ làm hơn hết, thì phóng viên của chúng tôi theo lời thi hành ngay. Phương ấy là: dùng bùn tươi lấy ở bàu lên nhét vào lỗ tai, lỗ mũi và cổ họng người hoạn,[3] tự nhiên đỉa bắt mùi tanh mà bò ra vậy.

Phương thuốc có hiệu thật. Nhét bùn vào một chốc thì một con đỉa mén ở trong mũi thị Quyến chun ra trong cục bùn.

Qua bữa sáng thứ năm, lối 12 giờ, cũng ở nhà sách A.I.P.I., mụ Quyến oẹ ra một con đỉa nữa bằng ngón tay út. Lần này có nam nữ học sinh đông lắm nhưng một mình cậu Huỳnh Di, học trò trường Phú Xuân có ghi tên làm chứng.

Thị Quyến oẹ mửa lần thứ nhì nữa. Lần này mụ oẹ cách khó khăn hơn lần trước và ra một con đỉa cũng nhỏ bằng lần trước. Người ghi tên làm chứng lần này là ông Võ Bình, con trai ông Võ Liêm Sơn.

Cậy ở cái tinh thần khoa học, không có thành kiến, hay khiêm nhường và hay bao dung các thuyết trái nhau, chúng tôi đã làm ra thì thấy được những cái kết quả như vậy đó.

Những cái kết quả ấy chúng tôi chỉ thuật lại đây mà thôi, chứ cũng chưa dám tin hẳn, vì chúng tôi chưa thấy tận mắt bao giờ. Tuy vậy, chúng tôi không dám mạt sát những cái sự thực mà người ta đã chịu đứng làm chứng ấy, ôi! người ta đâu có phải là ngu hết!

Chẳng những chúng tôi không dám mạt sát, mà nghe đâu như quan trên cũng đã từ đấy để ý đến việc này rồi.

Từ ngày 7 Mars, có tin rằng Trần Thị Quyến được gọi đến toà công sứ và đốc lý Thừa Thiên, quan Công sứ hỏi rồi giao về nhà thương để xét nghiệm.

Sau đó một hôm chúng tôi có được tin ở nhà thương hình như quan thầy thuốc đã xét nghiệm ra sự đỉa ở trong đầu thị Quyến là thật thì phải. Nhưng chẳng vội gì, sự đó kỳ báo sau sẽ nói.

Bây giờ chúng tôi xin hồi cố lại cái phó đề bài này mà nói cho biết việc này là quan hệ vừa với nhân mạng, vừa với khoa học.

Chúng tôi rất lấy làm lạ, sao, theo lời mụ thị Quyến đã thuật trong Tràng An số 1, mấy lần mụ đã đến kêu van ở phủ Thừa và quan thầy thuốc mà các ngài cứ đuổi mụ ra?

Theo như giấy chứng của quan thầy (giấy ấy hiện có ở tay chúng tôi) thì mụ Quyến điếc lắm và cái lớp da bõng ở tai bên hữu của mụ bị lủng một lỗ rất to. Người bệnh như thế sao quan thầy lại đuổi ra? Nếu nói rằng mụ điếc và bị lủng lớp da bõng ấy không phải đỉa làm đi nữa thì cũng phải có cớ gì chớ, mụ là người bệnh thì nhà thương phải cho mụ ở chớ, sao mà đuổi?

Kết luận cái giấy chứng, quan thầy nói mụ Quyến là điên mà bệnh điên ấy phát ra bởi sự buồn rầu trong gia đạo; rồi ngài nói thêm: Mụ ấy rồi có khi bởi buồn rầu quá mà tự tử không chừng.

Trong giấy chứng, quan thầy đã cười gằn về sự đỉa ở trong đầu người ta rồi, nhưng ngài đã bảo là điên, đã bảo rằng có ngày sẽ tự tử thì sao ngài lại đuổi?

Ấy! có thế mới thấy cái nhân mạng của dân An-nam là rẻ!

Các quan thủ hiến địa phương Thừa Thiên (chúng tôi nói thế vì không rõ việc này đã do quan phủ Thừa hay quan phủ Doãn) cũng lại vô tâm trong việc này quả đó chốc. Một người mang bệnh trong mình đến kêu van với các ngài, tưởng các ngài cũng nên đoái hoài đến một chút, dù được việc hay không cũng làm cho hết sức, sao các ngài lại đuổi người ta? Ừ, ai lại chẳng biết các ngài có quyền muốn cho ai vào thì cho, muốn đuổi ai ra thì đuổi!

Theo lời thị Quyến nói ở Tràng An số 1, có một lần mụ đến ngồi ở công đường, chính mắt các quan thấy đỉa ra từ lỗ mũi mụ mà hoảng hốt lên kia mà. Thế sao các ngài cứ đuổi mụ về mãi cho đến ngày nay?

Trần Thị Quyến cũng là một nhân mạng chớ. Mụ không phải đàn ông, không đi lính đóng thuế được cho nhà nước thì mụ có tài đẻ dân ra để chịu thuế. Các ngài tưởng mụ không đẻ nữa sao? Mụ mới bờ 40 tuổi, nếu bây giờ mụ trở lại với ông Lâm Tăng Sum, chồng cũ mụ, hay là mụ đi lấy chồng khác, thì cũng còn có thể đẻ thêm chừng 4 đứa nữa cộng với 4 đứa trước là 8, rồi đến vài mươi năm nữa sẽ tăng số công ngân cho phủ Thừa Thiên bộn bề lắm chứ. Ấy thế mà các ngài không nghĩ đến!

Các quan địa phương Thừa Thiên hay là quan thầy thuốc ở nhà thương cũng vậy, cũng ăn lương của nhà nước hết, mà sao lại đuổi một người đã và sẽ làm mẹ một phần của sổ dự toán trong khi người ấy có việc đến kêu xin các ngài? May mà bây giờ phải giác ra, nếu không, cứ để vậy, chẳng là sẽ có một ngày kia một nhân mạng thác oan mà không ai hề biết đến?

Về phương diện khoa học thì việc này lại đáng để ý lắm, vì nó là một cơ hội để chứng nghiệm những điều đã tìm được trong khoa học, về sanh lý học, về cơ thể học, cả về động vật học nữa.

Theo các nhà khoa học nói, đỉa không thể ở trong đầu người ta được, nhưng hoặc giả chỉ nói vậy mà chưa có chứng nghiệm chăng. Hãy nhờ việc này mà chứng nghiệm.

Đáng lẽ ra, quan thầy thuốc phải giữ mụ Trần Thị Quyến ở lại nhà thương từ năm ngoái để xét xem thử có đỉa ra từ lỗ tai lỗ mũi mụ thật không. Mà nếu cái mục đích ấy không đạt được nữa, thì cũng phải nuôi mụ ở đó cho đến ngày mụ chết rồi mượn cái đầu của mụ để chứng minh cho khoa học. Không làm như thế mà lại đuổi mụ đi, thế thì cái khoa học của ông quan thầy ấy ở chỗ nào?

Chúng tôi đã đem việc này lên báo, cái mục đích chúng tôi cũng chỉ có thế mà thôi. Trước, chúng tôi vì khoa học nhiều hơn, sau, chúng tôi cũng vì một cái nhân mạng của mụ Trần Thị Quyến.

Bây giờ mụ đã ở nhà thương lại rồi. Chúng tôi muốn quan trên không phải là giam mà là giữ và nuôi mụ luôn ở tại đó. Sự có đỉa ra từ đầu mụ hay không, chưa nói đến; chỉ mong người ta chữa cho mụ được lành. Rồi, trong những ngày mụ còn sống mà có đỉa ra thật, thì khoa học được một sự phát minh lớn, chẳng nói vội ở đây; còn như không có đỉa ra, thì đợi đến ngày mụ chết, mổ cái đầu của mụ ra mà coi (xin độc giả đừng nói điều này cho mụ biết), nếu quả không có con đỉa nào hết, há chẳng phải là sự vẻ vang cho khoa học ngày nay, cho người ta biết nó là thần là thánh, những điều đã tìm được trong đó rồi là đúng lắm, không ai cãi được?

PHAN KHÔI

   




Chú thích

  1. Chúng tôi quen gọi cái titre là chánh đề, còn cái surtitre và cái soustitre là phó đề. (nguyên chú của P.K.)
  2. Chỗ này ý muốn nói: sự việc này đã được Tràng An đề cập ở số 1 và số 2. Tràng An thuộc thể tài nhật báo, ra mỗi tuần 2 kỳ; số 1 ra ngày 01/3/1935.
  3. “người hoạn” ở đây có thể hiểu là người đang bị hoạn nạn, người bị nạn, nạn nhân.