Về sự thay đổi mấy vần quốc ngữ

Về sự thay đổi mấy vần quốc ngữ  (1936) 
của Phan Khôi

Bài đăng trên Hà Nội báo, Hà Nội, số 19 (13 Mai 1936), trang 3 - 5.

Trong Tin văn[1] số 16 ra ngày 30/4/1936 vừa rồi có bài Vấn đề cải lương chữ quốc ngữ của ông Hồ Xanh,[2] bàn về sự thay đổi mấy vần quốc ngữ và làm sách văn pháp cho tiếng mẹ đẻ.

Về những lời bàn trong bài của ông, chúng tôi có chỗ đồng ý, cũng có chỗ không đồng ý. Nhưng theo khuôn khổ tập báo này, không có thể viết dài mà thảo luận hết cả được, vậy chúng tôi chỉ viết ra đây để thương xác lại với bạn đồng nghiệp về một phần trên, là sự thay đổi mấy vần quốc ngữ mà thôi.

Sự thay đổi ấy, ông Hồ Xanh có kể ra nhiều khoản. Chúng tôi xin theo như trong bài của ông mà liệt ra đây mấy khoản quan hệ và đánh số vào từng khoản cho dễ thấy.

1/ Không phân biệt dgi nữa, bỏ cả hai vần ấy đi mà thay bằng z

2/ Lấy d thay cho đ

3/ Lấy f thay cho ph

4/ Không phân biệt ch với tr nữa, hai vần ấy bỏ một vần lấy một vần.

5/ Không phân biệt s với x nữa, hai vần ấy cũng lấy một vần bỏ một vần.

Năm khoản ấy đáng cho là quan hệ hơn trong sự thay đổi, chúng tôi xin lấy ý kiến mà bàn góp vào.

Khoản thứ nhất, chúng tôi có thể đồng ý được, vì sự thay đổi ấy không có hại gì đến sự thực cho lắm. Trong khi phát âm mà phân biệt d với gi, khắp cả nước hầu như không có nơi nào có sự ấy cả. Người ta kể ra, ra chỉ có một vài tổng hay một huyện nào đó ở Hà Tĩnh mà thôi. Ông nghè Ngô Đức Kế là người ở về vùng ấy cho nên chính ông phân biệt d với gi được. Người viết bài này đã được ông thử phát âm hai vần ấy cho nghe, thì nhận ra rằng vần d sở dĩ khác với vần gi, là bởi nó thuộc về “dọng răng”, nghĩa là khi nào phát âm chữ gì thuộc về vần d thì phải khít hai hàm răng lại mới nói ra được.

Theo ông Ngô, da là “da thịt”, với gia là “nhà” khác hẳn nhau, đến nỗi khi người ta nói lẫn chữ này ra chữ kia, ông cũng phải ngớ ngẩn không nghe ra. Tuy vậy chính ông cũng biết rằng sự phân biệt này đã thành ra sự cô độc của người huyện ông, nên ông cũng không nỡ hà khắc mà bảo người khác phải theo đúng như mình.

Một sự phân biệt mà chỉ có phần rất ít làm được thôi, nếu đem nó mà ép phần rất đông phải theo, nghĩ cũng ngặt thật. Vì lẽ ấy, tuy sự tiện cho phần đông là hết thảy người nước Nam này, chúng ta có thể bỏ sự phân biệt của vần dgi. Bỏ nó rồi, sẵn có vần z trong chữ cái la-tinh, ta lấy mà thay vào, tưởng cũng không hại.

Khoản thứ hai thì chính đáng lắm. Trong quốc ngữ có chữ đ thật đã xấu xa, vụng về, lại bất tiện nữa. Bất tiện nhất là trong chữ in, cái ngang trên đầu thường hay gãy. Nay đã có chữ z thay cho nó rồi, thì lấy chữ d làm một vần, đọc y như trong tiếng Pháp để thay cho đ phải lắm.

Khoản thứ ba chúng tôi xin tạm không đồng ý khi cái lẽ dưới này của chúng tôi còn chưa bị đánh đổ. Bây giờ ta lấy f thay cho ph, ta nên hỏi thử việc ta làm đó vì lẽ gì, và cũng nên hỏi tại sao người đời xưa khi đặt chữ quốc ngữ lại không lấy ngay vần f. Nếu hỏi như thế, chúng tôi tưởng người đời xưa sẽ có lý mà trả lời hơn chúng ta. Lấy chữ f thay cho ph chúng ta chỉ vin vào cái lẽ một chữ tiện lợi hơn hai chữ. Nhưng có lẽ người đời xưa không kể điều ấy mà trong khi họ lấy vần ph là họ cần cho đúng với sự thực. Vì theo sự thực, về vần ấy, tiếng An Nam phát âm không có gió, nên không lấy f được mà phải lấy ph. Thật thế, nếu tiếng ta không có gió thì dùng chữ f hầu như không có nghĩa: ta hãy cứ để ph, dù viết đến hai chữ cũng chẳng có bất tiện là bao.

Khoản thứ tư và thứ năm thì chúng tôi xin không đồng ý hẳn, mà hết thảy người Trung Kỳ và Nam Kỳ đều sẽ không đồng ý như chúng tôi.

Ông Hồ Xanh theo những âm vận học bác ngữ học[3] chi chi đó mà cho rằng sự phân biệt ch với tr, s với x là “vô nghĩa lý”, chúng tôi rất lấy làm lạ!

Sự phân biệt như thế, ông Hồ Xanh cho rằng tại “người ta đặt ra”. Thậm chí ông nói rằng tại người ta đặt ra chỉ có một vần ph nên bây giờ chúng tôi viết “phi” (bà vua), “phi” (bay), “phi” (chẳng phải) cũng đều là phi cả, chớ chi người ta đặt ra nhiều vần khác nhau thì chúng ta cũng viết khác nhau rồi.

Sao lại nói lạ thế? sao lại không biết căn cứ ở chỗ phát âm khác nhau mà nói tại người ta đặt ra rồi bảo là vô nghĩa lý?

Kỳ thực, ba chữ phi đó phát âm đồng nhau nên phải viết cùng một vần ph như nhau, nó là đồng âm dị nghĩa. Đó là tại căn cứ theo tiếng nói lúc ban đầu, nó là đồng âm thì phải để nó đồng âm, người ta nếu có muốn đặt khác ra cũng không có thể đặt được. Những chữ đồng âm dị nghĩa ấy không đem mà nói xô bồ với những chữ dị âm dị nghĩa được, như cha với tra, sa với xa. Những chữ này chẳng những nó khác nghĩa mà cũng khác âm.

Ông Hồ Xanh không phải là không biết cái lẽ đó, nhưng ông lại cho lẽ đó chỉ đúng với thanh âm thuộc về âm nhạc mà thôi, chớ không đúng với thanh âm thuộc về bác ngữ học.

Chúng tôi chẳng nói đến cái học gì cả, chúng tôi chỉ căm cúi theo sự thực. Sự thực, ở Trung Kỳ và Nam Kỳ có phân biệt tr với ch, s với x, thì tiếng An Nam phải theo phần đông ấy mà phân biệt.

Người Trung – Nam phân biệt tr với ch, s với x cũng như người Bắc phân biệt dấu ngã, dấu hỏi. Chính người Trung – Nam không phân biệt hai dấu ấy, nhưng không thể vin lấy sự thiếu thốn của mình rồi bảo sự phân biệt ấy là vô nghĩa lý và đòi xóa bỏ đi. Nếu theo ông Hồ Xanh, xóa bỏ sự phân biệt ch với tr, s với x, thì rồi sự phân biệt dấu ngã với dấu hỏi cũng sẽ chẳng có thế lực nào giữ lại được vậy!

Bỏ hết thảy những sự phân biệt ấy, một ngày kia bẻ đi hết, rồi tiếng An Nam lộn xộn biết bao, vì nó sẽ có nhiều vô số là chữ đồng âm dị nghĩa. Nhiều đến vô số!

Sự có chữ đồng âm dị nghĩa là sự không thể tránh được trong các sách tự điển. Nhưng nên có vừa vừa thôi, nhiều quá thì một thứ tiếng hầu như bị rối loạn.

Có người bảo rằng một thứ tiếng có nhiều chữ đồng âm dị nghĩa là lợi cho sự làm văn, nghĩa là lợi cho sự “bổn chữ” (jeu de mots). Nhưng công dụng và mục đích của một thứ tiếng là ở chỗ nào, chớ có phải ở sự bỡn chữ đâu! Ở Trung – Nam Kỳ cũng có lắm người cho sự phân biệt dấu ngã dấu hỏi là vô nghĩa lý như ông Hồ Xanh và đòi xóa bỏ nó. Nhưng theo chúng tôi, đó là chỗ tự nhiên của thanh âm, ta nên tôn kính nó, nếu xóa bỏ đi thì tự ta là vô nghĩa lý.

Phải giữ cả hai vần ch, tr, và s, x lại. Người Bắc Kỳ chỉ phải rày về sau tập mà phát âm cho được vần tr và vần s mà thôi. Sự ấy tưởng còn dễ hơn người Trung – Nam Kỳ phân biệt dấu hỏi dấu ngã trong khi phát âm.

PHAN KHÔI

   




Chú thích

  1. Tin văn. – tuần báo, ra số đầu: số 1 (28/7/1935), số cuối: số 28 (tháng 11/1936), chủ nhiệm Nguyễn Đức Phong (tức Thái Phỉ); tòa soạn: số 2, Hàng Bông, Hà Nội.
  2. Hồ Xanh tức Nguyễn Thượng Cát (1901-1942) nhà giáo, nhà báo, nhà văn.
  3. bác ngữ học: thuật ngữ đương thời dùng để dịch từ “philologie” tức là “ngữ văn học”; tuy vậy, ở ngữ cảnh trong bài lại đang nói tới “ngữ âm học” (phonétique) hoặc “âm vị học” (phonologie), là những ngành thuộc ngữ học, cũng gọi là “ngôn ngữ học” (linguistique).