Vương Dương Minh của Phan Văn Hùm
VIII. Lưỡi mối miệng lằn

VIII. LƯỠI MỐI MIỆNG LẰN

Triều đình tiếp sớ cáo biến của Vương Dương Minh xin mạng tướng xuất sư mới sai:

An Biên Bá Hứa Thái 許 泰 làm Tổng-đốc quân-vụ, sung Tổng binh;

Bình Lỗ Bá Giang Bân, làm Đề-đốc

Tả Đô-đốc Lưu Huy 劉 翬 làm tổng binh

Thái-giám Trương Trung 張 忠 làm Đề-đốc-quân-vụ.

Thái giám Trương Vĩnh 張 永 làm Đề-đốc, Tân-hoạch Cơ-mật quân-vụ gồm lễ-hặc Hào-phản sự-tình, và tra lý kho tàng cung quyến các việc

Thái giám Ngụy Bân 魏 彬 làm Đề-đốc

Binh-bộ Thị-lang Vương Hiến làm Đốc lý lương-hướng, cả thảy lãnh một vạn binh ngoài đi Giang Tây chinh thảo.

Binh triều đương kéo đi, thời, Vương Dương Minh đã hiến phù phát tự Nam Xương ngày 11 tháng 9. Sợ e sai người đi, dọc đường còn dư đảng của Thần Hào đón cướp tù xa, tiên sinh phải thân giải lấy.

Binh Triều đi giữa đường nghe báo tiệp. Bọn Hứa Thái, Giang Bân nghĩ kế cướp công. Chúng mật thỉnh Vũ Tông thân chinh. Vũ Tông nghe lời. Đình thần hết sức can gián, không được, có kẻ đến bị đình trượng chết ngay — Vương Dương Minh hay tin ngự giá thân chinh, cũng dâng sớ gián chỉ — Trong sớ cho hay giặc đã hết rồi, Thần Hào đã bị cầm, lại nói: tuy vậy loạn chưa hẳn dứt, sợ e cho « dọc đường có phục gian đảng, toan mưu Bác Lãng, Kinh Kha »[1]

Bọn Giang Bân, Hứa Thái, Lưu Huy, Trương Trung, Trương Vĩnh, Ngụy Bân, lãnh binh đi trước theo sông Cam kéo đến Nam Xương, vào ở trong thành, người ngựa nghẹt bít đường sá, không thể chen lọt. Chúng vu cáo lên nói rằng: Vương Thủ Nhân trước đồng lõa với Thần Hào mưu phản, nhân thấy thiên binh kéo đi, mới bắt Thần Hào để thoát tội — Chúng còn muốn bắt luôn Vương Dương Minh để lấy làm công — Bèn sai người đuổi theo tiên sinh đặng bắt Thần Hào lại, đem thả ở hồ Bà Dương, chờ Vũ Tông đến đánh mà sau sẽ luận công —

Tiên sinh đương dừng ở trạm Thảo Bình 草 萍, huyện Ngọc Sơn 玉 山 Trời đã tối, nghe tin vương sư theo gần kịp, tiên sinh tức tốc thoát đi. Bước ra có đề lại vách hai bài thi[2].

Nhất chiến công thành vị túc kỳ
Thân chinh tiêu tức thượng kham nguy
Biên phong tây bắc phương truyền cảnh.
Dân lực đông nam dĩ tận bì.
Vạn lý thu phong tê giáp mã,

Thiên sơn tà nhật độ sinh kỳ
Tiểu thần hà nhĩ khu trì cấp?
Dục thỉnh hồi loan bãi lục sư.

一戰功成未足奇
親征消息尙堪危
邊烽西北方傳警
民力東南已盡疲
萬理秋風嘶甲馬
千山斜日度旌旗
小臣何爾驅馳急
囘鑾罷六師

Cuộc trận thành công mấy lạ gì?
Thân chinh tin ấy, xiết bao nguy!
Lửa miền đông bắc còn cao ngất,
Dân cõi tây nam đã mệt ỳ
Muôn dặm gió thu rền kiếm mã,
Ngàn non bóng xế nhiễu sanh kỳ.
Tiểu thần dong ruổi chi mà gắp?
Toan thỉnh hồi-loan giải giáp đi.

Quân chạy theo mất dấu tiên sinh, Trương Vĩnh bèn xuống đón nơi sông Tiền Đường Đến Hàng Châu 杭 州 gặp Vĩnh, tiên sinh bày lời: « Dân tình đất Giang Tây bấy nhiêu lâu bị Thần Hào độc hại Nay đã trải qua đại loạn, trời hạn lại tiếp theo[3], rồi đây còn phải cung cấp lương-hướng cho binh Triều khốn khổ cực điểm, chúng tất sẽ trốn đi tụ hiệp trong núi non dấy loàn. Trước kia giúp Thần Hào hoặc là còn có kẻ vì bị hiếp tòng; nay mà nếu cùng-bách thúc giục thời gian đảng sẽ nhân mà khởi dậy như thế đất lở, khi ấy có hưng binh định loạn chẳng cũng khó lắm ru? »

Vĩnh cũng nhận sự lý như thế — Bèn thong thả đáp: tôi đi phen nầy chẳng qua vì bên cạnh vua có loạn tiểu thần mà phải đi để hầu hạ vua, không phải đến dìm công của ông — Nhưng thuận ý hoàng-thượng thời muôn một còn có thể vãn hồi, chớ nghịch ý thời khó mong cứu việc lớn thiên hạ »

Khi ấy tiên sinh giao Thần Hào cho Vĩnh và dâng sớ qui công cho Khâm-sai Tổng-đốc để cho Vũ Tông tưởng binh triều đã làm nên việc, mà không đi sang Giang Tây.

Xếp đặt công việc xong xuôi, tiên sinh cáo bịnh, vào ngụ chùa Tịnh Từ 淨 慈 ở Tây Hồ Để thuật sự, tiên sinh có bốn bài thi. Bài sau này tỏ ra chán nản

Bách chiến qui lai nhất bịnh thân
Khả khan thời sự cánh sầu nhân
Đạo nhân mạc vấn hành tàng sự,
Dĩ mãi đào hoa động lý xuân.

百戰歸來一病身
可看時事更愁人
道人莫問行藏事
已買桃花洞裏春

Tấm thân bách chiến, bịnh mang về,
Thời sự xui ai luống não-nề.

Kế hoạch, hành tàng. sư chớ hỏi:
Động xuân nay đã bán đào huê

Tiên sinh quyết chí không trở ra làm quan nữa. Vua Vũ Tông nam tuần nay đã tới Nam Kinh. Trương Vĩnh về, ở bên cạnh, tâu rằng: « Vương Thủ Nhân là kẻ trung thần vì nước có công mà phe Giang Bân muốn hại ». Quả thật sau đó Giang Bân vu cho tiên sinh có lòng bạn phản. Vũ Tông không tin. Giang Bân lại tâu: « Bệ hạ không tin, thử triệu xem, hắn sẽ không ứng ». Vũ Tông bèn hạ chiếu triệu: Tiên sinh lật đật đi, đến Long-Giang quan 龍 江 關 (cửa Uy Phụng 威 鳳 thành Nam Kinh) toan vào chầu. Bọn Giang Bân, Trương Trung tìm cách ngăn trở, sợ tiên sinh vào chầu thời sai với lời vu cáo của chúng. Tiên sinh phải đi sang Vu Hồ 蕪 湖 (tỉnh An Huy). Nửa tháng sau, bất đắc dĩ, thay đồ dân dã, vắn khăn xanh, vào núi Cữu Hoa 九 華, ở trong một lều cỏ. Trương Vĩnh hay biết, lại tâu vua: « Vương Thủ Nhân thật trung thần. Nay nghe chúng muốn tranh công, đã bỏ quan, vào non tu đạo. Nào có lòng phản đâu? Vua triệu thời chắc đến ».

Vũ Tông bấy giờ mới tin tiên sinh có lòng trung, bèn mạng cho phục chức trở lại Giang Tây, Nhà nhà ở Giang Tây, cũng như trước kia ở Cam châu, yết tượng của tiên sinh trên bàn tổ-đường, tuế thời thi chúc. Bấy giờ là tháng giêng năm thìn (1520), tiên sinh bốn mươi chín tuổi.

Vua Vũ Tông đi nam tuần, xa giá đóng ở Hoài Dương 陽 , tỉnh Hà Nam. Bọn Trương Trung, Hứa Thái kéo quân xuống Nam Xương. Tiên sinh về đó, bị binh triều ỷ mình có mạng vua, ngạo nghễ nhục mạ, rất vô lễ. Tiên sinh chẳng hề động tâm. Vẫn đãi lại theo lễ phép. Và còn truyền thị cho dân chúng trong ngoài thành, bảo rằng bắc quân lìa nhà khổ sở, hãy nên trân trọng lấy. Tự tiên sinh thời mỗi khi gặp đám tang của binh triều tất dừng xe đon hỏi, than vãn rồi mới đi. Lâu ngày chúng hóa ra cảm phục tiên sinh.

Bọn Trung Thái, cậy nơi sở trường của mình, bảo tiên sinh thi bắn nơi giáo trường. Tiên sinh chịu khuất. Chúng ép lắm, miễn cưỡng mà ứng hầu. Ba phát trúng ba. Mỗi phát trúng, bắc quân mỗi dơ tay reo hò. Bọn Trung, Thái giựt mình sợ: « Bắc quân đều theo họ Vương sao? » Chúng bèn ban sư.

Chúng lại muốn hiến phù lập công. Trương Vĩnh can: « Không được! Ngày nọ binh chưa ra khỏi Kinh sư, Thần Hào đã bị cầm rồi Vương Thủ Nhân hiến phù đã trải qua Ngọc Sơn, Tiền Đường. Việc trước mắt trong tai thiên hạ. Nay chúng ta chẳng khá tập công như vậy ». Bấy giờ Đại-tướng-quân mới bảo Vương Dương Minh dâng sớ tiệp-âm trở lại, để sửa lời sớ trước đã qui công cho binh Triều.

Xứ Giang Tây năm trước bị hạn từ tháng 3 đến tháng 7 lúa má chết sạch. Lại trải qua loạn Thần Hào, quan phủ nha môn cùng nhà cửa của dân cư cháy ruội tàn. Cảnh thật là khốc liệt. Tiên sinh chẩn tuất cho mọi người, tấu xin miễn thuế. Dân vừa lấy hơi thở lại, thời tháng 5 năm nầy lại bị lụt to, chôn hết ruộng nương nhà cửa. Vua Vũ Tông thời vẩn còn ở Nam đô, chưa chịu bãi binh. Tiên sinh không thể nào gián can chi được. Nhân nước lụt, tiên sinh dâng sớ tự hặc[4], ý để làm cho Vũ Tông giác ngộ. Sớ có những lời đại lược rằng:

« Thần thời tài mọn, lãnh trách nhậm Tuần phũ tỉnh Giang Tây, đến nay đã mấy tháng, chưa từng hay lo được mảy may việc chính trị cho dân, mà ở địa phương thêm nhiều ngày, cho nên dân càng thấy khốn đốn. của càng thấy bao mòn, tai biến ngày một dữ, họa hoạn ngày một gắt. Từ xuân vào hạ, mưa liên miên, hồ sông tràn dẫy, hằng tháng nước ninh. Dọc theo sông, các quân Cam, Cát, Lâm, Thụy Quảng, Vũ, Nam-Xương, Cữu Giang, Nam Khang, không quận nào chẳng bị hại. Lúa má ngập chết, nhà cửa dạt trôi, dân lụt lội nương náu trên ngọn cây, thuyền buôn chèo chống giữa phố xá, thành sập, đê vỡ, ngàn dặm như biển hồ, khói lửa vắng teo, chỉ rền tiếng khóc... Phàm cuộc biến chẳng thinh không mà có. Nó do việc chính trị mà ra. Việc chính trị chẳng thinh không mà hư. Nó do quan chức mà nên nỗi. Quan không xong chức trách mình ấy mối manh thật ở nơi thần, trốn đâu khỏi tội cho được! »

Tháng 6 tiên sinh đi Cam-châu, duyệt sĩ tốt, dạy phép đánh trận. Giang Bân cho người đến rình xem động tịnh. Kẻ tương tri lo ngại khuyên tiên sinh hãy trở về tỉnh thành. Tiên sinh nói: « Ta ở đây dạy đồng tử ca thi tập lễ, có gì khả nghi?

Lúc bấy giờ nghe ở Vạn An 萬 安 có nhiều vũ sĩ, tiên sinh sai người đi tìm biên tên được hơn ba trăm. Có người hỏi: « Loạn Thần Hào nay đã dẹp xong rồi, còn tìm vũ sĩ làm chi? » Tiên sinh đáp: « Ta nghe xứ Giao Chỉ có việc khó khăn trong nước, xuất kỳ bất ý đánh úp lấy, cũng là một cơ hội nên làm. » Mười bảy năm sau đó (1537) Mặc Đăng-Dong soán vị nhà Lê. Người ta truyền rằng tiên sinh có dự mưu sự, mà giờ đây đã tính kế rồi.

  1. Sợ dọc đường Vũ Tông gặp thích khách nguy cho tánh mạng.
  2. — Nay lục ra bài đầu.
  3. — Năm ấy đại hạn, từ tháng ba đến tháng bảy
  4. — Tự hặc 自 劾: tự buộc tội mình.