Vương Dương Minh của Phan Văn Hùm
B. Dẹp loạn Thần Hào

B. DẸP LOẠN THẦN HÀO

Tiên sinh xin lui. Triều-đình vẩn giục tới. Ngày mồng 5 tháng 6 năm kỷ mão (1519) tiên sinh tiếp chỉ sai đi Phúc Kiến khám xét cuộc mưu phản của Tam-vệ-quân. Không thể nào từ chối được.

Tiên sinh bấy giờ « bách bịnh giao công, lại gần đây, vì ruổi dong binh mã bị chướng độc xâm lăng, uạ mữa, sốt rét, gân cốt rã rời, có lúc choáng váng, đương tựa ghế nhào xuống đất, cả ngày chưa tỉnh dậy, tay chơn đều ma tê hết. » Mặc dầu vậy, cũng phải ôm bịnh lên đường đi Phúc Kiến. Liệu chừng nẻo ngang qua các huyện Thụy Kim 瑞 金, Hội Xương 會 昌 nhiều chướng khí, trong mình bịnh yếu nên lánh đi tiên sinh bèn vòng xuống ngã Phong Thành 豐 城. Ngày mồng 9 khải hành ở Cam Châu. Trưa ngày rằm (bính tí, 11 juillet 1519) tới xứ là Hoàng Thổ Não 黄 土 腦, thuộc huyện Phong Thành, xảy có viên Tri huyện là Cố Bật đến báo tin

« Ngày 14 Ninh-phủ xưng loạn, giết các quan Đô-ngự-sử, Phó-sứ, Đô-ty. Các quan Tuần, Án, cùng Tam-ty, Phủ, Huyện không chịu theo, đều bị bắt trói hết, chưa biết còn mất thế nào. Những ấn tín ở các nha-môn đều bị thâu ráo. Kho tàng khui sạch. Trọng tù phóng thích cả. Chiến thuyền sẽ xuôi dòng sông nhắm Nam Kinh, và đồn rằng một đạo binh sẽ thẳng lên Bắc Kinh ».

Ninh Vương 甯 王 là Thần Hào 宸 濠 vốn dòng dõi của người con thứ mười bảy, tên là Quyền 權, của vua Minh Thái-Tổ. Quyền được phong Vương đất Đại Ninh 大 甯, nên chi gọi là Ninh Vương.

Triều vua Vĩnh Lạc lại dời phong về đất Nam Xương Cha truyền con nối mấy đời, nay đến Thần Hào.

Cha của Thần Hào là Khang Vương 康 王 hèn lâu không con. Đến năm Thành Hóa đinh-dậu (1477) cung nhân họ Phùng 馮, gốc người Nam Xương, sinh ra Thần Hào — Khi ấy Khang Vương nằm mộng thấy rắn vào cung nuốt không còn người nào, cho là điềm ứng bất tường, đem lòng ghét Thần Hào, không muốn nhìn nhận — Phùng thị dấu nuôi ở nhà người con hát. Vừa lớn lên Thần Hào dâm loạn trong cung, Khang Vương rầu uất. Lúc hấp hối cấm vào quyết biệt — Năm Hoằng Trị bính thìn (1496) Thần Hào nối vị Vương.

Hắn là người thông thơ, sử, ca, từ, nhưng rất chưng dâm, gian bạo — Hắn có hình tích bạn nghịch đã mười năm rồi. Hắn đã sát hại nhiều lương dân, đã dung nạp những phường bạn đãng, đã chiêu mộ bọn kiêu dũng hơn cả vạn đứa. Hắn đã xuất ra mấy trăm vạn bạc để tạo binh khí để đút lót quan lớn quan nhỏ trong triều. Hắn lại mướn người có văn tài lợi khẩu để khen hắn, để truyền bá rằng hắn có hiếu có nhân. Hắn đã ngấm ngầm sấp đặt kẻ tâm-phúc ở các trấn, ở kinh kỳ, ở các nơi yếu địa. Hắn lại ngấm ngầm sấp đặt gian đồ ở Thương Châu 滄 州 ở Hoài Dương 淮 陽 ở Sơn Đông 山 東, ở Hà Nam 河 南.

Chủ mưu của hắn có hai người tài. Một là Lưu Dưỡng Chánh 劉 養 正, người huyện An-Phúc phủ Cát An, đỗ Cử-Nhân, thi văn nổi tiếng. Một nữa là Lý Sĩ Thật 李 士 實, quan về hưu, đã thờ vua trải bốn triều, đến chức Đô-ngự-sử.

Lực sĩ của hắn có hai đứa đại-tặc; Mẫn Nẫm-Tứ 閔 卅 四 và Lăng Thập-Nhất 淩 十 一.

Dùng lợi khẩu, văn tài để dụ nhà giàu có lấy của, thời Lưu Dưỡng Chánh, Dùng sức hung hãn cướp bóc, thời Mẫn Nẫm-Tứ, và Lăng Thập Nhất.

Án-sát-sứ Lục Hoàn 陸 完 thấy oai thế của hắn lẫy lừng, nên xu phụ hắn, Đến khi Lục Hoàn thăng chức Binh bộ Thượng Thơ, thời Thần Hào được có vây cánh to-tác.

Ngày hắn khởi sự, dưới tay có 180000 (mười tám vạn) người và dẫn đi công phá Nam Kinh có tám, chín vạn.

Hắn muốn cướp ngôi vua Vũ Tông để đặt con thứ hai của hắn lên. Thế mà nội quan là Diêm Thuận 閻 順 lẻn kịnh sư phát tấu, thời Triều đình đã không xét kỹ, lại còn đày Diêm Thuận đi làm tịnh-quân ở Hiếu Lăng 孝 陵 (tỉnh Giang Tô). Ấy bởi trong triều lúc bấy giờ có Lục Hoàn đương chức Binh-bộ Thượng-Thơ, là vây cánh của Thần Hào.

Khi Lục Hoàn cải sang Lại-bộ, Vương Quỳnh thế chức ở Binh-bộ Thượng-thơ Vương Quỳnh xem hành động của Thần Hào, đoán biết hắn sẽ phản, bèn thân trương quân luật, đốc trách tu chỉnh vũ bị, giới nghiêm các đường sá, bắt đạo tặc rất gắt. Lăng Thập-Nhất bị bắt giam, nhưng vượt ngục được. Khi ấy Vương Dương Minh hai lần dâng sớ xin về hưu. Nhà đương-đạo, vốn có chỗ kỵ tiên sinh, toan nghe theo lời thỉnh. Song Thượng Thơ Vương Quỳnh bác đi Một hôm người gọi Ứng Điển 應 典, là chủ-sự thuộc bộ của người, mà nói: « Ta đặt Vương Thủ Nhân ở Giang Tây cho quyền tiện nghi hành sự, chẳng những để trừ quân giặc ở Khê-Đông mà thôi, mà hoặc còn ngừa có biến khác. Nếu không thế thời sắc cho tiện nghi hành sự và cấp kỳ bài để dùng vào chỗ nào? »

Rồi lại xảy có biến Tam-vệ-quân ở Phúc Kiến, Vương Quỳnh bảo Ứng Điển « Việc nầy là tiểu-sự, không phải phiền đến Vương Thủ Nhân. Nhưng mà nên mượn cớ nầy cấp tiện nghi sắc-thơ đễ Vương mỗ sẵn có trong tay, phòng khi dùng vào cuộc biến khác. Ngươi thử vì ta làm một đề-cảo đưa xem » Xem cảo rồi, giáng sắc.

« Bọn Tam-vệ-quân ở Phúc Châu 福 州 hiếp chúng, mưu phãn đặc mạng nhà ngươi tạm lìa địa-phương (Nam Cam) đi hội đồng tra nghị xử trí mà tham tấu định đoạt. Khâm thử! Khâm tôn! »

Có sắc nầy Vương Dương Minh mới rời được Cam Châu và mới có gặp biến Thần Hào. Trước đó, tiên sinh cũng đã có dịp dò xét lòng phản của Thần Hào rồi — Nguyên có lần Thần Hào sai cử nhân Lưu Dưỡng Chánh 劉 養 正 đến nói với tiên sinh: « Ninh Vương tôn sư, trọng đạo, có tư chất vua Thang Vũ, muốn theo ngài giảng minh chánh học. » Tiên sinh cho Ký Nguyên Hanh 冀 元 亨 đi sang giảng học với Thần Hào, để dò xem tình ý. Nguyên Hanh thấy Thần Hào mâu thuẫn với lời Lưu Dưỡng Chánh, bèn tỏ ý ra. Thần Hào giận, đuổi đi, rồi sai bộ hạ ám sát dọc đường nhưng lại hụt.

Nay thì Thần Hào đã cử sự rồi.

Ngày 13 tháng 6 hắn ăn lễ sinh nhật. Hôm sau các quan đến tạ yến. Hắn đột khởi phản mưu giết Đô ngự sử họ Tôn, Phó-sứ họ Hứa Tham nghị họ Hoàng. Chủ sự họ Mã chết trong tù. Kỳ dư những quan lớn nhỏ không chịu theo, đều bị hắn bắt giam cấm Hắn truy đoạt ấn-tín, phóng trọng tù, khui kho tàng thanh ngôn rằng sẽ đánh lấy Nam Kinh rồi đánh lên Bắc Kinh.

Vương Dương Minh dẫn theo đường chỉ một trăm ngoài tên quân Ngày rằm đến Phong Thành nghe tin Thần Hào xưng loạn, biết thế nào Thần Hào cũng đón bắt, liệu bề không kham cự, tiên sinh bèn lui lại

Bấy giờ gặp phải gió nam thổi mạnh, thuyền ngược dòng sông lại ngược gió, bát cạy không dời. Thần Hào quả sai Dụ Tài lãnh binh đuổi gắp. Tiên sinh độ không thoát khỏi. Trong thuyền có phu-nhân cùng công-tử Chánh Hiến 正 憲, con nuôi của tiên sinh. Tiên sinh không nỡ bỏ lại mà lánh nạn một mình. Phu nhân chụp lấy một thanh gươm, nói: « Ông nên thoát mau. Đừng lo cho mẹ con chúng tôi Có gắp rút bề nào, tôi lấy gươm nầy tự vệ ». Tiên sinh bèn cổi quan phục cho một tên tốt mặc vào để ở lại, rồi cùng hai viên mạc-sĩ 幕 士 là Lôi Tế 雷 濟 và Tiêu Vũ 蕭 禹 nhảy qua một chiếc thuyền câu Tiên sinh lại kỳ đảo. May đâu phút chúc ngọn gió trở ngược lại thuyền tiên sinh chạy thoát.

Dụ Tài vẫn cứ đuổi theo chiếc thuyền có quan ngồi. Té ra bắt được kẻ giả trang. Toan giết. Có người khuyên: « Ích gì ». Mới tha mạng.

Đêm đó tiên sinh tới Lâm Giang 臨 江 (nay là Thanh Giang 清 江). Tri phủ Đới Đức Nhụ 戴 德 孺 mừng lắm rước tiên sinh vào thành điều độ, mà rằng: « Lâm-Giang ở trên mé sông to lại không xa tỉnh thành, không bằng về Cát An là hơn ». Rồi lại đem ba sách lược ra bàn:

« Nếu Thần Hào xuất thượng sách, thẳng lên Bắc Kinh đánh xuất kỳ bất ý, ắt tông xã phải nguy. Nếu hắn xuất trung sách, xông qua Nam Kinh, thời phía nam phía bắc sông Trường Giang đều bị hại. Còn nếu hắn xuất hạ sách chỉ căn cứ tỉnh thành Giang Tây, ắt sự cần-vương của chúng ta có chỗ dễ dàng »

Ngồi thuyền về Cát An, dọc đường tiên sinh lo-lắng, sợ binh Thần Hao ruổi gấp về Nam Kinh đánh thình lình, Nam Kinh không hay mà phòng bị, ắt khó bề chống lại, mà Nam kinh hạ được, thời Bắc Kinh, cũng khó giữ. Phải có kế gì khiến binh Thần Hao chậm lại những mười lăm hôm, cho các nơi xa gần đều hay mà phòng bị, thời chắc khỏi hoạn.

Tiên sinh nghĩ ra kế làm một cái hỏa bài, giả như Triều đình đã hay Thần Hào sắp phản, nên đã mật chỉ cho Lưỡng Quảng Đô ngự sử Dương Đán 楊 旦 cùng Lưỡng Kinh Binh bộ, hãy mạng tướng xuất sư, âm-phục ở những địa phương có thể bị hại, chờ binh của Ninh-phủ đến thời đánh giết

Lôi Tế bàn với tiên sinh: « Ninh vương thấy hỏa bài chưa ắt sẽ tin ». Tiên sinh hỏi: « Không tin, mà có thể nghi chăng? »

Lôi Tế đáp: « Nghi, thời chắc là không khỏi được ». Tiên sinh cười: « Một khi hắn sẽ sinh nghi, thời đại sự của hắn sẽ hỏng ». Nói xong tiên sinh lại than: « Thần Hào trước đã làm đều vô đạo, tàn hại bách tính. Nay tuy nhất thời có rất nhiều kẻ theo về làm nghịch nhưng đó không phải là bổn tâm của chúng, chẳng qua vì chúng bị hiếp bách hoặc bị dụ dỗ lấy lợi lộc mà tạm hiệp đó thôi. Túng sử Thần Hào có dẫn binh đi tới mà ta đem sư vấn tội theo gót hắn, thời hai thế thuận, nghịch, đã rõ phân, thắng, phụ, cũng liệu biết trước được. Nhưng mà tặc binh sớm khởi ở một phương nào, thời dân mạng phương ấy sẽ bị tàn phá... Nay ta thiết kế nầy, trì lưu Thần Hào được ngày nào, là ngày ấy đem phúc lại cho thiên hạ ».

Đó rồi tiên sinh thảo ra cái hỏa bài giả:

« Đề-đốc quân vụ Đô-ngự-sử, họ Dương, làm cơ-mật quân-vụ-sự, vâng theo tư văn của Binh-bộ cùng của Đô-sát-viện Hữu-phó Đô-ngự-sử họ Nhan, đều nói về việc trước, nên bổn viện đới lãnh bốn-mươi-tám vạn lang-đại quan binh, kéo sang Giang Tây công cán. Ngày mồng 3 tháng 5 đã từ phủ Quảng Châu khởi mã tiền tấn. Trông cậy các nha môn quân vệ hữu ty ở dọc theo đường của binh kéo qua, hãy chiếu theo số mà dự-bị lương thảo, đợi ngày quan binh đi tới đem ra chi ứng. Nếu đến kỳ mà thiếu hụt làm hư việc, sẽ chiếu y quân-pháp xử trảm ».

Ý cái hỏa bài nầy, là làm ra tuồng như Triều-đình đã có sai họ Nhan đi xét hạch, và đã mật cho các xứ Lưỡng Quảng khởi điều binh mã, ngầm đến đánh bắt Thần Hào.

Sự giả hỏa bài ấy, sau nầy tiên sinh không thuật lại trong các sớ tấu. Theo lời của Long Quang 光 龍, là một vị quan trí-sĩ ở Cát-Thủy nói lại với Tiền Đức Hồng 洪 德 錢, môn nhân của tiên sinh, thời một là tiên sinh sợ đem vào sớ tấu văn sẽ thêm phiền, một nữa là cho sự phản gián, thiết mưu dụng ngụy như vậy, không phải sự quân tử lấy làm phải, không nên bày ra cho người đời biết. Nhưng đương thời nếu không hành cái kế phản gián mà trì lưu Thần Hào, để cho hắn xua binh đánh tới, thời sinh ra nỗi « sấm gấp không kịp nhét tai ».

Một cái hỏa bài ấy tiên sinh còn sợ chưa đủ làm Thần Hào do dự. Tiên sinh lập mưu cho hai người quân sư của Thần Hào là Lưu Dưỡng Chánh, và Lý Sĩ Thật nghi ngờ nhau mà thêm bị Thần Hào nghi ngờ nữa — Về tới Cát An tiên sinh cùng Lôi Tế và Tiêu Vũ giả một bức văn nghinh tiếp mạng sư ở Bắc Kinh đi xuống. Trong bức văn có đoạn:

« Nếu Ninh Vương kiên thủ Nam Xương, cầm binh lại không phát ra, thời quan quân ở Bắc Kinh xa xuôi đi xuống, thiên thời địa lợi đều không được tiện cả hai, e cho nhất thời cũng khó mưu đồ. Vậy nên dẫn binh đi chậm chậm hoặc nên phân binh giữ trước Nam Kinh chờ cho Ninh Vương rời khỏi Giang Tây, mà sau khi đó hoặc sẽ chận trước mặt hoặc sẽ đánh sau lưng, khiến cho đầu đuôi quân nghịch không tiếp cứu được nhau thế tất phải phá vỡ.

Nay hai kẻ chủ mưu của Ninh Vương là Lý Sĩ Thật và Lưu Dưỡng Chánh đều mỗi người có mật thơ cho bổn chức còn hai tặc tướng là Lăng Thập Nhất và Mẫn Nẫm-Tử, đều mỗi người có mật sai kẻ tâm phúc đệ trạng đến bổn chức. Cả thảy đều xin « trở giáo lập công báo hiệu ». Xem đó khá biết Ninh Vương là người đã bị chúng phản, thân lìa rồi thời sự bại không xa vậy »

Để giúp sức cho mấy việc giả trước đó có hiệu quả hơn nữa, tiên sinh đặt ra hai bức thơ giả tuồng hồi đáp thơ của Lý Sĩ Thật và của Lưu Dưỡng Chánh — Thơ cho Lý Sĩ Thật nói:

« Tiếp được chính tay của lão tiên sinh viết ra để mật thị chỉ giáo đủ thấy tấm lòng tinh trung báo quốc của lão tiên sinh và mới rõ nỗi việc gần đây là bởi tình thế bức bách đến bất đắc dĩ mà ra vậy, thân tuy hãm trong lưới bẫy mà lòng vẫn không quên nhà vua. Một mưu đã dẫn dụ, nếu không là lão tiên sinh thời nào người nghĩ đến nỗi, Nay lại được Tử Cát 吉 子 đồng tâm hiệp lực thời muôn muôn việc sẽ không thất lấy một Nhưng mà nếu cơ sự không nhẹm thời họa hại ắt thành. Vậy phải tùy thời chờ cơ mà phát khởi mới có thể được. Không thế, e rằng chẳng lợi ích cho nước nhà mà lão tiên sinh cùng Tử Cát cũng sẽ phải liên lụy, thời lòng đây cũng khăn khắn không đành. Huống chi nay binh thế bốn đường đã hiệp, chỉ chờ lão tiên sinh bước tới là khá ra tay, chỉn e lão tiên sinh chưa khứng khinh xuất. Hôm diếp Lăng, Mẫn, hai tướng khiến người mật truyền tiêu tức, cũng là đều do lão tiên sinh cùng Tử Cát chỉ lối giục lòng mà có vậy chỉn e những người ấy vốn thô hán, họ dễ tiết lậu, vậy nên răn họ thận mật, lại cũng nên phòng ngừa họ mới được — Đọc xong đốt liền! tên quen miễn ký. »

Cho Lưu Dưỡng Chánh cũng một bức thơ mường tượng như thế.

Hỏa bài giả thơ giả, làm xong, tiên sinh khiến Lôi Tế và Tiêu Vũ hãy chọn những tên quân nào dũng cảm, chịu hy sinh, cho chúng nó nhiều vàng bạc, rồi may giấu đồ giả ấy trong áo mang đi. Một mặt khác lại sai người báo tin đến kẻ bộ thuộc của Thần Hào, mách rằng có những kẻ mang giấy tờ bí mật đi như thế. Thần Hào cho đón bắt, xét mình chúng, quả có các thứ bút tích quan hệ ấy. Ngày 18 tiên sinh đến Cát An. Tri phủ Ngũ Văn-Định 定 文 伍 mừng lắm, bẩm xưng: « Địa phương vô chủ, xin thượng quan ở lại đây mưu toan lẽ nào ». Nghĩ đến cái đại cơ an nguy của thiên hạ tiên sinh không đành bỏ đi, tạm gát lại việc tra hạch quân tình ở Phúc-châu. Bèn vào thành Cát An vỗ-về quân dân, đốc Tri-phủ Ngũ Văn-Định điều tập binh lương, hiệu triệu nghĩa dũng. Lại ước-hội quan Tả-phó Đô-ngự-sử trí-sĩ Vương Mậu-Trung 忠 懋 王 và quan Bình-sự (事 評) dưỡng bịnh La Kiều 僑 羅, để cùng định mưu, thiết sách, thâu lại lòng dân hoàn tán, và chấn khởi nghĩa khí, trung thầm

Ngày 19 tiên sinh dâng sớ cáo biến.

Thần Hào, trước kia, định ngày 17 tháng 6 xuất binh, mà tự mình thời ngày 22 khởi mã tại Giang Tây, đi thẳng về Nam Kinh yết lăng, tức vị, rồi đánh lên Bắc Kinh. Đến khi thấy những gián điệp kia, sinh hồ nghi, không dám chinh xuất. Cho nên ngày 17 hắn khiến binh đi trước đánh Nam Khang 康 南 nay là Tinh Tử 子 星 và Cửu Giang 江 九 mà tự mình thời lưu lại trong thành Nam Xương, chờ xem biến động ra sao.

Ngày 17 binh của hắn đánh úp Nam Khang. Quan quân trong thành bỏ chạy. Ngày 18 đánh úp Cữu Giang Quan quân trong thành cũng bỏ chạy hết.

Đánh xong, chờ mãi không thấy Thần Hào, binh của hắn phát nghi, rồi phát sợ, thối lại linh-đinh trên mặt sông mặt hồ rất lâu lòng chột, khí suy

Mãi đến ngày mồng 3 tháng 7, rõ lại gián điệp kia không có thật, Thần Hào mới để một vạn binh giữ Nam Xương, mà dẫn sáu vạn xuôi dòng sông nhắm đường Nam Kinh.

Binh của hắn hơn một trăm bốn chục đội, phân làm năm tiệu Ra khỏi Bà Dương[1] 陽 鄱 qua Cữu Giang 江 九, hắn để Sư Quì 夔 師 lại giữ đó, mà đi thẳng An Khánh 慶 安 (nay là Hoài Ninh 寕 懷 tỉnh An Huy).

Khi ấy Tuần-phủ Nam-kỳ Đô-ngự-sử Lý Khắc Tự 嗣 克 李 phi chương cáo biến. Thượng Thơ Vương Quỳnh thỉnh hội nghị ở cửa Tả Thuận 順 左. Chúng còn chờ xem, không ai dám nói Thần Hào phản. Một mình Vương Quỳnh nói: « Thằng trẻ con trước kia làm đều bất nghĩa, nay đem thương tốt dấy loạn, không đủ lấy làm lo. Đô-ngự-sử Vương Thủ Nhân cứ nơi thượng-du, sẽ theo bắt được ngay ».

Tin chắc như thế, nhưng Vương Quỳnh nghĩ, nếu triều đình không mạng tướng xuất sư ắt không lấy gì để tráng quân uy. Bèn thẳng vào phòng liền tay thảo một hơi mười ba lá sớ, Trước hết xin hạ chiếu lột tước Vương của Thần Hào, và xin mạng tướng xuất sư thẳng xuống Nam Đô, mạng Bá tước Phương Thọ Tường 祥 壽 方 phòng thủ Giang Đô 都 江, Ngự-sử Du Gián 諫 俞 suất Hoài-binh giúp Nam-Kinh, Thượng thơ Vương Hồng Nho 儒 鴻 王 chủ cấp quân hướng. Kế đó xin mạng Vương Thủ Nhân suất binh Nam Cam do dường Lâm Cát 吉 臨; suất binh Hồ Quảng do dường Kinh Thụy 瑞 荆 hội lại Nam Xương; mạng Lý Khắc Tự trấn ở Trấn-Giang 江 鎮. Hứa Đình Quang 光 廷 許 trấn Chiết-giang, Tùng Lan 蘭 叢 trấn Nghi-Chân 真 儀.

Rồi truyền hịch cho các lộ ở Giang Tây, hễ có kẻ nào trung thần nghĩa sĩ, có thể xướng nghĩa binh bắt được Thần Hào, thì sẽ phong hầu.

Lời sớ thỉnh của Thượng thơ Vương Quỳnh đều được nghe theo cả.

Trong khi gấp-rút, chưa có mạng của Triều-trình. Vương Dương Minh phải xướng nghĩa binh[2]. Định đoạt đâu đấy xong, tiên sinh di-hịch cho khắp nơi gần xa, tuyên bố nhân đức của Triều-đình, kể tội ác của Thần-Hào gian-bạo. Binh đã tập trung, tiên sinh không vội kéo đi, bảo rằng: « Đánh kẻ nghịch có phòng bị, thì không đắc kế. Nên làm ra tuồng phòng thủ, chờ cho Thần Hào đem binh đi rồi, đánh ở phía sau hắn, khắc phục Nam Xương chiếm sào huyệt của hắn. Như thế, hắn sẽ không dám tới, mà lui lại để cứu lấy căn cứ địa, không thể lui. Đó là sách toàn thắng của binh ta ».

Thần Hào đã kéo quân đi An Khánh rồi, tiên sinh khắc kỳ ngày rằm hội binh nơi Chương Thọ trấn 鎮 樹 樟 (khỏi Lâm Giang, phía dưới Phong Thành).

Ngày 18 nghĩa binh đến Phong Thành, hay tin An Khánh bị vây. Chúng nghị nên dẫn binh thẳng lên cứu An Khánh. Tiên sinh không nghe, bảo rằng: « Cửu Giang, và Nam Khang đều bị quân nghịch chiếm cứ rồi, mà trong thành Nam Xương còn hơn một vạn binh tinh hãn, lương thực chứa đầy. Nếu ta dẫn binh lên An Khánh thì quân nghịch sẽ quay lại liều chết mà đánh. Chừng ấy binh An Khánh mắc lo khu khu tự-thủ, không thể trợ viện ta nơi hồ (Bà Dương). Binh Nam Xương sẽ chắn phía sau, tuyệt đường vận lương của ta. Quân nghịch ở Cữu Giang và Nam Khang hiệp thế lại nữa. Bốn mặt ta sẽ không trông vào đâu được. Nay binh ta tập trung quá chóng, tiếng đã thấu Nam Xương rồi, trong thành hẵn đã chấn động. Ta nhân đó đánh gấp Nam Xương thế tất hạ được. Nam Xương mà nếu đã phá, thì Thần Hào thất đảm. Mất bổn căn, thế tất hắn sẽ quay về giải cứu — Như vậy An Khánh sẽ tự nhiên được giải vây, mà Thần Hào sẽ bị ta bắt, »

Nghị như thế, tiên sinh đốc phá Nam Xương. Bèn phân bố tiệu đạo; sắp đặt:

Ngũ Văn-Định 定 文 伍 đánh cửa Quảng Nhuận 潤 廣;

Hình Tuân 珣 邢 đánh cửa Thuận Hóa 化 順;

Từ Liên 璉 徐 đánh cửa Huệ Dân 民 惠

Đới Đức Nhụ 孺 德 戴 đánh cửa Vĩnh Hòa;

Hồ Nghiêu Nguyên 元 堯 胡 và Đồng Kỳ 童 琦 đánh cửa Chương Giang 章 江;

Lý Mỹ 李 美 đánh cửa Đức Thắng 勝 德

Dư Ân 恩 余 đánh cửa Tấn Hiền 進 賢;

Còn Đàm Trừ 談 儲, Vương Vĩ 冕 王, Lý Tiếp 楫 李, Vương Thiên Dữ 與 天 王 Vương Miện 暐 王 thì thừa hấn trong số bảy cửa đó mà đánh tiếp vào.

Trong ngày 18 ấy tiên sinh tiếp được lá điệp, báo tin: Thần Hào phục hơn một ngàn binh ở Tân cựu Phần Xưởng 新 舊 墳 廠 để dự bị viện trợ tỉnh thành Tiên sinh bèn khiến Tri-huyện Phụng Tân 奉 新 là Lưu Thủ Tự 緒 守 劉, cùng Điển sứ Từ Thành 徐 誠 lãnh bốn trăm binh, đợi đêm tối lẻn theo đường gian đạo mà đánh phá, để làm cho trong thành phải dao động.

Ngày 19 nghĩa binh lên Thị Xoa 汊 市 (gần Nam Xương) thệ sư, ước hẹn chư tướng: trống hồi nhất = xếp thành; hồi nhì = tràn thành; hồi ba = tru ngũ; hồi tư = trảm tướng —[3].

Mờ mờ sáng ngày 20, các tiệu đạo đều tới nơi tín địa — Trong thành phòng bị rất nghiêm: nào gỗ, đá, cung nỏ, súng đồng, đều cụ tất — Bấy giờ Tân cựu Phần Xưởng đã phá vỡ rồi Quân bại trận chạy vào báo trong thành. Người người trong thành đều nao núng. Xảy nghe bảy cửa thành nghĩa binh giồn gấp đến, trong thành chấn động kinh hãi. Nghĩa binh tràn vào được trong thành bỏ chạy. Cung quyến phóng lửa tự đốt mình. Lửa cháy lây nhà cửa của cư dân. Vương Dương Minh lịnh cho các quan cứu hỏa. Nghĩa binh bắt được Nghi Xuân Vương và ngụy Thái sư Vạn Nhuệ 萬 銳 cùng quân tâm phúc của Thần Hào, cả thảy một ngàn người. Thâu lại ấn tín của các nha môn, lớn nhỏ chín mươi sáu cái.

Khi ấy Thần Hào đang vây An Khánh, chưa hạ được thành. Nghe tin nghĩa binh đã tới Phong Thành thì đem lòng lo sợ muốn quay về Nam Xương. Lý Sĩ Thật 實 士 李 khuyên hãy nên xông đến Nam Kinh, đánh vỡ rồi thì Giang Tây cũng tự phục. Thần Hào không nghe, mở vây An Khánh, dời binh đỗ bến Nguyễn Tử Cảng 院 子 港, hội nghị tính đường cứu viện Nam Xương.

Ấy là sự thế xảy ra đúng như lời tiên đoán của Vương Dương Minh. Chúng tướng nghị sách lược để chống lại Thần Hào, nhập thành mà tự thủ, chờ bốn phương cứu viện. Tiên sinh nghị nên đem nhuệ tốt mới chiến thắng, thừa cơ quân nghịch đi về nhớn nhác, không có phòng bị, đánh gắt cho một trận, vỡ đội tiên phong của chúng, thì không cần đánh nữa chúng cũng tự rả tan. Cái sách nầy là sách « trước được bước người, thì đoạt được khí người ».

Tiên sinh khiến chế ra những vài chục vạn bài « miễn tử » bằng gỗ 免 死 木 牌 Không ai hiểu để dùng vào việc gì. Đến khi sắp phát binh đi đón đánh Thần Hào trên hồ Bà Dương, tiên sinh sai thả những mộc bài ấy xuống sông cho nó xuôi giòng trôi về phía hồ

Nghe tin Nam Xương bị đánh vỡ tan rối, binh Thần Hào xao xuyên. Những kẻ bị bức hiếp mà phải theo, đều muốn trốn tránh đi, nhưng chẳng có đường nào Chợt thấy bài « miễn tử » trôi dập dều chúng đua nhau vớt cầm, thoát thân, không biết số nào mà kể.

Ở Nguyễn-Tử Cảng Thần Hào tách ra hai vạn binh cho đi trước về Nam Xương Hắn thân suất quân còn lại, đi theo sau.

Ngày 22 Tri-phủ Vũ Châu 撫 州 là Trần Hòe 陳 槐 và Tri-huyện Tấn Hiền 賢 進 là Lưu Nguyên Thanh 清 元 劉 đề binh tới. Vương Dương Minh bèn khiến Ngũ Văn Định. Hình Tuân, Từ Liên, Đới Đức Nhụ, mỗi người dẫn 500 binh, chia đường cùng tới một lượt, xuất kỳ bất ý, đánh quân nghịch. Rồi lại khiến Dư Ân đem 400 binh tới lui trên mặt hồ để giúp sức cho sáu người kia.

Tri-phủ Trần Hòe 陳 槐, Thông phán Hồ Nghiêu Nguyên 胡 堯 元, Đồng Kỳ 琦 童 Đàm Trừ 談 儲, Suy-quan Vương Vĩ 䡺 王 Từ Văn Anh 徐 文 英, Tri-huyện Lý Mỹ 美 李, Lý Tiếp 李 楫, Vương Miện 王 冕, Vương Thức , Lưu Thủ Tự 劉 守 緒, Lưu Nguyên Thanh, mỗi người lãnh một trăm binh ngoài, đem phục bốn bề, chờ binh của Ngũ Văn Định và các tướng giao lại, hãy tủa ra hiệp kích —[4]

Phân bố xong rồi, ngày 23 (giáp dần) thừa đêm tối, nghĩa binh ruổi tới gắp — Binh Ngũ Văn Định đi tiên phong, binh Dư Ân nối theo, cùng đón đầu quân nghịch; binh Từ Liên với binh Đới Đức Nhụ trương làm tả hữu lưỡng dực; binh Hình Tuân bọc phía sau quân-nghịch.

Ngày 23 ấy binh tiên phong của Thần Hào về đến Tiều Xá 樵 舍, buồm lợp sông, trước sau vài chục dặm.

Ngày 24, trống phách, reo hò, binh Thần Hào, thuận gió, áp tới gần phần đất Hoàng Gia Độ 黃 家 渡, khí thế rất kiêu. Ngũ Văn Định và Dư Ân giả xông lên hướng bắc. Quân nghịch tranh tới để lấy thế lợi, trước sau không giáp được nhau. Binh Hình Tuân đánh ngang hông, xông thẳng vào giữa. Giặc thua chạy. Ngũ Văn Định và Dư Ân đốc binh đuổi theo. Từ Liên và Đới Đức Nhụ hiệp thế giáp công, Bốn phía phục binh cũng ùa ra, reo hò lên. Giặc không biết làm sao, vỡ chạy. Đuổi theo hơn mười dặm; cầm chém hơn hai-ngàn: té sông chết đuối kể lấy số vạn. Khi giặc lâu tan, dẫn binh lùi lại giữ Bát Tự Não (字 腦 Thần Hào kinh hoảng Tự thân công giục lòng tướng sĩ, lấy ngàn vàng thưởng kẻ đi đầu, lấy trăm lượng đền ai bị thương tích. Lại rút hết binh giữ hai thành Nam Khang và Cữu Giang, để cho có thêm số lượng.

Ngày ấy Tri phủ Kiến Xương 建 昌 là Tăng Dư 曾 璵 dẫn binh đến. Vương Dương Minh nghị rằng: Cữu Giang không phá được; thời binh Hồ Nam không dàm vượt Cữu Giang mà cứu viện binh ta; còn Nam Khang không khắc phục được, thời binh ta cũng không thể lọt Nam Khang mà đuổi theo giặc. Bèn khiến Tri-Phủ Trần Hòe 陳 槐 lãnh 400 binh hiệp với binh Tri-huyện Nhiêu Châu là Lâm Thành 林 城, đánh Cữu Giang; khiến Tri-phủ Tăng Dư lãnh 400 binh hiệp với binh Tri-phủ Quảng-Tín là Châu Triều-Tá 周 朝 佐 đánh lấy Nam Khang.

Ngày 25 quân nghịch góp sức, ra khiêu chiến. Bấy giờ bị nghịch gió, nghĩa binh đánh có hơi lùi, chết hết vài chục người. Tin báo đến, Vương Dương Minh cả giận, muốn lấy quân pháp chém đầu các tướng Ngũ Văn Định, Hình Tuân, Từ Liên, Đới Đức-Nhụ. Tiên sinh hạ lịnh: kẻ nào lùi Bước, chém đầu! Rồi tự cầm soái, chính mình ra đánh.

Tri phủ Ngũ Văn Định cùng mấy tướng kia đứng trước lằn súng đạn lửa cháy râu, sém mặt, không dám lùi Phấn phát đốc suất các binh quyết chết xông tới Súng bắn nhằm thuyền Thần Hào. Thần Hào lùi chạy. Quân nghich thua to. Bị giết có hơn hai ngàn, nhào xuống nước chết không xiết kể số. Chúng lui lại Tiền Xá, kết thuyền lập phương-trận

Đêm ấy Vương Dương Minh đốc chế ra đồ phát hỏa Rồi phân bố: binh Hình Tuân đánh phía tả; binh Từ Liên, Đới Đức Nhụ ra phía hữu; còn binh Dư Ân cùng của mấy tướng khác, chia ra, phục bốn bề, khắc kỳ lửa phát ráp lại

Sáng ngày 26 Ninh Vương nhóm chầu. Dẫn ra các quan trong tam Ty có tội, trách không liều chết đột xung, yên ngồi xem thành bại. Sắp đem chém song tranh luận chưa quyết. Xảy nghĩa binh bốn mặt giồn lại đánh hăng. Lửa đốt thuyền hầu của Ninh-Vương. Quân nghịch rả chạy Ninh Vương cùng phi tần rối rít, khóc vĩnh quyết thảm thương. Rồi các bà gieo mình xuống nước cả. Ninh Vương Thần Hào cùng thế. Chợt thấy trong đám vi-lô ẩn một chiếc thuyền câu Cả tiếng gọi xin đưa. Chàng ngư phủ cất mái chèo dời thẳng vào trung-quân (21 août 1519). Thần Hào đã bị nạp mình rồi, mà chư tướng chưa hay biết gì cả. Trận này, với Thần Hào, còn bắt được thế tử, quận vương Lý Sĩ Thật, Lưu Dưỡng Chánh, cùng những tướng quân, Nghi tân[5] Thái Sư Quốc sư Tham tán, Thượng thơ Đô đốc, Đô chỉ huy, Thiên hộ, Bách hộ các ngụy quan cả thảy hơn 200 người; chém giết có hơn 3000 người; té xuống nước chết ước 30000 Y tập, tài vật, và thây nổi linh láng như chầm to mười mấy dặm dài thuyền giặc còn vài trăm chiếc, trốn đi tứ tán. Vương Dương Minh khiến quân đuổi theo bắt cho sạch, sợ chúng vào làm hoạn những nơi khác.

Ngày 27 đuổi theo đến Tiều Xá đánh một trận, lại đến Ngô Thành 吳 城 đánh một trận nữa vỡ tan. Bắt chém hơn 1000 còn thời rớt nước chết sạch.

Ngày 28 bọn Tri phủ Trần Hòe về báo bẩm: đánh các nơi dọc theo mé hồ, mỗi người giết được cả ngàn quân giặc.

Thế là yên loạn Thần Hào. Kể từ hôm 19 thệ-sư ở Thị Xoa, đến nay là ngày 23, không đầy một tuần mà cầm một vạn nghĩa binh ô-hạp, vị tướng soái đau yếu, tê liệt tay chơn, lại phá được mười vạn chúng cường khâu. Lịch sử không mấy lần có kỳ sự như thế. Người đời chỉ thành công dễ, biết đâu phạt mưu thần tài

Cầm được Thần Hào, dẫn vào thành Nam Xương, quân dân trong ngoài tụ xem có mấy vạn, tiếng hoan hô động địa chấn thiên, như thoát khổ đảo huyền, khỏi vòng nước lửa.

Thần Hào bị cầm, ngồi trên ngựa đi vào thành, nhìn xa gần các đường sá, thấy hàng ngũ chỉnh túc, cười rằng: « Đây là việc nhà của ta, nỗi gì phải hao nhọc tấm lòng như vậy? » Khi ra mắt Vương Dương Minh, Thần Hào điềm tĩnh gởi một lời: « Lâu-phi 婁 妃 là hiền phi vậy. Từ buổi đầu đến cuối, khổ sở gián can, không được nghe theo. Đã gieo mình xuống nước. Mông ơn khiến kẻ giùm chôn. » Cho đi tìm, quả được thi: châu thân quấn dây, rất dễ nhìn. Phi là con của Lâu Lượng 婁 諒 có gia học, cho nên, xử biến, biết tự toàn. Thần Hào lại hỏi: « Vương tiên sinh! Tôi muốn bỏ hết địa vị xin hàng làm thứ-dân, có được chăng? ». Tiên sinh đáp: « Có phép nước đó. » Rồi đưa Thần Hào cầm tù.

  1. Chữ có người đọc là phiên
  2. — Nghĩa binh, là binh của kẻ nghĩa lập ra. Đối với mạng sư, là binh có Triều-đình cho mạng.
  3. Hồi trống thứ ba mà chưa được thời giết viên ngũ trưởng, hồi trống thứ tư mà còn chưa được việc thời chém kẻ làm tướng.
  4. Cả thảy binh của Vương Dương Minh đánh trận nầy có được một vạn ngoài theo lời sớ của tiên sinh.
  5. — Nghi tân 儀 賓: rể của các Thân Vương và Quận Vương.