4. duy tinh

Kinh Thơ, thiên « Đại Vũ Mô » có câu: « Nhân tâm duy nguy — Đạo tâm duy vi — Duy tinh, duy nhất. Doãn chấp quyết trung. »

Ấy là lời của các vua Nghiêu, Thuấn, Vũ cùng nhau trao lãnh. Thái Trầm 蔡 沈, môn sinh của Châu Hy, chú rằng: « Vua Nghiêu cáo với vua Thuấn chỉ nói: doãn chấp quyết trung — Vua Thuấn mạng cho vua Vũ lại suy cái sở-dĩ của lời ấy mà thêm lời cho rõ. »

Vương Dương Minh giải rằng: « Tâm chỉ có một mà thôi. Nhưng, khi nó chưa tạp nhạp nơi người, thời gọi là đạo tâm, mà khi nó bị nhân-ngụy tạp-nhạp, thời gọi là nhân-tâm. Nhân tâm mà được chánh thời là đạo tâm; đạo tâm mà mất chánh thời là nhân tâm — Nguyên sơ không có hai cái tâm. Trình Tử nói: « Nhân tâm tức là nhân dục; đạo tâm tức là thiên lý. » Lời nói ấy dường như là phân tách ra hai cái tâm, mà thật là ý vẫn đúng. »

心 一 也 未 雜 於 人 謂 之 道 心 雜 以 人 僞 謂 之 人 心 人 心 之 得 其 正 者 卽 道 心 道 心 之 失 其 正 者; 卽 人 心 初 非 有 二 心 也 程 子 謂 人 心 卽 人 欲 道 心 卽 天 理 語 若 分 析 而 意 實 得 之,

(Trả lời Từ Ái. Truyền Tập Lục, thượng)

« Đạo tâm tức là như câu sách Trung Dung nói « Suất tính chi vị đạo » Khi mà ý tứ của người đã tạp nhạp chút nào rồi thời là nhân-tâm — Đạo tâm vốn không hơi không tiếng cho nên nói là vi — Dựa theo nhân-tâm mà hành động, thời có nhiều nỗi không yên ổn; cho nên nói là nguy. »

率 性 之 謂 道 便 是 道 心 伹 著 些 人 的 意 思 在 便 是 人 心 道 心 本 是 無 聲 無 臭 故 曰 徴 依 著 人 心 行 去 便 有 許 多 不 安 稳 處 故 曰 危,

(Trả lời Hoàng Tỉnh Hội 黃 省 會, Truyền Tập Lục, hạ.)

« Tinh là tinh túy. Nhất là chuyên: Tinh thời ắt minh. Minh thời ắt thành. Cho nên minh tinh là cái cơ-sở của thành nhất. Nhất ấy là đại bổn trong thiên hạ. Tinh ấy là đại dụng trong thiên hạ. »

精 精 也 專 一 也 精 則 明 矣 明 則 誠 矣 是 故 明 精 之 爲 也 誠 一 之 基 也 一 天 下 之 大 本 也 精 天 下 之 大 用 也

(Bài tựa đưa Kiều Bạch Nham, Văn Lục)

« Trung ấy chỉ là thiên lý, chỉ là dịch. Tùy thời biến dịch (Trả lời Vương Gia Tú 王 嘉 秀 Truyền Tập Lục, thượng.)

« Thiên lý vì sao gọi rằng trung? Là bởi nó không có chỗ thiên ỷ — Không có chỗ thiên ỷ như gương trong sáng không mảy may nhơ bợn!.. Thiên ỷ là có nhuốm bợn Như trước nơi hiếu sắc, hiếu lợi, hiếu danh thời thấy có chỗ thiên ỷ. »

天 理 何 以 謂 之 中 曰 無 偏 倚 如 明 鏡 然 全 體 瑩 徹 略 無 纖 塵 染 看 偏 倚 是 有 所 染 看 如 看 在 好 色 好 利 好 名 等 項 上 方 見 得 偏 倚

(Trả lời Lục Trừng: Truyền Tập Lục, thượng.)

Lục ra những lời Vương Dương Minh cắt nghĩa câu kinh Thơ trên đây, ta đã đủ hiểu tư tưởng của tiên sinh rồi. Nay thêm lời khác của tiên sinh cho rõ hơn nữa « Đạo tâm là nói về việc suất tính, mà khi chưa có tạp nhạp nơi người, hãy còn không hơi không tiếng, rất nhỏ mà vẫn tỏ. Nó là nguồn cội của sự thành. Nhân tâm đã tạp nhạp nơi người, thời nguy Nó là đầu mối của sự ngụy. Thí dụ thấy trẻ con rơi xuống giếng mà sinh lòng trắc ẩn, ấy là đạo suất tính, hay là đạo tâm. Còn như cũng theo nó mà đối đãi với cha mẹ, cầu được lời khen của xóm làng ấy là nhân tâm — Thí dụ nữa như đói mà ăn, như khát mà uống, ấy là đạo suất tính hay là đạo tâm. Còn nếu theo nó mà muốn cho miếng ăn miếng uống được cực ngon ấy là nhân tâm.

« Duy nhất, là một lòng ở nơi đạo tâm, Duy tinh, là lo cho đạo tâm bất nhất, mà hóa ra có nhân tâm xen vào thành hai.

« Đạo không bao giờ không ở mực trung. Một lòng ở nơi đạo tâm, không bao giờ ngừng, ấy gọi là « doãn chấp quyết trung ».

« Một lòng nơi đạo tâm, thời ắt tồn cái đạo tâm, không bao giờ không ở mực trung, mà phát ra không bao giờ không hòa... Ấy gọi là phát ra đều trúng tiết. »

(Bài ký Trùng tu Sơn Âm Huyện học, Văn Lục)

Lòng người dễ tư mà khó công, lòng đạo dễ mờ mà khó tỏ. Vậy muốn chánh cái lòng ấy, vua Nghiêu vua Thuấn dạy phải « Duy tinh duy nhất » mà doãn chấp lấy cái điều trung.

Mạnh Nguyên 孟 源 hỏi Vương Dương Minh về « duy tinh duy nhất » phải dùng công phu thế nào? Tiên sinh đáp: « Duy nhất là chủ ý của duy tinh. Duy tinh là công phu của duy nhất không phải ngoài cái duy tinh mà có duy nhất được. Chữ tinh 精 gồm có chữ mễ 米 (nghĩa là gạo) trong đó. Vậy thử lấy gạo mà thí dụ. Muốn cho gạo được ròng trắng sạch, ấy là cái ý duy nhất. Nhưng nếu không có cái công phu duy tinh, là xay, giã, sàng, sảy, thời hột gạo sao được ròng trắng sạch? Xay, giã, sàng, sảy ấy là cái công phu duy tinh, nhưng mà cũng chẳng qua là muốn cho gạo được ròng trắng sạch mà thôi. Ấy cho nên, bác học, thẩm vấn thận tư, minh biện, đốc hành, đều là điều để làm cho duy tinh đặng cầu duy nhất vậy. Ngoài ra như bác văn là công phu của ước lễ, cách vật trí tri là công phu của thành ý, minh thiện là công phu của thành thân, cũng là một thuyết duy tinh duy nhất nầy mà thôi. » Truyền Tập Lục, thượng)

Học thánh hiền phải cầu lấy chỗ duy tinh đặng đạt chỗ duy nhất — Duy nhất là chỉ về cái tâm được ròng theo thiên lý, « chỉ ư chí thiện » 止 於 至 善. Lòng người chỉn nguy, lòng đạo chỉn mờ, cho nên, muốn đem nó về chánh đáng, phải duy tinh duy nhất, chăm chăm chú chú, « như mèo vồ chuột, như gà ấp trứng »[1] 如 猫 捕 鼠 如 雞 覆 卵 Tất là phải lập chí. Dưới đây lục bài « Lập chí thuyết » của Vương Dương dạy em là Thủ Văn 守 文.

« Lập chí thuyết »

« Này, sự học không gì cốt yếu bằng sự lập chí; phàm kẻ đi học cái chí phải lập trước. Nếu chí mà không lập, cũng như trồng cây không để cho ăn rễ xuống đất, chỉ tưới rội vun-đắp ở trên thì khó nhọc mà không có kết quả vậy. Người ta sở-dĩ nhùng nhằng cẩu thả, theo thói tục, tập điều xằng, mà chung-qui làm một hạng người ô-hạ đó, chỉ tại cái chí chẳng lập đó thôi. Cho nên thầy Trình-tử có nói rằng có cái chí cầu làm thánh hiền rồi sau mới có thể cùng dẫn vào cõi học được. Người ta nếu thực có cái chí cầu làm thánh hiền, thì tất tư-tưởng đến những điều thánh-hiền sở dĩ làm thánh hiền ấy ở đâu. Thánh-hiền sở dĩ làm thánh hiền chỉ là cái tâm thánh hiền thuần hồ điều thiện mà không có điều ác, Nay ta muốn làm thánh hiền, cũng chỉ ở cái tâm ta thuần-hồ, điều thiện mà không có điều ác, đấy thôi. Muốn cái tâm ta thuần hồ điều thiện mà không có điều ác, thì tất phải trừ khử điều ác đi, mà khuếch sung lấy điều thiện. Muốn trừ khử điều ác khuếch-sung điều thiện, thì tất phải cầu lấy cái phương-pháp làm thế nào cho trừ-khử được điều ác mà khuếch sung được điều thiện. Cái phương-pháp trừ-khử mọi điều ác khuếch sung mọi điều thiện, thì tất phải chất chính về thánh hiền đời xưa, khảo-cầu những sách vở đời xưa, mà cái công-phu học vấn, bấy giờ mới không có thể thôi đi được.

« Ôi! bảo rằng chất-chính về thánh-hiền đời xưa đó, đã cho thánh hiền đời xưa làm bậc tiên-giác mà thờ làm thầy, thì nên chuyên-tâm nhất chí, bắt chước đấng tiên-giác; ta với đấng tiên giác có điều gì bất-hợp, thì không được bỏ đấy mà chẳng suy nghĩ, tất phải suy nghĩ cho kỹ, suy nghĩ mà chẳng ra lại phải biện luận cho xác, cầu lấy minh-bạch, không nên đem bụng hoài nghi. Cho nên sách Lễ Ký có nói rằng thầy có nghiêm rồi sau đạo mới tôn, đạo có tôn rồi sau dân mới biết đường kính tín. Nếu đi học mà không có cái tôn sùng tín ngưỡng, thì đường thị thính cũng mờ mịt ù-lỳ, đường tư tưởng cũng hoảng-hốt lông-bông, dẫu có đấng tiên giác làm thầy, nhưng cũng như không có thầy vậy.

« Ôi! bảo rằng khảo cầu lấy những sách-vở đời xưa đó, thánh hiền đặt ra lời nói, đều là cái phương-pháp dạy người ta trừ khử điều ác mà bảo-tồn điều thiện, như trong ngũ kinh với tứ-thư đó vậy. Vì ta muốn khử trừ điều ác của ta, bảo tồn điều thiện của ta, mà chửa được cái phương-pháp, cho nên phải cầu đến sách, thì trong khi dở sách ra xem đọc, mà suy xét thể-nghiệm về tâm thần ta, cũng ví như khi đói đối với đồ ăn, vì cầu no mà thôi; khi ốm đối với vị thuốc, vì cầu khỏi mà thôi; khi tối đối với ngọn đèn, vì cầu sáng mà thôi, khi mỏi mệt đối với cái gậy, vì cầu đi mà thôi; há từng có cái tệ chỉ đọc lấy cho khỏe, nhớ lấy cho nhiều, giảng suông bàn hão, để giúp cho lỗ tai cửa miệng đó thay.

« Sự lập chí cũng chẳng dễ đâu. Ông Khổng là thánh nhân, còn nói rằng ta mười-lăm tuổi mà chí học, ba-mươi tuổi mà lập. Lập là gì? Lập là lập chí vậy, dẫu đến bảy mươi tuổi chẳng qua ngoài phép độ, cũng là cái chí chẳng qua đấy mà thôi. Cái chí há nên coi thường đó thay! Ôi! chí là cái chủ của khí, là cái mệnh của người là cái rễ của cây, là cái nguồn của nước. Nguồn mà chẳng khơi đào thì dòng tắc, rễ mà chẳng vun-trồng thì cây khô, mệnh mà chẳng tiếp tục thì người chết, chí mà chẳng lập thì khí hôn mê. Cho nên người quân-tử không cứ lúc nào, không cứ chốn nào, đều lấy sự lập cái chí làm thánh hiền làm gốc, thẳng mắt mà trông về cõi thánh-hiền, không trông thấy sự khác, lắng tai mà nghe về cõi thánh hiền, không nghe thấy sự khác; như mèo vồ chuột, như gà ấp trứng, tinh thần tâm-tư ngưng-tụ dung kết, rồi sau cái trí mới thường lập, thần khí mới thường tinh-minh, nghĩa lý mới thường chiêu-trứ, hễ có điều ác nó ở trong mình, thì mình biết ngay, tự nhiên điều ác nó không ở được nữa. Cho nên phàm có một điều tư dục nó manh ra, chỉ trách cái chí làm thánh hiền của ta chẳng lập, thì điều tư dục nó tức khắc phải thoái thính; có một điều khách khí nó động lên, chỉ trách cái chí làm thánh hiền của ta chẳng lập, thì điều khách khí nó tức khắc phải tiêu trừ. Hoặc cái tâm đãi, cái tâm hốt, cái tâm táo, cái tâm đố, cái tâm phẫn, cái tâm ngạo, cái tâm lận, cái tâm tham, nó sinh ra, cũng chỉ trách cái chí làm thánh hiền của ta chẳng lập, thì tự khắc thành ra một bậc người bất đãi, bất hốt, bất táo, bất đố, bất phẫn, bất ngạo, bất lận, bất tham. Cớ là không một lúc nào chẳng phải là lúc lập chí, mà cũng không một sự gì chẳng phải là sự lập chí. Cái công phu lập chí của ta, đối với những cái nết xấu xa của ta, có thể ví như ngọn lửa đốt mớ lông, mặt trời mọc ra mà ma quỉ diệt tích vậy.

« Thánh hiền đời xưa tùy thời lập giáo, tuy không giống nhau, nhưng đại ý thực không khác nhau chút nào, Kinh Thư nói: Duy tinh duy nhất 惟 精 惟 一. Kinh Dịch nói: Kính dĩ trực nội, nghĩa dĩ phương ngoại. 敬 以 直 內 義 以 方 外. Ông Khổng nói: Cách trí thành chính, bác văn ước lễ 格 致 誠 正 博 文 約 礼. Ông Tăng nói: Trung thứ 忠 恕 Ông Tử tư nói: Tôn đức tính đạo học vấn 尊 德 性 道 學 問. Ông Mạnh nói: Tập nghĩa dưỡng khí, cầu kỳ phóng tâm 集 義 養 氣 求 其 放 心 Tuy mỗi người nói mỗi thuyết, không thể cưỡng đồng được, nhưng mà cầu về chốn yếu lĩnh, chốn qui túc, thì hợp nhau cả. Vì cớ sao? Cớ là đạo thánh hiền chỉ có một mà thôi, đạo đồng thì tâm đồng, tâm đồng thì học đồng. Những thuyết cứu cánh bất đồng, đều là tà thuyết. Cái đại hoạn của kẻ học giả đời sau, chỉ tại cái bệnh vô chí, cho nên nay lấy « lập chí » làm thuyết.

(Sao lục bản dịch của Tùng
Vân Nguyễn-Đôn-Phục trong
Nam Phong, số 109, ra ở
Hà-Nội tháng septembre
năm 1926).

— Có sửa đổi một vài dấu
chấm câu.)

  1. Lời của Vương Dương Minh.