Vương Dương Minh/Phần nhì/VI-2
2. cùng lý
Kinh Dịch, nơi « Thuyết Quái Truyện » có câu: « Cùng lý tận tính. » 窮 理 尽 性
Như thế thời lý với tính cùng là một.
Tính là cái trời phú cho người. Nó là bổn thể của tâm. Nguyên nó là tịnh.
Lý cũng vẫn là bổn thể của tâm. Nguyên nó là định. Nó ở vào khi động tịnh gặp nhau. (Trả lời Lục Trừng. Truyền Tập Lục, thượng.)
Tới cái mức động tịnh gặp nhau ấy, thời lý với tính hỗn đồng. Chỉ về lý ngưng tụ, thời gọi rằng tính 以 其 理 凝 聚 而 言 則 謂 之 性 (Thơ trả lời La Khâm Thuận. Truyền Tập Lục, trung)
Cho nên cái lý ở trong cái tính mà ra. Trong thiên hạ không có cái lý gì ngoài cái tính, 天 下 無 性 外 之 理 (Cùng thơ cho La Khâm Thuận) Vì thế mà sách Mạnh Tử, chương « Tận Tâm » nói: « Hết cái tâm thời biết cái tính. Biết cái tính ắt là biết trời. » (Vương Dương Minh dẫn ra trong thơ trả lời Vương Hổ Cốc 王 虎 谷: Văn Lục.)
Bởi lý là tính, cho nên phàm sinh ra, trời phú cho cái tính, thời tự nhiên biết lý. Sách Luận Ngữ nói: « Sinh ra mà biết, là nói về sự biết cái nghĩa, cái lý. Còn đến như lễ, nhạc, danh, vật, cổ kim sự biến, tất phải chờ có học mà rồi sau mới biết, mới nghiệm được sự thật trong hành sự. »
生 而 之 知 者 義 理 耳 若 夫 禮 樂 名 物 古 今 事 変 亦 必 待 學 而 後 有 以 驗 其 行 事 之 實
Gọi rằng thánh nhân sinh ra mà biết, là chỉ về chỗ biết nghĩa, biết lý; còn đối với những cái khác cũng phải học rồi mà rồi sau mới biết. Cho nên Khổng tử (là bực thánh nhân) vào Thái Miếu thấy mỗi sự mỗi hỏi mà học. 子 入 太 庙 每 事 問 (Luận Ngữ)
Những cái biết sau khi học, sau khi kinh nghiệm, với những cái biết tiên thiên, của trời phú cho, đều cũng là do lý mà biết.
Chỗ lầm của Châu Hy, là tách lý với tính ra làm hai, mà đi cầu lý nơi sự vật. Nếu cầu lý nơi sự vật mà được, thời như cầu cái lý của sự hiếu nơi thân thể của cha mẹ, chẳng là sau khi cha mẹ mất rồi, cái lý của sự hiếu không còn nơi lòng ta nữa hay sao?
假 如 而 果 在 於 親 之 身 則 親 没 之 後 吾 心 遂 無 孝 之 理 歟?
(Truyền Tập Lục, trung)
Trong thiên hạ không có cái lý gì ngoài cái tính. Vậy cầu lý, không phải cầu nơi sự vật ngoài ta, mà phải cầu nơi tâm ta, nơi tính ta mới có được cái lý. Trái lại, cùng cái lý, thời thấy được hết cái tính,
Trời không ngoài tâm không ngoài tính. Thời cái lý của trời, cái lý của sự vật trong trời, cũng không ngoài cái tính Cho nên kinh Dịch nói: « Cùng lý tận tính. »
Phải hiểu: cùng lý tức là tận tính — Hai ấy cũng là một — Nhưng nếu theo Tống nho, khu khu đi cầu cùng lý của tất cả sự vật trong trời đất, thời không bao giờ rồi, không bao giờ được — Mà đảo ngược lại thời gần hơn, dễ hơn. Chỉ phải tận cái tính thời cùng được lý của sự vật
Đây một lần nữa là chỗ chứng minh Vương học căn cứ nơi tâm.