Vũ trung tùy bút/Chương XXXVIII

Đời Quang Hưng, khoa thi năm Nhâm Thìn (1592) lấy đỗ đại khoa có ba người : Trịnh Cảnh Thụy[1], Ngô Trí Hòa[2] cùng với cha là Ngô Trí Tri[3] mà thôi. Bấy giờ chưa khôi phục được Trung Đô, còn phải mở thi Hội ở hành tại Phổ Lại[4]. Sau binh hỏa, học hành hoang phế, khi đầu bài yết ra, học trò không mấy người nhớ thuộc đựoc hết. Ngô Trí Tri bấy giờ đã năm mươi sáu tuổi, cũng còn đi vào thi Hội. Con là Trí Hòa vốn có tiếng là người học rộng hay chữ. Lúc vào thi, Trí Hòa thuộc lòng cả, cứ viết ra từng câu đưa cho cha. Song lều của cha đóng cách xa, lại phải nhờ một lều ở giữa là Trịnh Cảnh Thụy. Trí Hòa cứ vứt qua lều ấy nhờ đưa cho cha vì thế Trịnh Công và Trí Tri đều được vào trúng cách đỗ đại khoa. Xem thế thì biết văn vận thời bấy giờ và cái số khốn cùng hay phát đạt đã định cho người ta vậy.

Họ Ninh ở xã Côi Trì, tổ tiên trước vốn là người Ninh Xá, huyện Chí Linh. Khoảng năm Hồng Đức triều Lê, sau khi loạn lạc, điền thổ bỏ hoang nhiều, mới có lệnh cho mọi người khai hoang, làm được bao nhiêu là của mình bấy nhiêu. Các nhà thế gia hào hữu cứ tùy sức mà khai khẩn. Khi thành ruộng rồi thì khai số ruộng đưa lên bộ Hộ, xin làm ruộng tư, như thế gọi là phép chiếm xạ. Họ Ninh khi xưa khai khẩn ở huyện Yên Mô, sau nhiều người đến tụ họp, mới tách ra làm xã Côi Trì. Đời gần đây có Ninh Định[5] đỗ Hội Nguyên, có tiếng hay chữ. Đến Ninh Tốn[6], biệt hiệu Mẫn Hiên (còn có hiệu Chuyết Sơn) là cháu gọi Ninh Định bằng chú[7]. Khi hai mươi tuổi đã đỗ trường sinh, rồi đỗ hương cống, văn từ rất là cổ kính. Khoảng năm Cảnh Hưng, sĩ tập suy kém, văn thể hủ lậu, Trịnh Tĩnh Vương muốn biến cải mà chưa thể được. Một hôm, Tĩnh Vương ngự chơi núi Dục Thúy, thấy khoảng vách chùa trên núi có đề một bài thơ, Vương biết là thơ của Mẫn Hiên liền cho triệu vào làm Phiên liên Thiêm phó, rồi thăng chức Tiến triều Thiêm sai Tri phiên. Ông rất được chúa Trịnh yêu mến. Trong tập thơ ông Bùi Huy Bích có câu Mẫn Hiên cư sĩ kim tài tử / Chính phủ thiên sai liệt cổ khanh nghĩa là Ông Mẫn Hiên cư sĩ là tài tử đời nay, làm chính phủ thiên sai, là chức liệt khanh đời xưa, đó là chỉ vào Ninh Tốn vậy.

Khoa thi Hội năm Giáp Ngọ (1774)[8], kỳ đệ tam, ông Mẫn Hiên được vào trúng cách, mà ông Phạm Nguyễn Du người Đặng Điền thì không được vào. Hai ông đều được chúa Trịnh yêu mến, mà chơi với nhau cũng tương đắc. Khi đã yết bảng kỳ đệ tam rồi, Thạch Động Phạm công[9] có đi võng qua nhà trọ ông Mẫn Hiên. Ông Mẫn Hiên biết ông ấy đi vào hầu trong Trịnh phủ để ra đầu đề, nên cứ đứng đón ở cửa. Đến khi trở về, Mẫn Hiên cứ trông theo vào võng Phạm công, hai ông không nói một câu gì cả. Phạm công chỉ đọc bài tiểu chú trong sách về đoạn "tam trần cửu quái chung ư tốn dĩ hành quyền". Ông Mẫn Hiên biết ý, sớm hôm sau sắp vào kỳ đệ tứ, bèn xe hai trang về đoạn sách "Tam trần cửu quái" trong Kinh Dịch Hệ từ, giắt đem vào trường. Đầu bài văn sách yết ra, học trò không mấy người nhớ thuộc được hết. Chấm xong, được năm quyển dâng lên chúa Trịnh xem, thì quyển đầu là An Vĩ Nguyễn Lượng, cổ văn đều hơn cả, đến đoạn kim văn hỏi về việc khu xử cõi Nam[10] thì trong quyển Nguyễn Lượng có câu "sái nhân tất vi ngô"[11]. Chúa Trịnh cười mà rằng "Quyển này, học vấn thì đầy đủ, nhưng về thời cuộc thì không được am hiểu, hãy đánh hỏng đi để cho tài trí được già dặn". Còn bốn quyển được vào trúng cách là Phạm Trọng Huyến[12], Chu Doãn Lệ [13], Nguyễn Thì[14] đều lấy đỗ về kim văn cả. Quyển ông Ninh Tốn thì kim văn am luyện, cổ văn có đoạn trên "Tam trần cửu quái" rất đầy đủ, duy đoạn dưới lại sót mất quẻ Kiền không nói đến, không được tường nghĩa sách. Đó là vì xé hai trang mà hụt mất đoạn dưới. Sau Ninh Tốn đỗ Hội nguyên, Thạch Động Phạm công có mừng câu thơ nôm bỡn rằng

Sinh đồ ba chuôi nhờ hòn đất
Tiến sĩ nửa câu cậy bảng trời

là có ý ám chỉ.

Xét đời xưa tuyển học trò ở trong nhà hương học, kén chọn lấy đức hạnh với văn nghệ, thì văn nghệ vẫn thứ yếu. Đến nhà Hán, thi tuyển người hiền lương mới lấy văn từ làm chủ. Nhưng chỉ ra văn thi hỏi về những đại nghĩa trong kinh truyện và tri đạo cổ kim, cùng còn có ý theo đời cổ. Vậy nên thời ấy có những người hiền là họ Đổng, họ Giả, họ Lưu, họ Dương[15] đều nhờ văn học mà nổi tiếng. Từ đời Tùy, đời Đường trở về sau, bỏ sách luận mà thi bằng thơ phú. Học trò đời ấy nhiều người hàm châu nhả ngọc, cũng có sở trường cả. Nhưng đem ra dụng thế thì văn chương với chính sự lại chia ra làm hai. Đến đời Tống, khoảng năm Hi Ninh[16], ông Vương An Thạch lại lấy sách luận thi học trò. Đời ấy sĩ tập đã quen rồi, họ cho rằng thi sách luận là mới lạ, nên đều nổi lên bài bác. Nhưng sau cũng phải theo, dần dần mới khôi phục được cái lối thi sách luận đời nhà Hán. Ông Trần Đồng Phủ khi vào đối sách chốn đại đình, vua Hiếu Tông[17] khen là có cái học kinh bang tế thế, lấu lên cho làm chức Phán quan đất Kiến Khang. Ông Văn Thiên Tường[18] có bài sách đình đối, các quan đã phải khen rằng văn ông "cổ nghị như qui giám, trung can như thiết thạch"[19], mừng là chọn được người hiền. Vì lối văn sách luận, phi người học thông suốt cả kinh truyện, bao hàm cả cổ kim, thì không thể cấu tứ mà hạ bút viết được. Từ khi thi hành phép khoa cử mà phảng phất được cái ý cổ nhân lấy học trò, thì duy có một khoa ấy mà thôi.

Đời Lê, năm Thuận Thiên[20], định phép khoa cử, lấy thể văn sách luận để thi học trò. Từ năm Thiệu Bình[21] trở về sau, kén được nhiều người hiền tài lắm. Ta thường được xem những văn đình đối của Võ Duệ[22], Lương Thế Vinh[23], lối văn rộng rãi mông mênh, không phải những kẻ sĩ nông nổi đời sau có thể bắt chước được. Từ đời Trung hưng trở về sau, phép thi càng thiên lệch mãi đi. Những đầu bài văn sách thi Hội, thi Hương đều tự trong Súy phủ đưa ra. Nguyên trong Súy phủ phải mật triệu vài quan văn thần vào phụng soạn, gọi là ngự đề ; các quan soạn đề thì chỉ ra những câu hiểm hóc để làm cho khó. Bài văn chế sách Đình đối thì sai quan Đồng Tiến sĩ phụng soạn. Quan soạn đề nguyên đã đỗ cuối hàng tam giáp thì không muốn cho ai hơn mình, nên ra đầu đề thường rất hiểm hóc. Bởi vậy, hàng tam khôi là Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa thường không lấy được đủ, có khi chỉ lấy đỗ được đến Nhị giáp hoặc Tam giáp mà thôi. Ôi ! Cái tệ khoa cử đến thế là cùng ! Văn vận với thế đạo càng ngày càng kém, thực đáng than thay !

Đời Lê có đặt ra khoa Đông các. Cứ lệ thì từ quan tam phẩm trở xuống, có đỗ Đình nguyên, Hội nguyên, Hương nguyên, mới được vào thi khoa Đông các. Hoặc không đỗ tam nguyên thì người nào có thi đỗ đầu về khoa có ngự đề tuyển cử, được đỗ đại khoa, cũng được thi khoa Đông các. Ân đình cho người thi đỗ có phần hậu hơn chế khoa Tiến sĩ, thực là một khoa đặc cách vậy.

Võ Trấn[24], khi chưa đỗ, thường mộng thấy ra xem yết bảng ở Quảng Văn Đình, thấy hàng trên có một tên, nét chữ rậm quá, không thể nhớ được ; đến tên thứ hai là Võ Trấn, thứ ba là Nguyễn Thế[25]. Võ Trấn nghĩ mình là một anh học trò áo vải, mà được đồng bảng với người hiển quí, tất không có lẽ ấy, nên trong bụng nghĩ vơ vẩn, chỉ thở dài mà bỏ qua. Đến năm Bảo Thái Giáp Thìn (1724), Võ Trấn thi đỗ Đồng tam giáp Tiến sĩ xuất thân, ông mới cười cái mộng trước là hão huyền. Đến năm Bảo Thái thứ chín (1728) chúa Trịnh Hi Tổ (Trịnh Cương) có bàn mở khoa thi Đông các. Bấy giờ Nguyễn Thế về triều mà ứng thí Đông các. Võ Trấn thuật lại cái mộng ngày trước để mừng. Sau quả nhiên khoa thi ấy lấy đỗ ba người : một người trúng cách thứ nhất là Phạm Khiêm Ích [26] chức Lại bộ Tả Thị lang Thuật Quận Công ; hai người nữa trúng cách thứ hai là Võ Trấn, chức Binh bộ Cấp sự trung Thự Hàn Lâm viện Hiệu thảo và Nguyễn Thế, chức Tự khanh kiêm Tế tửu. Xem thế thì biết khoa giáp vốn có định số vậy.

Lệ cũ ai đỗ khoa Đông các, khi vinh qui cả dân bản tổng phải đến phục dịch, làm nhà tư thất bằng gỗ lim, lợp ngói, độ ba gian, tất cả dân phu trong bản tổng, bản huyện phải đến phục dịch. Khi Phạm Khiêm Ích đỗ khoa Đông các về vinh qui, ông thương hại người hàng tổng nghèo cùng, nên miễn cho không bắt chịu cái phí tổn làm nhà nữa. Ai cũng lấy làm cảm ơn, sau tôn ông làm hậu thần, thường năm xuân thu cúng tế, mổ trâu vào đám, báo cái ơn đức ấy. Sau khi nhà Lê mất, hậu thần các làng thường thường bỏ không cúng tế nữa, duy có giỗ hậu Phạm công thì làng vẫn lấy lợn thay trâu bò cúng tế , không dám bỏ. Xem thế mới biết cái ơn di ái[27] ở người ta thì người ta vẫn nhớ mãi không quên.

Triều Lê đãi học trò rất hậu, nào là trâm, hốt, hoa bào, du nhai, tứ yến[28], lại phong cho cha mẹ, ấm cho con cháu, vinh qui áo gấm về làng, rất vinh dự. Hậu đãi như thế là đủ rồi. Còn đến như làm nhà tư thất, phục dịch việc gì cũng đổ vào đầu dân cả, thì dân hàng tổng chịu làm sao được. Vả lại, người học trò mới đỗ đại khoa, mà cả hàng tổng đến phục dịch, làm nhà cửa cho mình, lại phải mở yến tiệc khao mừng, đãi dân hàng tổng để đền công lao, thế tất phải xoay xở đi vay mượn cho xong việc. Thậm chí có kẻ chỉ dòm lấy con gái nhà giàu mà bỏ vợ tao khang, hoặc chịu tiếng luồn lỏi đi vay lãi mà kí liều văn khế. Thói quen ấy tích tệ từ lâu, nên đã có cái tiếng ông Nghè đeo nợ, bà Nghè mua chồng, như thế mà mong người ra làm quan giữ liêm khiết, không trái phép làm càn, thì sao được.

Xét khoảng năm Cảnh Hưng, cái tệ bà Nghè mua chồng không kể xiết được. Khoa Đinh Sửu (1757), Phạm Tiến[29] đỗ, có người nhà giàu gả cho con gái, giao ước xin chịu hết những tiền phí tổn lúc vinh qui. Lúc vinh qui, ả nhà giàu cứ tranh đi trước bà vợ cả. Bà vợ cả mới thưa vào trong triều, triều nghị bắt lỗi ông Nghè, đình việc cất nhắc. Khoa Nhâm Thìn (1772), Võ Tôn Diễm, Nguyễn Bá Tôn, hai người cùng đỗ, Lê Quý Đôn đều đem cháu gái gả cho. Về sau, Võ Tôn Diễm, vợ cả vợ lẽ không chịu nhường nhau, mới phân rẽ ra ở làm hai nhà. Còn người vợ cả Nguyễn Bá Tôn, vì không đánh đổ được người vợ lẽ, tức giận quá thành chứng điên. Cuối năm Cảnh Hưng có chỉ truyền ra cấm hẳn. Từ năm Mậu Tuất (1778) trở về sau, cái tệ ấy mới bớt dần đi.

Quan Huyện thừa tên là Võ Độ, người Yên Thái, dòng nhà giàu, từ khi huyện thừa mất rồi, nhà cũng sút kém, có sinh hạ được một trai một gái. Bà vợ vốn là người cần kiệm chắt chiu nên vẫn giữ được nền nếp, thể diện, không sa sút mấy. Năm Ất Mùi (1775) đời Cảnh Hưng, Nguyễn Quốc Ngạn đỗ đại khoa mà chưa vợ, bà vợ Huyện thừa trong bụng lấy làm hâm mộ, mới mua ơn cho vay mượn giúp đỡ, rồi nhờ mụ mối buộc gả người con gái cho Nguyễn công. Nguyễn công phải nhận, bao nhiêu tiền phí tổn lúc vinh qui, đều do bà tân phu nhân bỏ ra cả. Nguyễn công lúc đầu còn thụ chức khoa cấp, việc quan nhàn rỗi không đủ tiêu. Bà tân phu nhân liền về mưu tính với mẹ, đi vay giật được tám trăm quan tiền, chạy chọt đút lót trong nội phủ. Quan chính phủ mới phụng chỉ bổ cho Nguyễn công chức Đốc đồng xứ Sơn Nam. Ở phủ đường mới xướng danh xong, thì Nguyễn công phải bệnh chết. Không được bao lâu, bà Huyện thừa cũng mất, gia kế một ngày một kém. Sau khi nhà Lê mất rồi, bà Nghè vẫn còn mắc nợ mãi.

   




Chú thích

  1. Trịnh Cảnh Thụy (? - ?) người xã Chân Bái huyện Yên Định, nay thuộc Thanh Hóa. Ông làm quan Thừa chính sứ, tước nam.
  2. Ngô Trí Hòa (1565 - 1626) người xã Lý Trai huyện Đông Thành, nay thuộc Nghệ An. Ông là con của Ngô Trí Tri và là cha của Ngô Sĩ Vinh. Ông làm quan Hiệp mưu Tá lý Dực vận Tán trị công thần, Thượng thư Bộ Hộ kiêm Quốc tử giám Tế tửu, Thiếu bảo, Phú Xuân hầu và từng đi sứ sang nhà Minh (Trung Quốc). Khi mất, ông được tặng tước Xuân Quận công.
  3. Ngô Trí Tri (1537-1628) người xã Lý Trai huyện Đông Thành, nay thuộc Nghệ An. Ông là cha của Ngô Trí Hòa và ông nội Ngô Sĩ Vinh. Ông làm quan Giám sát Ngự sử.
  4. Phải là hành tại Vạn Lại mới đúng vì khoa thi được tổ chức ở Thanh Hóa. Có lẽ in nhầm
  5. Có lẽ in nhầm, đúng ra phải là Ninh Địch. Ninh Địch (1687 - ?) người xã Côi Trì huyện Yên Mô (nay thuộc xã Yên Mỹ huyện Yên Mô tỉnh Ninh Bình). Ông là bác của Ninh Tốn và giữ các chức quan, như Huấn đạo, thăng Đông các Đại học sĩ.
  6. Ninh Tốn (1744-1790) hiệu Chuyết Am, Mẫn Hiên, Chuyết Am Cư Sỹ, Song Am Cư Sĩ và tự là Hy Chí, Khiêm Như, người xã Côi Trì huyện Yên Mô (nay thuộc xã Yên Mỹ huyện Yên Mô tỉnh Ninh Bình). Ông trước khi thi đỗ đã được tuyển dụng làm quan tại triều, giữ chức Hiệu thảo Thiêm sai Tri Công phiên. Sau giữ các chức Tri Binh phiên phụng Tá quân hải lộ, Tri Binh kiêm Toản tu Quốc sử, Quốc luật, Đông các Đại học sĩ, Thự Hữu Thị lang Bộ Hình, Hiệp trấn đạo Thuận Quảng, Tham tri chính sự kiêm Bồi tụng Tham tán quân vụ. Thời Tây Sơn, ông giữ các chức Hàn lâm Trực học sĩ, Thượng thư Bộ Binh, tước Trường Nguyên bá.
  7. Đúng ra là bác
  8. Có lẽ sai. Ninh Tốn đỗ khoa thi năm 1778 chứ không phải 1774
  9. Chỉ Phạm Nguyễn Du, Thạch Động là hiệu
  10. Ý chỉ cuộc biến năm Giáp Ngọ, Hoàng Ngũ Phúc đem quân Trịnh vào đánh Thuận Hoá và đặt làm bờ cõi của Đàng Ngoài
  11. Đại ý có lẽ chê bai việc đem quân đánh phương Nam "kẻ yếu đuối, bệnh tật tất là ta"
  12. Phạm Trọng Huyến (1746-?) người xã Dũng Quyết huyện Ý Yên (nay thuộc xã Yên Phú huyện Ý Yên tỉnh Nam Định). Ông làm quan Hàn lâm viện Thị chế, Tri Hộ phiên, Hàn lâm Thị thư.
  13. Chu Doãn Mại (1740-?) người xã Dục Tú huyện Đông Ngàn (nay là xã Dục Tú huyện Đông Anh Tp. Hà Nội). Ông làm quan Hàn lâm viện Đãi chế, Quốc tử giám Tuỳ giảng, Đông các Hiệu thư. Nhà Lê mất, ông không làm quan với Tây Sơn. Có tài liệu ghi ông là Chu Doãn Lệ.
  14. Khoa này chỉ có Nguyễn Duân đỗ. Nguyễn Duân (1736-?) người xã Phật Tích huyện Tiên Du (nay là xã Phật Tích huyện Tiên Du tỉnh Bắc Ninh). Ông là cháu nội Nguyễn Đức Ánh, con Nguyễn Đức Vĩ và làm quan Hàn lâm viện Thị chế, Đốc đồng Kinh Bắc.
  15. Đổng Trọng Thư (179 TCN - 117 TCN), người Quảng Xuyên (nay thuộc Hà Bắc), là nhà triết học duy tâm của Trung Quốc đời Hán
    Giả Nghị (200 TCN - 168 TCN), nhà từ phú đời Hán, làm tới Thái trung Đại phu, chủ trương cải cách xã hội.
    Lưu Hướng (79 TCN - 8 TCN), tôn thất nhà Hán, tham gia một số hoạt động chính trị như đàn hặc hoạn quan, làm phú tụng ca ngợi triều đình. Ông còn là một học giả uyên thâm, chỉnh lý nhiều sách, trong đó có Chiến quốc sách nổi tiếng
    Dương Hùng (53 TCN - 18), người Thành Đô (nay thuộc Tứ Xuyên), nhà từ phú nổi tiếng cuối đời Tây Hán.
  16. 1068 - 1077, niên hiệu của Tống Thần Tông
  17. Tống Hiếu Tông, tên là Triệu Thận (1127 - 1194), vua của nhà Nam Tống, ở ngôi từ năm 1162 đến năm 1189, rồi nhường ngôi cho con là Tống Quang Tông
  18. Văn Thiên Tường (1236 - 1283), người Cát Châu Lô Lăng (nay thuộc Giang Tây), là thừa tướng cuối đời Tống, khi Tống mất, quyết giữ khí tiết, không chịu theo nhà Nguyên mà chết
  19. Văn chương già dặn đáng làm mẫu mực, lòng dạ trung nghĩa như sắt đá
  20. 1428 - 1433, niên hiệu của Lê Thái Tổ
  21. 1434 - 1439, niên hiệu của Lê Thái Tông
  22. Vũ Duệ (? - 1520) người làng Trình Xá, huyện Sơn Vi, nay thuộc Vĩnh Phúc, đỗ Trạng nguyên năm 1490, làm quan đến Lại bộ Thượng thư. Khi nhà Mạc lên ngôi, ông đến Lam Sơn tử tiết.
  23. Lương Thế Vinh ( 1441 - 1496), người làng Cao Hương, huyện Thiên Bản, nay thuộc Nam Định, đỗ Trạng nguyên năm 1463, làm quan ở viện Hàn Lâm. Ông còn là một nhà toán học.
  24. Vũ Công Trấn (1685 - 1755) người làng Đôn Thư huyện Thanh Oai (nay thuộc xã Kim Thư, huyện Thanh Oai, Hà Nội). Đỗ khoa thi năm 1724, sau lại đỗ khoa Đông các năm 1728. Làm các chức Chánh chưởng tả, Hữu Pháp ty, Phó Đô ngự sử, Bồi tụng Tả Thị lang Bộ Binh kiêm Đông các Đại Học sĩ, tước Thư Trạch Hầu.
  25. Tên khác của Nguyễn Công Thái (1684 - 1758), người làng Kim Lũ, huyện Thanh Trì, nay thuộc Hà Nội. Thi Hương đỗ giải nguyên năm 1715, đỗ Đồng Tiến sĩ, làm Tế tửu Quốc Tử Giám, rồi kiêm chức Hiệu thư Đông các. Sau thăng Tả Thị lang bộ Công, rồi làm Hữu Thị lang bộ Hình, lại làm Tả Thị lang bộ Lại, tước Quảng Quận Công, Bồi tụng. Có công giúp chúa Trịnh Doanh lên ngôi, được phong công thần.
  26. Phạm Khiêm Ích (1679 - 1740), người làng Kim Sơn, huyện Gia Lâm, nay thuộc Hà Nội, đỗ khoa thi năm 1710. Ông giữ các chức quan, như: Tả Thị lang Bộ Hình, Tả Thị lang Bộ Hộ, Thượng thư Bộ Lễ kiêm Đông các Đại học sĩ, Thượng thư Bộ Lại kiêm Đốc phủ Thanh Hoa, sau thăng chức Thái tể và được cử làm Chánh sứ sang nhà Thanh.
  27. Điều làm cho người sau yêu mến mình
  28. Người thi đỗ được nhà vua ban cho trâm vàng, hốt bạc, áo bào thêu hoa, rước đi chơi phố và ban yến
  29. Phạm Nguyễn Đạt (1729 - ?) người xã Kim Đôi huyện Võ Giàng (nay thuộc xã Kim Chân huyện Quế Võ tỉnh Bắc Ninh). Ông giữ các chức quan, như Tham chính Hải Dương, Đông các Đại học sĩ Thừa chính sứ, Hữu Thị lang Bộ Binh và ông được cử đi sứ sang nhà Thanh. Ông nguyên tên là Phạm Tiến.