Đời xưa gọi lan là vương giả hương, vì hoa lan thanh nhã bất phàm; những thứ hoa kỳ quái dễ làm cho người ta say mê không thể ví với nó được. Đời xưa còn có những tên cửu uyển lan, song nay không thể biết hết. Hãy cứ sở kiến mà bàn, thì những thứ thạch lan, thanh lan cũng hiếm có, mà thứ tố lan cũng không dễ mua. Đông lan là một giống huệ đời xưa, cái thứ ta thường gọi là hoa huệ tức là thứ cỏ huệ ở ngoài đồng vậy. Còn thứ kiến lan, thì cành hoa ngoài xanh trong trắng, hơi điểm sắc đỏ, lại có bốn lưỡi gà như lông gà gô, giống ấy gọi là giống ngọc quế, trồng nó phải để ý giữ gìn trân trọng : nào là trồng vào chậu sứ Trung Hoa, bón bằng một thứ bùn đã phơi khô đốt ủ đi rồi, hoặc lấy những sừng hươu, bã chè khô phủ lên trên gốc, rồi lấy thứ nước ngâm cá ươn tưới cho nó ; mỗi ngày phải cắt lá úa, rửa lá tươi vài bốn lần. Nó đâm lá ra xanh tốt, có khi dài đến hai thước, mỗi giò có đến vài mươi cái hoa; lúc thưởng hoa thì đốt hương tùng chi để trước gió mà thưởng ngoạn. Cũng có người lại đánh cuộc xem lá lan của ai dài hay ngắn, hoa lan của ai nhiều hay ít. Ôi! Như thế có phải là bản sắc của hoa đâu. Đó chỉ là lấy cái màu sắc rực rỡ mà thưởng lan, chứ không biết lấy cái phẩm cách của lan mà thưởng lan.

Xưa kia, ông Khuất Nguyên[1] đi trên bờ đầm mà hát, kết hoa lan để đeo; đức Khổng phu tử dừng xe trước một hẻm núi, cũng đàn hát thương cho cây lan có vẻ thơm tho mà đời không ai biết; từ đó hoa lan mới nổi tiếng là quốc hương. Ta xem như trên bờ sông Tương, sông Nguyên[2], trong hang núi Qui Mông[3], lan mọc ra vẫn tự nhiên, có cái nhã tháo u hương, nó ở lẫn với cỏ dại thì lấy đâu được người bón tưới cho hậu, mà cái vẻ thanh hương sao vẫn được kết tri với người đại nhã, bậc triết nhân? Huống chi chất thối mùi nồng là kẻ thù của hương vị thanh đạm, thế thì những mùi xú uế của đất bùn cá thối, dẫu đến các thứ hoa nhàm cỏ dại cũng không chịu được, mà bảo lan là thứ danh hoa tuyệt phẩm lại nhờ về những thứ ấy mà tốt, thì ta không dám tin. Nếu bảo đất bùn là đất ủ đi rồi, nước cá đã ngâm lâu rồi thì không còn có xú vị nữa, việc gì mà hại đến lan, như thế là dùng cái khí vị đã bại hoại để giúp cho cây cỏ phát sinh, thực là trèo cây tìm cá, không thể được. Còn đến như lúc thưởng lan mà lại đốt hương ở dưới vườn hoa, thì Lạp ông đã biện bác là không phải, ta không cần phải nói nữa. Bã chè mà đem ủ trên chậu hoa thì rễ hoa thường ướt, dương khí không đến nơi, hoa kết chậm và giảm bớt thơm. Duy chỉ có việc bắt sâu cho lan là không thể thiếu, vì cái tính cây cỏ, nó đạm bạc thì hay ưa tĩnh, thơm tho thì hay ghét ướt, nếu trồng nó mà thất nghi, khiến cho giống ruồi nhặng làm hại ở ngoài, giống sâu bọ đục khóet ở trong thì thứ cây yếu ớt sao chịu được. Vậy nên việc bắt sâu không thể thiếu.

Lại còn có một thuyết nữa bảo rằng những thứ tanh béo chỉ tổ làm cho kiến bọ tụ lại. Cổ ngữ có câu: "Cây nát thì trùng mới sinh, mỡ tanh thì nhặng mới đậu", câu nói ấy không những là ví chuyện lớn, mà đến việc trồng lan cũng phải nên biết như thế. Nếu bảo cứ lấy đất bùn đắp vào cho nó, nước cá rưới vào cho nó thì sâu bọ không sinh ra, ta sợ như thế lại làm hại thêm cho lan, chứ nó không thể chịu được. Ta khi nhỏ, lắm hồi gian truân, phải đi dạy học bốn phương, không lúc nào rỗi mà lưu ý đến cỏ hoa. Nhưng mỗi khi đến chơi nhà anh em bạn, thường thơ thẩn ở trong chốn vườn hoa bóng trúc. Ta vẫn ngờ rằng giống kiến lan, lá tốt mà thần thô, hoa nhiều mà hương bạc, nên cười rằng có lẽ nào như thứ hoa lan này lại là tiền thân của Khuất Bình, Yên Cát[4]. Hay là cổ nhân luận về thứ lan nào mà nay ta không biết, lại trỏ lầm vào thứ lan ấy chăng? Khoảng năm Ất Mão, Bính Thìn (1795-1796), ta có vào chơi một nhà anh em bạn; khi vào đến cửa, ngửi thấy mùi thơm sực nức, hình như hương hoa lan mà lại có phần thanh hơn, chưa hiểu thứ lan gì, đến khi vào nhà khách, mới thấy thứ lan ấy vừa nở, mà trồng vào trong cái chậu vỡ, đất sỏi, để ở góc hè, cành lá lơ thơ, dài chỉ độ năm sáu tấc, hoa nhỏ mà cánh mỏng, sắc rất đậm nhưng thơm ngát. Ta vừa được thưởng thức hương vị thiên nhiên ấy, liền khen là khéo trồng thì chủ nhân bẽn lẽn nói rằng không có lúc nào bón tưới cả. Ta mới hay người đời chơi lan chỉ biết thưởng thức bằng mắt chứ không biết thưởng thức bằng mũi, chỉ biết được cái hình của hoa chứ không biết được cái thần của hoa. Chậu sành nào phải là nơi sơn cốc, phường phố nào phải là chốn thôn quê, thế mà hoa lan trồng được nơi u tĩnh thì đã phát ra kỳ hương như thế! Thảo nào lan sông Tương mà Khuất Nguyên lấy đeo, lan hẻm núi mà Khổng Tử thưởng thức, cao phong nhã điệu nổi tiếng muôn đời, cổ nhân có dối ta đâu. Cái cách chơi thanh nhã ấy phải cùng nói với người trí thức mới được.

Ta xét ra những cách chơi cỏ, cây, hoa, đá từ đời nhà Hán đã có, đến các đời sau, mỗi ngày mỗi đổi cách chơi cho mới lạ thêm, như là những thắng cảnh ở Kim Cốc[5], Võng Xuyên[6], Lục Dã[7], Bình Nguyên[8] đến nay vẫn còn truyền miệng ở dân gian. Thế mới biết người xưa cũng thường cho tinh thần đi chơi ngoài cảnh vật, trong cách chơi mà vẫn ngụ cái ý về thế giáo thiên luân[9], vậy nên mượn khóm hoa, tảng đá để ký thác hoài bão cao cả, mở vườn trồng cây, chồng đá làm núi, khiến cho cái vẻ đẹp của cỏ cây, cái thế hùng vĩ của núi non trình bày ra trước sân, trước cửa sổ đó mà thôi, chứ có phải hết sức mà chăm chút cảnh vật đâu. Về sau này, thế thái đã suy, nhân tâm lại bạc, cái cây thẳng đem uốn cho cong đi, hòn đá phẳng đem đẽo vạc cho nó hốc hác ra, bàn tay nhân tạo càng khéo, cái thú thiên nhiên lại càng kém! Ôi, cái lý thú đâu chả có, xem cảnh vật thì có thể biết được người. Giang Thượng công vì là người đạo mạo uyên thúy mà vua Hán Văn phải trọng; Quảng Nhạc, Vệ Giới vì là người thần khí thanh sảng mà bạn bè đều khen. Còn như những hạng mướp đắng mạt cưa, ra luồn vào cúi, thì người có lòng nhân cho là đáng thương, người không có lòng nhân lại coi khinh mà ruồng bỏ, chứ chẳng khi nào đem lên chỗ chiếu ghế mà cùng bàn chuyện. Đến như chơi cảnh mà lại trái cái thường tình ấy thì có phải lẽ không? Hay là bảo rằng hóa công đặt để mỗi vật một khác, như cây thông ở núi Thái Sơn, cây cối[10] ở làng Khuyết Lý, cây mai ở làng Cô Dịch, hòn đá ở hồ Động Đình, tân kỳ cổ quái, không thể hình dung ra hết; những thứ ấy, người xưa chép trong sách, vẽ ra tranh, người sau chỉ được truyền văn chứ không trông thấy thật, nên mới phỏng chừng bày ra, cố làm cho đúng, cho hệt, bảo rằng cây này giống cành tôn chi nhà nọ, hốc đá kia giống cái sườn núi cheo leo, hang sâu nọ là hình cái suối nước trắng xóa, khắc họa mô phỏng mãi, tuy rằng sai mất cả bản chân, nhưng cái ý hiếu cổ hiếu kỳ cũng có thể bỏ qua được. Ta chỉ quái lạ cho người đời bây giờ, chơi hoa, chơi đá, mà chỉ lấy cái ý kiến riêng, muốn làm khéo hơn người trước mà lại thành ra vụng, uốn cây đục đá, muốn làm cho giống hình loài cầm thú, nào rồng leo, hổ phục, sư tử ngoảnh mặt lên trời, kỳ lân đạp chân xuống đất, biết bao nhiêu cách không thể nói hết được. Ôi! Nếu trời sinh ra cây ra đá mà làm hệt như hình cầm thú thì tạo vật cũng đến phải hết nghề, còn có gì mà đáng thưởng ngoạn nữa! Phỏng như để những hình long, hổ ngoằn ngoèo, sư, lân hống hách và những hình xà thần, ngưu quỷ đầy cả nhà thì trông thấy, ai chẳng bịt mắt lắc đầu mà chạy. Thế nhưng người đời lại lấy cách chơi ấy làm cao, ta thực không hiểu ra làm sao cả.

   




Chú thích

  1. Khuất Nguyên (330 TCN ?– 278 TCN), tên là Khuất Bình, quan Đại phu nước Sở, tác giả Ly tao nổi tiếng. Ông là một người yêu nước và sống chính trực, thanh cao.
  2. Là nơi Khuất Nguyên trầm mình.
  3. Là tên hai quả núi Qui Sơn và Mông Sơn ở Sơn Đông (Trung Quốc), tức là nước Lỗ quê hương Khổng Tử.
  4. Ái thiếp của Trịnh Văn Công (Trung Quốc)
  5. Hang Kim Cốc ở phía tây huyện Lạc Dương, tỉnh Hà Nam, trong hang có dòng nước từ phía đông nam huyện Lạc Dương chảy qua. Thạch Sùng có nhà riêng ở trong khe Kim Cốc, cây xanh nước biếc, quả hoa vị thuốc không thiếu thứ gì, lại có ao cá, bệ đá ngồi câu, người đời truyền tụng cảnh vườn Kim Cốc tức là nơi đó
  6. Võng Xuyên là biệt thự của nhà thơ Vương Duy đời Đường.
  7. Lục Dã có lẽ là biệt thự của danh tướng Bùi Độ đời Đường ở Lạc Dương.
  8. Bình Nguyên phải chăng là chỉ đất phong của Bình Nguyên Quân Triệu Thắng nước Triệu thời Chiến Quốc ?
  9. Ý nói đạo làm người
  10. Là một thứ cây giống cây tùng.