Vũ trung tùy bút/Chương LXXXVIII

Đời xưa, Thiên tử có việc tế thì dùng các vua chư hầu, quan khanh sĩ vào làm trợ tế. Vua chư hầu tế thì quan khanh đại phu và sĩ vào làm trợ tế. Quan khanh đại phu tế thì quan ấp tế, kẻ gia thần làm trợ tế. Kẻ sĩ tế thì dùng con em và đày tớ làm trợ tế. Đến đời sau, Thiên tử có tế thì đã có các quan triều thần ; ở chỗ quan phủ, châu, huyện, tế thì có lễ sinh, nhạc sinh. Còn như nhà tư gia tế, thì việc ngoài giao cho con em, việc trong đã có đàn bà con gái. Gần đây, làng nào cũng có hội Tư văn, không phải người khoa mục quan thân thì không được vào hội ấy. Tư gia có tế lễ tất mời đến hội Tư văn đến trợ tế, bởi vì nhà thứ dân không có quan chức, thì không được dùng hia mũ để tế, nên phải mời đến hội Tư văn. Song những việc phụng đài rượu, tiến cụ soạn, đều là những việc của con em trong nhà, nay để cho những bậc khoa mục mũ cao áo dài làm những việc ấy, té ra lấy áo mũ của triều đình mà cung phụng những việc tầm thường của nhà tư gia, điều ấy sao không biết xét mà nghĩ lại ?

Lễ tế nhà công gia đã chép tường trong điển tế, không còn bàn ở đây làm gĩ nữa. Nay hãy xét cái lễ tế tổ tiên của các nhà sĩ thứ, với cái lễ thờ kính người sống thì cũng không khác nhau mấy. Lúc tế, chủ nhân dâng cơm thì chủ phụ phải tiến canh, chủ nhân rót thêm rượu thì chủ phụ phải vào so đũa đặt thìa. Cái chúc bản và hồ rượu thì đặt ở phía dưới thềm phía đông, thềm phía đông tức là bếp, lâm thời nàng dâu con gái phải vào xào nấu, cứ lần lượt từng món thịt xào, thịt tái và các thứ tam sinh, nấu chín món nào dâng lên món ấy. Hồ rượu, đài chén thì có kẻ ti ấu sắp đặt. Cúng tế như vậy mới thật là hợp cái ý dâng cơm như lúc còn sống. Nay thì cứ làm xong cả mâm cỗ rồi mới bưng lên, để nguội tanh, không còn khí vị thơm tho gì, sau đó mới sắm sửa vào tế, tiến lên lùi xuống quanh co, xênh xang như trò phường chéo, còn gì là cái nghĩa "tế thần như tại"[1] nữa. Vả lại tế bày đặt ra lắm cái không hợp lễ. Đời xưa, thực án và hương án thì cao bằng cái án của người ta thường dùng, đọc văn tế xong thì kẻ chấp sự để cái chúc bản về đầu bên hữu hương án, tức là phía bên tả chủ nhân. Chúc bản độ một thước hai tấc, làm bằng gỗ vông, chứ không làm bằng gỗ lim. Đời gần đây thì lại làm hương án cao, mà giường thờ thì thấp, trong ngoài không trông thấy nhau ; khi độc chúc thì dùng cái chúc bản bằng gỗ lim để chéo ở khoảng giữa trên hương án, ngoảnh lưng vào thần vị mà mặt thì hướng về chủ nhân. Nếu còn theo cái lễ đón thần vào ngồi ở trong thần vị như ngày xưa, thì vật gì ở mé trước đều không trông thấy cả, mà một bước cũng không đi lên được, không biết bày đặt như thế thì ra cái kiểu cách gì. Lại còn trước án, hai bên bài vị, đều đặt mỗi bên một chiếc bàn nhỏ, trên mặt bàn lại bày hồ rượu, đài rượu, lư hương và chúc bản v.v... Những người trợ tế xướng tế thì cứ đứng sau hai bàn để hai bên, người chủ tế thì khúm núm quanh co đi ở khoảng giữa, trông y như là cái chuồng trâu, không biết cách bày đặt ấy là do kinh điển nào ?

   




Chú thích

  1. Tế thần tưởng tượng như thần ở đó