Đời Tiền Lê lấy chức Tư mã, Tư đồ, Đại Đô đốc làm ngôi quan tướng, chức Ngũ phủ Đô đốc là bậc thứ hai. Các quan Hành khiển là văn thần, thì chỉ để làm cố vấn giữ việc văn thư, cũng như chức Học sĩ đời Vĩnh Lạc[1] nhà Minh vậy. Từ đời Hồng Thuận[2] trở về sau mới đặt ra chức Bình chương Quân quốc trọng sự. Nhưng khi ấy triều chính đã không có kỷ cương gì, chỉ nhân việc mà đặt ra chức quan, chứ không chép ở trong quan chế. Từ năm Quang Hưng trở về sau, đầu hàng quan văn được tham dự triều chính kiêm nắm cả lục bộ, đó mới là lúc chuyên dùng quan văn làm thủ tướng, cùng với chức quan Ngũ phủ Đô đốc, Lục bộ Thượng thư, đều là chức quan đại thần trong triều đường. Trịnh phủ tuy lấy văn quan cho vào Tham tụng phủ đường, hoặc làm Bồi tụng phủ đường, nhưng cũng chỉ coi việc công trong Trịnh phủ mà thôi. Từ khi chính quyền về cả Trịnh phủ, thì bên quan võ lấy chức Đô đốc Chưởng Phủ sự, Thực[3] Phủ sự, Quyền Phủ sự làm chức trọng thần ; còn chức Ngũ quân Đô đốc thì lại là chức gia quan. Bên quan văn thì lấy chức Tham tụng Bồi tụng làm chức thừa tướng, các chức Lục bộ Thượng thư làm tản chức[4]. Đó là tùy theo thế biến, mỗi lúc một khác. Còn như bên Trịnh phủ lại đặt ra sáu phiên, có chức Thiêm sai, chức Tri phiên, dùng các quan Tiến sĩ văn thần sung vào ; chức Phó tri, chức Thiêm tri dùng các ông giám sinh văn học ổ vào, cũng giống như trong tòa Lục bộ Thượng thư, có chức Thị lang, Lang trung, Viên ngoại, tuy danh khác mà thực giống nhau. Lại còn đặt ra chức giám ban nội thần, cũng có những chức Tri phiên, Thiêm phó, thậm chí nắm giữ hết cả quyền bính triều đình. Thiết tưởng đời Hán, đời Đường bên Trung Hoa, hoặc đời Lý, đời Trần bên ta cũng chưa từng có những chức quan ấy bao giờ. Sách sử chép khi Thuận Vương[5] giữ chính quyền, có đặt ra võ ban, văn ban, giám ban, tức là ba ban xưa nay chưa từng thấy ; không biết lúc triều hội, theo đẳng cấp phân ban ra làm sao. Ta tiếc không được tường.

   




Chú thích

  1. 1402 - 1424, niên hiệu của Minh Thành Tổ
  2. 1509 - 1515, niên hiệu của vua Lê Tương Dực
  3. Sai. Thự mới đúng
  4. Tản chức nghĩa là chức quan có danh mà không có thực quyền
  5. Chúa Trịnh Giang