Lễ bảo thần thì có cỗ dâng lên ngự cúng. Cứ theo thói ở Lam Kinh[1] thì chỉ dùng thịt tái, muông sinh và mùa nào thức ấy, vài thứ quả phẩm, chứ không làm văn hoa gì cả. Một vị sư vào khấn bằng tiếng Ai Lao để chúc phúc, đại ý cầu cho vận mệnh Hoàng thượng được trường thọ, khấn xong dùng hai đồng tiền ngà ném xuống đất để xem sấp ngửa, đó là thay tiền "keo", xin âm dương tức là cái ý bắt chước Địch Thanh vậy[2].

Lễ trong nội điện thì cứ lệ năm trăm xã[3] phải cung ứng. Những xã ấy phần nhiều là nơi đất xấu, dân nghèo. Nhiều xã thiếu tiền cung ứng, không đủ nhu dụng về lễ phẩm, cho nên những ngày giỗ lễ nhà Thái miếu và điện Chí Kính, thì bò lợn gầy nhỏ, cỗ bàn sơ sài, bánh đường thì chỉ dụng nước quả dành tẩm vào cho vàng, nước mật thì thay bằng nước chè tươi, nên chỉ có sắc vàng mà không có vị ngọt gì cả. Ta khi nhỏ có đi qua nhà Thái miếu, gặp ngày giỗ liệt thánh nhà Lê, thấy một tên lính gánh nổi hai trâu, hoặc một người gánh nổi bốn mâm xôi. Xem thế thì biết lễ phẩm đạm bạc, đời Chu đời Lỗ khi xưa đạm bạc cũng không đến như thế !

   




Chú thích

  1. Lam Sơn, Thanh Hóa, nơi phát tích nhà Lê
  2. Địch Thanh là tướng nhà Tống, đời Nhân Tông đi đánh Nùng Trí Cao ở châu Khâm, châu Liêm. Trước khi xuất quân, tung đồng tiền xin âm dương, thì đều được tốt cả. Quân sĩ do đấy tin tưởng, đánh thắng được Trí Cao. Kì thực, Địch Thanh đã làm mẹo để gieo tiền thế nào cũng đều được "cát", cốt cổ vũ tinh thần quân sĩ
  3. Năm 1599, chúa Trịnh Tùng được phong Bình An Vương, nắm hết quyền hành. Vua Lê chỉ còn giữ hư vi, được mặc long bào, cầm hốt coi chầu, được cấp cho lính và thuế của năm trăm xã để dùng chi tiêu cho hoàng gia