Đời xưa, Thiên tử làm vua cả thiên hạ thì bày ra đủ các lễ tế Giao, tế miếu[1], tế Xã tắc, tế sơn xuyên. Vua chư hầu thì tế thần sơn xuyên ở trong cõi, còn dân thì tế thần kỳ ở trong làng xóm. Mỗi một xóm, họp mười lăm nhà cùng canh gác trông nom giúp đỡ lẫn nhau. Mỗi một làng thì tế thần Thổ cốc và cả thần Câu mang, thần Hậu tắc. Còn lễ tế các bậc tiên thánh, tiên sư, thần linh, địa kỳ và thờ cúng các danh thần, đấng lương tước, nghĩa phụ, tiết phụ, hiếu tử, thuận tôn, thì thờ cúng đã có nơi, cúng tế đã định ngày, nơi nào đã lập ra rồi không dám bỏ đi nữa. Nước Nam ta dựng nước từ đời Lạc Hùng ; khoảng giữa lại phải phụ thuộc về đời Hán, đời Đường ; rồi đến đời Đinh, đời Lê, đời Lý, đời Trần, ngoài việc tế Giao miếu sơn xuyên ra, còn các đền thờ ghi trong tự điển. Về đời Trần đã thấy trong sách Việt điện u linh lục chép cả thảy hai mươi chín đền. Các đời sau lại thêm mãi ra. Khoảng đời Quang Thiệu, Thống Nguyên, lại thấy chép trong sổ ghi các đền thờ đến một trăm mười đền. Những đền ấy không phải là đền chính tế, thuộc về nhà nước. Lại còn những bậc có công với nước, hoặc chống đỡ đại họa cho dân, cùng đều có đền thờ nhưng chưa chép hết vào sổ. Khoảng đời Quang Hưng, vua Thế Tôn khôi phục được kinh đô, truy xét những người bầy tôi tiết nghĩa[2], đều cho lập đền cúng tế, đến hai mươi bảy đền ; lại còn những bậc thiên thần hiển linh có công trạng đều được bao phong và lập đền thờ, chép vào sổ sách rất nhiều ; nhưng vẫn còn chia ra có thứ tự, không đến nỗi rối loạn.

Từ khi trong nước được thái bình ít lâu, thói tục càng ngày càng kiêu ngoa, những kẻ hào cường ở chốn dân gian, thường bổ theo đầu người bắt góp tiền lại mở đám tế thần. Họ tự lấy làm đắc ý, chỉ đua nhau mũ cao áo dài, cúng tế xa xỉ, lại còn đút lót để cầu sắc phong cho thần. Cho nên thần nhân tạp nhạp, sách ghi chép về thần thì lộn xộn. Những kẻ mê thói sùng bái ma quỉ thì đua nhau không biết thế là dở, những người ham của đút lót thì lại điềm nhiên không cấm, khiến những con ma hèn hạ cũng được sắc phong, những con yêu trâu chó cũng được hiểu[3] hiện. Còn những đền thờ thần chính trực, hoặc trải lúc loạn lạc binh hỏa, bia bảng không còn, hoặc truyền lại lâu đời, nghe nhớ sai suyễn. Muốn xét đến sổ sách thì vì cấm khắc in, thành ra không biết chứng cứ vào đâu ; muốn hỏi đến làng xóm, thì xưa nay quen thói kiêng tên húy, làm sai mất cả duệ hiệu. Nếu không được người nào chăm chỉ, ra công sưu tầm thì đền nào là chính tự, đền nào là dâm tự, không còn phân biệt được. Thực đáng than cho thế đạo lắm thay !

Làng ta phía đông nam có một cái gò đất, tục gọi là Đống Chùa. Nguyên là ở ngoài đồng đột khởi lên một đống đất, hình như cái gương tròn, nước chảy chung quanh, chỗ mạch đất chạy vào là cái chuôi kinh, các thày phong thủy gọi là mạch nhập cước. Truyền rằng ngày xưa trẻ mục đồng chơi đu có làm một cái chùa con ở trên gò ấy ; về sau người lớn nhân thế mà lập chùa. Chùa cũng linh ứng. Năm Canh Thân, Tân Dậu (1740 - 1741) trải qua loạn lạc, lửa cháy mất, nay chỉ còn trơ đống đất không. Ngày rỗi, bước lên chơi cái gò ấy, thường sinh ra xúc cảm về những cuộc phế hưng kim cổ.

Truyền rằng ở trong đầm, khi xưa, có một câu trâu chết đuối thành ma. Những đêm trăng có lúc nó vùng vẫy ở trong nước, kẻ điền phu dã lão thường thường trông thấy. Ôi ! Người chết đuối thành ma thì có, còn trâu chết đuối thành ma, thì trong các sách dã sử cũng không thấy chép. Xem thế mới biết trong khoảng vũ trụ, không vật gì là không có. Trước mặt chùa, cách cánh đồng nước, có một con đường nhỏ bằng bờ ruộng, phía nam thông đến thôn Như Lăng làng Đình Tổ, phía bắc thông đến thôn Chợ Tổ làng Đình Tổ, lại còn một con đường cái quan ở bên phía bắc chùa, cách ước độ một quãng thì đến gò Hoàng Xà. Cái gò kim tinh, người ta bảo là kiểu đất hoàng xà thích cáp (nghĩa là con rắn định bắt con sò), tục gọi là xứ Đồng Lạc. Phía nam chùa, cách độ nửa dặm, lại có gò Ngọa Tượng, tục gọi là đồng Con Voi, các thầy phong thủy gọi là hình quí nhân xuất trướng.

Phía tây làng ta có một cái gò to, tục gọi là mả Dương. Gò ấy nguyên là đất làng ta, sau vì cớ làng ta không nhận chùa Phổ Quang[4] nên mới thuộc về làng Dương Xá, mà thành tên mả Dương. Gò ấy rộng độ vài mươi mẫu, hình giống con cá chép hóa rồng, mang cá lõm xuống như cánh hoa sen mới nở, giữa nổi lên một gò kim tinh như cái hương sen, quanh đấy mồ mả rất nhiều. Ở giữa có hai cái mộ đất của họ Dương, họ Võ, là đất kết phát giàu cỏ. Từ năm Canh Thân (1740) đời Cảnh Hưng trở về sau, hai họ ấy suy kém dần. Phía tây nam mang cá là mắt cá, nổi lên một cái gò con, mộ tổ nhà quan Thám hoa Võ Thạnh ở đấy. Trước có một cái vũng nhỏ, vuông độ năm sáu thước là nội minh đường, lại xế về phía nam nữa là bắt đầu nơi long mạch dẫn lại. Các thầy phong thủy cho rằng diện tiền bát tự thủy phán (nghĩa là dòng nước hình chữ bát chia đôi đàng trước mặt), cho nên con cháu nhà ông Võ Thạnh nhiều người tha phương khánh kiệt. Không biết thuyết ấy có đúng không ? Ta bảo rằng thuyết ấy nếu quả nhiên có thực, thì phàm những "đảo kỵ" đều không tụ tài cả. Nghiệm xét các phần mộ có tiếng đều không hợp như thế, vậy cái thuyết ấy chưa chắc đã tin được. Trước mộ tổ nhà ông Võ Thạnh có một cái vũng nước nhỏ, mùa hè đầy nước, mùa đông cạn khô. Tục truyền ở đấy có ma cá, cứ đem thanh, nghe tiếng cá nhảy bì bõm. Nhưng tát nước đi mò tìm thì không thấy gì cả. Không biết là cái quái gì.

   




Chú thích

  1. Tế tổ tông nhà vua
  2. Chỉ những bậc trung thần liệt sĩ trung thành với nhà Lê, không chịu khuất phục nhà Mạc khi Mạc Đăng Dung lên ngôi như Đàm Thận Huy, Vũ Duệ, ...
  3. Bản in có lẽ sai. Phải là "hiển hiện" mới đúng
  4. Ở bài Việc tai dị ghi là chùa Phổ Thiên