Làng Minh Luân tổng ta có đền thờ quan Nhập nội Thượng thư Cao Tướng công, tên là Cao Y. Ngàu ở về đời vua Thần Tôn nhà Lý, có công làm đến chức Thái bảo, khoảng năm Thuần Phúc đời nhà Mạc[1] lại được sắc phong, sự này có chép ở trong từ điển. Thường khi cầu mưa cầu tạnh rất là linh ứng. Phía tây làng Minh Luân gần xã Bình Đề, có cái nền nhà cũ của Thừa tướng, truyện nôm truyền rằng đó là nơi chàng Đặng Xuân đọc sách, nàng Ngọc Châu dệt cửi.

Xét Đặng Xuân có ngôi mộ mẹ ở núi Bảo Lãm, huyện Quế Dương. Nguyên ông ấy vốn là người Kinh Bắc. Đời truyền rằng, Đặng công thi đỗ tự đời nhà Lý, thế thì quan Thừa tướng là người đời nhà Lý, không còn phải ngờ gì nữa. Vả lại, quan Thượng thư Cao Tướng công làm phúc thần làng Minh Luân, nay không còn xét thấy di tích gì cả. Vậy quan Thừa tướng còn cái nền nhà cũ ở Bình Đề kia, thì không rõ quan tước thế nào. Nhưng cả hai đều là người đời nhà Lý, biết đâu quan Thượng thư chẳng cùng quan Thừa tướng vẫn là một người. Còn như gọi là Thừa tướng, chẳng qua người dân quen tôn sùng mà gọi thế thôi, cũng như trong truyện nôm thường gọi là ông trưởng giả. Thế đại đã xa, không biết đâu làm đích, hãy ghi lại đây để đợi người thức giả.

Nền nhà cũ quan Thừa tướng ở làng Minh Luân, địa thế quang đãng, mát mẻ, có cái ao bán nguyệt và hồ sen là nơi di tích. Ta khi nhỏ thường đi du lãm muốn tìm nhận lấy, nơi nào là buồng học của Đặng Xuân, nơi nào là buồng dệt của Ngọc Châu, song bờ bụi đào cuốc thay đổi khác đi, sân thềm biến đổi, không biết đích là nơi nào. Khoảng năm Bính Ngọ, Đinh Mùi (1786 - 1787), Nhữ Công Chân đến thăm nơi nền cũ ấy có câu thơ rằng

Phiệt duyệt cựu truyền Thừa tướng nữ
Phong lưu trường thuộc trạng đầu nhân

Nghĩa là

Gái dòng phiệt duyệt quan Thừa tướng
Người nếp phong lưu bảng Trạng nguyên

Đó là theo sự tích trong truyện nôm mà vịnh ra như vậy.

   




Chú thích

  1. 1562 - 1565, niên hiệu của Mạc Mậu Hợp