Vũ trung tùy bút của Phạm Đình Hổ, do Nguyễn Hữu Tiến dịch
Cái thói kiêng ngày trùng tang, trùng phục

Đời truyền rằng những nhà có tang hay kiêng ngày trùng tang, trùng phục. Người nào chết gặp phải ngày ấy thì nhà ấy hay mắc trùng tang, phải mời thầy phù thủy về làm phép thư phù liệm tang[1]. Ta xét trong điển lễ, không biết tại cớ gì, bụng vẫn không cho là phải. Còn nhớ bà tiên cung nhân ta có nói chuyện: ở làng Hoạch Trạch huyện ta, có ông làm Huyện thừa huyện An Thế; thời ấy đương chuộng khoa mục, những người làm tá, nho, lại không được ra làm quan. Ông thừa ấy mới lấy nghề săn bắn để vui chơi đi khắp các cánh đồng. Gặp khi trời gần xế chiều, thấy một con chim lớn bằng con vịt, sắc lông màu hồng đậm, bay từ trên trời sa xuống. Nó đậu trên cái mả mới mà mổ mãi, và nghe trong mả có tiếng khóc hu hu. Ông thừa giương súng nhằm bắn, con chim chết, tiếng khóc trong mả cũng im. Ngày hôm sau, có một người hiếu tử[2] đem xôi lợn đến tận nhà bái tạ. Ông thừa lấy làm lạ mới hỏi, thì người hiếu tử thưa rằng "Cha mất gặp ngày trùng tang, nên trong nhà phải mấy cái tang liền. Đêm hôm trước, thấy vong hồn người cha báo mộng bảo rằng, cái con hung sát ấy nó làm khổ đã nhờ được ông thương, trừ đi rồi, vậy nên gọi chút lễ mọn đền ơn". Việc này ở về trước năm Canh Thân (1740), nhưng nhà nho ta vẫn không tin.

   




Chú thích

  1. Làm bùa làm dấu cho người chết trước khi bỏ vào áo quan
  2. Người có tang cha hoặc mẹ