Văn học chữ Hán của nước ta

Văn học chữ Hán của nước ta  (1932) 
của Phan Khôi

Bài đăng trên Phụ nữ tân văn, Sài Gòn, số 169 (22. 9. 1932)

Mấy cái văn thể đặc biệt do người mình bày ra mà người Tàu không có

Bấy lâu nay, khi viết lên trên báo, nói về văn học cổ của nước ta, tức là văn học bằng chữ Hán, tôi thường có ý lấy làm bất mãn; cũng như khi bàn về vấn đề nước ta có quốc học hay không, tôi chẳng sợ mích lòng chi hết, nói "không". Nhơn đó có người mắng là "vong tổ", có người cười là "thờ Thích Ca ngoài đường". Họ nói gì đó họ nói, tôi thấy thế nào thì khai ra thế ấy; tôi muốn nói thiệt, vì tưởng nói thiệt là có ích.

Thật vậy, ai có biết qua cái tình trạng văn học trong thế giới nó lớn lao rực rỡ là dường nào, mà cũng biết luôn cái ở nước ta từ đời Trần đời Lê cho tới đời Nguyễn kêu bằng văn học đó ra sao, rồi tự nhiên cũng phải lấy làm hổ thẹn mà thấy mình là thua kém quá, không đem so bì với ai được hết.

Sự thật thì ở bên Tàu ngày nay, những tay nghe xa thấy rộng họ còn phải nhìn nhận văn học của họ xưa nay là kém các nước thay, huống chi văn học của ta thuở xưa chỉ là phụ dụng văn học của Tàu mà hòng đem phô trương với ai cho được!

Ấy vậy mà người mình có kẻ đem ông Nguyễn Du sánh với ông Victor Hugo, cũng như đem vua Quang Trung sánh với vua Napoléon thứ nhứt. Khoe khoang, mà khoe khoang một cách dại dột quá, luống làm cho thức giả phì cười. Mà há những bị cười thế là thôi đâu, sự khoe khoang ấy nếu không đè hẳn xuống cho dụt đi thì nó dưỡng thành cái lòng tự đắc xằng cho người trong nước, cũng đủ làm trở ngại cho con đường tấn hóa vậy.

Muốn đem hai cái văn học của hai người hay hai dân tộc mà so sánh nhau thì phải nhớ mà so sánh cả đằng lượng và đằng phẩm. Phẩm là nói về văn chương hay dở; lượng là nói về đồ trứ thuật nhiều ít. Sự hay dở vẫn có định bình, tuy vậy mỗi người mỗi ý, còn có thể cãi nhau được; chớ đến sự nhiều ít, thôi thì phân minh ra giữa đó, chẳng ai có thể dối ai. Ai đó đem Nguyễn Du sánh với Victor Hugo: về đằng phẩm, đã chắc Victor Hugo không đến dở hơn Nguyễn Du rồi; nhưng đến về đằng lượng thì Victor Hugo trăm phần, Nguyễn Du sao cho được một? Một đằng chỉ có một cái kiệt tác là Truyện Kiều với mấy chục bài thơ; còn một đằng kiêm cả thi gia, tiểu thuyết gia, sử học gia, không biết bao nhiêu là cái kiệt tác, thì đem mà so sánh làm chi cho chúng thấy chúng cười?

Mình là dở, mà biết mình là dở, còn mong có ngày nhờ gắng học mà hóa hay bằng người ta. Đến như mình là dở, mà không tự biết, cũng nói mình hay hơn người ta hay là bằng người ta, thế là vừa tự khi, vừa tự đại, không làm thế nào tấn bộ nữa được: một người đã vậy mà một dân tộc cũng vậy.

Vì vậy mỗi khi nói đến sự học ở nước mình, tôi thường khai thiệt cái dở của mình ra cho ai nấy biết. Trong ý tôi muốn rằng chúng ta đã biết mình là dở thì phải gắng học cho nên hay; chớ không có ý gì bội bạc người xưa cùng là khinh thị cái văn hóa cũ của xứ mình hết.

Chẳng những thế thôi, khi nào thấy ta có điều đáng đem khoe cho thiên hạ biết thì tôi cũng chẳng bỏ qua một dịp nào.

Văn học nước ta tuy không có thể so bì với văn học các nước trên thế giới, và cả đến nước Tàu, ta cũng thua họ nữa, nhưng riêng ta với họ, ta chẳng đến nỗi không có một cái đặc sắc nào đáng đem kể với họ đâu. Chúng ta có khoe được với họ chăng, là khoe những cái đặc sắc ấy, vậy mà người mình ít hay chú ý tới, trở đi nhè trong cái "vườn" không "hoang" mà "múa gậy"!...

Hết thảy mấy nước ở Á Đông đồng văn với Tàu là Nhựt Bổn, Triều Tiên và nước ta. Mà nay xét xem trong những sách vở người Tàu làm ra, thấy họ có nói đến văn học Nhựt Bổn, Triều Tiên, còn nước mình thì họ ít hay nói tới. Có ít nhiều người Tàu lại ra ý khinh thị nước ta lắm, họ coi ta như là mọi rợ chi chi, chớ không hề biết ta là một nước đồng văn với họ nữa kia. Như thế, tưởng cũng chẳng nên trách gì, vì những đồ trứ thuật của người Nhựt, người Triều Tiên hay truyền bá qua Tàu, còn sách vở chữ Hán của ta đời trước không lưu truyền đến bên xứ họ, cho nên họ không biết đến ta là phải.

Năm trước, một tờ báo Tàu trong Chợ Lớn có viết một câu rằng: "Đã lâu cho đến giờ chúng tôi chưa hề thấy một người An Nam nào viết Hán văn cho thông". Coi đó thì đủ biết trong con mắt họ coi ta là ra thế nào! Thấy vậy nên trước kia tôi từng có chí thâu góp những cái tinh hoa về văn học chữ Hán của ta từ xưa rồi biên tập và in thành sách đặng lưu hành ở trong nước một mớ, còn một mớ thì truyền bá qua Tàu, hầu làm tài liệu cho những nhà học giả của họ khảo cứu mà biết được cái thiệt trạng của nước mình một ít. Nếu làm được vậy thì sự ích lợi vô hình ở tương lai không phải là nhỏ; mà ngay trong thời hiện tại đây cũng mong được rằng cái luận điệu của họ đối với ta sẽ nhờ đó mà day đổi đi.

Nhưng có chí mà không có tiền thì thể nào làm nổi công việc lớn lao ấy? Cho nên tôi chỉ thuật lại ở đây đặng có vị đồng bang nào đủ sức làm được thì làm; còn tôi, tôi đi làm cái việc mà tôi có thể làm được.

Năm 1929, tôi có viết trong tờ Quần báo ở Chợ Lớn bao nhiêu bài nói về học thuật tư tưởng của người mình hiện nay và nói về văn học chữ Hán ở xứ ta vào khoảng mấy chục năm về trước. Ấy là tôi muốn đem cái món hàng "người Việt Nam" mà quảng cáo cho dân Tàu đó; song tiếc thay, làm cái việc không công ấy khó mà nối nắm làm hoài hoài được! Trong bao nhiêu bài báo bằng chữ Hán đó, có một bài tôi để cái đầu đề như đã dịch ra làm đầu đề trên đây. Trong đó tôi chỉ vạch ra mấy cái đặc sắc của văn học xứ ta cho người Tàu biết vậy thôi. Nay đem thuật lại đây cho bà con anh em biết với, tưởng cũng là một sự có ích vậy.

*

* *

Nước Việt Nam chúng tôi hơn ngàn năm nay tôn chuộng đạo Nho, hiệu là một nước đồng văn với Trung Quốc. Từ buổi triều Trần triều Lê, văn học rất thạnh, đời nào cũng có tay trứ thuật, nhưng cũ rồi, không kể làm chi. Gần đây, từ triều Nguyễn thống nhứt cả nam bắc, văn sự lại còn thạnh hơn xưa nữa. Tuy thế nước càng ngày càng yếu, nguyên nhơn cũng có bởi đó mà ra; nhưng nói riêng về một phương diện văn học thì hồi đó có nhiều tay danh nho, bộn bề nhà tác giả, thật cũng đáng gọi là cái quang vinh cho một nước vậy.

Kể ra một ít người có danh tiếng hơn hết, là như ông Tùng Thiện Vương, tên là Miên Thẩm, con trai vua Minh Mạng, làm thay "thi bá" trong một đời, lại giỏi về thể văn tứ lục nữa, người đời bấy giờ đem sánh với Tào Thực, Trần Tư Vương, con vua Ngụy Võ đế bên Tàu, thật cũng xứng đáng thay.

Lại như các ông: Phan Thanh Giản, Cao Bá Quát, Phạm Phú Thứ, Nguyễn Văn Siêu, Nguyễn Thông... người thì nổi tiếng về thi, người thì nổi tiếng về cổ văn, ông nào cũng có tập để lại, và văn từ đều thật là điển nhã. Mấy ông đó ông nào cũng có dịp làm quen và xướng họa với văn nhân học sĩ bên Tàu và được họ khâm phục thôi trọng cả. Đến nay ta đọc lại những văn chương của các ổng cũng còn thấy được cái lưu phong di vận thoang thoảng bên mình, thật là thạnh vậy thay!

Tuy vậy, lấy con mắt chúng ta ngày nay mà xem thì thứ văn học ấy là văn học "chết" chớ không phải văn học "sống", là văn học "quý tộc" chớ không phải văn học "bình dân". Tại sao? Tại văn học với tiếng nói chia làm hai; vả lại thứ văn học đó chỉ thông hành ở giữa đám trí thức với nhau, thì sự không có ảnh hưởng, không có ích lợi gì cho xã hội Việt Nam hết, là rõ ràng lắm vậy. Vài chục năm nay, văn học Quốc ngữ dấy lên mà thay cho thứ văn học ấy là phải lắm.

Dầu vậy mặc lòng, thứ văn học ấy, cái địa vị của nó tuy mất mà cái thế lực ngầm ngấm của nó vẫn còn; huống chi nó chiếm cái vị trí trên văn học sử của nước chúng tôi hơn ngàn năm nay, thì có lẽ nào bỏ nó đi mà không nói tới được? Tưởng những nhà khảo cổ ngày nay cũng nên tìm xét đến thứ văn học cổ của nước Việt Nam đó mới phải.

Nay xin tạm để những cái khác ra, mà cùng độc giả các ngài riêng bàn về "mấy cái văn thể đặc biệt" của văn học chữ Hán nước chúng tôi. Vả mấy cái văn thể đặc biệt ấy là tự các nhà văn học nước Nam chúng tôi sáng tạo ra, chớ không phải bắt chước theo người Tàu vậy, vì nguyên người Tàu chưa hề có mấy cái văn thể ấy. Nói nội một điều đó, há chẳng làm cho nền văn học Việt Nam thêm sự vẻ vang, và nhà văn học Trung Huê há chẳng nên chú ý đến sao?

Phàm các văn thể trải qua nhiều đời mà người Trung Quốc đã đặt ra, như cổ văn, thi, phú, tứ lục, từ xưa văn nhân nước chúng tôi đều làm được hết; duy có một thể "điền từ"[1], vì cớ âm điệu không giống nhau nên người Việt Nam biết mà làm được là rất ít. Nhưng cũng bởi không làm theo thể điền từ Tàu được, nên mới chế hóa ra mà làm một lối điền từ khác. Cho nên, kêu là mấy cái văn thể đặc biệt đó, nếu đổi đi mà kêu là lối điền từ riêng của người Việt Nam thì cũng không phải là không được đâu. Bởi vì mấy thứ đặc biệt ấy đều bởi cái âm điệu riêng của người Việt Nam mà thành ra vậy.

Một là thể lục bát. − Trên sáu chữ, dưới tám chữ làm một câu; mà chữ thứ sáu của câu tám hiệp vận với chữ thứ sáu câu sáu: vậy nên gọi là lục bát. Như Truyện Kiều có câu:

  Hồ công quyết kế thừa ky,
Lễ tiên, binh hậu, khắc kỳ tấn công.

Thể lục bát ấy ban đầu bởi tiếng Việt Nam làm ra, phàm những câu ca dao từ xưa đến nay đều dùng thể ấy. Sau rồi bọn văn nhân lấy chữ Hán mà làm, bèn thành ra một thể riêng của Hán văn. Câu lục bát kể trên đó là chỉ một câu chữ Hán xen vào trong một cuốn truyện chữ Nôm đó thôi; chớ còn cũng có thứ sách làm bằng chữ Hán mà từ đầu đến cuối toàn dùng thể lục bát.

Trong sử Việt có chép một chuyện mà ngày nay chúng ta đem kể ra vẫn còn thấy là thú. Chép rằng: Hồi triều Lê, có ông mỗ (tôi quên tên mà hiện không có sách để tra, xin lỗi cùng độc giả), đi sứ bên Tàu. Có người Tàu hỏi ông chớ thể văn lục bát có phải là tự người An Nam chế ra không? Ông ấy trả lời rằng: "Thể lục bát là bắt chước theo kinh và sử, có điều tại các ông không biết đó thôi!" Người hỏi xin cắt nghĩa tới nơi. Ông ấy liền đọc câu Kinh Dịch:

Lục tam hàm chương khả trinh,
Hoặc tùng vương sự vô thành hữu chung;

lại câu trong Tống sử :

Đế dĩ Thái Xác hữu công,
Sử chi tùng tự Triết tông miếu đình.

Rồi ông cho hai câu ấy tức là cái nguồn cái gốc của thể lục bát đó.

Ông ấy nói vậy chẳng qua mượn cái nguồn gốc ở kinh và sử để cho có vẻ nghiêm trang và cũng để dọa người hỏi mình luôn thể, chớ kỳ thiệt không phải là chánh luận.

Hai là thể lục bát gián thất. – Thể nầy do lục bát mà suy diễn thêm ra. Trên câu lục bát có một câu song thất, mà trong câu song thất, chữ thứ năm của câu thất dưới hiệp vận với chữ thứ bảy của câu thất trên; rồi chữ thứ sáu của câu lục bát lại hiệp vận với chữ thứ bảy của câu thất dưới. Cho nên gọi là lục bát gián thất hay gọi là song thất lục bát.

Như bài Thu dạ lữ hoài ngâm bằng Hán văn dài lắm, mở đầu rằng:

Thu dạ tịnh thiên quang ẩn ước
Cách sơ liêm đạm chước kim bôi;
Thiên thời nhân sự tương thôi,
Phù sanh nhược mộng kỷ hồi vi hoan!

Bài nầy dài lắm, không chép hết vào đây được. Nhưng bốn câu đó là một "giải", rồi sau cứ thế mà tiếp nối luôn, không có đổi khác gì cả.

Bà là thể ca trù. – Thể nầy hồi đầu cũng dùng tiếng Việt Nam phổ vào lời ca cho cô đào hát, khách thưởng âm điểm trống nhỏ như là "điểm trù", cho nên gọi là "ca trù".

Thứ cô đào ấy từ Quảng Bình Hà Tĩnh đổ ra mới có, mà có nhiều là ở Hà Nội và Nam Định, người Tàu nào có kiều cư mấy nơi ấy chắc có biết tới. Dùng chữ Hán làm bài hát, sự ấy trước chưa từng nghe; mới có đâu từ khoảng trăm năm trở lại đây. Hiện nay cô đào Bắc kỳ còn có hát được một bài bằng Hán văn hay lắm, như vầy:

Phong thanh nguyệt bạch,
Tô Đông Pha Xích Bích chi du.
Tích phùng thu kim hựu phùng thu,
Thiên cổ hào tình nhân vị lão.
Ngô đồng nguyệt hướng hoài trung chiếu,
Dương liễu, phong lai diện thượng xuy.
Vấn nam lâu kim dạ hà ky,
Giang thôn chỉ kiến thiên biên nhận.
Ngọc địch nhứt thinh, hàn đăng nhứt trản,
Hoài giai nhân hề bất năng vương,
Thu phong lan tú, cúc phương!

Trong các ông Huê kiều có ông nào đi Hà Nội chơi thì chép bài ca nầy rồi ra đó mà bảo cô đào ca cho nghe, sẽ thấy cái âm điệu du dương mà uyển chuyển, nghe êm tai lắm!

Ông Nguyễn Văn Thắng, người làng Yên Đổ, tỉnh Hà Nam, Bắc kỳ, đậu tam nguyên hồi trào Tự Đức, là tay văn học có tiếng nhứt trong thuở đó. Người thuở đó cho đến bây giờ cũng kêu là "Tam nguyên Yên Đổ" mà không kêu tên. Sau khi nước bị bảo hộ, ông ấy ở ẩn mà không ra làm quan, lấy sự uống rượu ngâm thơ làm vui, và thơ văn của ông làm ra nhiều lắm; nay trích lục hai bài ca trù bằng chữ Hán của ông cho biết.

Bài thứ nhứt đề là Bùi Viên cựu trạch:

Bùi viên ngô cựu trạch,
Tứ thập niên kim nhựt phú quy lai.
Tùng tùng, cúc cúc, mai mai,
Phiêu nhiên hữu, khưu hác lâm tuyền chi dật thú.
Bành Trạch tố cầm ngâm cựu cú,
Ôn công tôn tửu lạc dư xuân.
Đông phong hồi thủ lệ triêm cân.
Diểu thương hải tang điền kinh kỷ độ!
Quân mạc thán Lỗ hầu chi bất ngộ,
Như bằng tăng bạch phát phục hà vi?
Quy khứ lai hề hồ bất quy!

Bài thứ nhì đề là Bùi Viên đối ẩm:

Túy ông chi ý bất tại tửu,
Nhi tại hồ sơn thủy chi gian:
Sơn mịch mịch, thủy sàn sàn.
Ngô dữ tử chi sở cọng thích.
Cổ lai thánh hiền giai tịch mịch,
Duy hữu ẩm giả lưu kỳ danh.
Sở dĩ chung nhựt túy, đồi nhiên ngọa tiền dinh,
Châu Bá Nhân độ giang, tam nhựt tinh bất vi thiểu.
Mạc kiếu! mạc kiếu! Hà bất tợ đương sơ nhứt tiếu?
Vương lang tửu kìm, bạt kiếm chước địa ca mạc ai!
Khuyến quân cánh tận nhứt bôi!

Hai bài của ông Yên Đổ đó đều có vẻ lâm li bi tráng; dầu cho lấy trình độ Hán văn mà luận đi nữa cũng không có thể bảo là không cao được vậy. Trong bài thứ hai vận dụng toàn những câu thành cú mà y như của mình đặt ra, thế mới lại càng khó hơn nữa. Có điều cả bài, câu nào cũng trục trặc, phải là tay ca cho thiện nghệ lắm mới ca nổi.

Như trên đã nói, các nước ở Á Đông mà đồng văn với Trung Quốc là có ba nước: Nhựt Bổn, Triều Tiên và Việt Nam. Thi văn của người Triều Tiên, tôi có đọc được một ít, coi cũng không có gì khác với Trung Quốc hết. Còn Nhựt Bổn thì có lối "Hòa ca" là văn thể riêng của họ; nhưng cũng là do theo lối thất ngôn tuyệt cú mà đổi khác sơ sơ đi đó thôi. Duy có ba cái văn thể đặc biệt trong chữ Hán mà của người Việt Nam chúng tôi sáng tạo ra đây, nếu đem cho nhà văn học Tàu phúng tụng thì ắt sẽ thấy có cái mỹ cảm khác thường lắm, cũng như họ ở bên Bắc Kinh Thượng Hải mà đi ăn cơm tây: nấu thì theo kiểu tây mà những thịt, cá, rau, cải thì thuần là đồ thổ sản của Tàu!

Ai dám bảo rằng người Việt Nam chúng tôi không có cái năng lực đủ mà sáng tạo kìa?[2]

PHAN KHÔI

   




Chú thích

  1. Điền từ là một văn thể ở Trung Quốc do thi hóa ra, có từ đời Đường mà đến đời Tống về sau mới thạnh hành (nguyên chú của PK).
  2. Những bài ca bằng chữ Hán trong bài nầy đáng lẽ sắp bằng chữ Hán, nhưng vì nhà in có ít chữ Hán quá, lúc nầy lại phải dùng làm việc khác nữa, nên xin tạm sắp bằng quốc ngữ (nguyên chú của PK).