Vì nghĩa quên tình/Xử tội mình

XỬ TỘI MÌNH

(Thần Thiên-lương)

Trên con đường cái thiên-lý từ huyện Yên-mỹ đi xuống Đại-lý Bần-yên-nhân, giữa trưa trời mát mây quang về ngày xuân năm Đinh-tị, rầm tháng giêng người đi lễ bái rất đông, thấy một người trạc ngoại ba mươi, râu-ria tua-tủa, quần áo tả-tơi, bị mấy nhát giao ở cổ và rốn, máu chẩy đầm-đìa, ngực thoi-thóp thở, tay cầm một con dao « ca-níp » nhỏ, mắt dương trừng-trừng ở quãng làng Liêu-thượng. Dân làng đương xúm-xít lại để sắp-sửa cáng lên Huyện trình. Người đó tên gì, quê họ nơi nao, tại sao mà thế? Khách bàng-quan không ai là kẻ biết. Người gần đấy chẳng ai là người hay. Than ôi! Thua cờ dại bạc, bực thân dận nhà nỗi chi mà tự-sát, hay bị kẻ hung-đồ đang tay hại đó?

Ôi! Nếu mà ta biết rõ đầu-đuôi duyên-cớ thời ta cũng nên ghê-gớm cho con ma « Tình-dục », sợ hãi đến vị thần « Lương-tâm ». Vì con ma Tình-dục ác-nghiệt kia nó xui giục người ta xằng bậy đủ điều, nếu không biết tìm phương mà yểm-trị nó thời dễ phạm tội nọ lỗi kia, trái đạo này nghĩa khác, mà ông Thần Lương-tâm có khi nào xét đến mình thời sẽ sửa phạt cho đến điều tàn-tệ. Than ôi! Sắc không sóng gió, chìm đắm người thật dễ như chơi. Tình là chi? Ái là chi? Sao không nghĩ đến điều đạo-nghĩa. Nay xem truyện ông Phán Lưu-Phan thời nửa thương mà nửa ghét. Thương là thương mắc bả hồng-nhan, ghét là ghét đem tâm tàn-ác, nghĩ lại lo cho đời không biết khi trước mắt thấy phấn son mà trong lòng có giữ được vững-chãi đạo-đức hay chăng?

Ông Phán Lưu-Phan là người thế nào?

— Là Thông-ngôn phủ Thống-sứ trước, quê ở làng X..... thuộc huyện Kim-động, đã xin nghỉ việc về vui thú điền-viên, chính là người râu-ria tua-tủa, quần áo tả-tơi, nằm ở vệ đường mà thuật-giả kể trên kia đó.

Ông vốn trước con nhà nho-nhã, lỡ bước sểnh vời, lưu-lạc tự thuở mười ba, ra kéo quạt ở sở máy đèn Hà-nội, trọ ở một nhà bà hàng nước ở phố Sinh-từ. Bà tuy làm nghề hèn kém mà vốn cũng có ít nhiều, nhân thấy thằng bé kéo quạt đi làm có chí-thú mà chăm-chỉ siêng-năng, ngày làm tối về lại đi học những người đã biết, bà có lòng yêu. Thằng bé đã ngoan mà lại đẹp trai, hỏi giòng-giõi ra con nhà nho-sĩ, vì cha mẹ chết sớm lưu-lạc nên phải theo đòi chức-phận ti-tiểu; ăn nói lễ-phép, ra vào ý-tứ, bà yêu mà bà lại thương. Bà ở góa sớm, được một gái tên là Nguyễn-Thị-Dần, rau cháo nuôi con cho đi học ở trường hàng Trống, nhân hiếm người trông sóc việc nhà mới bảo Lưu-Phan rằng:

— Nếu con có muốn làm con nuôi ta thời ta nuôi cho, sau này sẽ gây dừng cho nên thân nên phận.

Lưu-Phan xin làm nghĩa-tử, gọi bà là mẹ, gọi Dần là chị; tuổi Phan khi đó 14, tuổi Dần 13. Dần bấy giờ đã học lớp năm trường Hàng Trống bèn dạy Phan, Phan thông-minh chẳng mấy mà nhân Dần dạy học lại vượt sức Dần, Dần đem lòng âu-yếm xin với mẹ cho cả Phan đi học trường Yên-phụ.

Ngày tối mai qua, sen tàn cúc nở, quả địa-cầu quanh đường quĩ-đạo năm vòng, thời bà mẹ nuôi Phan đã chơi nơi Bồng-lĩnh, Dần thừa-tự cơ-nghiệp, thôi học về nối cửa hàng mẹ, song lợi-dụng cái vốn nhỏ ấy mà mở-mang sự buôn-bán cho rộng ra. Phan bấy giờ học đã giỏi, thi Thông-ngôn thủa ấy còn dễ, nên Dần cố cho Phan dấn bước đường mây, hai năm nữa Phan đã sơ-bổ làm Thông-ngôn tại tòa Đốc-lý.

Lửa sẵn gần rơm, tài em chị đã rõ, mạo em chị cũng tường, em đã thành-danh, chị chưa xuất-giá. Tiếng dù em dù chị, song khác mẹ khác cha, gái tơ đứng đó một mình phải sớm tính tìm nơi nương tựa; trai mởn đương thì đắc-ý cũng mong rằng sánh phượng đẹp đôi. « Cái ái-tình này, chớ nói cùng ai, chỉ có hai người, biết nhau mà thôi. »

Trước còn ân-nghĩa, sau ra đá-vàng, sự đó là thường vậy. Ôi! một giây một buộc ai giằng cho ra?

Con người ta trong khi ưu-hoạn thường là người tốt, đến lúc đắc-chí dễ ra người hư, thế cho nên cổ-nhân có câu « sống ở chỗ lo-lắng thời được chết ở chỗ yên-vui, sống ở chỗ yên-vui mà không nghĩ đến sự lo-lắng thời chết ở nơi lo-lắng ». Than ôi! Thế mới biết câu thơ Tây: «L'homme est un apprenti. la douleur est son maître ». — Người là học-trò, sự khổ là thầy dạy, — cái khổ không có phụ ai, chỉ có cái vui hay giết người mà thôi.

Khi dân sở-tại đó cáng lên quan huyện thời mới biết là ông là ông Phán Lưu-Phan, song chưa hiểu sự thể thế nào mà đến thế, ông bèn nói với quan huyện rằng:

— Không có ai hại tôi cả, xin ngài sai dân đưa tôi về ngay nhà thương Hưng-yên rồi tôi sẽ kể rõ-ràng câu truyện, kẻo bây giờ đau lắm không tài nào nói được.

Xuống đến nhà thương thời ông thầy-thuốc xem biết vết thương ông tuy vậy mà nhẹ. Bèn sai đem vào giường bệnh. Nguyên ông cùng với ông thày-thuốc này là chỗ bạn thân, nên khi nằm yên trong giường bệnh, ông thày thuốc vào chữa, ông liền nắm lấy tay bạn gạt nước mắt khóc mà nói rằng:

— Anh Nguyễn-Ngô-Hữu ơi! Xin anh đừng nên chữa chạy chi cho thằng khốn mạt này, khắp thế-gian không ai tồi-tệ chó-đểu đến như tôi, anh ạ, ngày nay là ngày Thần Thiên-lương đã định lôi tôi xuống Diêm-cung để cho quỉ lôi lưỡi, chó cắn chân, chịu những cái cực-hình ở trong địa-ngục đây.

Nguyễn-Ngô-Hữu tức là tên ông thầy-thuốc ấy. Ông đương sắp thi-hành cái bổn-phận cứu-tế, thấy bạn nói như thế thời ngạc-nhiên mà rằng:

— Anh này hoảng! Điên mất rồi! Có thương tích mà không cho chữa là cớ làm sao?

Nói dứt lời, thì ông Phán Lưu-Phan liền nói ngay rằng:

— Chao ôi! Thương-tích! Nào ai đâm chém tôi vì sự gì đâu, thương-tích này là tự ông Thần Thiên-lương sai tay tôi đâm chém cho chết cái thân tội-ác bẩn-thỉu của tôi. Tội tôi là tội đáng chết, không nên cứu tôi mà làm gì...

Nói đến đấy, ông thầy thuốc nhìn vào những chỗ thương-tích của ông, thời thấy đã được các người dân Yên-mỹ lấy lá dịt cho yên-hàn rồi, cho nên thấy ông nói cũng ngồi nghe, bấy giờ bên cạnh giường ông Phán Lưu-Phan có hai người khán-hộ đứng bên ông thầy thuốc cùng nghe chuyện:

Này tôi xin kể để ông anh nghe:

— Tôi được đỗ Thông-ngôn cũng là nhờ vợ tôi là Nguyễn-Thị-Dần thương yêu mà được thành-danh, nếu không có cái ân bà mẹ vợ, cái nghĩa người vợ hiền, đâu tôi được no cơm ấm cật, ăn học kịp người. Thế mà đến cơn sung-sướng tôi nỡ đem lòng bất-nhân. Trời ơi! Thiên-hạ có ai lại bạc-hãnh như thằng tôi không hử? Anh ơi! Từ khi mà vợ chồng tôi xe tơ kết tóc cùng nhau, một hai yêu đương, muôn vàn chân-trọng. không hề có lấy nửa điều trái nhau. Trải khi đổi Yên-bái, Lào-kay, Thái-bình, Nam-định, giòng-giã sáu năm trời, đôi vợ chồng tôi chẳng khác đôi uyên, thật tam tứ núi đã trèo, thất bát giang đã lội. Cái gia-đình tôi đương êm như mùa xuân, sáng như trăng rằm, hớn-hở như hoa nở gió đông, trong ngần ấy năm sinh ba cháu, còn có hai đứa là nuôi được, đứa trai lên 7, đứa gái lên 5 mà đã nên con nhà mất mẹ! Trời ơi, mẹ nó là ai? Có phải là Nguyễn-Thị-Dần vợ tôi đó không? Hỡi mình ơi, hồn mình có thiêng nên chứng-giám cái giờ biết tội của tôi này! Trời đất ơi! Cái con Đát-kỷ kia! Vì mày mà tao thành ra xa vợ xa con, kẻ dương-gian người âm-phủ! Anh ơi, ấy cũng bởi vợ chồng tôi làm ăn nhờ trời nhờ quan trên một ngày một khá, lưng vốn cũng đã hơn người làm việc khác, vào một tay tư-bản-gia rồi. Bởi thế mà vợ chồng bàn nhau « phú-quí qui cố-hương » chẳng hơn là « vinh-hoa cư khách-địa » hay sao? Bèn đem vốn về quê, cáo việc nghỉ ở nhà, cái đoạn này thật là thần-tiên lạc-thú. Tiêu-diêu phóng-khoáng sinh-kế mà ăn, không còn phải ở trong vòng thúc-phọc nữa, thật là sướng là vui.

Nói đến đấy thời ông thầy thuốc Nguyễn-Ngô-Hữu đáp rằng:

— Thôi, để chữa cho khỏi đi rồi hãy kể, nằm yên mới được.

Ông Phán Lưu-Phan nói dận-dộ lên rằng:

— Thật tôi không biết đau là cái gì nữa, nó ê rồi, nó quen rồi, tôi bây giờ chỉ được nói là sướng là thỏa mà thôi. Bác và các ông khán-hộ cứ bắc ghế ngồi đấy để tôi xin kể hết cho bác nghe, rồi tôi chết! Này bác ơi, Vợ chồng con cái đoàn-tụ một nhà, bức tranh ngoạn-mục ấy thật là vẽ ra cảnh thú. Thế mà no cơm dẩng mỡ, nằm lâu nhớ đến chỗ phồn-hoa lại lần về Hà-nội. Ôi! Hà-nội! Hà-nội!! Vì ngươi mà ta vẻ-vang, cũng vì người mà ta ra cầm-thú! Song rút lại cũng là tại tôi đó mà thôi. Năm kia tôi nhân mấy tháng hè sang chơi Hà-nội ở nhà một người bà con gần một trường nữ-học! Bóng hồng thấp-thoáng, một cô giáo-học trạc ngoại đôi mươi ăn mặc thật là hoa-hoét, làm cho tôi choáng mắt, phấn son tô-điểm, khiến tôi mê-tơi! Tôi bèn dò-la đến chỗ ở, biết rằng: Cô cũng lỡ-làng duyên-phận, sinh-nhai tuy trong vòng giáo-dục, mà tình-tứ cũng quen thói gió trăng! Vì thế mà dục-tâm tôi như lửa, muốn được làm cam-tâm. Bèn nhờ nguời giới-thiệu, trước còn tài-bàn đánh chắn, sau thời ra đồng-tịch đồng-sàng. Tôi càng gần nhân-ngãi bao nhiêu càng đem lòng chán vợ bấy nhiêu! Nào ngắm vuốt khéo, ăn nói bẻo-lẻo, khéo chiều khéo nọm, khéo ngả khéo nghiêng, chẳng khác chi những bà phu-nhân phong-nhã trong các tiểu-thuyết ngôn-tình cả...

Nói đến đấy, giẫy-dụa quá máu các chỗ thương chẩy ra lênh-láng, ông Nguyễn-Ngô-Hữu đòi chữa, ông Phán Lưu-Phan không cho, nói rằng:

— Bác để tôi kể cho hết tội tôi rồi cho tôi chết. Đừng ai mó vào tôi. Này con giáo học Hoàng-Thị-Xuân kia. Nào là con nhà thế-phiệt, cha mẹ song-toàn, cha về hưu trí, cửa nhà thanh-bạch ở tại miền Nam. Nào là tơ duyên ép uổng, ngựa hay vào người ngây cưỡi, thế không sao kham được mà phải nghiến răng bẻ một chữ « đồng » làm đôi. Nào là suốt Bắc-kỳ trong làng nam-nhi đến tôi là hơn hết, tài mạo kiêm-toàn, vui lòng gửi thân làm lẽ mọn cũng cam. Những cách đó vợ tôi điều kém, vợ tôi chỉ có tài nội-trợ là hơn mà thôi. Không biết ma sui quỉ ám thế nào khiến cho óc tôi trái hẳn đi, trí khôn không còn một chút nào nữa, người tôi như là một con « búp-bê » của con Hoàng-Thị-Xuân mà thôi. Ôi! Hoàng-Thị-Xuân! Hoàng-Thị-Xuân!! Thưa với ông anh, ấy chính là một con yêu-tinh, con Đát-Kỷ đeo cái lốt cô giáo mà deo cho tôi mấy nhát dao này!...

Nói đến đấy ông Phán Lưu-Phan chỉ vào mấy chỗ thương máu lại chẩy ra càng chẩy dữ, ông Nguyễn-Ngô-Hữu bảo rằng:

— Bác hãy khoan kể, để tôi sai nó dịt vải vào mấy chỗ thương cho trọn bổn-phận cứu-tế của tôi đã. Rồi bác có chết hãy chết.

Ông Phán Lưu-Phan không nghe. Ông Nguyễn-Ngô-Hữu cứ sai mấy người khán-hộ đè giữ chân tay rồi lấy thuốc dịt, ông cự không được đành để cho dịt. Dịt xong lại nói:

— Này bác ơi, bác đứng nghe tôi kể cho hết câu truyện. Số là từ khi tôi ran-ríu cùng nó thời rẻ-rúng vợ nhà, nặng tình nhân-ngãi, tôi chiều nó hết cách, nó bắt tôi đủ điều, trước còn lấy dấu vợ, thuê nhà ở hàng Gà cho tình-nhân ở, chuyên bòn của-cải sắm-sửa và cung-đốn nó tiêu-pha bài-bạc, ăn-mặc chơi-bời, bấy giờ giá nó đòi ông trăng trên trời mà tôi có thể lấy xuống được tôi cũng chiều. Sau rồi vợ tôi biết truyện, tôi bèn dùng hết cách giã-man áp-chế, khi đánh-đập, lúc chửi rủa, thượng cẳng chân, hạ cẳng tay, bố mày mẹ tao, cái đó là thường. Than ôi! Như vợ tôi mà gặp phải chồng như tôi, lại đến nước cạn tầu ráo máng, như thế thì đá cũng nát gan lọ người! Chẳng bao lâu vợ tôi đeo bệnh thất-tình mà tôi thì bỏ vợ chơ-lơ, vui cùng nhân-ngãi, thuốc-thang đã chẳng được bồi-bổ phải đường, lại thêm khi phải tát tai, lúc phải chửi rủa, hoa ngày héo, ngọc ngày tan, chẳng mấy lúc mà vợ tôi uất-muộn, thành ra bệnh nặng, thế mà tôi cũng chẳng đoái-hoài đến, chỉ cứ nay cùng nhân-ngãi rạp hát này, mai cùng nhân-ngãi hàng cơm khác, khi song-mã, lúc diện ô-tô. Ôi! Vợ tôi cùng tôi từ thủa hàn-vi mà không được sung-sướng bằng nhân-ngãi tôi, ngồi mát ăn bát đầy. Đến khi vợ tôi mất mà tôi vẫn còn ôm-ấp với người yêu giọc đường! Thảm-đáp thay! cho em, hỡi Nguyễn-Thị-Dần mình hỡi, cùng với ta từ thủa còn hèn, mà lúc lâm-chung có chồng thành ra không được nhìn nhau trong trận thở cuối cùng! Đau lòng mình mà tôi bây giờ cũng sót giạ lắm!

Nói đến đấy ông Phán Lưu-Phan khóc nức-nở dàn-dụa nước mắt ra. Ông Nguyễn-Ngô-Hữu an-ủy thế nào cũng không được một lát ông Phán lại nói: Anh ơi, tôi cùng Thị-Xuân về quê tống-táng cho vợ tôi xong, thôi cờ đã đến tay, phất cho thỏa sức, cái gia-tài của tôi theo chân nối gót nó mà khánh-kiệt. Nó chuyên bòn cũng lắm, mà nó phung-phá cũng nhiều, tôi bây giờ không còn một tí gì cũng do từ yêu nó mà đến nỗi. Hai con tôi từ khi mang về Hà-nội, quản-dưỡng không có người, một đứa trai chẹt xe điện chết, một đứa gái bị mẹ mìn bắt mất. Rồi ra trơ có một mình tôi với nó, sau nó lấy cớ lương nó ít không đủ nuôi nhau, lại sui dục tôi đi xin việc. Cùng bất-đắc-dĩ tôi cũng phải theo. Tôi vừa đệ giấy đi xin việc được vài hôm thời nó đã theo một người « a-dăng téc-ních » xuống tầu vào Sài-gòn mà bỏ tôi lại ở chốn Hà-thành trơ-vơ, đất khách một thân tiều-tụy, ấy vừa hôm nào tôi vừa cùng nó cùng ăn tết ở phố hàng Gà mà thế nào đến mồng mười tết nó đã theo người ta nỡ lòng dứt nghĩa tôi cho đành được.

Nói đến đấy ông Phán Lưu-Phan uất lên, nằm yên một lúc, rồi mới lại nói:

— Than ôi! Sau khi nó đi ba ngày tôi mới được biết đích thực tin-tức, bấy giờ giấc say đắm mê-man của tôi mới tỉnh! Hồi-tưởng lại thì tội-lỗi chứa-chan! Tôi muốn trở về cố-hương thăm mả vợ xưa khóc vài tiếng giãi chút lòng đau. Bèn dọn-dẹp bán-chác đi được ít tiền, sáng ngày lên xe hỏa về. Bước lên xe hỏa bấy giờ cái mối nghĩ-ngợi đã bời-bời, xuống đến la-ga Đình-dù chèo lên cái xe tay mỗi bước là một bồi-hồi. Bên tai tôi nghe hình như có tiếng con Thị-Xuân gọi ở đằng sau mà nhiếc mắng tôi rằng: « Thằng ngốc-hán kia mày phụ vợ mày, mày phí con mày, cái tâm-địa mày độc-dữ thế ai lại là người còn dám cùng mày ở vẹn cho đến già được! » Tiếng gọi quả như ở đằng sau, ngoảnh cổ lại, lại không thấy gì nữa. Tay tôi sờ vào túi thấy có một tờ giấy, bụng tôi tưởng là một cái thư của con Thị-Xuân nó viết lại, bèn móc ra, cầm lên đọc nhìn vào thấy rõ-ràng có chữ nói rằng: « Hỡi thằng vong-ân bội-nghĩa kia, ta đây là một con ma ác-nghiệt hiện-hình ra một gưnời nữ-giáo-học mà thử mày xem bụng dạ có bền không, nay mới biết là mày lòng lang dạ thú, mê sắc quên nghì, thôi thì hối cũng không sao lại được, ở lại đó mà chịu tội trời. » Nhìn rõ ràng như thế mà té ra là một mảnh giấy trắng nhặt được khi còn ở ga Hàng-Cỏ. Mỗi một tiếng sóc-sách của bánh xe là tôi một nghe ra tiếng kêu khóc của hai đứa con tôi, tiếng than-vãn của vợ tôi, tiếng mắng-nhiếc của người nhân-ngãi tôi. Than ôi! Bấy giờ tôi lại tỉnh ra rằng: lỗi là lỗi tôi, Thị-Xuân không làm, gì nên lỗi, tôi lại còn đeo cái tội quyến oanh nhủ yến phá hại cái tư-đức của một người cô giáo. Vì ví phỏng Thị-Xuân có hư đâu mà không phải vì tôi mày-mò chim-chuột thời cái đó mặc kệ trò đời. Song dù nó có phung-phá cơ-nghiệp tôi chăng nữa cũng là tại tôi không biết cái tư-cách tốt của người mà dạy-dỗ, lại đem tiền đem bạc là một vật dễ làm cho người hư đến cho nó, lại vẽ trò ra để chiều nó, thời cái hư của nó càng ngày càng ở tôi ra. Than-ôi! Tôi, thằng Lưu-Phan này là đầu mọi tội trong cái bi-kịch ấy. Tôi hối, tôi nghĩ, tôi hoa mặt lên, tôi choáng-váng người lại, tôi sinh điên không thể ngồi yên trên xe được nữa, đến phố Bần tôi vội nhẩy xuống xe đi đất về. Vừa đi vừa tư-niệm mọi lẽ, tôi thấy như một cái màng u-ám đè ép trên mặt tôi, tối-tăm cả mặt mũi lại không sao đi được nữa, trong lòng bấy giờ nghĩ nếu về mà nhìn vào cái mả kia càng thêm tủi-thẹn với nấm cỏ đám mồ thôi! Tai tôi ù-ù như tiếng ong kêu, nghe văng-vẳng có lời nói trên đầu trên cổ rằng: « Hỡi hỡi thằng tội-nhân kia, tòa án lương-tâm đã xét tội mày rồi, báo cho mày biết rằng không thể nào dung-tha được nữa.» Bấy giờ tôi nghĩ mới biết phàm những tiếng gọi từ lúc lên xe đến giờ thuần-nhiên là những tiếng gọi của Thần Thiên-Lương cả. Tôi biết rằng tội tôi không dung được nữa, mới nhìn lên mặt trời, tôi tự-xử lấy tôi, cho nó đáng cái tội mình và nó khỏi phải những sức vô-hình vật-vã đau-đớn khổ-sở lắm. Anh ơi! nói càng thêm nhục trăm chiều, thời xin anh làm phúc mà đừng phiền chữa chạy làm chi...

Nói đến đấy liền lấy tay móc vào chỗ thương trong bụng rút ruột ra tự-tử chết, không ai cầm giữ được.

Bữa chín giờ hôm 17 Annam tháng giêng năm.... có một cái đám ma rặt người bạn-bầu quen biết đi đưa và người hàng xứ đi xem, tuyệt-nhiên không có một tiếng khóc nào, đưa từ nhà thương Hưng-Yên ra nghĩa-địa, vừa lúc mặt trời mới mọc được ít lâu, sương sa mây ám, có chăng mấy giọt nước trên không rơi đó là giọt lệ thương ai. Than ôi! Chẳng phải nhắc lại các độc-giả cũng biết đó là đám ma ông Phán Lưu-Phan mà ông thầy-thuốc đã vì ông mời các bằng-hữu quan-thân đưa ông ra nghĩa-địa.

Kìa mồ mới ở kia, người xưa nằm đó, khách nay qua lại, ai cũng biết câu truyện của ông, cùng nhau truyền ngôn mãi, bia miệng biết đến bao giờ mòn. Thương thay!

Ôi! Cái uy-quền của ông Thần Thiên-lương! Cái luật-phép của Toà-án Lương-tâm! Phàm người đời làm những điều sằng-bậy, nên sợ khi mình tỉnh giấc mê!