Vì nghĩa quên tình/Tiếng ai gọi?

TIENG AI GỌI?

Người ta có tính thiêng-liêng, cảm-súc nhiều, trải biết rộng, thành ra lắm tư-tưởng, vì thân-thế mà tư-tưởng, vì núi sông mà tư-tưởng, vì gió trăng mà tư-tưởng, vì thế-thái nhân-tình thiên-thời địa-thế mà tư-tưởng. Đã tư-tưởng thời nằm ngồi cũng tư-tưởng, đi đứng cũng tư-tưởng. Càng cảm biết bao nhiêu thời tư-tưởng càng man-mác...

Than ôi! Đất rộng giời cao, non xa bể thẳm, bao-la mênh-mạc, khiến cho bạn tư-tưởng muốn thôi mà không được, mê-mỏi tinh-thần, hao-mòn thân-thể, vẫn khăng-khăng một mực hết tư-tưởng cái này, lại tư-tưởng cái khác, tư-tưởng mãi vô-cùng...

Ký-giả có ông bạn cố-giao, biệt-hiệu Tiếu-Hoa cũng là một nhà hay tư-tưởng, mới rồi chép một truyện giao cho ký-giả bảo rằng:

— Tôi tặng nhà tiểu-thuyết một cái tài-liệu đem làm ra văn.

Ký-giả xem xong, mới biết ông Tiếu-Hoa tư-tưởng thành văn; vậy cứ nguyên-văn xin ghi lại tưởng cũng thành một thiên tiểu-thuyết hữu-tình:

« Một hôm, chiều xuân tịch-mịch, giời mây mù-mịt, Tiếu-Hoa một mình chốn thư-lâu — giở xuống đều là lời Tiếu-Hoa thuật cả — anh em xa, bạn-bè vắng, buồn ngắt buồn tênh. Sách chẳng muốn coi, đàn không muốn gẩy, nghĩ vơ nghĩ vẩn, hết chuyện nọ ra chuyện kia, như ngây như dại, bảng-lảng tâm-tình. Trông ra đường-phố thời bụi hồng tung bay, ngựa xe rộn-rịp, kẻ lại người đi, trăm nghìn huyên-náo, thấy bóng thiều-quang, những mong ước được gặp một tấn hài-kịch nào họa may có tiêu-sầu cho khách cảm-tưởng này được không? Óc tưởng-tượng, tứ-chi theo, bèn chụp khăn lượt xếp nếp, mặc áo xuyến Sài-gòn phủ ngoài áo đoạn, xỏ chân vào đôi giầy Gia-định, bít tất trắng phau. bước chân xuống thang gác, quay ra theo hướng phố mà dời gót khoan-thai, gọi là ngoạn cảnh cho nguôi cơn sâu-não.

Tiếu-Hoa đương khi buồn-bã, mà bước chân ra đi, trông thấy phong-cảnh thị-thành rộn-rã như thế, thời ai chẳng tưởng rằng có thể làm cho khối sầu kia tan ngay đi được. Nào hay đâu đã mang mối sầu trong dạ, thời càng gặp cảnh phồn-hoa bao nhiêu, lại càng thấy chán-ngán ủ-ê, mà sầu thành lại càng sây nên bền chặt. Cho nên Tiếu-Hoa khi đó gót chân tuy-nhiên lang-thang lững-thững. hết phố này sang phố khác, mà mối tơ sầu vẫn quấn-quýt như bao bọc lấy mảnh gương tinh-thần không sao chút dời ra được! Ôi! Sao mà sầu thế? Cũng không biết tại vì đâu! Thật sầu không có mối. Tiếu-Hoa bấy giờ lại ước ao rằng: Giá mà gặp được người cố-hữu tâm-giao để cùng dắt tay nhau cùng đi, cùng nói chuyện nỗi gần xa thời cái thuốc giải-sầu không còn gì hơn nữa. Vì thế vừa đi vừa nghĩ, lẩm-bẩm một mình, chẳng còn biết phố-phường quanh đó là chi cả. Bỗng may sao! Chợt có một người chạy đến, cầm lấy tay Tiếu-Hoa ra lòng thân-thiết hỏi rằng:

— Kìa Tiếu-Hoa hiền-huynh, đi đâu mà ra dáng âu-sầu làm vậy?

Ngẩng mặt lên thời ra bác Ái-Yến. Hai chữ « Ái-Yến » cũng không biết vì đâu mà đặt hiệu, ấy hoặc lại có ý-tứ riêng gì. Ái-Yến lại nói luôn rằng:

— Xem ra thực là bác có vẻ ưu-tư lắm. Thôi tôi vốn đã biết hiền-huynh chỉ hay ham-mê vào những sự thần-bí, hay tư-tưởng những cái viển-vông. Sao đương lúc phong-trào rộn-rã, giống văn-chương giá-trị ở đời, anh em ta cùng hội đầu xanh, tiến-thủ há thiếu gì phương, mà không đem thân-thể thực-hành. Tội chi mải-mệt thần-trí, hao-tổn tâm-lực chỉ vơ-vơ vẩn-vẩn một đời như người trong mộng.... Uổng lắm!

Tiếu-Hoa ôn-hòa mà đáp:

— Xin cảm-tạ nhời vàng tiếng ngọc của nhân-huynh. Chao ôi! Như thế chẳng hóa ngô-huynh nhầm lắm ư? Ngô-huynh nhầm rồi! Con người ta ở trên đời sở-dĩ hơn được các giống động-vật khác là vì có cái tư-tưởng cao xa mà thôi. Huống chi là đương quãng đời đời Á Âu chung hội, mới cũ giao nhau, cách sinh-hoạt, càng ngày càng khó-khăn, cuộc cạnh-tranh càng ngày càng kịch-liệt. Nếu không hết cái năng-lực tư-tưởng của mình để vì người vì đời, thời mình phỏng có được hơn ai.

Ái-Yến cười mà nói rằng:

— À ra quan bác quyết chí làm quốc kêu đồng, ve kêu bụi, chuông báo thức, đuốc soi đường đó ư? Vậy thời mỗi người một chí. Có người tư-tưởng có kẻ thực-hành. Người tư-tưởng để giúp kẻ thực-hành, kẻ thực-hành lại giúp người tư-tưởng.

Ái-Yến nói xong, thời nắm tay Tiếu-Hoa rủ đi chơi dong lát nữa.

Mặt giời hầu gác non đoài, bóng cây xế chiếu, ngọn gió đông hiu-hiu thổi trên cành lá, chim-chóc ríu-rau như chiều tìm tổ, mặt đường xe ngựa rầm-rầm, những người làm việc ở các nơi công-sở tư-gia đã dắt tay nhau ra về. Hai người thiếu-niên ăn mặc từa-tựa nhau, kẻ cao người thấp cùng quàng tay nhau cùng khoan-thai bước một, lững-thững cùng đi, vừa đi vừa ngắm, để mảnh gương mắt mà chụp lấy phong-quang phố-xá.

Giới tà, đường bụi, óc nghĩ, chân đi, chợt qua đường « Julien Blanc » đến chốn nhà in, chữ đề « Trung-Bắc-Tân-Văn » trông mà suy nghĩ. Than ôi! Bể dâu thay đổi, trước kia nơi này nhà nát rào nghiêng, nay đã nên cơ-ngơi đồ-xộ, chốn hào-đường, nơi thư-cục, khiến người ai cũng chú-mục lưu-tâm. Song trước khi mà nhà nát, rào nghiêng, bỏ hoang, bỏ hủy, há chẳng phải là một chốn nguy-nga, một nơi rực-rỡ hơn lúc bây giờ ư? Vật đổi sao dời sau này nào biết ra sao?

Bâng-khuâng tư-tưởng, đồng-hồ giáo-đường đã gọi sáu giờ, cùng nhau thẳng đường đi vào « Trung-ương-thư-viện » (Bibliothèque centrale). Đương đi, chợt thấy tiếng gọi:

— Ông Tiếu-Hoa! ông Tiếu-Hoa!...

Ngoảnh lại thời chẳng thấy chi, mà chẳng biết ai người gọi khách. Than ôi! Cái tiếng thanh-tao nhẹ-nhàng kia, không biết từ đâu ra, mà chỉ nhìn thấy buồng « Henri Rivière » nhà thương bên cạnh, bờ rào găng vườn rau nhà dạo cũng gần kề, con đường cái một vài cái xe phu kéo. Đi chưa được mấy thời lại thấy:

— Ông Tiếu-Hoa tư-tưởng đã được mối gì chưa?

Ồ hay! Ai chòng nghẹo chi Tiếu-Hoa khiến cho chân chẳng buồn đi, đứng ngơ-ngẩn mặt. Thoái-thác để bạn đi mà mình ở lại. Bấy giờ chiều cũng không về nhà ăn cơm nữa.

Đêm khuya người vắng, đường ngắn bước không cùng, sương reo ngọn cỏ, đèn chen lá cây. Bốn bề tịch-mịch thanh-u, trông phong-cảnh như chiều muốn khóc. Khách qua qua lại lại, chỉ thấy gần đó có cái cảnh bên trong, cái tường bao ngoài, cây xanh nhà trắng, cửa đóng người rên. Những tiếng gọi hãi còn như văng-vẳng ở bên tai. Ôi! Có phải là trường thi đây ngày trước, văn-tự tàn-hồn muốn cùng người than khóc nỗi trầm-luân song lại ngượng lời đó chăng? Hay là giang-sơn linh-khí, từng tang thương lắm muôn cùng người bàn-bạc nỗi-niềm ai-oán đó chăng? Chắc không phải oan-hồn những bệnh-nhân vì sự bất-bình vào nhà thương nằm ở buồng này mà thác, gọi người bạch nỗi thương-tích trong lòng! Cũng không có lẽ, những cô « sa-phăm » hay những cô « anh-phe-mi-e » còn đương hiện-tại đến ngày gác ngồi đó ngó cổ ra đưa khách qua đường!

Thôi, đêm sâu gió lạnh, băn-khoăn vô-ích từ cảnh về nhà để ăn cơm: Người ta ai cũng phải ăn mới sống. Các nhà chính-trị Âu-châu có nói: « Trị-dân phải nhớ lấy cơm ăn cho sống đã rồi hãy nói triết-học sau ». Tiếu-Hoa nghĩ đến sự người ta cần phải ăn mà biết rằng tạo-hóa hèn người không sao chối được. Càng thêm tư-tưởng vẩn-vơ hoài. Tiếng gọi là ai gọi? Vẫn chưa nghĩ ra ai ».

Ký-giả cứ ý nguyên-cảo của ông Tiếu-Hoa mà viết lại. Tư-tưởng ông thế nào? Ký-giả yêu ông, mà không biết! Những nhời ông tả như thực như hư, thực cũng không thế nào mà hiểu được. Ký-giả chỉ xin đoán phỏng rằng cái tiếng gọi ấy hoặc là tiếng gọi của tư-tưởng ông...

Viết năm 1920.