CHƯƠNG THỨ BA
Sự vệ-sinh việc phòng bệnh
Cứ bình-tình mà nói thì xứ Bắc-kỳ này, thủy-thổ không được tốt lành. Người bản-xứ hễ đi xa nơi đồng-bằng, hoặc là những miền lưu-vực lớn của nông-dân sinh-nghiệp thì phải bệnh ngay. Dân Thổ mà xuống miền đồng-bằng chốn hạ-du, trong ít ngày cũng sinh bệnh. Dân Mán thì chỉ ở đỉnh núi mới được khỏe mạnh.
Người bản-xứ chen chúc nhau ở miền hạ-du, giả sử bảo đi cầy cấy những nơi phì-nhiêu chi địa ở miền thượng-du, thì đều trả lời rằng: ở đó nước độc.
Tuy rằng ở nơi đồng-bằng là nơi mà người bản-xứ đã quen về thủy-thổ, cũng không thực được khỏe mạnh. Về phần nhiều thì toàn là những người bé nhỏ gầy còm, lại nào là những kẻ mù lòa, nào là những người mắc bệnh phong. Ở nhà-quê thì biết bao nhiêu là người ghẻ lở, nơi thành-thị, những người vào hạng học-thức, thì hầu hết là người yếu còm, mặt mày hốc hác, lắm người đương thuở thiếu-niên mà đã chết non.
Về người Au-châu, khi còn ở nước nhà thì rất khỏe mạnh, sang ở bản-xứ, chỉ trong vài ba năm, đã thấy mệt nhọc, phải giở về mẫu-quốc để tĩnh dưỡng.
Thường đổ cho là thủy-thổ: Bắc-kỳ là một xứ nóng, cho nên khí-tiết độc.
Nói như thế là sai lầm. Tiết-giời nóng bức không độc hơn tiết-giời những xứ khác đâu. Nguyên là những người sinh trưởng ở những xứ lạnh, trong khi ở những xứ nóng mà phải lao-động thì lấy làm khó nhọc, bởi thế trông người bản-xứ như là mỏi mệt, bề ngoài tưởng là lười biếng, nhưng phải biết rằng ở bản-xứ đất thì tốt, hoa-lợi thì rất nhiều, cho nên không cần phải lao động một cách quá-đáng; lại cũng không cần lấy áo-quần là cần lắm: vả người ta nhờ về trí-khôn mà chế ra máy móc để thay vào nhân-công. Thế thì không phải lo nỗi tiết-giời nóng bức làm giảm mất nghị-lực của người ta đâu.
Người ta sở dĩ lắm bệnh-tật, hay yếu mệt, cùng là biếng nhác là vì những nguyên-nhân khác kia.
Những nguyên-nhân này tức là những con vật rất nhỏ, mắt người ta không thể nào trông rõ được: