Trang:Viet Nam phong tuc.pdf/6

Trang này đã được hiệu đính, nhưng cần phải được phê chuẩn.

THIÊN THỨ NHỨT


NÓI VỀ PHONG-TỤC TRONG GIA-TỘC


I.— CHA MẸ VỚI CON

Cha mẹ. — Hai tiếng cha mẹ, nước ta mỗi nơi mỗi gọi cũng hơi khác nhau: Nơi thì gọi là Bố là Đẻ, nơi thì gọi là Thầy là U. Về đường ngược (Hưng-Hóa) thì gọi là Mệ là Bầm, về đường trong thì gọi là Cha là Bụ. Nam-kỳ thì gọi cha là Tía, gọi mẹ là Má. Ở đây bây giờ lại nhiều người cho con gọi cha là Ba, gọi mẹ là Me. Còn các nhà hiếm hoi thì chẳng cứ gì, người thì cho con gọi là Chú-Thím, người thì cho con gọi là Anh-Chị, Cậu-Mợ... Ngày xưa lại có tiếng gọi mẹ là Cái nữa, tiếng ấy thì bây giờ không đâu dùng.

Sinh con. — Đàn bà có mang, ai cũng muốn sinh con trai mà ít người muốn sinh con gái. Hàng xóm bà con nghe thấy sinh con trai thì mừng. Trong khi có mang, váng đầu đau mình gọi là ốm nghén; hay thèm ăn của chua của chát, gọi là ăn rở. Đến lúc sinh sản, mời bà tấm đến đỡ, con xổ ra rồi thì cắt rốn chôn nhau. Chôn phải sâu, nếu chôn nông thì con hay trớ; mà phải tránh chỗ giọt tranh, kẻo về sau con chốc đầu toét mắt.

Người mẹ thì phải kiêng khem gió máy, phải nằm than. Ăn cơm chỉ ăn muối trắng hấp hay là nước mắm chưng, vài ba hôm mới dám ăn đến thịt. Đầy cữ (con