nội giết đại-úy Francis Garnier thì cũng như đại-úy Francis Garnier giết ông Nguyễn tri Phương, việc đó xuất ư ý ngoại, chứ có phải lỗi chúng ta đâu. Bây giờ chúng ta ra đây, mắt chưa trông thấy việc gì cả, mới nghe thấy tin báo mà đã bỏ về, thế chẳng hóa ra mình đi uổng mất công không hay sao? Chi bằng ta cho người đưa thư lên Hà-nội bảo đem tàu xuống đón, chúng ta sẽ lên tới nơi, hoặc là cứ theo mệnh-lệnh mà làm, hoặc là xét rõ duyên-do tại làm sao mà đại-úy Francis Garnier chết, rồi sẽ báo tin, thế chẳng ổn việc lắm hay sao? » Ông Philastre nghe lời ấy, bèn sai người đưa thư lên cho Hà-nội biết.
Ngay lúc ấy có tàu « Decrès » còn đóng ở gần Đồ-sơn, ông Philastre muốn sang tàu ấy để cho chiếc tàu mình đi là « D'Estrées » trở về báo tin cho Sài-gòn biết. Nguyễn văn Tường ngăn đi rằng: « Tàu của mình đã vào cửa rồi lại trở ra, nhỡ sĩ-dân biết, lại bắt chước Hà-nội mà làm bậy, thì làm thế nào mà ngăn-cấm được; sợ có việc tổn-hại, thì lấy lẽ gì mà bẩm với quí súy. Vậy nay xin sai chiếc tàu « Decrès » ra bể, đuổi đánh những giặc Tàu-ô, còn cứ đem tàu « D'Estrées » vào đến Hải-phòng, rồi ta lên Hải-dương, đem trả tỉnh-thành lại cho bản-triều, để tỏ cái lòng tin cho sĩ-dân biết, sau ta lên Hà-nội, trả nốt cả mấy thành kia, và tra-hỏi việc đại-úy Francis Garnier chết ra thế nào sẽ bẩm cho quí-súy biết ».
Ông Philastre vốn là một người rất công-bằng, lại thấy ông Nguyễn văn Tường nói hợp lẽ, bèn thuận nghe, và lên Hải-dương truyền trả thành lại cho quan ta, rồi lên Hà-nội làm tờ giao-ước trả lại cả 4 thành cho quan ta coi giữ. Còn những tàu-bè và quân lính của Pháp ở các tỉnh thì thu cả về Hà-nội, rồi đinh ngày rút quân ra đóng ở Hải-phòng đợi đến ngày ký tờ hòa-ước xong thì rút về. Bấy giờ là tháng giêng năm giáp-tuất (1874), là năm Tự-đức thứ 27.
Đồ-phổ-Nghĩa thấy ông Philastre phá mất cả những việc của mình đã làm với đại-úy Francis Garnier, bèn vào Sài-gòn kêu với súy-phủ và đòi tiền phí-tổn non một triệu nguyên.