mình. Nhưng trừ những nơi ruộng nhiều người ít và đất lại phì-nhiêu như đất ở Nam-Việt, còn thì đất xấu và lại vì khí-hậu không điều-hòa, nắng mưa thất thường, việc cày-cấy gặp nhiều nỗi khó-khăn. Dân ở nhà quê, phần nhiều ăn nhờ về ruộng-nương, hễ năm nào mưa hòa gió thuận, mùa màng tốt thì năm ấy dân được no-ấm, nhưng năm nào mưa lụt hay hạn hán, mùa-màng mất hết, thì dân đói khổ.
Sĩ: Sĩ là hạng người chuyên nghề đi học, hoặc để thi đỗ ra làm quan, hoặc để đi dạy học, làm thầy thuốc, thầy địa-lý, thầy bói, thầy tướng, thầy số v.v. là những nghề phong-lưu nhàn-hạ.
Sự học của nước ta ngày trước có bộ Lễ coi việc giáo-hóa cả toàn nước. Ở tỉnh có quan Đốc-học, ở phủ có quan Giáo-thụ, ở huyện và ở châu thì có quan Huấn-đạo, là những người có khoa-mục, triều-đình bổ ra coi việc giáo-dục ở các hạt, và mỗi người coi một trường công ở trong hạt. Những sĩ-tử học ở các trường tư-thục đã khá khá đều được đến học-tập ở các trường công của quan Đốc, quan Giáo hay quan Huấn, đợi đến khi có khoa thi Hương, thì ra ứng thí. Năm nào có khoa thi, thì các quan Huấn-đạo, Giáo-thụ và Đốc-học mở cuộc khảo học-trò để lựa-chọn những người có đủ sức mới cho ra ứng thí.
Lệ nhà vua cứ ba năm mở khoa thi Hương ở các địa-phương. Những người đỗ cao ở khoa thi Hương gọi là cử-nhân, những người đỗ thấp gọi là Tú-tài. Năm sau ở Kinh-đô mở khoa thi Hội tại bộ Lễ, những người đỗ Cử-nhân năm trước vào ứng thí, ai trúng cách thì được vào thi Đình ở trong điện nhà vua để lấy các bậc Tiến-sĩ, là những bậc đại khoa, người trong nước rất lấy làm quí-trọng.
Mỗi khi có khoa thi Hương, các quan ở kinh ra chấm thi có cái biển đề bốn chữ: Phụng chỉ cầu hiền 奉 旨 求 賢 nghĩa là: vâng chỉ vua ra tìm người giỏi. Vậy sự thi-cử ngày trước có cái ý-nghĩa khác sự thi-cử ngày nay.
Đó là nói cách tổ-chức việc giáo-hóa của triều-đình. Còn ở chỗ dân-gian, thì sự học-tập rất tự-do. Bất kỳ người nào