Gần đây Nhật-bản theo các nước Thái-tây cho người đi buôn-bán khắp cả mọi nơi. Nước Tàu cũng bắt-chước cho người ngoại-quốc ra vào buôn-bán. Nước ta, người khôn-ngoan, lại có lắm sản-vật, nên theo người ta mà làm thì cũng có thể giữ được quyền độc-lập của nước nhà.
Năm ấy lại có quan hàn-lâm-viện tu-soạn là Phan Liêm 潘 蘝 làm sớ mật tâu việc mở sự buôn-bán, sự chung vốn lập hội, và xin cho người đi học nghề khai mỏ. Giao cho đình-thần xét, các quan đều bàn rằng việc buôn-bán không tiện, còn việc khác thì xin đòi hỏi các tỉnh xem thể nào, rồi sẽ xét lại. Ấy cũng là một cách làm cho trôi chuyện, chứ không ai muốn thay-đổi thói cũ chút gì cả. Nhân việc đó vua Dực-tông khuyên rằng các quan xét việc thì nên cẩn-thận và suy-nghĩ cho chín, nhưng cũng nên làm thế nào cho tiến-bộ, chứ không tiến, thì tức là thoái vậy.
Xem lời ấy thì không phải là vua không muốn thay-đổi. Chỉ vì vua thì ở trong cung điện, việc đời không biết rõ, phải lấy các quan làm tai làm mắt, mà các quan thì lại số người biết thì ít, số người không biết thì nhiều. Những người có quyền-tước thì lắm người trông không rõ, nghe không thấy, chỉ một niềm giữ thói cũ cho tiện việc mình. Lại có lắm người tự nghĩ rằng mình đã quyền cả ngôi cao, thì tất là tài giỏi hơn người, chứ không hiểu rằng cái tài giỏi không cần phải nhiều tuổi, sự khôn-ngoan không phải làm quan to hay là quan nhỏ. Cái phẩm giá con người ta cốt ở tư-tưởng, học-thức, chứ không phải ở tiền của hay là ở quyền-tước.
Đến khi nước Pháp đã sang lấy đất Nam-kỳ, đã ra đánh Bắc-kỳ, tình-thế nguy-cấp đến nơi rồi, thế mà cứ khư-khư giữ lấy thói cổ, hễ ai nói đến sự gì hơi mới một tí, thì bác đi. Như thế thì làm thế nào mà không hỏng việc được.
Đã hay rằng vua có trách-nhiệm vua, quan có trách-nhiệm quan, dẫu thế nào vua Dực-tông cũng không tránh khỏi cái lỗi với nước nhà, nhưng mà xét cho xác lý, thì cái lỗi của đình-thần lúc bấy giờ cũng không nhỏ vậy.