Trương phúc Loan là người tham-lam, làm nhiều điều tàn-ác, trong nước ai ai cũng oán-giận, bởi thế cho nên, ở phía nam thì có Tây-sơn 西 山 dấy binh đánh phá tại đất Qui-nhơn; ở mặt bắc thì có quân họ Trịnh vào lấy đất Phú-xuân, làm cho cơ-nghiệp họ Nguyễn xiêu-đổ vậy.
2. TÂY-SƠN DẤY BINH. Lúc bấy giờ ở huyện Phù-ly 苻 蘺 (nay đổi là Phù-cát) đất Qui-nhơn, có người tên là Nguyễn Nhạc 阮 岳 khởi binh phản-đối với chúa Nguyễn.
Nguyên ông tổ bốn đời của Nguyễn Nhạc là họ Hồ cùng một tổ với Hồ quý Ly ngày trước, người ở huyện Hưng-nguyên, đất Nghệ-an, gặp lúc chúa Trịnh, chúa Nguyễn đánh nhau, bị bắt đem vào ở ấp Tây-sơn 西 山 邑[1] thuộc đất Qui-nhơn. Đến đời ông thân-sinh là Hồ phi Phúc 胡 丕 福 dời nhà sang ở ấp Kiên-thành 堅 城 邑, nay là làng Phú-lạc 富 樂, huyện Tuy-viễn, sinh được 3 người con: trưởng là Nhạc 岳, thứ là Lữ 侣, thứ ba là Huệ 惠.
Anh em ông Nhạc muốn khởi loạn, mới lấy họ mẹ là Nguyễn để khởi sự cho dễ thu-phục nhân tâm, vì rằng đất trong Nam vẫn là đất của chúa Nguyễn.
Nguyễn Nhạc trước làm biện-lại ở Vân-đồn, cho nên sau người ta thường gọi là biện Nhạc. Nhưng vì tính hay đánh bạc, tiêu mất cả tiền thuế, sợ phải tội, bỏ đi vào rừng làm giặc. Đến năm tân-mão (1771) mới lập đồn-trại ở đất Tây-sơn, chiêu-nạp quân-sĩ, người theo về càng ngày càng đông. Thường hay lấy của nhà giàu cho nhà nghèo, cho nên những kẻ nghèo-khổ theo phục rất nhiều.
Thế Nguyễn Nhạc mỗi ngày một mạnh, quân nhà chúa đánh không được. Vả lại Nhạc là một người có can-đảm và lắm cơ-trí; một hôm định vào lấy thành Qui-nhơn, bèn lập mưu, ngồi vào trong cái cũi, cho người khiêng vào nộp quan Tuần-phủ ở đấy là Nguyễn khắc Tuyên. Nguyễn khắc
- ▲ Ấp Tây-sơn nay là đất thôn An-khê 安 溪 và thôn Cửu-an 久 安, thuộc phủ Hoài-nhân. Vì anh em Nguyễn Nhạc khởi nghiệp ở chỗ ấy, nên mới gọi là nhà Tây-sơn.