Trang:Viet Nam Su Luoc 1.djvu/89

Trang này đã được phê chuẩn.
KẾT QUẢ CỦA THỜI BẮC - THUỘC — 77
 

Đến đời Nam-Bắc-triều, vua Hiến Minh 孝 明 nhà Ngụy 魏 sai tăng là Huệ Sinh 惠 生 và Tống Vân 宋 雲 sang Tây-vực lấy được hơn 170 bộ kinh đem về. Từ đó đạo Phật rất thịnh, kinh điển có đến 450 bộ, chùa-chiền được hơn 3 vạn, tăng-ni có đến 2 triệu người.

Đời vua Thái-Tông 太 宗 nhà Đường (630), có ông Huyền Trang 玄 奘 (tục gọi là Đường-tăng hay Đường Tam-tạng) đi sang Ấn-độ ở hơn 10 năm lấy được 650 bộ kinh nhà Phật. Đến đời vua Cao-tông 高 宗 (672) ông Nghĩa Tĩnh 義 淨 lại sang Ấn-độ lấy được 400 bộ kinh nhà Phật nữa.

Từ đời nhà Đường trở đi, thì ở bên Tàu đạo Phật càng ngày càng thịnh, mà người đi lấy kinh cũng nhiều.

5. SỰ TIẾN-HÓA CỦA NGƯỜI NƯỚC NAM. Khi những đạo Nho, đạo Khổng, đạo Phật phát-đạt bên Tàu, thì đất Giao-châu ta còn thuộc về nước Tàu, cho nên người mình cũng theo những đạo ấy. Về sau nước mình đã tự-chủ rồi, những đạo ấy lại càng thịnh thêm, như là đạo Phật thì thịnh về đời nhà Đinh 丁, nhà Tiền Lê 前 黎 và nhà Lý 李, mà đạo Nho thì thịnh từ đời nhà Trần 陳 trở đi.

Phàm phong-tục và chính-trị là do sự học-thuật và tông-giáo mà ra. Mà người mình đã theo học-thuật và Tông-giáo của Tàu thì điều gì ta cũng noi theo Tàu hết cả. Nhưng xét ra thì điều gì mình cũng thua-kém Tàu, mà tự người mình không thấy có tìm-kiếm và bày đặt ra được cái gì cho xuất sắc, gọi là có cái tinh-thần riêng của nòi-giống mình, là tại làm sao?

Có lẽ một là tại địa-thế nước Nam ta, hai là cách ăn ở của người mình.

Phàm sự tiến-hóa của một xã-hội cũng như công-việc của một người làm, phải có cái gì đó nó đun-đẩy mình, nó bắt phải cố sức mà tiến-hóa thì mới tiến-hóa được. Sự đun-đẩy ấy là sự cần-dùng và sự đua-tranh.