Sử chép rằng Cao Biền dùng phép phù-thủy khiến Thiên-lôi phá những thác-ghềnh ở các sông để cho thuyền-bè đi được. Thiên-lôi ấy có lẽ là Cao Biền dùng thuốc súng chăng?
Tục lại truyền rằng Cao Biền thấy bên Giao-châu ta lắm đất đế-vương, thường cứ cỡi diều giấy đi yểm đất, phá những chỗ sơn-thủy đẹp, và hại mất nhiều long-mạch. Những chuyện ấy là chuyện ngoa ngôn, không có lẽ gì mà tin được.
Năm ất-vị (875) vua nhà Đường sai Cao Biền sang làm Tiết-độ-sứ ở Tây-xuyên (Tứ-xuyên). Biền dâng người cháu họ là Cao Tầm 高 潯 làm Tiết-độ-sứ ở Giao-châu.
Nhà Đường tuy lấy lại được đất Giao-châu nhưng bên Tàu lại sắp loạn, giặc cướp dần dần nổi lên, ngôi nhà vua cũng dần dần sắp đổ, nước Tàu lại chia rẽ làm mấy nước, cho nên ở xứ Giao-châu cũng có sự biến-cải.
10. SỰ TRỊ-LOẠN CỦA NƯỚC TÀU. Xét chuyện nước Tàu từ đời nhà Hán 漢 cho đến đời bấy giờ, cứ mỗi nhà lên cầm quyền chính-trị được vài ba trăm năm, rồi trong nước lại biến loạn, nam bắc phân tranh độ chừng năm bảy mươi năm, khi ấy có một nhà đứng lên dẹp loạn yên nước, lập lên cơ-nghiệp một nhà khác.
Phàm sự trị-loạn thay-đổi trong một xã-hội là thường lý, nhưng chỉ lạ có một điều mấy lần bên Tàu loạn cũng tương-tự như nhau cả. Xem như khi nhà Hán suy, thì nước Tàu phải loạn Tam-quốc; hết Tam-quốc thì có nhà Tấn nhất-thống. Đến khi nhà Tấn suy, thì có Nam Bắc-triều; hết Nam Bắc-triều thì có nhà Đường nhất-thống. Nay thì nhà Đường suy lại phải cái loạn Ngũ-Quí. Cái cơ-hội trị-loạn bên Tàu giống nhau như thế là cũng có lẽ tại cái phong-tục và cái xã-hội của Tàu. Sự giáo-dục không thay-đổi, nhân-quần trong nước không tiến-bộ, cách tư-tưởng không khai-hóa, cho nên nước tuy lâu đời, mà trình-độ xã-hội vẫn đứng nguyên một chỗ. Khi có biến-loạn là chỉ có mấy người có quyền-thế tranh-cạnh với nhau, chứ dân trong nước hễ thấy bên nào mạnh